Ông Phan Đăng Long trần tình về việc “chặt cây không cần hỏi dân”

, Theo Trí Thức Trẻ 20:00 18/03/2015

“Phóng viên hỏi tôi chặt cây xanh có phải hỏi dân hay không thì đúng tôi nói là không. Tuy nhiên nhiều người không hiểu hết ý của tôi và dẫn lời tôi nói là chặt cây xanh không cần hỏi dân. Người dân chỉ nghe vậy thì cho rằng tôi coi thường người dân quá nhưng sự thực không phải thế”, ông Phan Đăng Long trần tình.

Liên quan đến việc, trả lời báo chí bên lề cuộc họp giao ban chiều 17/3 về đề xuất tạm dừng việc chặt 6.700 cây xanh trên địa bàn Hà Nội, trong đó ông Phan Đăng Long, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nói là việc “chặt cây xanh không cần phải hỏi dân”, khá nhiều ý kiến tranh cãi về phát ngôn này. 

Ông Phan Đăng Long trong cuộc họp giao ban báo chí chiều 17/3.

Trước thông tin trên, ông Phan Đăng Long cho biết: “Về bản chất, phóng viên đi vào vấn đề chặt cây xanh và hỏi tôi chặt cây xanh có phải hỏi dân hay không thì đúng là tôi nói không. Tuy nhiên nhiều người không hiểu hết ý của tôi và dẫn lời tôi nói chặt cây xanh không cần hỏi dân. Người dân chỉ nghe vậy thì cho rằng tôi coi thường người dân quá nhưng thực tế không phải vậy”. 

Theo ông Long, những việc như chặt cây là chức năng của các cấp chính quyền làm và phải chịu trách nhiệm về việc đó. Trong công việc hàng ngày của chính quyền, có rất nhiều việc như vậy, không phải việc nào cũng phải hỏi dân. “Có quy định rõ ràng, việc gì phải trưng cầu dân ý, việc gì phải hỏi dân, việc gì thì không”, ông Long nói rõ.

Nhiều cây xanh trên các tuyến phố bị đốn hạ.

Tuy nhiên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng bày tỏ, như vậy không có nghĩa là người dân không có quyền giám sát mà những công việc đó chính quyền đều được người dân giám sát. Nhưng là giám sát qua HĐND. Đại biểu HĐND là do dân bầu ra, đại diện cho tiếng nói của nhân dân, các thành viên HĐND thường xuyên giám sát các công việc hàng ngày của chính quyền. 

“Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, những người đại biểu nhân dân luôn lắng nghe ý kiến phản ánh, đóng góp của dân rồi đưa ra HĐND chất vấn người có trách nhiệm, để thảo luận, giải quyết. Nhân dân giám sát công việc của chính quyền là như vậy, chứ không có cơ chế là mỗi một việc làm gì thì chính quyền lại hỏi dân trực tiếp”, ông Long cho hay.

Đa phần là cây có tuổi đời cả chục năm bị đốn hạ khiến nhiều người tiếc nuối.

Ông Long cũng nêu quan điểm: “Nhiều người bảo hỏi dân, nhưng rất nhiều người lại có quan điểm khác. Họ sẽ hỏi ngược lại là việc này mà ông cũng không quyết định được, ông phải hỏi dân thì tôi đóng thuế trả lương cho ông làm cái gì. Ông phải có trách nhiệm chứ. Bây giờ một ông hỏi dân, dân đồng ý rồi nhưng sau này sự việc không được như ý muốn thì trách nhiệm cán bộ ở đâu? Mình là cán bộ thì phải có trách nhiệm với những việc mình làm chứ”.

Về việc, giả sử có rất nhiều người dân đề nghị tạm dừng việc chặt hạ cây thì TP Hà Nội có xem xét tạm dừng hay không, ông Long cho biết: "Khi người dân có bất cứ ý kiến, thắc mắc gì thì thành phố sẵn sàng và có trách nhiệm trả lời. Ai cũng có quyền gửi ý kiến, gửi đơn khiếu, tố cáo… Các cấp chính quyền luôn có bộ phận tiếp dân để trả lời các đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân".

Nhiều cây được đánh dấu chờ đốn hạ.

“Trong thực tế, có những việc khi triển khai, không cần phải nhiều người dân, mà chỉ một vài người dân số ít thôi, người ta có ý kiến khiếu nại và phân tích có lý mà chính quyền thấy đúng thì sẵn sàng tiếp thu, điều chỉnh, thậm chí dừng lại. Nhưng nếu mà chính quyền thấy việc làm của mình đúng, có lợi cho dân thì phải bảo vệ, vẫn phải làm và giải thích rõ cho dân hiểu. Nhưng bản thân chính quyền trước khi làm điều gì cũng phải cân nhắc trước sau, cơ sở khoa học, có các cơ quan chuyên môn tham mưu”.

Về vấn đề chặt hơn 6.700 cây xanh ở các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội, Sở Xây dựng đã trả lời báo chí ít nhất là trong 2 cuộc họp công khai về vấn đề này. UBND TP cũng đang chuẩn bị có văn bản gửi các cơ quan thông tấn báo chí".
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày