10. Thảm họa Superga năm 1949: Chuẩn bị hạ cánh sau chuyến giao hữu ở Bồ Đào Nha, chiếc máy bay chở CLB Torino (Italy) gặp mưa to và bão hoành hành, trời đầy mây, tầm nhìn của phi công chỉ còn 40m. Phi hành đoàn cố gắng hạ cánh đúng đường băng, tín hiệu đài không lưu xác nhận thông tin máy bay cách mặt đất 600 mét và đó là lần cuối họ nhận thông tin về chiếc máy bay này. 4 phút sau, máy bay bị thổi bay vì cơn bão, lao thẳng vào nhà thờ Superga trên đồi Turin. Tất cả 31 người trên chuyến bay, bao gồm 18 cầu thủ, phi hành đoàn và 3 nhà báo Italy tử nạn, đồng hồ điểm 17h03, chỉ cách thời điểm hạ cánh đúng 5 phút.
Trước thời điểm xảy ra tai nạn, Torino là đội bóng hay nhất Italy khi 3 lần liên tiếp vô địch Serie A. Họ cũng đóng góp... 10 cầu thủ cho đội tuyển quốc gia. Dưới sự dẫn dắt của đội trưởng Valentino Mazzola, Torino được thừa nhận là đội bóng hay nhất châu Âu lúc bấy giờ. Sau thảm kịch, Torino mất thời gian dài mới tìm lại chức vô địch Italy vào năm 1976. Sau này, đội hình Torino xấu số được gắn biệt danh "Grande Torino" (Torino vĩ đại).
9. Thảm họa Munich năm 1958: Ngày 6/2/1958 trở thành cột mốc buồn thảm nhất trong lịch sử Manchester Utd. Ngay sau trận hòa 3-3 trước Red Star Belgrade để giành vé vào bán kết cúp C1 với chiến thắng chung cuộc 5-4, đội bóng thành Manchester hồ hởi lên đường trở về Anh. Nhưng chuyến bay mang số hiệu 609 của British European Airlines mãi mãi không thể tới đích. Sự cố cất cánh sau khi tiếp nhiên liệu ở sân bay Munich (Đức) khiến chiếc máy bay lao qua hàng rào và đâm vào nhà dân gần đó rồi bốc cháy. Tám cầu thủ đã tử nạn.
HLV Sir Matt Busby và huyền thoại Sir Bobby Charlton may mắn sống sót sau thảm họa này. Mười năm sau thảm kịch, Man Utd lần đầu đăng quang vô địch cúp C1 châu Âu.
8. Thảm họa Green Cross 1961: Ngày 3/4/1961, chiếc máy bay mang số hiệu C-47A-35 của hãng hàng không LAN Chile mất lái và đâm vào dãy núi Andes. Toàn bộ 24 hành khách, trong đó có 8 cầu thủ và 2 thành viên ban huấn luyện CLB Green Cross (Chile) thiệt mạng. Cho đến nay, đó vẫn là thảm họa hàng không kinh hoàng nhất trong lịch sử Chile.
7. Thảm họa The Strongest 1969: Trở về sau trận đấu giao hữu, phi cơ chở các thành viên CLB The Strongest (Bolivia) bất ngờ mất liên lạc khi tới địa phận thị trấn Viloco, miền tây Bolivia (Nam Mỹ). Ngày hôm sau, xác chiếc máy bay mất tích được tìm thấy và toàn bộ 78 hành khách, phi hành đoàn đều đã bỏ mạng.
6. Thảm họa Uzbekistan 1979: Ngày 11/8/1979, CLB Pakhtakor vĩnh viễn mất đi thế hệ cầu thủ tài năng và kiệt xuất nhất trong lịch sử. Phi cơ dân dụng Tu-134 chở theo các thành viên của đội bóng hàng đầu Uzbekistan bất ngờ va chạm với một chiếc máy bay khác trên bầu trời Dneprodzerzhinsk (Ukraine). Toàn bộ 178 hành khách trên hai chiếc máy bay đều tử nạn, bao gồm 17 cầu thủ của CLB Pakhtakor.
5. Thảm họa Peru 1987: Ngày 8/12/1987, chiếc phi cơ mang số hiệu F27-400M của Hải quân Peru chở đội bóng Alianza Peru đã bất ngờ rơi xuống Thái Bình Dương khi chỉ còn cách đường băng chưa đầy 10 cây số. Ngoài một phi công thoát chết, toàn bộ 43 hành khách, bao gồm cầu thủ, ban huấn luyện và dàn hoạt náo viên của CLB Alianza Peru đều thiệt mạng. Mãi tới 2006, nguyên nhân dẫn tới thảm họa mới được làm sáng tỏ. Theo đó, viên phi công thiếu kinh nghiệm đã thực hiện sai các thao tác trong tình trạng khẩn cấp.
4. Thảm họa Suriname 1989: Ngày 7/6/1989, phi cơ mang số hiệu DC-8-62 chở hành khách và Colourful 11 - đội bóng bao gồm nhóm cầu thủ gốc Suriname chơi bóng tại Hà Lan thành lập với mục đích thi đấu quyên góp từ thiện - đã gặp tai nạn khi cố gắng hạ cánh xuống sân bay Paramaribo-Zanderij (Suriname). Trong số 187 hành khách có mặt trên chuyến bay định mệnh, 176 nạn nhân không thể trở về với người thân, bao gồm 15 cầu thủ.
3. Thảm họa Zambia 1993: Ngày 27/4/1993, tổng cộng 30 hành khách và phi hành đoàn, trong đó có 18 cầu thủ và HLV trưởng đội tuyển quốc gia Zambia đã tử nạn khi đang trên đường tới Senegal tham dự CAN 1994 (giải Vô địch các quốc gia châu Phi). Chiếc chuyên cơ thuộc quân đội đã liên tiếp trục trặc động cơ trước khi mất lái và lao xuống biển. Dù mất mát lớn, tuyển Zambia với những gương mặt thay thế vẫn thi đấu ấn tượng và chỉ chịu thất bại trước Nigeria trong trận chung kết.
2. Thảm họa Chapecoense 2016: Ngày 28/11/2016, phi cơ RJ85 rơi xuống gần Medellin, thành phố lớn thứ hai Colombia lúc 22h15. Chuyến bay chở 77 người, bao gồm 68 hành khách và 9 người thuộc phi hành đoàn. Hậu quả, 71 người đã thiệt mạng, bao gồm 19/22 cầu thủ và 1 HLV.
Trong 6 người sống sót có 3 cầu thủ, đó là hậu vệ Alan Ruschel, thủ môn Jakson Follmann và hậu vệ Neto, họ phải chịu những chấn thương nặng, riêng thủ môn Follmann phải cưa chân. Chapecoense khi đó đang trên đường đến Comlombia để tham dự trận chung kết cúp Copa Sudamericana 2016 với Atletico Nacional của Colombia. Lý do được làm rõ sau này là máy bay đã hết nhiên liệu do quãng đường di chuyển quá dài.
1. Thảm họa máy bay Leicester: Tối 27/10, chiếc trực thăng chở Chủ tịch Vichai gặp sự cố, lao xuống bãi đất trống ngay cạnh sân King Power và phát nổ. Cả 5 người trên chiếc trực thăng, gồm Chủ tịch Vichai, 2 trợ lý và 2 phi công đều tử nạn.