Cập

Diễn biến dịch ngày 31/3: Thêm 80.838 ca mắc COVID-19 mới, hơn 250.000 bệnh nhân khỏi bệnh; Số ca mắc ở Hà Nội giảm mạnh

Đây là ngày thứ 20 liên tiếp, Hà Nội ghi nhận số mắc giảm và cũng là ngày có số ca mắc thấp nhất tính từ ngày 25/2 (thời điểm ghi nhận hơn 9.800 ca trong ngày).

  diễn biến
  • 13:43:00 31-03-2022

    Hà Nội cho phép học sinh từ lớp 7 - 12 được ăn bán trú khi đi học trực tiếp

    Sở GDĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã về việc xem xét tổ chức hoạt động bán trú cho học sinh các khối lớp 7-12 khi học trực tiếp tại trường.

    Theo đó, Sở GDĐT đề nghị ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch Covid-19 tại địa phương, trên cơ sở kế hoạch tổ chức và nhu cầu hoạt động bán trú của các trường, các cơ sở giáo dục, xem xét và quyết định cho phép các trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn được tổ chức hoạt động bán trú khi học sinh các khối lớp 7-12 khi học trực tiếp.

    Các trường, các cơ sở giáo dục căn cứ vào tình hình và điều kiện của từng đơn vị xây dựng phương án tổ chức hoạt động bán trú khi học sinh đi học trực tiếp để đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động giáo dục của đơn vị và nguyện vọng của phụ huynh học sinh, chủ động báo cáo và xin ý kiến phê duyệt của uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã.

    Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây

    https://danviet.vn/ha-noi-cho-...

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 12:55:00 31-03-2022

    Hà Nội chỉ còn 1.285 bệnh nhân Covid-19 điều trị tại bệnh viện, 4 ngày liền không có tử vong

    Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18h ngày 30-3 đến 18h ngày 31-3, tại thành phố có thêm 8.057 ca Covid-19 mới, giảm gần 100 ca so với hôm qua.

    Bệnh nhân phân bố tại 342 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.191); Sóc Sơn (829); Hoàng Mai (679); Thanh Trì (381); Hoài Đức (338). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) đến nay là 1.475.320 ca.

    Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, tính đến hết ngày 30-3, Hà Nội có 202.271 bệnh nhân đang điều trị, theo dõi (giảm khoảng 10.000 ca so với ngày trước đó). Trong số này, chỉ còn 1.285 người điều trị tại bệnh viện; 156 người điều trị tại cơ sở thu dung quận/huyện/thị xã; số còn lại 200.830 người theo dõi cách ly tại nhà.

    Đáng chú ý, tính đến hôm nay, Hà Nội đã trải qua 4 ngày liên tiếp không ghi nhận bệnh nhân Covid-19 tử vong. Tổng số người tử vong do Covid-19 của thành phố đến nay là 1.320 người.

    Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây

    https://www.anninhthudo.vn/ha-...

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 11:13:00 31-03-2022

    Hà Nội: Số ca mắc COVID-19 giảm mạnh, còn 8.057 ca trong ngày 31/3

    Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, 24h qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 8.057 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 2.146 ca cộng đồng và 5.911 ca đã cách ly.

    Bệnh nhân phân bố tại 342 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.191); Sóc Sơn (829);Hoàng Mai (679); Thanh Trì (381); Hoài Đức (338).

    Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 1.475.320 ca.

    Ngày 31/3, Hà Nội không ghi nhận ca tử vong do COVID-19, đây cũng là ngày thứ 3 liên tiếp, thành phố không ghi nhận ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 từ ngày 29/4/2021 đến nay của Hà Nội là 1.320 người.

    Về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, đến nay, kết quả tiêm cho người trên 18 tuổi: Mũi 1 đạt 99,9%; mũi 2 đạt 99,9%; mũi bổ sung đạt 99,98% và mũi nhắc lại đạt 84,6%. Tiêm cho người trên 50 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 99,8%; mũi 2 đạt 99,4%; số lượng mũi nhắc lại đã tiêm là gần 1,2 triệu mũi. Tiêm cho trẻ 12-17 tuổi, mũi 1 đạt 99,9%; mũi 2 đạt hơn 99%.

    Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây

    https://vtv.vn/suc-khoe/ha-noi...

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 10:47:00 31-03-2022

    Ngày 31/3: Thêm 80.838 ca mắc COVID-19 mới; hơn 250.000 bệnh nhân khỏi bệnh

    Thông tin các ca nhiễm mới

    Tính từ 16h ngày 30/3 đến 16h ngày 31/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 80.838 ca mắc mới, trong đó 11 ca nhập cảnh và 80.827 ca ghi nhận trong nước (giảm 4.932 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 56.105 ca trong cộng đồng).

    Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (8.054), Phú Thọ (3.415), Nghệ An (3.399), Yên Bái (3.156), Đắk Lắk (3.107), Lào Cai (2.981), Hải Dương (2.864), Bắc Giang (2.688), Quảng Ninh (2.509), Quảng Bình (2.352), Hà Giang (2.344), Lạng Sơn (2.159), Vĩnh Phúc (2.039), Thái Bình (1.966), Bắc Kạn (1.917), Sơn La (1.813), Hưng Yên (1.784), Tuyên Quang (1.672), Bắc Ninh (1.653), Vĩnh Long (1.642), Cao Bằng (1.630), Bình Định (1.437), Quảng Trị (1.369), Cà Mau (1.265), Lâm Đồng (1.264), Hà Nam (1.258), Tây Ninh (1.238), Thái Nguyên (1.179), Điện Biên (1.164), Hòa Bình (1.160), Lai Châu (1.097), Ninh Bình (1.046), Hồ Chí Minh (924), Quảng Ngãi (920), Bến Tre (876), Bình Dương (827), Bình Phước (766), Hà Tĩnh (757), Đà Nẵng (736), Bà Rịa - Vũng Tàu (688), Nam Định (672), Thừa Thiên Huế (589), Trà Vinh (539), Thanh Hóa (535), Đắk Nông (426), Phú Yên (408), Khánh Hòa (386), Hải Phòng (365), Bình Thuận (341), Quảng Nam (270), Kon Tum (179), An Giang (178), Bạc Liêu (166), Kiên Giang (161), Long An (125), Cần Thơ (101), Đồng Nai (97), Đồng Tháp (85), Sóc Trăng (52), Ninh Thuận (20), Hậu Giang (12), Tiền Giang (5).

    Ngày 31/3, Sở Y tế Hưng Yên đăng ký bổ sung 11.517 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

    Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang (1.311), Lạng Sơn (466), Bình Dương (383).

    Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Dương (1.081), Vĩnh Long (188), Quảng Ngãi (154).

    Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 91.762 ca/ngày.

    Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

    Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 9.564.609 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 96.747 ca nhiễm).

    Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.556.876 ca, trong đó có 7.516.196 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

    Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.474.782), TP. Hồ Chí Minh (594.585), Nghệ An (391.871), Bình Dương (376.566), Hải Dương (344.058).

    Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây

    https://vtv.vn/suc-khoe/ngay-3...

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 09:37:00 31-03-2022

    Bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi từ tháng 4

    Chiều 31.3, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo tập huấn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

    Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi rất quan trọng.

    "Thời gian qua, tỉ lệ lây nhiễm ở nhóm trẻ em 5-11 tuổi khi các cháu quay trở lại trường học đã tăng lên. Phần lớn trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, việc các cháu mắc COVID-19 cũng gây ảnh hưởng lớn khi phụ huynh phải nghỉ làm chăm sóc. Các trẻ liên quan cũng phải nghỉ học tại trường và học trực tuyến, tạo gánh nặng lên xã hội"- Thứ trưởng Sơn nói.

    Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho hay thông qua nghiên cứu, thống kê ở quốc tế và trong nước, các biến chứng của COVID-19 ở trẻ em 5-11 tuổi cũng ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của nhóm này.

    "Dù tỉ lệ không lớn, các biến chứng của COVID-19 cũng rất đáng lo ngại khi trẻ có nguy cơ viêm cơ tim, viêm đa cơ quan, MISC-C,...", Thứ trưởng Sơn cho hay.

    Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây

    https://laodong.vn/y-te/bat-da...

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 08:37:00 31-03-2022

    Không tiêm trộn vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi

    Đại diện Bộ Y tế cho biết, quá trình tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi sẽ không tiêm trộn hai loại với nhau.

    "Chỉ tiêm một loại vaccine duy nhất cho 2 mũi tiêm chứ không tiêm trộn", PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói tại Hội thảo tập huấn tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ, chiều 31/3.

    Bà Hồng chia sẻ, theo kinh nghiệm từ quốc tế và các đồng nghiệp thì những phản ứng bất thường, trầm trọng sau tiêm ở lứa tuổi 5-11 sẽ ít gặp hơn so với trẻ từ 12 tuổi trở lên. Tuy nhiên các địa phương không vì thế mà chủ quan, cần đặc biệt theo dõi sức khỏe của trẻ 3 ngày đầu sau tiêm. Thời gian này, trẻ phải luôn có người bên cạnh theo dõi, hỗ trợ 24/24 để đảm bảo sức khỏe.

    Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây

    https://vtc.vn/khong-tiem-tron...

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 07:11:00 31-03-2022

    Bộ Y tế bổ sung liều tiêm 0,25 ml đối với vắc-xin Covid-19 của Moderna

    Ngày 31-3, Bộ Y tế đã có quyết định sửa đổi quyết định số 3122/ QĐ-BYT ngày 28-6-2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc-xin Covid-19 cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 .

    Theo đó, tại điều 1 của quyết định này, Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc-xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định, cụ thể:

    Tên vắc-xin: Spikevax (tên khác là: Covid-19 vắc-xin Moderna; Moderna Covid-19 vắc-xin; Moderna mRNA-1273 vắc-xin, Covid-19 mRNA vắc-xin)

    Thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng:

    Mỗi liều (0,5 ml) chứa 100 mcg elasomeran, vắc-xin Covid-19 mRNA (được bọc trong các hạt nano lipidSM-102).

    Mỗi liều (0,25 ml) chứa 50 mcg elasomeran, vắc-xin Covid-19 mRNA (được bọc trong các hạt nano lipidSM-102). So với quyết định trước đó, đây là liều tiêm mới được Bộ Y tế bổ sung trong hướng dẫn mới nhất.

    Thông tin được dẫn nguồn từ:

    https://nld.com.vn/suc-khoe/bo...

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 05:25:00 31-03-2022

    Gần 85.000 F0 TP HCM khai báo online

    Tỷ lệ khai báo F0 trực tuyến thành công tại TP HCM tính đến ngày 31/3 đạt 72%, cao gấp 3,5 đến 7 lần so với lúc mới triển khai, theo Sở Y tế.

    Sở Y tế TP HCM cho biết sau 20 ngày triển khai thí điểm chuyển đổi số trong quản lý F0 tại nhà trên địa bàn, đã có 84.799 lượt F0 khai báo trực tuyến. Qua sàng lọc, các trạm y tế xác nhận 61.406 F0 khi họ khai đầy đủ thông tin theo yêu cầu, tỷ lệ 72%. Trong đó, hơn 1.200 người thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 65 tuổi và có bệnh nền), hơn 12.700 người có triệu chứng nghi nặng (cảm giác mệt, khó thở, đau tức ngực) đã được trạm y tế tiếp cận, điều trị kịp thời sau khi được hệ thống cảnh báo nhắc qua tin nhắn.

    TP HCM thử nghiệm ứng dụng khai báo trực tuyến từ ngày 11/3. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng chưa có thói quen khai báo trực tuyến, thành phố cho phép họ khai báo trong vòng 5 ngày (kể từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính). Tuy nhiên thống kê cho thấy 75% khai báo trong 48 giờ đầu, còn lại khai báo vào ngày thứ 3, 4, 5. Do đó, Sở Y tế dự kiến rút ngắn thời gian khai báo xuống còn 48 giờ để người thuộc nhóm nguy cơ được tiếp cận y tế kịp thời, trạm y tế cũng thuận lợi hơn khi giải quyết hồ sơ trực tuyến.

    Bấm link để đọc bài viết nguồn tại đây

    https://vnexpress.net/gan-85-0...

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 03:17:00 31-03-2022

    Trường học ở TP.HCM chuẩn bị tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi

    Ởtrường Tiểu học Bàu Sen (quận 5, TP.HCM), tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con tiêm vaccine Covid-19 được ghi nhận là dưới 60%. Ông Nguyễn Trung Hải - Hiệu trưởng nhà trường, thông tin những phụ huynh còn lại không đồng ý do trẻ mắc bệnh nền hoặc là F0 đã điều trị khỏi bệnh.

    "Nhà trường thực hiện tiêm vaccine Covid-19 theo nguyên tắc tự nguyện. Tuy nhiên, các giáo viên vẫn đang thuyết phục những phụ huynh chưa đồng ý tiêm chủng cho con. Chúng tôi hy vọng phụ huynh sẽ đồng ý hết. Đối với những trẻ không tiêm vaccine, trường vẫn cho phép đi học bình thường", ông Hải nói.

    Trong công tác lấy ý kiến phụ huynh, trường Tiểu học Tuệ Đức thu được kết quả trên 50% không đồng ý cho trẻ tiêm vaccine Covid-19. Nguyên nhân chủ yếu là lo sợ tác dụng phụ của vaccine đối với trẻ em.

    "Trường học là nơi trung gian thực hiện việc đăng ký tiêm chủng Covid-19 của trẻ 5-11 tuổi. Vì vậy, với những thắc mắc về tác dụng phụ khi trẻ tiêm vaccine, nhà trường không có thẩm quyền và năng lực chuyên môn y tế để trả lời", bà Anh Thư - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Tuệ Đức nói.

    Bên cạnh đó, bà Thư cũng cho biết trường cập nhật thông tin học sinh tiêm vaccine chậm trễ hơn dự kiến vì nhiều phụ huynh không có thời gian đi nhận mã định danh cho con.

    Thông tin được dẫn nguồn từ:

    https://zingnews.vn/truong-hoc...

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 03:16:00 31-03-2022

    Bác sỹ chỉ rõ cách tập luyện sai khiến F0 hậu COVID-19 bị tổn thương phổi nặng hơn

    Chế độ dinh dưỡng cũng như luyện tập đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với người bệnh không chỉ trong thời gian mắc COVID-19 mà còn giúp người bệnh phục hồi lại sức khỏe tốt nhất sau khi khỏi bệnh. Vậy nên ăn uống, luyện tập thế nào để đảm bảo đúng, an toàn và nâng cao thể trạng cho người mắc COVID? BS. Đỗ Anh - Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, người đã trực tiếp tham gia điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 16, TP. Hồ Chí Minh và điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID -19 tại Hà Nội trong thời gian qua sẽ có những tư vấn xung quanh vấn đề này.

    PV: Hụt hơi là một trong những vấn đề của người bệnh hậu COVID. Vậy cần làm gì để cải thiện chức năng phổi hậu COVID-19, thưa bác sĩ?

    BS. Đỗ Anh: Bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng bằng thực phẩm và các loại vitamin, người bệnh mắc COVID-19 cần có một chế độ sinh hoạt và tập luyện phù hợp để cơ thể hồi phục toàn diện. Các bài tập thở đơn giản để cải thiện lưu lượng máu đến phổi và các đường dẫn truyền trong lồng ngực, giúp tăng cường chức năng phổi.

    Chúng ta nên thực hiện các bài tập như đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu, đạp xe, chống đẩy, squat,... với cường độ vừa phải và tăng dần. Điều này giúp tăng nhịp tim và thúc đẩy lưu lượng máu, có thể giúp phổi phục hồi nhanh hơn.

    Nếu người mới khỏi COVID-19 chủ quan, vẫn giữ nguyên cường độ tập như trước khi mắc bệnh sẽ khiến cơ thể không có thời gian phục hồi tổn thương (tổn thương cơ/rối loạn chuyển hóa/dinh dưỡng). Ngoài ra việc vội vàng luyện tập trở lại và luyện tập không đúng phương pháp sẽ dẫn tới kéo dài thời gian hồi phục, thậm chí là tái phát bệnh và có thêm tổn thương (extra layer of complexity) như: hụt hơi, đau ngực, giảm khả năng vận động, co cứng cơ, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt và các vấn đề về tim mạch cũng như hô hấp khác.

    Thông tin được dẫn nguồn từ:

    https://tienphong.vn/bac-sy-ch...

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 02:01:00 31-03-2022

    Chuyên gia cảnh báo mối nguy hiểm với hậu Covid-19 ở thai phụ

    Tiến sĩ Nguyễn Thị Sim, Phụ trách Trung tâm Can thiệp Bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nhìn chung, các biểu hiện, triệu chứng của Covid-19 có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng sau khi xét nghiệm âm tính.

    Theo BS Sim, đối với những bệnh nhân nặng phải nhập viện điều trị, sau khi âm tính và được ra viện, các cuộc tái khám phải được sắp xếp ngay trong 1-2 tuần đầu tiên. Còn những người mắc Covid-19 thể nhẹ mà không rõ triệu chứng, bác sĩ cho rằng vẫn cần phải theo dõi trong 3-4 tuần đầu tiên trở sau khi khỏi bệnh để mình có thể quản lý sức khỏe toàn diện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người mắc Covid-19.

