Phát hiện cá voi sát thủ trắng, 877 con cá heo chết bí ẩn

Lê Giang, Theo Mask Online 11:04 24/04/2012
Chia sẻ

Cùng các cập nhật: Chocolate sữa sẽ giúp tăng cường hoạt động trí não, bay qua dãy Alpes bằng tên lửa trên lưng, chụp được ảnh vệ tinh lớn nhất thế giới mất tích...


Lần đầu tiên phát hiện cá voi sát thủ trắng trưởng thành


Các nhà khoa học cho biết, họ vừa phát hiện một sinh vật được cho là cá voi sát thủ trắng ở ngoài khơi bờ biển Kamchatka, phía Đông nước Nga. Họ đặt tên cho nó là Iceberg. Con cá voi này trông rất khỏe mạnh và dường như là con dẫn đầu trong một bầy cá voi.

Cá voi sát thủ trắng Iceberg.

Nếu thông tin này được xác nhận, nó là con cá voi sát thủ trắng trưởng thành đầu tiên được tìm thấy trong tự nhiên. Erich Hoyt - một nhà bảo tồn kiêm chuyên gia về cá voi và là đồng trưởng nhóm nghiên cứu phát hiện Iceberg cho biết: “Nó có vây lưng dài tới 2m, là con đực đã trưởng thành. Chúng tôi ước tính nó đã ít nhất 16 tuổi”.

Cá voi sát thủ trắng thỉnh thoảng vẫn được nhìn thấy trong tự nhiên, tuy nhiên tất cả chúng đều còn nhỏ. Vào năm 1972, tại một Viện Hải dương học ở Canada cũng có một con cá voi sát thủ màu trắng do biến đổi gene, nhưng nó đã chết sau đó.

Iceberg giữa bầy cá voi bình thường.

Cá voi sát thủ là loài cá voi ăn thịt hung dữ nhất đại dương. Chúng săn cá và các loài thú biển như sư tử biển, hải cẩu. Cá voi và cả cá mập trắng lớn cũng là nạn nhân của chúng. Cá voi sát thủ đực có thể dài khoảng 6-8m, nặng hơn 6 tấn; còn cá voi sát thủ cái nhỏ hơn, dài 5-7m, nặng 4-5 tấn. Tuổi thọ trung bình của cá voi sát thủ là khoảng 30, riêng những con đực có thể sống tới 50-60 tuổi.

(Nguồn tham khảo: BBC)

Hàng loạt cá heo chết bí ẩn ở Peru


Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin, nhiều người đã phát hiện xác của tổng cộng 877 con cá heo ở các bờ biển phía Bắc Peru từ tháng 2 tới giữa tháng 4. Khoảng 90% trong số này thuộc loại cá heo mũi khoằm, trong khi số còn lại là giống cá heo Burmeister. Các cuộc điều tra vẫn chưa hoàn tất nhưng giới chức địa phương bày tỏ hy vọng sẽ phát hiện ra nguyên nhân thực sự của vụ việc vào tuần tới.

Ông Gabriel Quijandria - thứ trưởng Bộ Môi trường Peru cho biết, “Giả thuyết khả dĩ nhất là các con cá heo mắc một căn bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Hiện có nhiều bài báo khoa học viết về ảnh hưởng của morbillivirus - một chủng virus gây bệnh ở động vật biển có vú tại Peru".

Nhà chức trách Peru phát hiện thêm xác của hàng chục con cá heo chết trên bờ biển Pimentel ở Chiclayo, miền Bắc nước này ngày 6/4.

Theo ông Quijandria - một nhà chức trách địa phương cho rằng, cái chết hàng loạt của cá heo có liên quan đến hoạt động thăm dò dầu khí ở ngoài khơi phía Bắc Peru, do công ty năng lượng Mỹ BPZ tiến hành từ ngày 8/2 đến 8/4 vừa qua. Nhóm hoạt động vì môi trường Orca cáo buộc, các sóng âm từ hoạt động thăm dò địa chất nhằm tìm kiếm mỏ dầu có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng trên.

Hiện tượng cá heo bị chết hàng loạt thỉnh thoảng xuất hiện tại các bờ biển ở nhiều nơi trên thế giới. Dẫu vậy, số lượng cá heo chết ở miền Bắc Peru cao bất thường. Ngoài việc tự điều tra, nhà chức trách Peru cũng hy vọng nhận được sự hỗ trợ nghiên cứu từ các chuyên gia thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), để tìm hiểu xem liệu những con cá heo xấu số có mắc một loại virus nào đó hay không.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Chocolate sữa sẽ giúp tăng cường hoạt động trí não


Chocolate sữa với thành phần gồm các chất theobromine, phenethylamine và caffeine sẽ giúp kích thích sự tỉnh táo và tăng cường khả năng tập trung. Đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Wheeling Jesuit (Mỹ) sau khi tiến hành thí nghiệm hiệu quả của các loại chocolate khác nhau đối với hoạt động trí não.


Các tình nguyện viên tham gia cuộc nghiên cứu được chia thành 4 nhóm, có 3 nhóm ăn một trong các khẩu phần ăn (85g) gồm các sản phẩm chocolate sữa, chocolate đen, cà rốt và một nhóm không dùng gì cả. Sau khi ăn 15 phút, các nhóm tình nguyện viên này phải trải qua nhiều bài kiểm tra tâm lý trên máy tính để đánh giá hoạt động nhận thức như trí nhớ, thời gian tập trung, tốc độ phản ứng và cách giải quyết vấn đề. Kết quả cho thấy, nhóm sử dụng chocolate sữa có trí nhớ cao hơn đáng kể so với các nhóm khác.

(Nguồn tham khảo: Vietnam+)

Video: Bay qua dãy Alpes bằng tên lửa trên lưng


Nhà phát minh nổi tiếng Thụy Sĩ Yves Rossi vừa hoàn thành chuyến bay trên dãy Alpes nhờ một thiết bị bay với động cơ tên lửa độc đáo do ông tự thiết kế chế tạo. Thiết bị bay của Rossi là một đôi cánh dài 2,5m, có gắn 4 động cơ tên lửa (phản lực) nhỏ và gọn nhẹ. Tất cả nặng chừng 55kg và lắp ngay trên lưng, điều khiển bằng tay.

Khác với tàu lượn, Rossi không dùng sức gió mà dùng sức đẩy của động cơ phản lực. Thật ra, những động cơ này không đủ sức làm ông bay lên nên mỗi lần bay, ông đều nhảy ra từ chiếc máy bay trực thăng sau khi đạt được độ cao nhất định. Tốc độ bay của ông trên không trung là 305km/h.

Chuyến bay đầu tiên của Yves Rossi nhờ động cơ tên lửa này được thực hiện vào tháng 10/2006, từ đó ông được mệnh danh là “người tên lửa - rocketman hoặc jetman". Tiếp sau đó, ông còn bay thử nghiệm nhiều lần qua biển Manche (giữa Anh và Pháp), cũng như ngang qua Thung lũng lớn (Grand Canyon) tại Mỹ.



Không phải tất cả các lần bay thử nghiệm đều thành công. Ví dụ năm 2009, ông bị rơi tại Gibraltar. Rất may, ông được cứu lên kịp thời và trở về trên chiếc máy bay trực thăng. Theo Rossi, khi ông phục vụ trong Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ, ông đã từng mơ ước được tự mình bay lượn trên không. Khi ra khỏi quân đội, ông đã mày mò, lắp ráp các thiết bị bay rồi tự mình thử nghiệm.

(Nguồn tham khảo: Youtube/ Khoahoc)

Chụp được ảnh vệ tinh lớn nhất thế giới mất tích


Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết, ngày 15/4, vệ tinh quan sát Trái đất Pleiades của Pháp đã chụp được ảnh của vệ tinh quan sát lớn nhất thế giới - Envisat, bị mất liên lạc từ ngày 8/4 vừa qua. Bức ảnh được ghi lại khi 2 vệ tinh bay cách nhau khoảng 100km.

Vệ tinh Envisat trông khá rõ nét trong bức ảnh do vệ tinh Pleiades ghi lại vào ngày 15/4.

Vệ tinh Pleiades đã chụp được chi tiết phần thân, cánh pin mặt trời và ăng ten của Envisat. Hiện ESA đang phân tích ảnh để xác định các tấm pin mặt trời của nó có hướng về Mặt trời không. Nếu ở đúng vị trí, pin vẫn có thể cung cấp đủ điện để vệ tinh hoạt động an toàn, nghĩa là có thể liên lạc lại với Envisat. Volker Liebig - Giám đốc Chương trình quan sát Trái đất của ESA cho biết, “Cộng đồng vũ trụ quốc tế vẫn đang tiếp tục hợp tác để theo dõi vệ tinh bị mất tín hiệu của chúng tôi".

Trước đó, một trạm radar mặt đất được điều hành bởi Viện vật lý cao tần và kỹ thuật radar Fraunhofer ở Wachtberg (Đức) cũng đã chụp được ảnh Envisat vào ngày 10/4. Các chuyên gia vũ trụ hy vọng những bức ảnh này sẽ giúp họ xác định được hướng bay của vệ tinh quan sát lớn nhất thế giới.

Hình ảnh của Envisat được ghi lại bởi trạm radar mặt đất ở Wachtberg (Đức) ngày 10/4.

Trong khi đó, Trung tâm Chiến dịch Không gian chung (JSpOC) của Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, đang theo dõi quỹ đạo của Envisat để kiểm tra nó có rơi khỏi quỹ đạo Trái đất không. ESA cho biết, một số trạm quan sát mặt đất khác cũng đang theo dõi quỹ đạo bay của Envisat. Vệ tinh quan sát Envisat được ESA phóng lên quỹ đạo Trái đất vào tháng 2/2002. Vệ tinh trị giá 2,9 tỷ USD (khoảng 60.000 tỷ VNĐ) này được trang bị 10 thiết bị cảm biến radar, quang học hiện đại nhất, giúp nó quan sát và theo dõi sự thay đổi đất, khí quyển, đại dương và các tảng băng lớn trên Trái đất.

(Nguồn tham khảo: Space)

Google kỷ niệm 132 năm ngày sinh kỹ sư Gideon Sundback - cha đẻ của khóa kéo


Hôm nay, trang chủ Google vừa đăng một logo mới mừng sinh nhật thứ 132 của kỹ sư Gideon Sundback ( 24/4/1880 - 24/4/2012 ). Ông là một kỹ sư điện tử người Mỹ gốc Thụy Điển, cũng chính là cha đẻ của khóa kéo (Phéc-mơ-tuya) mà ta hay sử dụng bây giờ.


Điều thú vị là người dùng có thể kéo khóa trang chủ Google để mở ra kết quả tìm kiếm. Bạn có thể xem clip sau nói về hiệu ứng thú vị này.


(Nguồn tham khảo: Google)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày