1.000 USD là quá cao? Chưa đâu, giá điện thoại iPhone và Android sẽ còn cao hơn nữa!

Tấn Minh, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 08/08/2018
Chia sẻ

Nếu bạn nghĩ rằng chi ra 1.000 USD để sở hữu một chiếc iPhone X là quá mức tưởng tượng thì hãy sẵn sàng tinh thần, bởi đó chỉ là sự khởi đầu mà thôi.

Việc chi ra 1.000 USD cho một chiếc điện thoại không còn là điều gì đó đáng cười nữa. Trên thực tế, đây có lẽ là một điều bình thường trong thời buổi hiện nay.

Khi Apple phá bỏ rào cản 1.000 USD với chiếc iPhone X vào tháng 9 năm ngoái, giới phê bình công nghệ đã chế giễu mức giá cắt cổ của siêu phẩm này. Họ hoài nghi rằng liệu có ai lại chấp nhận vét cạn túi tiền cho một chiếc điện thoại có mức giá vượt trội hơn hẳn so với hai chiếc iPhone hoàn hảo khác là iPhone 8 và iPhone 8 Plus. Nhưng giới phê bình đã nhầm. CEO Apple, Tim Cook, phát biểu vào tháng 7 vừa qua rằng iPhone X có doanh số "ăn đứt" mọi thiết bị khác của Apple trong từng tuần lễ kể từ khi nó được chính thức bán ra vào ngày 3/11/2017.

Với doanh số iPhone X khủng như vậy, Apple đã chứng minh được một điều: người dùng đại chúng sẽ sẵn sàng chi đậm đến mức đó, nếu không muốn nói là hơn, cho chiếc điện thoại của họ, cũng như họ sẽ chi cho một chiếc laptop cấu hình cao cấp vậy. Và với những tin đồn về một chiếc iPhone X Plus thậm chí còn đắt hơn vào tháng 9 tới, thời kỳ của những chiếc điện thoại 1.000 USD mà Apple (lại một lần nữa) là kẻ khởi xướng có lẽ đã sắp đến.

1.000 USD là quá cao? Chưa đâu, giá điện thoại iPhone và Android sẽ còn cao hơn nữa! - Ảnh 1.

iPhone X khiến giá iPhone 8 Plus bỗng trở nên "dễ thở" hơn rất nhiều

Apple không phải là hãng duy nhất đẩy giá điện thoại lên cao. Những chiếc điện thoại Android với giá cao ngất ngưởng đến từ Samsung, Huawei, và thậm chí là đại diện "giá tốt" OnePlus báo hiệu rằng cuộc chạy đua về giá sẽ chưa dừng lại.

Chỉ trong vòng 2 năm, giá điện thoại Galaxy của Samsung tại Mỹ đã tăng 15,1% từ Galaxy S7 năm 2016 đến Galaxy S9 năm nay, trong khi giá dòng Huawei P thì tăng 33% từ năm 2016, đó là chưa tính đến sự tồn tại của mẫu Pro. Nhưng cú nhảy xa nhất lại thuộc về OnePlus, khi giá máy tăng 32,6% tại Mỹ và...42,6% tại Anh kể từ năm 2016.

Xu hướng tăng giá trong phân khúc cao cấp cho thấy tầm quan trọng của điện thoại với vai trò là một thiết bị tất cả trong một phục vụ thông tin liên lạc, công việc, nhiếp ảnh, và giải trí. Và khi mà sức mạnh xử lý, công nghệ camera, thời lượng pin, và tốc độ dữ liệu Internet ngày một cải thiện, giá trị chúng ta gán cho một chiếc điện thoại chắc chắn cũng ngày một tăng.

"Người tiêu dùng sẵn sàng chi đậm cho một chiếc điện thoại di động bởi nó, không thể bàn cãi, là sản phẩm quan trọng bậc nhất trong cuộc sống của chúng ta" - Ben Wood, phụ trách nghiên cứu phân tích tại CCS Insight cho biết.

Việc tăng giá về bản chất không hề bất thường. Các linh kiện nhanh hơn, tốt hơn, như vi xử lý và camera, thường tốn chi phí nhiều hơn để sản xuất. Bên cạnh đó, chi phí nghiên cứu và phát triển các loại vật liệu mới cũng được tính vào sản phẩm cuối cùng. Và ngoài các chi phí liên quan công nghệ, bạn còn phải tính đến những tác động của lạm phát nữa.

Nhưng chi phí nghiên cứu và phát triển cũng như phát sinh từ lạm phát không vẽ lên bức tranh tổng thể về chi phí đắt đỏ của một chiếc điện thoại. Bằng cách tăng giá điện thoại sau mỗi thế hệ máy, Apple, Samsung và các hãng công nghệ hàng đầu ngành công nghiệp đang tạo nên một phân khúc siêu cao cấp có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn với mỗi sản phẩm bán ra - một điều cực kỳ quan trọng xét bối cảnh hiện nay, người dùng thường có xu hướng sử dụng điện thoại lâu hơn, từ 3 năm trở lên.

Chính xác, điện thoại tăng giá đều đặn mỗi năm

Trừ một số ngoại lệ, giá điện thoại của các nhãn hiệu hàng đầu trên thị trường đều đang tăng lên.

"Dù tổng số smartphone bán ra đã giảm nhẹ trong năm 2018, giá bán trung bình (ASP) của một chiếc smartphone sẽ đạt mức 345 USD, tức tăng 10,3% từ mức 313 USD trong năm 2017" - nhà phân tích Anthony Scarsella của IDC cho biết. Đặc biệt, các điện thoại cao cấp là những sản phẩm tăng giá nhiều nhất.

Bạn có thể ngay lập tức nhận ra sự tăng giá này khi so sánh giá điện thoại ngày nay với thế hệ trước của mẫu điện thoại đó ra mắt 2 năm trước.

Giá các dòng điện thoại iPhone và iPhone Plus của Apple hầu như không tăng nhiều giữa các đời máy, biến iPhone X - chiếc điện thoại đắt nhất đến thời điểm hiện tại của hãng - thành một "kẻ ngoại đạo" siêu sang. Giá các điện thoại Galaxy S, S Plus và Note của Samsung cũng tăng, với chiếc S9 Plus - đối thủ trực tiếp của iPhone Plus và iPhone X - đang dần tiệm cận với giá của iPhone X.

So sánh giá điện thoại tại Mỹ từ 2016 đến 2018

1.000 USD là quá cao? Chưa đâu, giá điện thoại iPhone và Android sẽ còn cao hơn nữa! - Ảnh 2.

Cột đầu là tên điện thoại, các cột tiếp theo lần lượt là giá khởi điểm năm 2016, 2017, 2018 và mức phần trăm tăng từ năm 2016 đến mẫu máy mới nhất

Trong bảng trên, chúng ta có thể thấy mức tăng sốc nhất thuộc về OnePlus, khi mà giá máy tăng mạnh sau mỗi đời. OnePlus hiện tung ra 2 mẫu máy mới mỗi năm. Ví dụ, OnePlus 6 ra mắt vào tháng 6 và OnePlus 6T có thể ra mắt vào tháng 11. Xét đà tăng giá của nhãn hiệu này, chúng ta có thể dự đoán rằng chiếc OnePlus 6T sẽ được trang bị một số tính năng mới kèm theo một mức giá cao hơn so với OnePlus 6.

"Khi mà sự lệ thuộc của mọi người vào smartphone tăng lên đáng kể chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, chất lượng và các thành phần linh kiện trong cả ngành công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu hiệu năng cao cũng phải tăng lên." - đại diện OnePlus nói.

1.000 USD là quá cao? Chưa đâu, giá điện thoại iPhone và Android sẽ còn cao hơn nữa! - Ảnh 3.

Giá LG G7 đang tăng lên tại Mỹ và Úc, nhưng lại thấp hơn tại Anh so với LG G6, có thể là do thuế

Ken Hong, giám đốc cấp cao phụ trách mảng truyền thông toàn cầu của LG thì cho biết: "Những yếu tố chủ chốt bao gồm giá linh kiện, giá các thiết bị đối thủ, chi phí nhà mạng, thuế... Và sự thật là những chi phí đầu vào đó đang tăng lên khiến chúng tôi buộc phải đi theo". Ông còn nói thêm rằng việc giới thiệu nhiều biến thể như LG V35 đã mang lại những hiệu ứng tích cực nhằm hạ giá các phiên bản trước đó, cụ thể ở đây là LG V30.

Thú vị hơn, Google lại giữ nguyên (hoặc tăng rất nhẹ) giá của Pixel 2 và 2 XL so với đời đầu. Tuy nhiên, chiếc Pixel 3 dự kiến ra mắt vào tháng 10 năm nay, với cụm camera kép, màn hình tràn mặt trước, viền siêu mỏng tương tự phong cách thiết kế smartphone hiện nay, Google có thể sẽ có lý do để...nâng giá thiết bị cho "bằng bạn bằng bè".

Samsung hiểu được vai trò của mình trong việc đẩy giá bán thiết bị. Trong buổi họp cổ đông tuần qua, hãng điện thoại Hàn Quốc cam kết sẽ giữ giá của chiếc Note 9 sắp ra mắt ở mức "hợp lý". Năm ngoái, Note 8 có giá khoảng 950 USD, thuộc hàng cao trên thị trường.

