"Quái vật" hồ Loch Ness xuất hiện, mảnh ghép “Sách về cái chết”

Lê Giang, Theo Mask Online 10:49 23/04/2012

Cùng các cập nhật: Ô nhiễm làm chim hót hay hơn, vòng quanh thế giới chỉ hết… 6 giờ...


"Quái vật" hồ Loch Ness xuất hiện?


Anh Marcus Atkinson (một thợ săn cá ngầm ở Fort Augustus, Scotland) đi thuyền trên mặt hồ Loch Ness và đã chụp được hình ảnh một sinh vật kỳ lạ. Ở dưới độ sâu khoảng 23m, thiết bị siêu âm được trang bị trên thuyền của anh đã chụp lại hình ảnh sinh vật kỳ lạ dài khoảng 1,5m. 


Anh Marcus Atkinson kể: “Tôi đang đi thuyền trên mặt hồ thì thấy dưới nước có con vật gì đó rất kỳ lạ. Mỗi giây phút trôi qua hình ảnh nó hiện ra càng rõ hơn”. Kể về cảm xúc khi thấy “quái vật”, Marcus Atkinson nói: “Trong hồ Loch Ness không có cái gì lớn như thế. Tôi sửng sốt khi nó trông giống như con rắn khổng lồ. Không thể là hình ảnh giả được. Bao nhiêu năm săn cá ngầm tôi chưa thấy sinh vật nào như thế”.


Ngay sau đó, các nhà nghiên cứu đã vào cuộc để tìm hiểu về sinh vật này. Tiến sĩ Simon Boxall đến từ Trung tâm Hải dương học Quốc gia ở Southampton cho biết: "Những hình ảnh được chụp này chưa thực sự thuyết phục. Nó có thể là khúc gỗ mục hay sinh vật tảo đang di chuyển trong nước mà thôi”. Ông cho rằng, để xác định chính xác đó có phải là quái vật hồ Loch Ness hay một sinh vật lạ nào đó cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu. Tuy nhiên, điều này sẽ mở ra thêm hướng nghiên cứu mới cho các nhà khoa học.

 (Nguồn tham khảo: Dailymail)

Ô nhiễm làm chim hót hay hơn


Các nhà khoa học cho rằng, ô nhiễm làm thay đổi giai điệu của chim đực và khiến chúng hót hay hơn. Sự thật này dẫn tới xu hướng “thích ô nhiễm” của các loài chim và những tác hại không nhỏ đối với chúng. Họ đã tập trung nghiên cứu các con chim sáo đá hoang ở châu Âu - loài có thức ăn là các con giun đất trong khu vực có nhiều nhà máy nước thải. Khu vực này bị ô nhiễm bởi các chất hóa học có tính chất giống với estrogen (loại hormon tiết ra từ cơ quan sinh dục nữ).

Một chú chim sáo đá đang hót.

Nhà sinh thái học Shai Markman đến từ Đại học Cardiff (xứ Wales) và các đồng nghiệp của ông đã thí nghiệm trên những con chim sáo đá. Có 2 nhóm thí nghiệm: một nhóm ăn giun sạch và một nhóm ăn giun có các chất ô nhiễm tương tự ở nhà máy xử lý chất thải. Các nhà nghiên cứu cho hay, chất ô nhiễm đã tác động và mở rộng đáng kể khu vực não bộ phức tạp điều khiển chức năng hót của chim đực. Những con đực này hót thường xuyên hơn, “sáng tác” ra các "bài hát" dài hơn, phức tạp hơn khiến chim cái rất thích thú. Nhưng cũng thật không may, các chất ô nhiễm đe dọa sức khỏe của những chú chim, giảm khả năng miễn dịch của chúng. Do đó, các chú chim cái phải lựa chọn: hoặc những chú chim đực to khỏe, hoặc những chú chim đực yếu hơn nhưng hót hay.

Ông cho biết, “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra chim cái thích giao phối với các con chim là nạn nhân của ô nhiễm hơn. Điều đó rất nguy hiểm vì chúng ta hiểu rõ mức độ mà ô nhiễm ảnh hưởng tới chức năng miễn dịch. Rất có thể, nó còn ảnh hưởng tới giống nòi và khả năng sinh sản của chim. Ô nhiễm sẽ đe dọa nghiêm trọng tới số lượng của các loài chim".
(Nguồn tham khảo: Vietnamnet/ Livescience)

Đi vòng quanh thế giới chỉ hết… 6 giờ


Mong muốn tưởng như viển vông này có thể sẽ thành hiện thực với dự án tàu chạy trong ống chân không ETT, có tốc độ 6.500 km/giờ. Các kỹ sư thuộc công ty Evacuated Tube Transport Technologies của Mỹ đang phát triển dự án tàu chạy trong ống chân không có tên Evacuated Tube Transport (ETT). Dự án này được kỳ vọng tạo ra một cuộc cách mạng về giao thông trong tương lai. Tàu chạy trong ống chân không ETT được phát triển dựa trên ý tưởng của kỹ sư cơ khí Daryl Oster - người đã nghiên cứu công nghệ tàu chân không từ đầu những năm 1990 và được cấp bằng sáng chế về công nghệ này vào năm 1997.

Mô hình hệ thống tàu ETT.

ETT bao gồm các khoang tàu siêu tốc hình ống gồm 6 ghế. Các khoang này sẽ di chuyển trong ống chân không với tốc độ có thể lên tới 6.500km/giờ. Do không có ma sát với đường ray như tàu cao tốc hiện nay nên tàu chân không có thể di chuyển nhanh hơn. Bên cạnh đó, mức tiêu thụ nhiên liệu và gây tiếng ồn thấp hơn so với tàu siêu tốc và máy bay phản lực. Theo thiết kế, tàu chân không ETT có thể cho phép hành khách di chuyển từ New York đến Los Angeles trong 45 phút, từ New York đến Trung Quốc chỉ trong 2 giờ hay đi vòng quanh thế giới trong vòng 6 giờ.

Công ty Evacuated Tube Transport Technologies cho biết, chi phí để xây dựng hệ thống tàu chân không ETT rẻ hơn so với các hệ thống giao thông phổ biến hiện nay. Cụ thể, chi phí này chỉ bằng 1/4 chi phí xây dựng đường bộ và bằng 1/10 so với chi phí xây dựng đường ray tàu cao tốc.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Từ trường Mặt trời sẽ phân đa cực vào tháng Năm


Theo nguồn tin Đài Quan sát Thiên văn Quốc gia Nhật Bản (NAOJ) cho biết, các điện cực ở hai nửa bán cầu của Mặt trời sẽ đảo chiều và phân thành 4 cực vào tháng Năm tới. Các cực dương sẽ xuất hiện ở cực Bắc và Nam trong khi điện cực âm sẽ xuất hiện ở hai cực bên của Mặt trời. Theo NAOJ, hiện tượng tương tự từng xảy ra cách đây 300 năm đã khiến nhiệt độ Trái đất giảm nhẹ.


Nhóm nghiên cứu do giáo sư Saku Tsuneta thuộc NAOJ dẫn đầu đã phân tích các dữ liệu liên quan đến điện cực của Mặt trời và khẳng định rằng, các cực từ trường ở cực Bắc Mặt trời đã bắt đầu quá trình đảo chiều từ tháng 7/2011. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra, từ trường ở cực Nam - được cho là sẽ đảo chiều song hành với cực Bắc, đang có xu hướng hình thành từ trường 4 cực. Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân đằng sau sự thay đổi này. Tuy nhiên, đa phần đều cho rằng, sự phân cực kỳ lạ này có liên quan đến mức độ tăng giảm số lượng các vệt đen của Mặt trời theo chu kỳ 11 năm.

Chu kỳ vệt đen Mặt trời hiện nay đã kéo dài tới gần 13 năm. Tình trạng tương tự cũng xảy ra vào thời điểm khoảng thế kỷ 17-18, lúc nhiệt độ trung bình tại bán cầu Bắc của Trái đất giảm 0,6 độ C. 

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Tìm thấy mảnh cuối cùng “Sách về cái chết”


Nhà Ai Cập học nổi tiếng - tiến sĩ John Taylor đã kết thúc cuộc tìm kiếm kéo dài hơn một thế kỷ về mảnh ghép cuối cùng trong quyển “Sách về cái chết” đầy bí ẩn của Ai Cập.

Nhà Ai Cập học - tiến sĩ John Taylor, Bảo tàng Anh cùng với mảnh giấy còn thiếu trong quyển sách “chết” ma thuật.

Tiến sĩ John Taylor cho biết ông đã tìm ra 100 mảnh ghép về quyển “Sách về cái chết”. Hiện tại, những mảnh này nằm rải rác khắp toàn cầu, một số mảnh được bảo quản tốt tại các bảo tàng danh tiếng như Bảo tàng Anh, Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Bảo tàng Nghệ thuật (MET) New York. Quyển “Sách về cái chết” là bản thảo của người Ai Cập, dài đến 20m, được ghi chép trên giấy cói, có nội dung hướng dẫn những người đã mất tiếp tục cuộc hành trình nguy hiểm vào thế giới bên kia.

Những mảnh ghép của các phần còn thiếu được tìm thấy bởi nhà Ai Cập học John Taylor.

Những mảnh ghép sẽ này được tái hợp tại Bảo tàng Queensland, Anh. Tiến sĩ John Taylor cho biết: “Việc tái hợp bản thảo là cực kỳ quan trọng và đòi hỏi tính tỉ mỉ. Tôi hi vọng sau khi tái hợp bản thảo đó thì những điều bí ẩn sẽ được tiết lộ”. Và ông sẽ cố gắng đưa mảnh ghép vừa tìm thấy vào thư viện điện tử ngay khi ông trở về London. Như vậy, Bảo tàng Queensland sẽ làm một việc vô cùng cao cả là giúp thế giới hiểu rõ hơn về nền văn minh Ai Cập huyền bí, hấp dẫn và phức tạp nhất trong thế giới cổ đại.

(Nguồn tham khảo: Dailymail)