BOF - Tân Hoàn Châu Cách Cách: Người cùng... khổ

Ngọc Minh, Theo 00:02 03/08/2011

Vô tình mà 2 tác phẩm đình đám này đều được "đối xử" khá giống nhau.

Nếu xét kỹ lưỡng ra thì nội dung của Boys Over Flowers (BOF) và Tân Hoàn Châu Cách Cách thực sự... chẳng dính dáng gì đến nhau. Một bên là cô gái con nhà nghèo giữa một đám tiểu thư, công tử kênh kiệu, chỉ ham trò bắt nạt kẻ yếu. Bên kia lại là câu chuyện về những cách cách, a ca trẻ trung, khao khát tình yêu và tự do chốn cung đình ngột ngạt. Có chăng, cả hai chỉ chịu chung "số phận" làm "người đến sau", là bản remake của một tác phẩm đã quá nổi tiếng (thậm chí còn "lưu lạc" qua nhiều nước - trường hợp của BOF).


BOF và Tân Hoàn Châu có "số phận" khá tương đồng

Và tất nhiên, một khi đã mang "danh phận" phiên bản mới, không sớm thì muộn phim sẽ bị đặt lên bàn cân với "tiền bối". Công chúng và giới phê bình dù "khoan dung" đến đâu, hẳn cũng không bao giờ có chuyện quên sạch sành sanh miền ký ức quá đẹp để mà tiếp nhận "kẻ mới đến" như một tác phẩm độc lập. Chẳng ít thì nhiều trong lòng khán giả đã có sẵn định kiến. Vì vậy, cách mà khán giả bình phẩm và đối xử với 2 tác phẩm này cũng có phần nào đó tương đồng.


Tân Hoàn Châu thậm chí còn "khủng" hơn BOF...


...khi xưng vương rating ngay tập đầu tiên

Tuy nhiên, mặc kệ ý kiến bình phẩm ra sao, ít nhất cho tới thời điểm này có thể kết luận Tân Hoàn Châu đã thành công về mặt rating. Ấy cũng là thành tích vang dội mà BOF từng thiết lập. Nhưng còn "khủng" hơn một BOF phải chật vật cạnh tranh cùng East of Eden trong những ngày đầu phát sóng, Tân Hoàn Châu ngay lập tức đoạt "ngôi vương" ở thị trường Hoa ngữ với tỉ lệ người xem luôn đạt khoảng 8%.


BOF bị nhiều nhà phê bình điện ảnh khó tính xếp vào dạng "Thảm họa phim Hàn"...


Tân Hoàn Châu còn bị chính khán giả phản đối

Khổ nỗi, cả hai tác phẩm này lại một lần nữa chung số phận khi người xem đông mà người chê thì cũng... nhan nhản. Chắc không khán giả nào từng quên, BOF đình đám hồi đầu năm 2009 từng bị nhiều nhà phê bình xứ kim chi "chê lên chê xuống", thậm chí còn bị xếp vào hàng ngũ "thảm họa phim Hàn", có khả năng ảnh hưởng xấu đến lối sống và đạo đức giới trẻ. Tân Hoàn Châu còn thảm hại hơn khi ý kiến phản đối lại đến từ chính người xem. Vì vậy, tình huống "dở khóc dở cười" mà phim đang mắc phải chính là khán giả... không bỏ sót tập phim nào nhưng miệng vẫn không ngừng chê bai.


Geum Jan Di bị bạn bè tẩy chay, đổ bột mỳ lên người

Trong những tập phim đầu tiên, BOF bị chỉ trích nặng nề về những cảnh quay bạo lực học đường. Tập 1 của phim mở đầu với hình ảnh một nam sinh trường trung học Shinhwa bị bạn bè tẩy chay, bắt nạt đến mức phải nhảy lầu tự tử. Nữ chính Geum Jan Di (Goo Hye Sun) vì "ra tay hiệp nghĩa" trừng trị thói hống hách của thủ lĩnh F4 - Goo Jun Pyo (Lee Min Ho) cũng bị nhận "thẻ đỏ". Chuyện này đồng nghĩa với việc cô sẽ bị các tiểu thư, công tử rỗi hơi trong trường đem ra làm đối tượng hành hạ.




