Năm 2017, Vpop chứng kiến sự xuất hiện của một "thế lực" đặc biệt – underground, đánh dấu bằng sự bùng nổ của "Tuý Âm" (Xesi, Masew, Nhật Nguyễn). Đến năm 2018, sự tự do phóng khoáng đặc trưng của dòng nhạc "ngầm" lại càng được dịp bung nở mạnh mẽ. Không có sân chơi VPop nào là không có Underground, mang theo thật nhiều gương mặt mới đầy triển vọng.
Nhắc đến những sản phẩm cộp mác underground năm 2018, không thể không nhắc đến "Người lạ ơi" (Karik, Orange), bài hát đã nổ phát pháo đầu tiên vào Vpop tháng 3. Sau "Người lạ ơi", có thể kể đến "Người âm phủ" (OSAD, VTR), hai bài hát "Đố em biết anh đang nghĩ gì" và "Anh đếch cần gì nhiều ngoài em" có sự góp mặt của rapper Đen Vâu và đồng nghiệp, "Vô tình" (Xesi, HoaproX), "Thằng điên" (Justatee, Phương Ly)… những bài hát đã thành hit lớn và chễm chệ trên đỉnh các bảng xếp hạng âm nhạc uy tín.
Trầm lặng hơn nhưng cũng rất ấn tượng, chúng ta bắt gặp sự quay trở lại của Suboi với hai sản phẩm chất lượng là "N-sao" và "Công". Mỗi sản phẩm âm nhạc của giới underground đều mang nét riêng của từng nghệ sĩ, ít khi có sự trùng lặp và sao chép về thể loại hay ý tứ, cách trình bày. Và đặc biệt, phủ trên đó nét nghệ thuật rất riêng, rất đặc trưng kiểu "nhìn là thấy, nghe là nhận ra".
Suboi - N-SAO? (Official Video)
Nếu như "Người lạ ơi" đưa cô nàng Orange đi từ Vpop tới tận sân khấu MAMA 2018, thì có một ca khúc khác cũng cùng chủ nhân của nó đi một quãng đường dài không kém: "Hongkong1", hiện tượng Vpop của tháng 10 đã đi từ bàn nhậu lên tới vị trí hàng đầu của các bảng xếp hạng âm nhạc. Từ một cậu sinh viên "buồn buồn hát chơi" cùng bè bạn, Nguyễn Trọng Tài đã một bước trở thành thần tượng của nhiều bạn trẻ, kéo theo đó là sự cộng hưởng cho một lifestyle lãng tử những ngày còn mê mẩn phim TVB.
Hiện tượng "Hongkong1" cho thấy sự nổi tiếng có thể ập đến bất cứ lúc nào, với bất cứ ai trong thời đại internet bùng nổ, nhưng phải có một sự chuẩn bị kĩ càng mới có thể duy trì và phát huy được cơ hội có một không hai mà khán giả đã trao cho. "Hongkong1" cùng Nguyễn Trọng Tài đã chới với khi bản thu chính thức không có được độ bay bổng như trong phiên bản bàn nhậu, MV và phiên bản RnB của bài hát sau này đều bị xem là "cố đấm ăn xôi". Không chỉ là vấn đề của riêng chủ nhân bản hit "Hongkong1", việc làm quen với sự khen chê khi nổi tiếng, hướng phát triển về lâu dài là điều mà làn sóng underground cần có để không chỉ là một trào lưu nhất thời.
HongKong1 | OFFICIAL MV | Nguyễn Trọng Tài x San Ji x Double X
Ở cuối năm, khi 2 hiện tương "Người Âm Phủ" (Osad) và "Người lạ ơi" (Orange) lần lượt ra 2 sản phẩm "Em có thể" và "Tình nhân ơi", họ bị đánh giá "một màu". Bởi âm nhạc và công thức sản xuất chưa thoát ra được cái bóng của hai "quả bom" trước đó. Dù được chú ý nhưng phản ứng của công chúng lại không mạnh. Điều này cảnh tỉnh rằng, khi giới Underground bước chân ra địa hạt chuyên nghiệp hơn, đòi hỏi họ phải tư duy sáng tạo thật nghiêm túc, đặt mình vào cuộc đua thực sự, chứ không còn là những cú ăn may của một hiện tượng mới.
