"Khảo cổ" 2 người con sinh đôi của nữ hoàng Ai Cập Cleopatra

A, Theo Mask Online 11:08 26/04/2012

Cùng các cập nhật: Mưa sao băng "tới tấp" trong mùa hè 2012, nghiên cứu khả năng tự tử của động vật...

"Khảo cổ" 2 người con sinh đôi của nữ hoàng Ai Cập Cleopatra


Một nhà nghiên cứu Ai Cập mới đây đã tái phát hiện một bức tượng điêu khắc hai người con sinh đôi của Nữ hoàng Cleopatra VII và người tình Mark Antony tại một bảo tàng ở Cairo. Bức tượng bị quên lãng đã hé lộ nhiều điều về các con của nữ hoàng Ai Cập nổi danh thuở nào.

Sau khi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1918 tại gần đền thờ Dendera ở bờ Tây sông Nile, bức tượng sa thạch cao 10m đã được bảo tàng Ai Cập ở Cairo mua về và đánh số hiệu là JE 46278, nhưng hầu như bị lãng quên cho đến tận hiện tại.


Bức tượng điêu khắc về hai người con sinh đôi của nữ hoàng Cleopatra VII và người tình Mark Antony.

Phía sau bức tượng cho thấy hình chạm khắc một số ngôi sao, dường như ám chỉ rằng bức tượng từng được gắn với trần nhà nào đó. Xét về tổng thể, phần còn lại của bức tượng trông khá dị thường.

“Nó cho thấy 2 đứa trẻ trần truồng, một nam và một nữ, kích thước giống hệt nhau đang đứng bên trong lòng của 2 con rắn. Tay của đứa trẻ này khoác lên vai của đứa trẻ kia, trong khi tay còn lại tóm lấy một con rắn”, Giuseppina Capriotti - nhà Ai Cập học thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Italia cho biết trên trang Discovery.

Bà Capriotti lưu ý rằng, đứa bé trai đội một chiếc đĩa hình Mặt trời trên đầu, trong khi bé gái đội một đĩa hình Mặt trăng gắn dải hình lưỡi liềm. Cả 2 chiếc đĩa đều được trang trí mắt udjat, còn được gọi là mắt của Horus – một biểu tượng phổ biến trong nghệ thuật Ai Cập.

Khuôn mặt của hai đứa trẻ trong bức tượng không còn lưu giữ được nguyên vẹn.

“Đáng tiếc là các khuôn mặt không được bảo quản tốt, nhưng chúng ta vẫn có thể thấy bé trai tóc xoăn và có một bím tóc tết bên phải đầu, đặc trưng của trẻ em Ai Cập. Tóc của bé gái để theo kiểu quả dưa – kiểu tóc thường gắn với triều đại nhà Ptolemy, đặc biệt là nữ hoàng Cleopatra”, bà Capriotti nói thêm.

Sau khi phân tích tỉ mỉ, bà Capriotti nhận diện hai đứa trẻ trong bức tượng là Alexander Helios và Cleopatra Selene. Chúng là con của Nữ hoàng Cleopatra với người tình Antony. Cặp song sinh này được cho là chào đời vào khoảng năm 40 trước Công nguyên.

Vào thời điểm chào đời, cặp song sinh đơn giản được đặt tên là Cleopatra và Alexander. Khi được cha chính thức thừa nhận 3 năm sau đó (khi Antony trở về Antioch, nay là Thổ Nhĩ Kỳ, để đoàn tụ cùng nữ hoàng Cleopatra và các con), hai đứa trẻ được đặt tên lại là Alexander Helios (Mặt trời) và Cleopatra Selene (Mặt trăng).

Bà Capriotti cho hay: “Việc Antony thừa nhận con trùng hợp với thời điểm diễn ra một vụ thiên thực. Có lẽ vì lí do này và nhằm kỳ bí hóa sự ra đời của cặp song sinh, hai đứa trẻ đã được đặt thêm các tên về Mặt trăng, Mặt trời. Mặc dù ở Ai Cập, Mặt trăng là một vị thần nam giới nhưng trong bức tượng điêu khắc, giới tính gắn với các biểu tượng Mặt trăng, Mặt trời bị đảo ngược lại để phù hợp với truyền thống Hy Lạp”.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

"Bông hoa xanh" khổng lồ trong vũ trụ


Các nhà thiên văn học đã chụp hình được một tinh vân cách Trái đất khoảng 2.300 năm ánh sáng, có hình dạng giống bông hoa xanh khổng lồ.

"Bông hoa" khổng lồ trong ảnh là tinh vân Nhẫn (Ring Nebula) - tinh vân thứ hai mà con người từng phát hiện, Popular Science cho biết. Nhà thiên văn người Pháp Antoine Darquier phát hiện nó vào năm 1779 - tức là đúng 15 năm sau khi con người tìm ra tinh vân đầu tiên. Dù được đặt tên là Nhẫn, song ngoài hình dạng giống bông hoa xanh, rất có thể tinh vân này còn giống bánh rán hoặc thậm chí là hình trụ.


Tinh vân Nhẫn có hình dạng giống bông hoa với màu xanh dương pha xanh lục ở trung tâm.