Đây liệu có phải là môi trường học đường đáng noi gương?

Các ủy ban, nhà phê bình tại Hàn Quốc cho rằng, việc quá lạm dụng những phân cảnh bạo lực học đường không phù hợp với một bộ phim truyền hình. Nhất là bộ phim này lại nhắm tới đối tượng khán giả tuổi teen. Hình ảnh Goo Hye Sun bị ném bột mỳ vào người, bị lật ngã và đốt cháy xe đạp trong khi bạn bè đứng vòng trong vòng ngoài quay phim, chụp ảnh bị quy tội là "chẳng khác nào vẽ đường cho hươu chạy".


Geum Jan Di bị lừa chụp ảnh "nóng"


Goo Jun Pyo và F4 cũng tham gia đánh nhau

Không chỉ dừng lại ở đó, BOF cũng bị lên án rất nhiều về những chi tiết quá "nặng đô" so với một phim học đường. Vì ghen tị trước tình cảm mà Goo Jun Pyo dành cho Geum Jan Di, cô bạn Ok Min Ji đã lập mưu đánh thuốc mê rồi chụp ảnh "nóng". Chi tiết này quá quen thuộc trong các bộ phim tâm lý xã hội nhưng liệu có phù hợp cho những khán giả vị thành niên? Những phân cảnh đánh đấm của F4 rất "oai" nhưng đó có phải là hành động mà những nam sinh trung học nên học tập?


Các a ca, cách cách thời nhà Thanh rất "bạo dạn" (!?!)

Tương tự như vậy, Tân Hoàn Châu bị "ném đá" ngay từ khi công bố loạt ảnh "những nụ hôn ngọt ngào". Khán giả ai nấy đều sững sờ trước sự "mạnh bạo" của các a ca, cách cách thời nhà Thanh. Cả 3 cặp đôi Tiểu Yến Tử - Ngũ A Ca, Tử Vy - Nhĩ Khang, Tịnh Nhi - Tiêu Kiếm đều có một... sê-ri với vô số kiểu khóa môi.






Cứ hôn mới là yêu say đắm???

Quỳnh Dao tỏ ra rất tâm đắc vì bà cho rằng những nụ hôn sẽ khiến cho phim trở nên ngọt ngào hơn. Tuy nhiên có rất nhiều người lại cảm thấy "ớn" trước độ "ngọt" quá liều này. Họ thẳng thắn bày tỏ ý kiến: "Tôi bắt đầu thấy nhàm chán vì những nụ hôn này. Chẳng lẽ cứ hôn thì mới bày tỏ được tình cảm à?", "Lối sống thời nhà Thanh thoải mái và thoáng quá nhỉ?"...




Hoàng A Ma - Khưu Tâm Chí không dùng "quả nhân"
hay "trẫm" mà xưng... "tôi"

Không chỉ có thế, Tân Hoàn Châu còn khiến khán giả rất bực mình trước ngôn ngữ hiện đại và cách xưng hô "ba lăng nhăng" được sử dụng trong phim. Họ cho rằng đây không đơn thuần là hạt sạn mà đã trở thành sự thiếu tôn trọng lịch sử. Hoàng thượng (Khưu Tâm Chí) không tự xưng "quả nhân" hay "trẫm" mà rất thoải mái dùng đại từ "tôi" - một điều chẳng hoàng đế Trung Quốc nào (cả thực tế lẫn trên phim ảnh) từng làm.




Ngôn ngữ trong Tân Hoàn Châu quá hiện đại

Nữ sĩ Quỳnh Dao và đạo diễn Lý Bình từng giải thích về vấn đề này song chẳng khán giả nào cảm thấy thỏa đáng. Quỳnh Dao nói: "Tôi làm phim cho người hiện đại xem, không phải cho người nhà Thanh xem. Vì vậy, ngôn ngữ hiện đại là điều có thể hiểu được". Một ký giả Trung Quốc cho biết: "Quỳnh Dao nói bà ấy nhắm vào đối tượng 9x. Nhưng tôi nghĩ bà ấy làm phim cho những đứa nhóc 10x chưa biết gì thì đúng hơn. Thế hệ 9x đủ trưởng thành để hiểu hoàng đế không bao giờ xưng hô bừa bãi như vậy."


Hai nhân vật trung tâm của BOF và Tân Hoàn Châu
Họ đều là những cô gái mạnh mẽ, tinh nghịch và hiệp nghĩa

Là những dự án có kinh phí đầu tư "hàng khủng" nên cả BOF lẫn Tân Hoàn Châu đều bị khán giả tích cực nhặt sạn. Cứ sau mỗi tập phim là khán giả xem Tân Hoàn Châu lại "hăm hở" khoe với nhau thành tích... nhặt sạn của mình. Chính sự "nhiệt tình" quá đà ấy đã "vô tình" đẩy rating tại Đại lục của Tân Hoàn Châu lên cao ngất ngưởng. Trong khi đó, phim lại luôn chịu thất bại ê chề ở tất cả các cuộc thăm dò dư luận.




Một số hạt sạn trong Tân Hoàn Châu

Chủ yếu "lỗi lầm" của Tân Hoàn Châu là do những sơ xuất của nhân viên đoàn phim. Khán giả "soi" từ đôi giày "hàng hiệu" vô tình lọt vào khung hình đến chiếc xe ô tô hiện đại lướt qua cổng hoàng cung. Thậm chí họ còn "zoom" thẳng vào tên cuốn tạp chí của Benjamin để rồi phát hiện ra nó phát hành số đầu tiên khi cả 2 nàng Cách Cách đều đã trở thành những... bà lão. Cho đến khi họ tỉ mỉ tới mức phát hiện ra sự sai khác trong... độ dài mũi tên của Ngũ A Ca thì tất cả đều phải "sởn gai ốc" trước sự "tinh tế" của khán giả Đại lục.


BOF sử dụng nhiều ca khúc OST của SS501...


...và T-Max

BOF thậm chí còn "đắc tội" nhiều hơn. Càng đến thời gian cao điểm, những lời phàn nàn về việc lạm dụng quảng cáo và OST càng "tới tấp". Khán giả phàn nàn rằng, BOF không khác gì một... liên khúc các bài hát của SS501 và T-Max. Họ cảm thấy rất khó chịu vì nhiều khi bài hát chẳng ăn nhập gì với tình tiết, khiến họ mất tập trung và giảm sự hấp dẫn của phim. Đỉnh điểm là tập 10 với thời lượng 20 phút "chỉ toàn nhạc là nhạc".




Một số cảnh quảng cáo gây bực mình cho khán giả trong BOF

Khi phim trở nên nổi tiếng thì các hợp đồng quảng cáo cũng tới tấp bay về. Các nhà làm phim Hàn khéo léo ở chỗ họ không chỉ phát đoạn quảng cáo trực tiếp mà còn lồng ghép sản phẩm vào phim để lăng xê. Bị chỉ trích nhiều nhất là các tập 17, 18, 19 với những cảnh quảng cáo cho mỳ gói, kem và điện thoại Anycall kéo dài quá đáng khiến khán giả "bội thực".


Nhưng kể ra thì BOF...


...còn "sướng" hơn Tân Hoàn Châu nhiều

Tuy đều nhận được những lời chỉ trích song dường như BOF có phần ít "khổ sở" hơn Tân Hoàn Châu bởi nhận được sự hậu thuẫn từ phía khán giả trẻ. Trong khi đó, Tân Hoàn Châu phải một mình "đương đầu" với chỉ trích từ nhiều phía. Xem ra, khi bắt tay vào làm một tác phẩm remake, các nhà sản xuất đã phần nào chấp nhận mạo hiểm. Bởi không ai biết trước được, thứ mình sẽ nhận sau này là đá tảng hay hoa hồng?