    Theo BS Sim, các triệu chứng hậu COVID-19 thường xuất hiện từ 4 tuần trở lên sau khi mắc COVID-19. Các triệu chứng dai dẳng, các di chứng muộn để lại cũng khá nguy hiểm, nếu không được phát hiện sớm thì mất khả năng điều trị, gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên việc phát hiện và quản lý vẫn còn chưa được phổ biến một cách rộng rãi, vì vậy cần đến các cơ sở y tế có đội ngũ chuyên gia, trang thiết bị được đầu tư phục vụ cho khám hậu covid để thăm khám hiệu quả nhất.

    Các biến chứng của hậu Covid-19 có thể biểu hiện ở các hệ cơ quan như não, tim, phổi (tức ngực kéo dài, ho kéo dài, hoạt động gắng sức mệt mỏi), thận, tụy, cơ (đau mỏi cơ, thậm chí có biểu hiện tắc mạch ở chi)... Đó là triệu chứng chung của một người bình thường mắc Covid-19. Tuy nhiên với một bà bầu mang thai, bà mẹ sau sinh, những nguy cơ này tăng gấp nhiều lần, bởi bản thân bà bầu mang thai được coi là người có bệnh nền, mang thai có sức miễn dịch kém hơn và khả năng nhiễm bệnh và trở nặng cao hơn.

    Bài viết được dẫn từ nguồn: 

    https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-g...

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 01:59:00 31-03-2022

    Dịch "hạ nhiệt", Hà Nội còn bao nhiêu F0 nặng, nguy kịch?

    Cụ thể, theo số liệu từ Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật đến 30/3, Hà Nội có 200.830 bệnh nhân điều trị tại nhà, 156 bệnh nhân đang điều trị tại khu cách ly, 1.285 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

    Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 904 F0 ở mức độ trung bình, 222 ca nặng, nguy kịch. Trong số các ca nặng nguy kịch có 194 ca phải thở oxy mask, gọng kính; 3 ca phải thở oxy dòng cao HFNC; 8 ca thở máy không xâm lấn; 17 ca phải thở máy xâm lấn.

    Số bệnh nhân Covid-19 tử vong ghi nhận tại Hà Nội từ khi dịch bùng phát đến nay là 1.378 ca.

    Số F0 phải nhập viện và F0 nặng, nguy kịch tại Hà Nội đang giảm dần trong thời gian gần đây. Hiện tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch tại Hà Nội chỉ khoảng 0,1%.

    Do số ca mắc F0 trên thực tế vẫn cao, Sở Y tế đề nghị các địa phương tập trung vào các mục tiêu cốt lõi của hoạt động phòng, chống dịch như kiểm soát chuyển tầng, tỷ lệ tử vong, chuyển nặng; đảm bảo số mắc không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống; đồng thời, chủ động thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

    Bài viết được dẫn từ nguồn: 

    https://dantri.com.vn/suc-khoe...

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 23:03:00 30-03-2022

    Các triệu chứng Covid-19 đáng báo động nhưng ít được quan tâm

    Hiện tại, các triệu chứng phổ biến của Covid-19 đã trở nên quen thuộc - nhưng có một số dấu hiệu đáng báo động không được chú ý đúng mức.

    Rối loạn cương dương

    Ngày càng có nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa Covid-19 với chứng rối loạn cương dương. Một phân tích cho thấy những người đàn ông nhiễm virus SARS-CoV-2 có nguy cơ bị tình trạng trên cao gấp 3 lần so với những người không mắc bệnh.

    Bác sĩ Joseph Katz cho biết: "Virus SARS-CoV-2 liên kết với nhiều thụ thể có trên dương vật. Có bằng chứng cho thấy virus có thể làm giảm lượng testosterone - hormone sinh dục nam. Điều đó có nguy cơ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn".

    Vấn đề kéo dài ở hệ tiêu hóa

    Các bác sĩ cho biết, một số người phải đối mặt với các vấn đề về đường tiêu hóa trong vài tháng, thậm chí dù chỉ là các ca Covid-19 biểu hiện nhẹ. "Bạn có thể chán ăn do bất ổn ở đường tiêu hóa và các vấn đề về ruột như tiêu chảy", bác sĩ Devang Sanghavi giải thích.