Với việc bút S-Pen trên Note 9 được tích hợp hàng loạt công nghệ mới, và Apple cũng sẽ giới thiệu một loạt các mẫu iPhone mới, có thể vào tháng 9 tới, khả năng những siêu phẩm này có giá thấp hơn các mẫu máy hiện tại là cực kỳ thấp, nếu không muốn nói là zero.

Chi phí sản xuất điện thoại hiện nay cũng đắt hơn trước

Điện thoại, cũng như mọi món đồ điện tử khác, cấu tạo từ nhiều thành phần được cung cấp bởi một loạt các nhà cung ứng, và nếu giá các thành phần đó tăng lên, chắc chắc giá điện thoại cũng tăng theo.

1.000 USD là quá cao? Chưa đâu, giá điện thoại iPhone và Android sẽ còn cao hơn nữa! - Ảnh 4.

Các linh kiện tinh vi hơn, như chip Qualcomm Snapdragon 845, sẽ khiến giá máy tăng cao

Nhu cầu về bộ nhớ lưu trữ nhiều hơn nữa trong vài năm trở lại đây cũng góp phần khiến giá điện thoại leo dốc, đẩy giá chip nhớ lên cao và buộc các nhà cung ứng phải đầu tư xây dựng nhiều nhà máy hơn để đáp ứng được nhu cầu.

Bên cạnh đó, việc tích hợp nhiều camera tinh vi như camera trước cảm nhận chiều sâu 3D trên iPhone X, hay thêm nhiều ống kính, như cụm 3 camera sau của Huawei P20 Pro, là một nguyên nhân khác gây đội giá điện thoại. Tiếp đó là các chất liệu làm nên thân máy, như kính hay sứ ceramic (mặt sau), hay nhôm hàng không siêu bền (bộ khung).

Bạn không thể hi vọng chiếc điện thoại đầu tiên được trang bị màn hình bằng kim cương hay kính Vibrant Satin Corning Gorilla Glass mới, chống bám bẩn, sẽ có giá rẻ. Số tiền mà các công ty như Samsung phải bỏ ra để xây dựng cả một quy trình sản xuất mới cho các thành phần như mặt kính cong và màn hình OLED uốn dẻo cũng cực kỳ đắt đỏ.

Giá thành của tất cả những thành phần nêu trên được gọi là Hóa đơn vật liệu (Bill of Materials, hay BOM), có thể phần nào giải thích được tại sao các điện thoại cao cấp lại đắt hơn qua từng năm; nhưng theo nhiều chuyên gia thì một phần lý do khác là các hãng sản xuất điện thoại đang cố mở rộng biên độ lợi nhuận của mình.

"Tôi chắc chắn đồng ý rằng một số yếu tố trong giá thành xuất phát từ các linh kiện và quy trình sản xuất... nhưng tầm quan trọng của chúng không theo trình tự như vậy. Tôi cũng tin rằng Apple đã đưa ra một quyết định mang tính chiến lược nhằm tăng giá của chiếc iPhone X để tăng tối đa lợi nhuận dưới mác một danh mục đầu tư thật sự ấn tượng" - Wood nói.

Carolina Milanesi, một nhà phân tích của Creative Strategies, đồng ý với Wood.

"Chắc chắn có nhiều thứ đáng để nói về những chiếc điện thoại hơn so với trước đây. BOM của các thiết bị đó chắc chắn đang tăng lên, nhưng tôi nghĩ các hãng đã áp lên các điện thoại flagship của họ một loại giá trị 'cao cấp', vì chúng là những biểu tượng cho tình trạng tài chính của chủ nhân" - cô nói.

Giá điện thoại sẽ cao đến mức tối đa nào?

Mức giá 1.000 USD của chiếc iPhone X (chính xác là 999 USD chưa thuế) chỉ là khởi đầu.

"Một khi điện thoại vẫn còn là thiết bị điện toán chính mà chúng ta dựa vào mỗi ngày, người dùng sẽ sẵn sàng chi nhiều hơn nữa" - Milanesia nói.

Khi thiết lập tiền lệ đối với một chiếc điện thoại ngàn đô mà mọi người sẽ sẵn sàng mua, Apple đã đưa ra một mức giá mới không chỉ cho bản thân và còn cho cả ngành công nghiệp di động.

Nhằm tạo ra chiếc điện thoại đắt nhất từ trước đến nay của mình, Apple đã thiết kế lại hoàn toàn vẻ ngoài của máy, loại bỏ nút Home đã trở thành biểu tượng của iPhone, và trở thành hãng đầu tiên sử dụng công nghệ cảm nhận chiều sâu 3D để mở khóa thiết bị mà không cần đến vân tay làm phương án dự phòng.

Thiết kế này cho phép Apple tích hợp vào iPhone X màn hình lớn hơn iPhone 8 Plus, trên một thân máy chỉ nhỏ bằng iPhone 8. Cuối cùng, Apple còn "trợ lực" cho vẻ ngoài "cao cấp" của iPhone X bằng một loạt các tính năng độc quyền, như Animoji - một tính năng hai mẫu iPhone 2017 khác là 8 và 8 Plus không hề có.

Bây giờ hãy nói về iPhone năm nay. Apple có cơ hội để tạo ra một dòng sản phẩm iPhone X mới với mức giá mới...hơn cả năm ngoái. "Việc có một chiếc iPhone X Plus thật tuyệt. Tại sao nó lại không thể có giá 1.200 USD nhỉ?" - Wood nói, nhấn mạnh rằng mọi người tranh nhau mua một chiếc iPhone X mới còn đắt hơn trước đây - "Sẽ ngay lập tức có một đợt 'chặt chém' trên mạng xã hội, kiểu như 'Thật là (một mức giá bán) ăn cướp trắng trợn!', và rồi họ sẽ lại âm thầm đi mua nó thôi".

1.000 USD là quá cao? Chưa đâu, giá điện thoại iPhone và Android sẽ còn cao hơn nữa! - Ảnh 5.

Khi mà chiếc iPhone X mới đẩy giá lên cao hơn nữa, Samsung, Huawei, OnePlus và các hãng khác sẽ có lý do để làm điều tương tự. Ví dụ, ngay cả khi OnePlus đắt hơn gần 30% so với đời trước, bạn sẽ chỉ phải bỏ ra một nửa số tiền so với iPhone X để mua nó - một mức giá tương đối mà nhiều người sẽ cảm thấy dễ thở hơn để sở hữu một chiếc điện thoại "rẻ hơn" với linh kiện cao cấp.

"Khi Apple công bố chiếc iPhone X với giá 1.000 USD, họ đã mang lại một ân huệ cho cả ngành công nghiệp" - Wood nói - "ĐIều đó mang lại cho các hãng sản xuất khác không gian để thở và tôi có thể tưởng tượng rằng Samsung, Huawei hay nhiều hãng khác đang cảm thấy cực kỳ thoải mái".

Nói cách khác, dù Apple sẽ bỏ túi nhiều lợi nhuận nhất, mức giá của chiếc iPhone X siêu sang cũng đã giúp các đối thủ kiếm được nhiều tiền hơn đối với mỗi điện thoại họ bán ra.

Điện thoại tầm trung vẫn sẽ có giá tốt

Mức giá cao của các điện thoại cao cấp không có nghĩa mọi điện thoại khác cũng sẽ như vậy.

Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt ở phân khúc tầm trung và tầm thấp, nơi các điện thoại như Motorola Moto G6 vè E5 nổi trội với vai trò những thiết bị giá rẻ xuất sắc, chỉ 250 USD và vẫn duy trì không đổi qua từng năm.

Nhãn hiệu Honor của Huawei cũng sản xuất nhiều mẫu máy tầm trung cân bằng tuyệt vời giữa giá trị và giá cả, sở hữu các nét thiết kế và tính năng phổ biến, như viền mỏng và cụm camera kép có khả năng chụp chân dung mà mọi người đều mong muốn. Xiaomi, Nokia, Oppo, Asus và các nhãn hiệu khác còn giúp lấp khoảng trống trên toàn cầu khi âm thầm tung ra những chiếc điện thoại cơ bản, giá tốt cho những khách hàng với túi tiền hạn hẹp.

Do đó, trong khi các thiết bị hào nhoáng nhất, mạnh mẽ nhất, vẫn đang kiên trì đi trên con đường đến mức giá cao nhất, nhu cầu thị trường vẫn rất mạnh đối với các điện thoại tầm trung và phổ thông dành cho những người eo hẹp về ngân sách hay chỉ cần đáp ứng những nhu cầu cơ bản.

Nếu một chiếc điện thoại ngàn đô nghe có vẻ quá kinh khủng, bạn có lẽ cần tìm niềm vui ở một chiếc điện thoại vừa tầm, hoặc nhắm mắt và chấp nhận sự thật rằng những ngày tháng mà một chiếc flagship còn có giá 500 USD đã trôi qua rất xa khỏi tầm tay của chúng ta rồi.

Tham khảo: CNET

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày