Hầu hết những thị trấn này đều đã từng là những nơi phồn vinh và phát triển, nhưng qua năm tháng cùng với những biến động của lịch sử những địa danh này dần biến đổi, khoác lên mình vẻ hoang vắng, cô tịch và có chút gì đó vô cùng ghê rợn.
Có thị trấn bị bỏ hoang là do những cuộc di dân kinh tế, nhưng cũng có nơi là do chiến tranh hoặc vì nghèo đói. Dù với bất kì nguyên nhân gì, những thị trấn này đều có một lịch sử, một câu chuyện vô cùng phi thường và hấp dẫn.
Chính vì thế, ngày nay dù vắng đi bóng dáng của con người nhưng những thị trấn này vẫn không ngừng thu hút du khách và cả những nhà làm phim tìm đến để tham quan, lấy bối cảnh và cùng trải nghiệm cảm giác hoang vắng đến ma mị của những ‘thị trấn ma’ nổi tiếng này.
1. Thị trấn Varosha, Cyprus
Từ một trong những nơi phồn vinh nhất Địa Trung Hải, Varosha trở thành một 'thị trấn ma' không một bóng người.
Trước thập niên 1970, thị trấn Varosha từng là một trong những địa danh nổi tiếng ở Địa Trung Hải. Đây còn là nơi thu hút rất nhiều người nổi tiếng thời bấy giờ đến sinh sống hoặc nghỉ dưỡng, trong đó có thể kể đến như Brigitte Bardot hay Elizabeth Taylor.
Năm 1974, khi Thổ Nhĩ Kì xâm lược Cyprus, khoảng 15.000 cư dân nơi đây đã bỏ trốn khỏi thị trấn mà không mang theo bất cứ thứ gì. Từ một nơi phồn vinh nhất nhì Địa Trung Hải, hiện tại thị trấn Varosha đã trở thành một đống đổ nát hoang tàn, không bóng người sinh sống.
Ngày nay, mặc dù rất nhiều cư dân chạy trốn trước đó rất mong muốn được trở về lại quê hương nhưng mong ước này hầu như không thể thực hiện được vì những bất ổn chính trị không ngừng leo thang trong khu vực.
2. Kilamba New City, Angola
Do không đủ tiền để chi trả nên dù đã được xây dựng từ rất lâu nhưng khu đô thị Kilamba vẫn không có người đến sinh sống.
Kilamba New City nằm cách thủ đô Luanda của Angola khoảng 30 km. Ban đầu khu đô thị này được xây dựng với mục đích cung cấp nhà ở cho hơn 200.000 người.
Tuy nhiên, sau khi công trình được hoàn thành, người dân địa phương lại không đủ khả năng để mua nhà dưới bất kì hình thức nào dù là mua trả góp. Khu đô thị này cứ thế dần bị bỏ hoang tạo nên khung cảnh hoang sơ tiêu điều khiến nhiều người đi qua phải sởn tóc gáy.
Trong vài năm trở lại đây, tình hình của khu đô thị đã có phần lạc quan hơn khi giá nhà ngày một giảm dẫn đến nhu cầu về nhà ở tăng cao. Hiện dân số ở khu đô thị này đang có sự gia tăng rõ rệt.
3. Craco, Ý
Vẻ ma mị của Craco đã trở thành bối cảnh của rất nhiều những bộ phim nổi tiếng như Quantum of Solace hay The Passion of the Christ.
Trước đây Craco cũng từng là một trong những thị trấn phồn vinh của Ý nhưng nơi này lại ngày càng hoang vắng do thiên tai liên tiếp xảy ra, trong đó thường xuyên nhất chính là sạt lở đất và lũ lụt. Để bảo vệ tính mạng của bản thân và gia đình, những cư dân ở đây đều lần lượt bỏ đi.
Số lượng ngày một nhiều khiến thị trấn ngày càng đìu hiu và hoang vắng. Năm 1980, sau một trận động đất kinh hoàng, những cư dân cuối cùng cũng quyết định bỏ đi. Craco chính thức biến thành nơi không một bóng người.
Ngày nay, dù không còn người dân sinh sống nhưng Craco lại là một trong những địa danh được khách du lịch cũng như những nhà làm phim tìm đến nhiều nhất ở Ý.
Đa số những người này đều bị thu hút bởi sự bí ẩn và ma mị của thị trấn này. Nhờ thế Craco đã từng xuất hiện trong rất nhiều bộ phim và các chương trình truyền hình trong đó phải kể đến như Quantum of Solace hay The Passion of the Christ.
4. Kayaköy, Thổ Nhĩ Kì
Kayaköy chính thức trở thành 'thị trấn ma' năm 1923 sau cuộc chiến giữa Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đây, Kayaköy là một thị trấn vô cùng phồn vinh, là nơi sinh sống của gần 2000 người Hi Lạp. Tuy nhiên, sau cuộc chiến tranh giữa Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ năm 1923, ngôi làng liền bị bỏ hoang.