Nhìn âm nhạc của underground tràn lên mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2018, tưởng như giới ca sĩ mainstream hoàn toàn thất thủ khi 4 tháng đầu tiên tình hình khá ảm đạm. Thế như, sự trở lại của Sơn Tùng M-TP vào đầu tháng 5 năm nay với "Chạy ngay đi" đã giành lấy sự chú ý về cho giới mainstream bằng những kỉ lục ở tầm châu Á.
Được "thả xích" vào 0h ngày 12/5, "Chạy ngay đi" nhanh chóng thiết lập hàng loạt kỷ lục "bom tấn" của Vpop để vươn tầm và sánh ngang với các sản phẩm quốc tế. Thời điểm ra mắt sản phẩm, tên tuổi của Sơn Tùng M-TP được so sánh với nhiều sản phẩm kỷ lục của các nghệ sĩ như BTS, Taylor Swift... Có thể nói rằng với "Chạy ngay đi", Sơn Tùng M-TP đã đẩy sự mong chờ cho một sản phẩm âm nhạc của khán giả Việt lên mức cao nhất từ trước đến nay, và cũng chỉ Sơn Tùng M-TP mới có thể gây nên một "cơn bão" lớn như thế trong làng nhạc Việt.
CHẠY NGAY ĐI | RUN NOW | SƠN TÙNG M-TP | Official Music Video
Giữa tâm bão "Chạy ngay đi", một cái tên khác là Bích Phương đã có bước đi mạo hiểm khi để sản phẩm mới của mình đối đầu trực tiếp với siêu phẩm được chờ đợi nhất năm. Cạnh tranh trực tiếp với Sơn Tùng M-TP bằng ca khúc "Bùa yêu" nhưng hoàn toàn không hề lép vế, Bích Phương cũng đã nâng tầm tên tuổi mình với những thành tích khủng mà hit này mang lại. Xét về lượt view trong 24 giờ đầu của "Bùa Yêu", cô chỉ đứng sau Sơn Tùng M-TP.
Sự trở lại của Bích Phương với "Bùa yêu" và các sản phẩm tiếp theo có thể được tóm gọn bằng từ khóa "lột xác". Một Bích Phương cực kỳ gợi cảm, cực kỳ bí ẩn chính thức được khai sinh, tạm thời cất đi cô Bích Phương bi luỵ tưng tửng "chỉ hát nhạc sầu" thường thấy.
BÍCH PHƯƠNG - Bùa Yêu (Official M/V)
Không hẹn mà gặp, 2018 cũng là thời gian để không ít nghệ sĩ Vpop xuất hiện trước khán giả với những diện mạo mới hơn. Sau Bích Phương là Noo Phước Thịnh và Erik, nếu như Noo Phước Thịnh trước hết thay đổi ở ngoại hình thì Erik lại rời xa những bản nhạc buồn đã thành thương hiệu để thử sức ở dòng nhạc EDM có cấu trúc tương tự những bài hát thịnh hành tại Kpop.
Từ khóa "lột xác" có thể gây chú ý trong một khoảng thời gian nhất định, thế nhưng thành bại của những cuộc lột xác không thể đánh giá chỉ trong ngày một ngày hai. Nhìn vào tấm gương của Đông Nhi - nữ ca sĩ kiên định đi theo dòng nhạc Dance và EDM bất chấp những ý kiến trái chiều và sự quay lưng của người hâm mộ, có thể thấy được rằng con đường thay đổi hình tượng vốn đã quen mắt quen tai để thử sức ở một hình tượng mới là một con đường dài và không hề dễ đi.
Trong những năm qua, với việc tập trung đi theo thể loại dance và EDM trong khi đây hoàn toàn không phải là gu nghe nhạc của khán giả Việt Nam, khán giả luôn đặt ra câu hỏi rằng vị trí của Đông Nhi nằm ở đâu trên bản đồ âm nhạc Việt và rằng liệu cô có xứng đáng gánh gồng danh hiệu ngôi sao hạng A như nhiều người xưng tụng trước giờ? Đáp lại những sự hoài nghi ấy, "Ten On Ten" thể hiện mình không những là một liveshow tổng kết 10 năm ca hát của Đông Nhi mà còn là lời khẳng định không thể chắc chắn hơn về vị thế của một ngôi sao luôn kiên định với đam mê của mình trong suốt 1 thập kỉ.
