Cùng là vũ trụ kinh dị, vì sao The Conjuring lại thành công còn Dark Universe chịu phận chết yểu?

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 18:48 15/10/2018

Thành công của vũ trụ kinh dị The Conjuring là sự kết hợp giữa kinh phí làm phim rẻ, hệ thống nhân vật đa dạng và cách khai thác linh hoạt, trong khi vũ trụ đen tối Dark Universe lại không có được những điều đó.

Tháng 9 vừa qua, màn ra mắt đầy ấn tượng của The Nun (Ác Quỷ Ma Sơ) đã giúp cho vũ trụ kinh dị The Conjuring loạt phim kinh dị mác R xuất sắc nhất mọi thời đại với doanh thu 1,3 tỷ đô la. Có vẻ như trong khi tương lai của vũ trụ DC vẫn còn rất mù mịt thì Warner Bros. đã kịp tìm cho mình một vũ trụ điện ảnh khác ăn nên làm ra mà không phải cạnh tranh trực tiếp cùng Disney.

Điều thú vị ở đây là The Conjuring là một trong số rất ít các vũ trụ điện ảnh đạt được thành tựu nổi bật. Gần đây nhất thì nỗ lực thực hiện một vũ trụ đen tối Dark Universe làm sống lại những con quái vật cổ xưa của Universal đã thất bại toàn tập với bom xịt The Mummy. Cả hai đều là những vũ trụ kinh dị, ấy vậy mà tại sao trong khi một bên ăn nên làm ra thì mô hình kia lại "chết sặc gạch" không ngóc đầu lên nổi?

Cùng là vũ trụ kinh dị, vì sao The Conjuring lại thành công còn Dark Universe chịu phận chết yểu? - Ảnh 1.

Hai số phận vũ trụ kinh dị: người ung dung hốt bạc, kẻ lỗ nặng phải đóng băng cả dự án.

Lý giải thành công của The Conjuring

Cùng là vũ trụ kinh dị, vì sao The Conjuring lại thành công còn Dark Universe chịu phận chết yểu? - Ảnh 2.

Phim kinh dị luôn là tài nguyên tốt để phát triển thành các vũ trụ điện ảnh, hoặc bét ra là các loạt phim dài hơi. Cứ nhìn gương các thể loại ngoại truyện, tiền truyện, làm lại của Halloween, Nightmare on Elm Street hay Hellraiser mà xem. The Conjuring có hệ thống nhân vật đa dạng, phong phú với các câu chuyện có khả năng phát triển tiếp. Những con ma có vai trò "cameo" (khách mời) của phần phim trước hoàn toàn có thể được làm phim riêng trong các phần tiếp theo. Valak từ một chị ma được James Wan "nêm nếm" cho phim đậm đà đã tự tin phá kỷ lục chiếu rạp trong phim riêng của mình.

Độ thành công của The Conjuring còn phải nhắc tới sự đóng góp của hai nhân vật chính là vợ chồng đồng cô bóng cậu Ed và Lorraine Warren. Hễ loạt phim nào càng làm cho kép chính trở nên ấn tượng với khán giả thì chúng càng có sức sống. Nhắc tới Ác mộng phố Elm là người ta nghĩ ngay tới Freddy Krueger, nhắc tới Halloween là hình dung ra sát thủ Michael Myers. Nhắc tới The Conjuring là vợ chồng Warren, là búp bê Annabelle hay chị ma Valak.

Cùng là vũ trụ kinh dị, vì sao The Conjuring lại thành công còn Dark Universe chịu phận chết yểu? - Ảnh 3.

Ma sơ dành cả thanh xuân để lẽo đẽo đi theo người khác.

Cuối cùng thì một vũ trụ kinh dị như The Conjuring không quá mạo hiểm về mặt tài chính như vũ trụ bom tấn siêu anh hùng hay quái vật. Các phim trong loạt phim kinh dị này hầu hết đều có kinh phí sản xuất khiêm tốn nếu so với cả núi tiền chi ra cho CGI của Marvel, Universal. Với bối cảnh đơn giản như ngôi nhà, tu viện... và một con ma chỉ tốn tiền trang điểm hoặc đạo cụ búp bê, 5 phim The Conjuring tự tin ra rạp mà không bị áp lực doanh thu nặng nề. Cụ thể tổng kinh phí của vũ trụ The Conjuring mới chỉ là 81,5 triệu USD trong khi chỉ riêng The Mummy của Universal đã ngốn hết 125 triệu USD.

Còn về Vũ trụ Đen tối…

Cùng là vũ trụ kinh dị, vì sao The Conjuring lại thành công còn Dark Universe chịu phận chết yểu? - Ảnh 4.