Sau khi chiến tranh kết thúc, toàn bộ cư dân đã bỏ đi của thị trấn đều bị cấm, không được phép trở lại nơi này. Đây được xem như kết quả của quá trình trao đổi dân cư diễn ra giữa hai nước Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày nay một vài ngôi nhà trong thị trấn vẫn có người sinh sống nhưng hầu hết đều bị bỏ hoang. Thỉnh thoảng chỉ có du khách hoặc những người bán dạo xuất hiện tại khu vực này.
5. Kolmanskop, Namibia
Kolmanskop trước đây từng là một nơi khai thác kim cương sầm uất nhất ở Namibia.
Vào thập niên những năm 1900 sau khi một công nhân người Đức tìm thấy kim cương tại khu vực này thì Kolmanskop bỗng chốc liền trở thành một thị trấn sầm uất và nhộn nhịp nhất ở Namibia.
Hầu như thứ gì bạn cũng có thể tìm thấy được ở nơi đây từ bệnh viện, trạm xăng, phòng khiêu vũ, nhà máy sản xuất nước đá, trường học, sòng bạc cho đến hội trường phục vụ các hoạt động thể thao. Nơi đây thậm chí còn cả một trung tâm chụp x-quang.
Tuy nhiên, khi nguồn kim cương dần khan hiếm và một mỏ kim cương khác lớn hơn nằm ở một nơi cách xa thị trấn được phát hiện, Kayaköy liền bị bỏ hoang.
Ngày nay, nhiều du khách và nhiếp ảnh gia thường xuyên tìm đến nơi đây trải nghiệm cảm giác rợn người khi đứng giữa "thị trấn ma quái" này.
6. Pripyat, Ukraine
Thị trấn Pripyat bị bỏ hoang sau thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.
Sự kiện nổ lò phản ứng hạt nhân tại Chernobyl năm 1986 được xem là một trong những sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sự nhân loại. Vốn là một thị trấn nằm kế bên Chernobyl nên khi thảm họa xảy ra, Pripyat cũng chịu ảnh hưởng nặng nề không thua gì Chernobyl.
Khi bức xạ bị rò rỉ, toàn bộ cư dân nơi đây buộc phải bỏ lại tất cả, tháo chạy thật nhanh để bảo vệ tính mạng. Kết quả là, Pripyat từ một nơi với gần 50.000 cư dân sinh sống liền trở thành một "thị trấn ma" không một bóng người.
Hiện tại sau hơn 30 năm, Pripyat vẫn là một thị trấn bị bỏ hoang và đang bị tàn phá nghiêm trọng. Tuy nhiên, du khách đã có thể vào tham quan, khám phá thị trấn này vì mức độ bức xạ đã suy giảm, không thể gây hại cho cơ thể người nếu chỉ ở đây trong thời gian ngắn.
7. Copehill Down, Anh
Copehill Down vốn được xây dựng để làm căn cứ huấn luyện quân sự nhưng kì lạ là từ khi được xây dựng đến nay nơi đây chưa từng có bóng dáng con người đến sinh sống.
Copehill Down vốn là một căn cứ huấn luyện quân sự của Anh đã được xây dựng trông giống như một ngôi làng ở Bavaria của Đức. Tuy nhiên, ngôi làng dường như chỉ là một trò trá hình vì từ khi xây dựng cho đến nay nơi đây chưa từng có người nào đến để sinh sống.
8. Centralia, Mỹ
Ngọn lửa của vụ cháy hầm mỏ năm xưa hiện vẫn âm ỉ ngay bên dưới lòng đất của thị trấn Centralia.
Centralia từng là một khu mỏ lớn nhất ở bang Pennsylvania nhưng vụ cháy hầm mỏ năm 1962 đã làm thay đổi tất cả. Nhiều người dân đã phải sơ tán do không khí bị ô nhiễm, đường sá hư hỏng và hơn hết là do ngọn lửa của vụ hỏa hoạn vẫn còn âm ỉ cháy bên dưới lòng đất cho đến tận ngày nay.
Mặc dù hầu hết cư dân đều đã bỏ đi nhưng thị trấn này vẫn còn khoảng 10 người vẫn tiếp tục bám trụ. Năm 2013, chính quyền địa phương cũng đã chấp nhận cho phép họ định cư lâu dài tại khu vực này.
9. Döllersheim, Áo
Hitler đã cho di tản toàn bộ cư dân ở Döllersheim để lấy nơi đây làm nơi huấn luyện quân đội.
Năm 1938, Hitler đã ra lệnh di tản toàn bộ người dân của thị trấn Döllersheim – nơi yên nghỉ của bà Hitler để lấy chỗ làm nơi tập luyện cho đội quân Wehrmacht. Kể từ đó, thị trấn này dần trở nên hoang vắng và bị bỏ hoang cho đến tận hôm nay với những tòa nhà đã vô cùng mục nát.
10. Tianducheng ( Paris thu nhỏ), Trung Quốc
Dù được xây dựng giống y như phiên bản chính nhưng những khu đô thị này lại không có người sinh sống.