"Lột xác" là cả một quá trình lâu dài chứ không phải một ý tưởng bất chợt bật lên trong suy nghĩ. Nếu bạn can đảm thể hiện một khía cạnh mới của bản thân nhưng không thấy "ngon ăn" và hiệu ứng ủng hộ từ khan giả đã quay về hình ảnh an toàn cũ, hẳn nhiên chỉ nên gọi đó là cuộc chơi "thay áo ngày Tết, hết Tết về lại đồ thường" trong sự nghiệp âm nhạc mà thôi.
Giả Vờ Say | #GVS - Đông Nhi [ Official MV ]
Ngoài câu chuyện "lột xác", Vpop năm 2018 dường như là năm "âm thịnh dương suy" khi một loạt những nữ ca sĩ đã tìm được chỗ đứng hoặc mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.
Một trong những cái tên tiêu biểu, cũng như thần kỳ nhất chính là Hoà Minzy và Hương Giang. Vốn được gắn mác "ca sĩ không hit", dù hoạt động nghệ thuật đã khá lâu nhưng tên tuổi không thật sự nổi bật trong làng nhạc, năm 2018 chính là năm chuyển mình của cả hai nữ ca sĩ. "Rời bỏ" cùng với "Anh đang ở đâu đấy anh" xuất sắc ghi dấu ấn trên các bảng xếp hạng, là bước đi thông minh khi biết đón đầu thị hiếu của khán giả trong việc kết hợp giữa phần nghe và phần nhìn. Tuy nhiên, ở Hòa Minzy, sản phẩm "Rời Bỏ 2" của cô, dù đi theo công thức "ballad + drama" nhưng độ phủ không còn mạnh do âm nhạc lần này không thuyết phục.
Hay đó là Hương Tràm sau bản hit "Em gái mưa" của năm 2017 đã thừa thắng xông lên với "Duyên mình lỡ" và nhận được giải thưởng "nghệ sĩ châu Á xuất sắc" tại Việt Nam của MAMA 2018.
Chi Pu | ĐÓA HOA HỒNG (QUEEN) - Official M/V Dance Version
Cũng không nên quên mất Chi Pu, cái tên từng nhận được nhiều chú ý khi debut với vai trò ca sĩ vào năm 2017. Bắt đầu được ghi nhận khi có sự đầu tư nghiêm túc cho con đường âm nhạc với MV "Đóa hoa hồng" gây tiếng vang vào giữa 2018, nhưng đến cuối năm, Chi Pu một lần nữa vấp ồn ào với MV "Mời anh vào tim em" tưởng gợi cảm nhưng lại khá phản cảm về mặt hình ảnh.
Tuy vậy, trên bản đồ nhạc Việt, Chi Pu vẫn là cái tên thu hút truyền thông bởi sự quyết tâm đầu tư cho mỗi sản phẩm, từ phần nghe lẫn phần nhìn. Người hâm mộ vẫn đang chờ đợi sản phẩm tiếp theo sẽ đi đúng hướng và tạo dấu ấn tốt.
Suốt một năm Vpop tấp nập với sự xuất hiện của những tên tuổi mới, những tên tuổi lớn tại Vpop có phần im hơi lặng tiếng hơn khi các sản phẩm âm nhạc không có độ phủ sóng quá mạnh mẽ. Tuy nhiên, ở một "mặt trận" khác, những nghệ sĩ này lại đang từng ngày kéo Vpop ra khỏi sân nhà để hòa mình với cuộc chơi mang tầm quốc tế.
Ra mắt album "Tâm 9" vào tháng 12 năm ngoái, ca sĩ Mỹ Tâm đã có một năm 2018 thành công mĩ mãn với bản hit "say rượu" "Người hãy quên em đi" và sau đó là "Muộn màng là từ lúc". Mỹ Tâm trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự DMC Festival – một đại nhạc hội thường niên có quy mô lớn tại Hàn Quốc, và được báo chí Hàn ca tụng là "Diva Việt Nam hát trên thánh địa Kpop" với live concert đầu tiên mang tên First love tại thủ đô Seoul.
[A.M.N Big Concert] MY TAM - Tatoo,미땀 - Tatoo, DMC Festival 2018
Trong những nỗ lực đưa Vpop vươn xa ra khỏi biên giới Việt Nam còn có Sơn Tùng M-TP. Siêu phẩm "Chạy ngay đi" được trình làng vào tháng 5 dù không tạo được hiệu ứng mạnh như "Lạc trôi" vào năm 2017 nhưng là một sản phẩm đẹp và chỉn chu với số tiền đầu tư khủng. MV được thực hiện bởi ekip đến từ Hàn Quốc, trong đó có thể kể đến những tên tuổi nổi bật như ekip KOINRUSH và đạo diễn hình ảnh Eumko – người đứng sau những MV của Suga (BTS), nhóm nhạc Super Junior hay Seventeen. Ngoài phần hình ảnh không thua kém gì các MV Kpop, "Chạy ngay đi" còn có sự góp mặt của ngôi sao Thái Lan Mai Davika cũng rất nổi tiếng tại xứ sở Chùa Vàng.