Giữa Vũ trụ Conjuring và Vũ trụ Đen tối tồn tại khá nhiều điểm chung, một trong số đó là cả hai nhà sản xuất đều dùng tuyến nhân vật phản diện để làm điểm nhấn cho dòng phim của mình: Ma sơ Valak trong The Nun hay là Xác ướp trong The Mummy. Cả hai đều là những vũ trụ bắt rễ từ nỗi sợ của con người. Thậm chí, ý tưởng về những con quái vật của Dark Universe còn từng được đánh giá là thân thiện với khán giả hơn.

Vậy điều gì khiến cho Vũ trụ Đen tối thất bại trước đối thủ của nó?

Sự thất bại này chủ yếu là do Universal đã không thể khai thác một cách triệt để điểm mạnh của ý tưởng và nhân vật gốc. Những Dracula Untold hay The Mummy phụ thuộc quá nhiều vào hiệu ứng mà bỏ quên nỗi sợ trong chính bản thân nhân vật như ma cà rồng, xác ướp. Hầu bao hạn hẹp đòi hỏi các phim của The Conjuring phải biết "liệu cơm gắp mắm", tạo ra những chi tiết hiệu quả như các màn jump-scare khá mẫu mực hay nỗi ám ảnh chỉ bằng cử động nhỏ nhất.

Cùng là vũ trụ kinh dị, vì sao The Conjuring lại thành công còn Dark Universe chịu phận chết yểu? - Ảnh 5.

Không tốn nhiều tiền lắm cho một cảnh phim thế này đâu.

Như đã nói ở trên, kinh phí thực hiện các phim The Conjuring rẻ bèo. Vì chỉ phải bỏ ra 40 triệu đô để làm phim nên New Line có thể coi doanh thu 311 triệu của The Conjuring là thành công lớn, trong khi doanh thu 409 triệu USD của The Mummy vẫn bị coi là "lỗ sặc gạch" so với một phim chi ra 125 triệu cho đống kỹ xảo bụi bay mù mịt với anh Tom Cruise chạy sút quần. Universal cần phải thu được nhiều lợi nhuận hơn để bù vào khoản tiền khổng lồ phải bỏ ra. Nhà sản xuất của vũ trụ Conjuring không muốn chi nhiều tiền để đưa những ngôi sao hạng A lên poster phim của mình giống như Universal đã làm khi mời Tom Cruise làm diễn viên chính trong The Mummy. Đó lại là một quyết định khôn ngoan vì ngày nay, không còn nhiều những bộ phim thành công mà chỉ dựa vào độ nổi tiếng của diễn viên chính.

Cùng là vũ trụ kinh dị, vì sao The Conjuring lại thành công còn Dark Universe chịu phận chết yểu? - Ảnh 6.

"The Mummy" chứng minh rằng ngày nay ngay cả khi có Tom Cruise thì phim của bạn vẫn lỗ như thường.

Một nguyên nhân khác cho sự thất bại của Universal là hình như nhà sản xuất phim đã quên mất rằng ấn tượng đầu có vai trò vô cùng quan trọng đối với một bộ phim. Không phải mọi tác phẩm của vũ trụ Conjuring đều xuất sắc. The Nun là một phim kinh dị hạng trung với cốt truyện tẻ nhạt và thiếu logic. Thế nhưng The Conjuring là một cơn sốt ngày nó ra mắt. Thành công liên tiếp của các phần The Conjuring và Annabelle đã tạo nên kỳ vọng nền cho khán giả và khuyến khích họ ra rạp khi các phim tiếp theo được "đẻ ra". Còn với Universal, họ ngay từ lúc ra quân đã "sấp mặt" với hai bom xịt là Dracula Untold và The Mummy. Vũ trụ điện ảnh chỉ vừa mới ra quân đã gặp phải thất bại thảm hại thì rất khó để có thể đặt nhiều kỳ vọng vào sự thành công của những phần phim tiếp theo.

Giám đốc sản xuất Peter Cramer của Universal trong bài phỏng vấn cho The Hollywood Reporter đã chia sẻ rằng họ cần thêm một khoảng thời gian để tìm ra hướng đi phù hợp. Hy vọng rằng Dark Universe không bị studio khai tử mãi mãi, vì đây vẫn là một mỏ vàng khá tiềm năng, chỉ có điều Universal dường như đã đào nhầm chỗ. Sắp tới nếu như không có gì thay đổi, canh bạc tiếp theo mà hãng đổ vào sẽ là Bride Of Frankenstein và The Wolf Man. Hãy cùng chờ xem bầy quái vật của vũ trụ đen tối có được hồi sinh để cạnh tranh với thế giới ác ma của The Conjuring trong tương lai hay không.