Nằm trong chòm sao Thiên Cầm, tinh vân Nhẫn được chiếu sáng bởi một ngôi sao lùn trắng ở trung tâm. Sự hiện diện của khí oxy ở vùng trung tâm của tinh vân tạo nên màu xanh dương pha xanh lục. Để quan sát tốt tinh vân Nhẫn, con người nên sử dụng kính thiên văn có đường kính từ 20cm trở lên.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc/Space)

Động vật có khả năng tự tử?


Các loài động vật thuộc linh trưởng, cá heo thậm chí cả mực đã chứng minh khả năng tự nhận thức của mình, nhưng liệu chúng có thực sự đủ thông minh để kết liễu cuộc đời? Hay tự tử chỉ xảy ra ở loài người?



Từ xưa tới nay, mọi người thường tin rằng hành động tự tử chỉ xảy ra ở loài người. Duncan Wilson, nhà nghiên cứu từ Đại học Manchester, Vương quốc Anh cho hay: “Thiếu khả năng hình dung và thi hành cái chết đối với bản thân, các loài động vật dường như bị thúc đẩy bởi bản năng tự bảo tồn”.

Nhưng lịch sử dường như đi ngược lại ý kiến này, Duncan nói. Lấy ví dụ, có một loạt các bài báo ở cuối những năm 80 về những “vụ tự tử của loài vật” bao gồm các con chó tự ném mình vào mộ của chủ cho tới chết, một con mèo tự treo mình sau cái chết của những đứa con và những con ngựa tự vẫn vì bị ngược đãi trong nhiều năm. Thậm chí ở Scotland có một cây cầu nổi tiếng là nơi mà rất nhiều chú chó đã tự gieo mình xuống dòng sông.

Quay trở lại vấn đề, thì một hành động được coi là tự tử khi cá nhân hiểu rõ việc làm đó sẽ dẫn tới cái chết. Loại tư duy trừu tượng này không có ở động vật, ngay cả với những loài rất thông minh.

Khả năng cao hơn là động vật vô tình chấm dứt cuộc sống khi buồn bã hoặc cô đơn. Các con vật với mối liên hệ họ hàng khăng khít thường thay đổi hành vi sau khi mất một người anh em. Ví dụ những chú chó trong các trường hợp trên bị trầm cảm, bỏ ăn, mất tập trung cho tới khi chết. Những hành vi gây ra bởi sự trầm cảm không giống với tự tử, mặc dù cả 2 đều dẫn tới cái chết.

Nhà khoa học tới từ trường Đại học bang Florida, Thomas Joiner đã chỉ ra một vài ví dụ trong cuốn sách của chính ông có tựa đề "Bí ẩn về tự tử" (Nhà xuất bản Harvard, 2010). Một vài con rệp vừng sẽ tự nổ khi bị đe dọa bởi các con cánh cam để bảo vệ anh em của chúng vì “vụ nổ” nhỏ ấy có thể giết chết con cánh cam. Các hành động không được coi là tự tử này cho ta thấy bảo tồn giống loài đôi khi đồng nghĩa với sự hy sinh của một cá nhân.

(Nguồn tham khảo: Livescience)

Mưa sao băng "tới tấp" trong mùa hè 2012


Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, trong các tháng mùa hè năm nay, điều thú vị là tháng nào cũng sẽ có mưa sao băng. Cụ thể, mưa sao băng Aquarius (Bảo Bình Bắc) xảy ra vào ngày 5 - 6/5 với mật độ khoảng 20 vệt/giờ, mưa sao băng Aquarius (Bảo Bình Nam) xảy ra vào ngày 28 - 29/7 có mật độ khoảng 20 vệt/giờ. Đặc biệt, phải kể đến mưa sao băng Perseids (Anh Tiên) xảy ra vào 12 - 13/8. Đây được coi là trận mưa sao băng đẹp nhất trong năm. Điều đáng nói nhất là thời điểm mưa sao băng Anh Tiên xuất hiện năm nay lại không có trăng. Vì thế, chỉ cần thời tiết tốt, người yêu thiên văn rất có cơ hội chiêm ngưỡng các vệt mưa sao băng nhiều màu sắc.



Một sự kiện đáng chú ý nữa trong mùa hè năm nay là sự xuất hiện của nhật thực hình khuyên xảy ra vào ngày 20/5. Tiếc là Việt Nam chúng ta chỉ quan sát được nhật thực một phần. Ngoài ra, ngày 4/6, người yêu thiên văn còn có cơ hội chiêm ngưỡng nguyệt thực một phần. Cư dân sống ở khu vực châu Á, Úc, Thái Bình Dương và châu Mỹ sẽ quan sát được hiện tượng này.

Trong các tháng 6, 7, 8, người yêu thiên văn còn dễ dàng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dải ngân hà. Từ khoảng 22 - 23h, hãy hướng mắt lên bầu trời, bạn sẽ nhìn thấy một dải sáng mờ đục vắt ngang qua bầu trời chạy thẳng từ chân trời phía Đông sang phía Tây. Đặc biệt, nếu quan sát bằng ống nhòm, dải Ngân hà sẽ hiện ra là những chùm sáng chi chít bởi các vì sao.

(Nguồn tham khảo: Bee)