    Tính cách thay đổi, dễ nóng giận

    Các chuyên gia đang cảnh báo về những thay đổi tính cách nghiêm trọng của những người nhiễm Covid-19. Tiến sĩ Adam Kaplin chia sẻ: "Khi về nhà, họ cáu kỉnh, không giống như bình thường. Họ không hiểu tại sao không quay trở lại như trước đây".

    "Đó không phải là vấn đề của virus SARS-CoV-2. Đó là rắc rối do phản ứng miễn dịch đối với virus gây ra. Nhưng tôi muốn nói, đó không phải là điểm yếu của cá nhân, có lý do sinh học giải thích cho điều này".

    Béo phì

    Covid-19 tác động trực tiếp đến các tế bào mỡ, nên có những tác động lâu dài đối với những người thừa cân, béo phì. Nghiên cứu ghi nhận béo phì có liên quan trực tiếp đến các biến chứng Covid-19. Bác sĩ Ali Aminian, Trung tâm Y tế Cleveland (Mỹ) cho biết: "Theo hiểu biết của chúng tôi, những bệnh nhân béo phì trung bình đến nặng có nguy cơ phát triển các biến chứng lâu dài của Covid-19 sau giai đoạn cấp tính".

    IQ thấp hơn đáng kể

    Ngày càng có nhiều bằng chứng xác nhận Covid-19 có khả năng khiến chỉ số thông minh IQ giảm xuống đáng kể. Phó giáo sư Adam Hampshire, Đại học Hoàng gia London (Anh) đánh giá: "Chúng ta cần phải cẩn thận vì có vẻ như virus có thể ảnh hưởng đến nhận thức. Chúng ta không hiểu đầy đủ về cách thức, lý do, thời gian tác động kéo dài bao lâu, nhưng chúng ta cần khẩn trương tìm hiểu. Trong thời gian chờ đợi, hãy tiêm phòng, đừng chấp nhận rủi ro không cần thiết".

    Bài viết được dẫn từ nguồn: 

    https://vietnamnet.vn/vn/suc-k...

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ
  • 23:01:00 30-03-2022

    Gần 20% đối tượng đến lịch tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3 nhưng chưa tiêm

    Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng vắc-xin Covid-19, đến ngày 30-3, cả nước đã tiêm 205.882.049 liều vắc-xin Covid-19 trong đó số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 188.708.919 liều. Trong đó, mũi bổ sung là hơn 14,9 triệu liều và mũi nhắc lại là 33.038.313 liều.

    Bộ Y tế cho biết một số tỉnh, thành phố có số tiêm vắc-xin mũi 1, mũi 2 cao hơn dân số từ 18 tuổi trở lên và số tiêm mũi 2 cao hơn mũi 1 là do di biến động dân cư.

    Tính tổng cả mũi 3, mũi bổ sung và hơn 1,5 triệu mũi 3 của vắc-xin Abdala đến nay cả nước đã tiêm khoảng hơn 49 triệu liều mũi 3 vắc-xin Covid-19. Tại các tỉnh, thành phía Bắc, tỉ lệ tiêm đạt 53,3%, trong đó, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tiêm nhiều nhất với 88,3%, tiếp theo là các tỉnh, thành phố gồm Lạng Sơn, TP Hà Nội và Bắc Giang.

    Tại các tỉnh, thành khu vực miền Trung, tỉ lệ tiêm đạt 39,9%; tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên là 27,3% và các tỉnh, thành khu vực miền Nam là 45,8%, trong đó 3 tỉnh tiêm nhiều nhất là Long An, Trà Vinh và Bà Rịa Vũng Tàu

    Bộ Y tế cho biết đến hết ngày 28-3 đã tiêm được cho 81% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm mũi 3 vắc-xin Covid-19; số còn lại chưa tiêm mũi 3 vì một số lý do như: số lượng người mắc Covid-19 tăng cao, trùng với thời điểm cần tiêm mũi 3, do đó có sự trì hoãn tiêm chủng.

    Ngoài ra, một bộ phận người dân đã tiêm 2 liều vắc-xin Covid-19 sau khi mắc Covid-19 và bình phục có xu hướng không tiêm tiếp mũi 3 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh...

    Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường vận động người dân tiêm vắc-xin Covid-19, "đi từng ngõ, gõ từng nhà", rà từng người để tránh bỏ sót.

    Bài viết được dẫn từ nguồn: 

    https://nld.com.vn/suc-khoe/ga...

    Chia sẻ lên Facebook Copy link dẫnĐã copy!
    Chia sẻ