Hành vi của mọi người sau khi trưởng thành đều gắn bó chặt chẽ với trải nghiệm thời thơ ấu. Trẻ em được nuôi dưỡng bởi một gia đình tốt sẽ có tính cách lành mạnh hơn và có thể đối mặt với thử thách, khó khăn bằng một thái độ tốt.
Mặc dù gặp khó khăn trong việc khẳng định phương pháp nuôi dạy con nào là lý tưởng vì các nhà nghiên cứu thường không theo sát các gia đình lâu dài, nhưng có một số hành vi ở bố mẹ được các nhà khoa học khẳng định là có thể gây ra các vấn đề tiêu cực cho con cái. Chẳng hạn như con cái có thái độ chống đối, nổi loạn và xa cách...
Con cái thù ghét cha mẹ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho cả hiện tại và tương lai. Nếu giữ tâm lý này, con cái sẽ dần xa cách với gia đình, sống tách biệt, cô lập, thiếu tự tin và nhút nhát. Một số trẻ có thể hình thành tính cách ngỗ ngược, hung hăng, chống đối và bạo lực. Trẻ cũng sẽ gặp nhiều phiền toái trong môi trường học đường và khó khăn trong tìm kiếm công việc.
Có hai kiểu cha mẹ dễ khiến con cái trở thành người "đối địch", phụ huynh cần lưu ý để cải thiện sớm:
1. Cha mẹ luôn cãi nhau ầm ĩ
Hầu hết bố mẹ nào cũng nhận thấy rằng việc cãi nhau trước mặt con là điều không nên. Nhưng một khi có xung đột, theo bản năng, họ không có khả năng kiềm chế cảm xúc. Từ đó, những cuộc cãi cọ vẫn nổ ra như thường. Và con trẻ là người phải hứng chịu những hậu quả nặng nề nhất.
Hành vi cãi vã của cha mẹ sẽ khiến con cái cảm thấy bất lực và lo lắng. Một nghiên cứu cho thấy, đứa trẻ 6 tháng tuổi có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những tranh cãi gay gắt của cha mẹ. Trẻ từ 1 đến 19 tuổi có thể nhạy cảm với những xung đột trong hôn nhân của cha mẹ.
Khi chứng kiến bố mẹ cãi nhau công khai, em bé dù mới 6 tháng tuổi đã có phản ứng cảm xúc mạnh ví dụ như nhịp tim tăng cao hơn so với lúc chứng kiến cảnh mâu thuẫn của những người lạ. Còn trẻ ở lứa tuổi lớn có thể bị ảnh hưởng lớn hơn, đặc biệt thường có biểu hiện bên ngoài như hung hăng, thù địch và bạo lực hơn, còn bên trong thì tự kỷ, lo lắng, buồn phiền và thậm chí có ý nghĩ tự tử.
Khi thấy bố mẹ cãi nhau trước mặt mình, trẻ em sẽ học được rằng lớn tiếng là cách giải quyết vấn đề. Từ đó trẻ em sẽ bắt chước và giải quyết các vấn đề cá nhân của mình bằng cãi vã và thậm chí là đánh nhau.
2. Cha mẹ bảo vệ quá mức
Nhiều cha mẹ can thiệp quá nhiều vào cuộc sống của con, không cho con cơ hội tự mình đưa ra quyết định và phát triển độc lập. Họ tin rằng chỉ có như vậy mới có thể bảo vệ con khỏi bị tổn hại mà không biết rằng, khi cảm thấy bị ràng buộc và hạn chế, nhiều đứa trẻ bắt đầu phẫn nộ với cha mẹ và coi họ như "kẻ thù" của mình. Bị tước đi khả năng đưa ra những lựa chọn có ý nghĩa, trẻ rất dễ trở nên lo lắng, thiếu phản ứng, đầy giận dữ và thay đổi bản thân theo hướng tiêu cực.
Tiến sĩ William Stixrud, một nhà Tâm lý học thần kinh lâm sàng làm việc tại Trung tâm Y tế Quốc gia Trẻ em và trường Đại học Y khoa - ĐH George Washington (Mỹ) cho biết, trẻ em chỉ có thể thực sự phát triển "quyền tự chủ" khi chúng cảm thấy có thể chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình và có được hướng đi mà chúng muốn trong cuộc đời.
Tiến sĩ William Stixrud thường khuyên các bậc cha mẹ thay đổi cách diễn đạt: "Bố mẹ có thể giúp gì cho con?" thay vì ra lệnh. Cha mẹ nên ngừng làm "ông chủ" hay "người quản lý" của con cái và thử đóng vai trò "cố vấn". Họ nên tôn trọng trẻ, trao cho trẻ nhiều quyền tự chủ hơn, để trẻ nhận ra đây là bài tập về nhà của chính mình và trẻ phải hoàn thành, còn cha mẹ sẽ chỉ ở bên giúp đỡ.