Nhiều năm trở lại đây, trào lưu xây dựng những khu đô thị là bản sao của những địa danh nổi tiếng trên thế giới đang nở rộ tại Trung Quốc và Tianducheng hay thường được gọi với cái tên Paris thu nhỏ ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang là một nơi như thế.
Mặc dù được xây dựng giống y như thật nhưng lại không có nhiều người mặn mà với cuộc sống ở đây. Trong khi cả khu đô thị có thể chứa đến 100.000 người nhưng chỉ có khoảng 2.000 căn hộ có người sinh sống. Nhìn tổng thể cả khu đô thị như một ‘thị trấn ma’ thỉnh thoảng mới thấy được bóng người.
11. Khu đô thị Francisco Hernando, Sesena, Tây Ban Nha
Vốn được kì vọng là một khu đô thị đẹp và hoành tráng bậc nhất châu Âu nhưng Francisco Hernando lại hoang vắng vì không ai đến sống.
Khu đô thị này được chính đại gia bất động sản Francisco Hernando lên kế hoạch đầu tư và xây dựng. Trong quá trình thi công, nó đã được kì vọng là một trong những khu đô thị đẹp và hoành tráng nhất châu Âu.
Nhưng khi hoàn thành, Francisco Hernando lại lâm vào tình trạng hoang vắng do không ai đến ở. Một phần nguyên nhân là do lạm phát kinh tế. Phần còn lại là do khu đô thị này thiếu thốn những tiện ích cần thiết phục vụ cho cuộc sống như gas hay nước.
Hiện tại Francisco Hernando đang dần khắc phục những thiếu sót, thêm vào các tiện ích và đã thu hút được dân cư đến sinh sống.
12. Pegrema, Nga
Những căn nhà gỗ bị xuống cấp nghiêm trọng bắt đầu sụp đổ ở Pegrema.
Ngôi làng Pegrema nằm ở bên bờ hồ Onega thuộc quận Medvezhyegorsky của Cộng hòa Karelia là một trong những nơi sinh sống lý tưởng với những căn nhà gỗ xinh đẹp hướng ra mặt hồ yên tĩnh.
Tuy nhiên, nơi đây đã bị bỏ hoang từ sau cuộc Cách mạng Nga và những ngôi nhà gỗ đã bắt đầu sụp đổ theo năm tháng.
13. Tawergha, Libya
Vẻ hoang vắng đến đáng sợ của thị trấn Tawergha.
Thị trấn này đã từng phải chứng kiến những cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt trong cuộc Nội chiến ở Libya năm 2011. Trước khi chiến tranh xảy ra, nơi đây từng là nhà của gần 30.000 cư dân nhưng sau khi cuộc chiến kết thúc thị trấn này liền trở nên hoang vắng, không một bóng người sinh sống.
14. Oradour-Sur-Glane, Pháp
Ngôi làng Oradour-Sur-Glane đã từng trải qua cuộc thảm sát kinh hoàng của phát xít Đức khiến toàn bộ dân làng để thiệt mạng.
Tháng 6/1944, phát xít Đức mở cuộc tấn công vào ngôi làng Oradour-Sur-Glane, Pháp để trả thù vì cho rằng thị trấn này đã ủng hộ cho Phong trào kháng chiến của Pháp. Khoảng 642 dân làng đã bị giết hại, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em. Cả ngôi làng chìm trong biển lửa và bị phá hủy hoàn toàn.
Năm 1958, một thị trấn mới đã được xây dựng ở gần ngôi làng cũ nhưng không một ai dám đặt chân đến nơi đây vì những tàn tích của thị trấn cũ vẫn còn đó như một dấu ấn tưởng niệm cho những nạn nhân của cuộc thảm sát.
Nhiều người nói rằng họ đã từng nhìn thấy những linh hồn người chết đi lang thang quanh ngôi làng vào ban đêm.
15. Đảo Hashima, Nhật Bản
Đảo Hashima từng là một trong những nơi đông dân nhất thế giới cho đến khi mỏ khai thác than bị đóng cửa và toàn bộ nhân công đều trở về đất liền.
Năm 1887, hòn đảo này được xây dựng với mục đích trở thành một mỏ khai thác than đá dưới đáy biển lớn nhất trên thế giới đồng thời vừa là nơi ở cho các công nhân đến làm việc tại đây.
Ở thời kì hoàng kim, hòn đảo này đông dân đến nỗi hơn 5000 người phải cùng nhau chen chúc trong một toà nhà diện tích khoảng 160 m2. Tại thời điểm đó, đảo Hashima được mệnh danh là một trong những nơi đông dân nhất trên thế giới.
Tuy nhiên đến thập niên những năm 50, nhu cầu về than đá ngày một giảm do sự xuất hiện của dầu mỏ. Những công nhân trên đảo đều lần lượt trở về đất liền. Đến năm 1974, hòn đảo chính thức bị đóng cửa trở thành một nơi hoang vắng, đổ nát cho đến tận ngày hôm nay.
Mới đây hòn đảo này đã trở thành nơi trú ẩn khi bị truy bắt của điệp viên James Bond trong bộ phim bom tấn của Hollywood - Skyfall ra rạp năm 2012.