Khá im hơi lặng tiếng trong thời gian tiếp theo, Sơn Tùng lại bất ngờ "đánh úp" khán giả bằng việc úp mở hợp tác với rapper đình đám Snoop Dogg. Im lặng trước tất cả khen chê và chứng minh bằng sản phẩm âm nhạc là điều mà Sơn Tùng vẫn giữ được từ những ngày đầu bước chân vào Vpop, lần hợp tác với Snoop Dogg tới đây hứa hẹn một tương lai còn nhiều điều đáng mong chờ hơn nữa ở ngôi sao sáng bậc nhất Vpop trong thời điểm này.
Thêm một điểm gây chú ý nữa trong năm 2018 là cái bắt tay giữa Vũ Cát Tường và Universal Music Group. Nhân dịp kỉ niệm 5 năm hoạt động nghệ thuật, nữ ca sĩ đã phát hành album phòng thu thứ 2 có tên gọi "Stardom" và tổ chức liveshow cùng tên. Đặc biệt, Vũ Cát Tường đã trở thành nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên hợp tác với hãng thu âm nổi tiếng để phân phối album "Stardom" trên toàn thế giới. Liveshow "Stardom" của Vũ Cát Tường cũng được ghi nhận với những màn trình diễn đầy nội lực và công nghệ trình chiếu hologram hiện đại.
Cột mốc đánh dấu 10 năm ca hát của nữ ca sĩ Đông Nhi đã trở thành cái kết đẹp của Vpop năm 2018 bằng một liveshow "TEN ON TEN" đầy cảm xúc và đẳng cấp. Với hơn 30 bài hát gom lại đầy đủ chặng đường 10 năm Đông Nhi từ Công chúa teen pop lên đến vị trí Nữ hoàng như ngày hôm nay, Đông Nhi cùng với ekip của mình đã khiến cho khán giả phải choáng ngợp bởi sự kì công trong từng chi tiết nhỏ. Rừ thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng cho đến dàn dựng tiết mục và cả hiệu ứng biển lightstick có khả năng đổi màu... đều có chất lượng tương đương tầm cỡ quốc tế.
Trước đó, Đông Nhi cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam được mời biểu diễn tại sự kiện "The 2nd ASEAN - Japan Music Festival 2018 - Lễ hội âm nhạc ASEAN tại Nhật Bản lần 2" vừa diễn ra ở Tokyo, Nhật Bản. Tại đây, cô gây ấn tượng với đồng nghiệp quốc tế với những màn biểu diễn hoàn hảo.
Đông Nhi - Liveshow "TEN ON TEN" | Concert Recap | Billboard Việt Nam
Mỹ Tâm, Đông Nhi, Sơn Tùng M-TP và Vũ Cát Tường là 4 đại diện của những nghệ sĩ Vpop đang cố gắng nới rộng đường biên, kéo gần khoảng cách giữa âm nhạc Việt Nam và âm nhạc quốc tế.
Nếu như Mỹ Tâm chinh phục khán giả lẫn truyền thông nước ngoài bằng tài năng của một nghệ sĩ kì cựu thì Sơn Tùng cũng phải "có gì đó" để từ đạo diễn hình ảnh hàng đầu Kpop cho đến những ngôi sao quốc tế vui vẻ hợp tác cùng anh.
Nếu như Vũ Cát Tường đã thành công thuyết phục được hãng thu âm Universal Music để đưa âm nhạc của cô giới thiệu đến thị trường nước ngoài thì Đông Nhi đã chứng minh được rằng những sân khấu âm nhạc tại Việt Nam cũng có thể đạt đến trình độ ngang bằng với sân khấu ở các quốc gia có nền âm nhạc phát triển. Không chỉ dừng lại ở 4 cái tên này, rất nhiều nghệ sĩ Việt mà đặc biệt là nghệ sĩ trẻ vẫn đang từng ngày học hỏi và nâng tầm chất lượng sản phẩm, cập nhật những trào lưu mới đang thịnh hành trên thị trường âm nhạc toàn cầu.
Dù còn một chặng đường dài nữa để đi qua, nhưng những nỗ lực để cái tên Việt Nam có mặt trên bản đồ âm nhạc châu Á của loạt nghệ sĩ Vpop trong năm 2018 là rất đáng ghi nhận.
Dù những ca sĩ từ mainstream cho đến underground đều hoạt động sôi nổi trong năm 2018 vừa qua với hàng loạt sản phẩm chất lượng thì ballad vẫn là thể loại được ưa chuộng nhất. Hiếm có ca khúc thể loại dance, EDM nào duy trì được sức nóng trong một thời gian dài như những bài hát ballad, cũng ít có nghệ sĩ Việt nào gây được sự chú ý với những sản phẩm dance hay EDM nhiều như sức ảnh hưởng của ballad lên các bảng xếp hạng âm nhạc Việt Nam.
Bằng chứng là, từ tháng 3 cho đến tháng 12, mỗi tháng đều có ít nhất 1 bản hit ballad được ra đời và trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu. Có thể bắt gặp những cái tên như "Cuộc sống em ổn không" (Anh Tú), "Chạm đáy nỗi đau" (Erik), "Rời bỏ" (Hòa Minzy), "Duyên mình lỡ" (Hương Tràm), "Tận cùng nỗi nhớ" (Will)… ở trong playlist của rất nhiều bạn trẻ và vô số những địa điểm công cộng, từ giai điệu cho đến lời hát đều khiến khán giả - kể cả những người vô tình nghe được thuộc nằm lòng. Và nếu như các hit EDM sẽ có một độ phai màu nhất định trong lòng khán giả thì ballad lại có sức duy trì cực kỳ bền bỉ.
Hương Tràm - Duyên Mình Lỡ ( #DML ) [ Official MV ]
Đánh vào thị hiếu của khán giả, nhạc ballad luôn là một phương án an toàn mỗi khi ca sĩ có ý định trở lại Vpop. Tuy điều này khiến cho nhạc Việt dường như không có đột phá nào đáng kể nhưng nếu xét trên phương diện âm nhạc dùng để phục vụ cho đời sống tinh thần của khán giả, nghệ sĩ Việt trong năm qua đã làm được khá tròn vai.
Dù ballad là thể loại được ưa chuộng nhất, trong năm qua vẫn có những sản phẩm âm nhạc ấn tượng theo nhiều thể loại khác nhau. Bên cạnh việc underground "xâm lăng" Vpop đem trào lưu rap – hip hop quay trở lại, các ca khúc nhạc điện tử cũng đã tìm được hướng đi phù hợp để chiều lòng khán giả. "Chạy ngay đi" (Sơn Tùng), "Vô tình" (Xesi), "Xin lỗi anh quá phiền" (Đông Nhi), "Nến và hoa" (Rhymastic), "Đóa hoa hồng" (Chi Pu)… là một số những ca khúc Electronic Pop được khán giả nghe nhiều trong năm. Đặc điểm chung của những ca khúc này là không có beat quá mạnh, giai điệu và giọng hát của ca sĩ vẫn là yếu tố chủ đạo, không bị kĩ thuật điện tử lấn lướt. Ở thể loại RnB & soul, không thể không nhắc tới "Em không thể" (Tiên Tiên), "Đã lỡ yêu em nhiều" (Justatee), "Em ngủ chưa" (Trịnh Thăng Bình)... là những sản phẩm lọt top trending sau khi ra mắt một thời gian ngắn.
Ngoài âm nhạc độc lập, những ca khúc nhạc phim cũng là một điểm nhấn đặc biệt của Vpop năm nay. Nhiều ca khúc đã tách ra khỏi khuôn khổ một tác phẩm OST để sắm cho mình một đời sống riêng cùng hiệu ứng khá mạnh như "Tâm sự tuổi 30" (Trịnh Thăng Bình), "Nhắm mắt thấy mùa hè" (Nguyên Hà), "Ngày chưa giông bão" (Bùi Lan Hương), "Nụ hôn đánh rơi" (Hoàng Yến Chibi).
Sự đa dạng về thể loại âm nhạc trong năm 2018 này báo hiệu những bứt phá hơn nữa của nhạc Việt trong năm 2019, khi mà những nghệ sĩ đã mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn mang tên ballad để tìm đến với những thể loại tiệm cận với dòng chảy âm nhạc của thế giới hơn. Và hãy cùng chào đón một tương lai Vpop đầy màu sắc, không chỉ có ballad trong thời gian tới.
Không có hệ thống bảng xếp hạng và sân khấu ca nhạc hàng tuần như Kpop, nghệ sĩ Vpop sử dụng mạng xã hội làm công cụ quảng bá âm nhạc đắc lực nhất cho mình. "Chiến trường" Youtube của Vpop năm nay đặc biệt căng thẳng do sự rượt đuổi lẫn nhau giữa các MV ở top trending, ghi nhận nhiều con số lượt xem ấn tượng lên đến cả chục, cả tram triệu.
Chỉ tính riêng những ca khúc được phát hành trong cuối năm ngoái và năm nay, đã có trên 10 MV nhanh chóng đạt đến hơn 100 triệu lượt xem. Nếu như một vài năm trước, số lượt xem lên đến hàng trăm triệu chỉ xuất hiện bên cạnh cái tên hot như Sơn Tùng và một trường hợp đặc biệt là "Bống bống bang bang" (365) thì con số 100 triệu lượt xem được ghi nhận ở hàng chục MV cho thấy tốc độ phát triển cực kì nhanh của cộng đồng khán giả "ăn ngủ cùng Youtube".
365DABAND - BỐNG BỐNG BANG BANG [OFFICIAL] (TẤM CÁM: CHUYỆN CHƯA KỂ OST)
Từ việc là một sản phẩm không bắt buộc, MV ca nhạc càng ngày càng trở thành một yếu tố không thể thiếu trong những lần trở lại đường đua Vpop của bất cứ ca sĩ nào. Tầm quan trọng càng được đề cao thì việc sản xuất MV cũng nảy sinh ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng trên cơ bản thì đa số những MV ca nhạc của các ca sĩ hiện nay cũng đã được đầu tư tốt về phần nhìn.
Trong khi những nghệ sĩ mainstream với thế mạnh tài chính có thể thỏa sức biến hóa và sử dụng nhiều hiệu ứng kĩ thuật số trong MV để tăng thêm tính hấp dẫn thì nghệ sĩ underground lại ghi điểm với những MV giản dị nhưng có kịch bản duyên dáng. "Thằng điên" (Justatee, Phương Ly) và "Anh đếch cần gì nhiều ngoài em" (Đen, Vũ, Thành Đồng) là hai đại diện sáng giá nhất khi những MV này đều gây được cảm xúc và nhận phản ứng tích cực từ khán giả dù không quá cầu kì.
THẰNG ĐIÊN | JUSTATEE x PHƯƠNG LY | OFFICIAL MV
Bên cạnh những MV có thời lượng ngắn như truyền thống, mặt trận Youtube 2018 chứng kiến sự lên ngôi của những MV drama có thời lượng dài và câu chuyện cụ thể, plot twist khó đoán. "Rời bỏ" (Hòa Minzy), "Duyên mình lỡ" (Hương Tràm), "Màu nước mắt" (Nguyễn Trần Trung Quân), "Anh đang ở đâu đấy anh" (Hương Giang) và gần cuối năm nhất là "Thương em là điều anh không thể ngờ" (Noo Phước Thịnh) đều đi theo một công thức chung đó là dùng nội dung MV để góp phần nâng tầm ca khúc.
Thương Em Là Điều Anh Không Thể Ngờ (#TELDAKTN) | Noo Phước Thịnh | Official MV
Không ít sản phẩm âm nhạc trong số này đã được cứu cánh nhờ MV hấp dẫn, đầy đủ những bi kịch trớ trêu như bất cứ bộ phim nội trợ nào. Điều này cho thấy khán giả vẫn rất "chịu xem", miễn là MV được đầu tư đàng hoàng tươm tất cả nội dung lẫn phần nhìn.
Đơn cử như "Rời bỏ" (Hòa Minzy), bài hát trở thành hit nhờ sự trợ giúp không hề nhỏ của MV ngược tâm. Câu chuyện tình dang dở ở MV buộc khán giả phải ngóng chờ Hòa Minzy ở sản phẩm tiếp theo, nhờ đó mà "Chấp nhận" (Rời bỏ 2) nhận được sự chú ý lớn, dù nếu so ra thì chất lượng của "Rời bỏ" có phần nổi trội hơn so với "Chấp nhận".
Rời Bỏ - Official Music Video | Hòa Minzy
"Màu nước mắt" của Nguyễn Trần Trung Quân cũng là một trường hợp tương tự khi MV đậm chất gothic với câu chuyện tình tay ba gây "xoắn não" đã níu chân khán giả lâu hơn là bài hát. Tuy rằng những MV drama này có thể là 1 con dao hai lưỡi nếu như bài hát không có đủ sức nặng, nhưng lợi ích trước mắt nằm ở sự chú ý của khán giả vào sản phẩm của những tên tuổi không thực sự nổi tiếng thì đã rõ ràng.
Màu Nước Mắt - Nguyễn Trần Trung Quân | Official Music Video
Dù nghệ sĩ chọn phát triển MV theo con đường nào, theo kiểu drama với những tình tiết "phim nội trợ" hay là một MV ấn tượng với nhiều hình ảnh ẩn dụ thì phản ứng của khán giả thì việc nghệ sĩ cùng ekip nắm bắt được thời cơ, hiểu thị hiếu khán giả nhưng dần hướng khán giả đến với những MV hay hơn, đẹp hơn, hàm lượng chất xám cao hơn sẽ luôn nhận được phản ứng tích cực.
Năm 2018 này, một trong các xu hướng đem lại hiệu ứng ngược chính là việc sử dụng lối truyền thông hashtag thông qua việc viết tắt các cụm từ trong tên của sản phẩm âm nhạc.
Bắt đầu bằng những cụm từ dễ đọc, dễ nghe và được sử dụng như một công cụ tối ưu hóa tìm kiếm, những tựa bài hát được viết tắt ở trong Vpop đã dần dần trở thành "mồi nhử" để tăng sức nóng cho mỗi lần trở lại của một vài ca sĩ Việt khi kích thích thị chúng phải đoán già đoán non cái tên chính thức của sản phẩm. Nhưng sau đó, trào lưu dần bị biến chất khi khán giả dễ dàng liên tưởng những cái tên viết tắt, những cụm từ dễ bị đọc trại, nói lái thành những cụm từ không mấy lành mạnh thường được sử dụng trong đời sống hàng ngày. Điều này vô hình chung "bóp chết" sản phẩm ngay khi vẫn còn trong trứng nước. Tranh cãi về những tên gọi này vẫn luôn âm ỉ và chực chờ bùng phát mỗi khi có một sản phẩm nhạy cảm nào được ra mắt.
Nếu như Vpop nửa cuối năm 2018 sôi sục vì những cái tên gây hiểu lầm, thì Vpop nửa đầu 2018 lại ồn ào với những nghi vấn đạo nhái. "Thị trường" đạo nhái của Vpop trong năm 2018 có thể được tóm tắt bằng một câu nói để đời của nhạc sĩ Dương Khắc Linh: "Nếu cách hát khác, người hát khác và lời khác thì đã thành một bài hát khác".
Sự giống nhau giữa "Đừng như thói quen" và 2 ca khúc của Trịnh Thăng Bình
Lùm xùm giữa Dương Khắc Linh và Trịnh Thăng Bình từng gây xôn xao suốt 1 thời gian dài
Lùm xùm giữa nhạc sĩ Dương Khắc Linh và ca sĩ Trịnh Thăng Bình kéo theo cả Jaykii – thí sinh tham gia một cuộc thi ca nhạc có nhạc sĩ Dương Khắc Linh làm giám khảo được bắt đầu ngay trên sóng truyền hình khi Trịnh Thăng Bình phát biểu rằng ca khúc "Đừng như thói quen" có nét giống với một sáng tác của anh từ vài năm trước. Sự tương quan giữa những ca khúc phát hành sau với "Đã biết sẽ có ngày hôm qua" của Trịnh Thăng Bình rõ ràng đến mức mọi thanh minh của nhạc sĩ Dương Khắc Linh đều trở nên vô nghĩa và mọi phát ngôn của anh trở thành sự biện hộ vụng về.
Lùm xùm trên kéo theo cả Jaykii - thí sinh tham gia chương trình Sing My Song
Ngoài câu chuyện đã quá nổi tiếng trên, loạt tranh cãi trong chương trình "Sing my song" – cuộc thi dành cho nhạc sĩ nhưng lại dính vào những lùm xùm đạo nhái liên miên hay câu chuyện MV của ca sĩ Vpop "hao hao" giống các sản phẩm quốc tế cũng vẫn là vấn đề muôn thuở. Đạo nhạc trong Vpop không phải là một vấn đề quá mới, nhưng sự công khai và bình thản của "chủ nhân" mới khiến cho nhiều người đặt ra câu hỏi liệu nhân vật chính của những lùm xùm có tôn trọng khán giả, tôn trọng đồng nghiệp và tôn trọng cả bản thân mình hay không.
Đạo nhạc, sử dụng tựa đề nhạy cảm, đem câu chuyện đời tư ra đổi lấy sự chú ý trước khi ra sản phẩm… đều là những "truyền thống" xấu xí cần phải chấm dứt. Khán giả Việt ngày nay đã tỉnh táo nhiều hơn trước những chiêu trò. Dù vẫn có sự chú ý dành cho những tựa đề viết tắt dễ tưởng tượng thành tục bậy, vẫn bỏ ra vài giây bàn tán về những câu chuyện đời tư của nghệ sĩ nhưng mặt khác, niềm tin của khán giả vào nghệ sĩ sẽ bị bào mòn và dần tiến tới con số không.
Nhìn lại 1 năm của nhạc Việt, không ít người sẽ phải than thở rằng vì sao quanh đi quẩn lại chỉ có ballad, vì sao nhiều bài hát "thị trường" chất lượng kém lại thành hit, vì sao lại sản xuất ra những MV dài dòng cho một bài hát chỉ 3 phút đồng hồ. Tuy nhiên, âm nhạc sinh ra là để phục vụ khán giả và phản ánh thị hiếu của phần đông khán giả, nên việc nhạc ballad chiếm phần lớn trong các bản hit, sự vươn lên mạnh mẽ của giới underground và hàng chục triệu lượt xem dành cho những MV ca nhạc mang hơi hướng drama đều là kết quả được sinh ra từ nhu cầu giải trí của khán giả Việt.
Việc ballad là món ăn tinh thần được khán giả Việt ưa chuộng nhất từ lâu đã không còn là điều xa lạ. Khán giả có quyền quyết định thể loại âm nhạc mà họ yêu thích, còn nghệ sĩ muốn nhận được sự ủng hộ thì ít nhiều cũng phải đưa ra được những món ăn tinh thần theo đúng khẩu vị của số đông. Khán giả muốn có sự đổi mới khi nhìn vào một bảng xếp hạng toàn những ca khúc ballad viết về tình yêu nhưng lại từ chối một Bích Phương trở nên quyến rũ, tiếc nuối một Đông Nhi của thời "Khóc", "Ngọt ngào". Điều này khiến cho quá trình đa dạng thị trường âm nhạc diễn ra chậm hơn, bởi nếu cứ khư khư lựa chọn những thể loại âm nhạc chỉ phù hợp với một bộ phận nhỏ khán giả thì nghệ sĩ sẽ bị đào thải trước khi tạo ra được bất cứ thay đổi nào.
Âm nhạc của giới underground cũng vậy, cần một sự cộng hưởng từ khán giả mới đem đến thành công chung cho những tài năng ở dưới "lòng đất" của nhạc Việt như lúc này. Khán giả chấp nhận những ca khúc không mấy trau chuốt và thậm chí còn vướng tranh cãi như "Buồn của anh" (Đạt G) bởi sự dễ nghe, dễ đồng cảm. Khán giả cần một người bạn tâm giao không màu mè, không quá cao xa trong âm nhạc, đó là lí do khiến Thái Vũ, ban nhạc Ngọt, Đen Vâu trở thành những cái tên được mong chờ. Những MV có câu chuyện bi kịch thu hút khán giả dù thời lượng khá dài, điều này thôi thúc ca sĩ đưa ra những MV drama để giành lấy chỗ đứng cho mình khi mà Vpop mỗi ngày lại xuất hiện thêm một nhân tố mới.
Kết quả của bức tranh âm nhạc không chỉ của năm 2018 mà ở mọi thời kì đều được quyết định bởi khán giả. Bỏ qua những lý tưởng nghệ thuật, có thể thấy bữa tiệc âm nhạc năm 2018 đã có sự phong phú, thịnh soạn đủ cho mọi nhu cầu giải trí của khán giả thuộc nhiều độ tuối, nhiều gu âm nhạc khác nhau. Chừng đó là đã đủ để đánh giá rằng Vpop vừa đi qua một năm thành công và còn nhiều điều đáng kì vọng trong năm tới.