Cuộc sống hiện tại của cậu bé "người rừng" từng sống trong hang đá

, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 24/06/2014

Không chỉ làm phép tính nhanh, biết may áo cho siêu nhân, A Lự còn hát rất hay, cậu bé không hề run khi đứng trên sân khấu biểu diễn trước hàng trăm người.

Khoanh tay chào lễ phép khi gặp người lạ, đầu vuốt keo bóng mượt trông rất bảnh trai, tự tin hát trước đám đông... là những hình ảnh về cuộc sống hiện tại của cậu bé "người rừng" Sùng A Lự. Nhìn A Lự hồn nhiên vui đùa cùng bạn bè ít ai dám tin rằng, 4 năm trước, nhà của em là hang đá trên núi cao hiểm trở.

Cuộc sống hiện tại của cậu bé "người rừng" từng 4 năm sống trong hang đá 1
Nụ cười tươi rói trên môi A Lự.

Là trụ cột của cả nhà khi mới lên 7 tuổi

Những năm tháng tuổi thơ phải sống lay lắt cùng bệnh tật, đói rét trong hang núi đến bây giờ vẫn chưa hết ám ảnh cậu bé Sùng A Lự. A Lự sinh ra ở xã vùng cao Mông Ân, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, sau khi mẹ em bị lừa bán sang Trung Quốc, cha của A Lự là ông Sùng A Páo (hơn 60 tuổi) nghiện rượu nặng, triền miên trong những cơn say. Ma men khiến A Páo mờ mắt, đổi cả căn nhà lấy 2 chai rượu, rồi dắt 2 con thơ lên hang núi ở.

Ấu thơ của A Lự là chuỗi ngày cõng những bó củi to gấp 3, 4 lần thân mình xuống thị trấn bán lấy tiền mua gạo, mua mỳ cho bố và em trai A Đại. Hàng ngày, ông A Páo sẽ vào rừng chặt củi cho A Lự mang bán, hôm nào bố ốm cậu bé 7 tuổi kiêm luôn cả 2 việc.

Những bó tủi to kềnh càng đè xuống lưng và vô số mỏm đá tai mèo nhọn hoắt dọc sườn núi không ngăn được bước chân A Lự xuống thị trấn vì cậu bé biết chỉ 1 ngày lười biếng là bố và em trai có thể bị cái đói “đánh gục” trong hang núi lạnh lẽo, ẩm ướt.

Biết được hoàn cảnh của ba bố con “người rừng”, thầy Trần Duyên Hải phụ trách Trung tâm dạy nghề nhân đạo Linh Quang (Văn Chương, Hà Nội), đã tìm lên tận hang đá Mông Ân đón cả ba người về dưới xuôi. Chuyến đi lên Cao Bằng đến bây giờ vẫn in sâu trong tâm trí thầy Hải: “Chuyến đi ấy vô cùng vất vả, đoàn chúng tôi phải lặn lội 7 ngày lên tận hang núi Mông Ân tìm mọi cách thuyết phục thì ba cha con A Páo mới chịu xuống núi. Xuống đến nơi rồi, A Lự và A Đại hoảng hốt kêu lên khi trông thấy chiếc xe ô tô, hai bé rất hoảng sợ vì “con trâu màu đen” to và lạ quá. Phải vất vả thuyết mục mãi, 3 bố con A Lự mới chịu lên xe.

Cuộc sống hiện tại của cậu bé "người rừng" từng 4 năm sống trong hang đá 2
Giờ đây, A Lự được sống trong vòng tay ấm áp của thầy Hải, các cô chú, anh chị ở Trung tâm đào tạo nghề Linh Quang.

Cuộc sống mới rộn rã thanh âm vui tươi

Nếu như ngày mới về Hà Nội, A Lự xanh xao, còi cọc không nói được tiếng Kinh thì giờ đây cậu bé rất nhanh nhẹn, thấy người lạ đến trung tâm của thầy Hải là khoanh tay chào lễ phép. Hết hè này là A Lự lên lớp 3, mọi khoản đóng góp và học phí của bé đều được ban giám hiệu trường Tiểu học Văn Chương miễn giảm toàn bộ.

Cầm trên tay tờ giấy khen và tập vở được nhà trường thưởng, A Lự khoe: “Con vừa được nghỉ hè xong, đây là giấy khen và phần thưởng của con ạ. Ở trường con rất thích học môn toán và thường được điểm 9, điểm 10 nhưng môn chính tả và mỹ thuật vẫn chưa tốt lắm nên mới chỉ được học sinh tiên tiến thôi. Năm học sau con sẽ chăm chỉ hơn, cố gắng đạt danh hiệu học sinh giỏi ạ”.

Tình cảm của thầy Duyên Hải và các anh chị trong trung tâm đã sưởi ấm trái tim non nớt của cậu bé sớm phải chịu nhiều thiệt thòi của số phận. “Những lúc rảnh rỗi, thầy Hải vẫn dạy con học bài, các anh chị dưới xưởng thì dạy con học may, con đã may được một chiếc áo ba lỗ cho siêu nhân rồi đấy cô ạ. À, anh Kiên còn dạy con cả cách chăm sóc những chú chim non nữa, cô có biết cách mớm cho chim non ăn để chúng không bị nghẹn không ạ?” – vừa nói, A Lự vừa kéo tay tôi đến bên cạnh chiếc lồng nhốt hai chú chim non yếu ớt bị rớt trên ban công sau trận mưa đêm hôm trước.

Cuộc sống hiện tại của cậu bé "người rừng" từng 4 năm sống trong hang đá 3
A Lự rất khéo tay, em khoe đã may được một chiếc áo ba lỗ cho siêu nhân.

Cuộc sống hiện tại của cậu bé "người rừng" từng 4 năm sống trong hang đá 4

Những lúc rảnh rỗi, thầy Hải lại chỉ bảo A Lự học bài.

Không chỉ làm phép tính nhanh, biết may áo cho siêu nhân, A Lự còn hát rất hay, cậu bé không hề run khi đứng trên sân khấu biểu diễn trước hàng trăm người. Từ gần một năm nay, chủ nhật nào A Lự cũng cùng với bé Hương và Yến rời trung tâm đến Dàn Hợp Xướng Kỳ Diệu tập hát.

Những nốt nhạc khi vút cao, lúc trầm lắng đã mang đến cho cậu bé những thay đổi tuyệt vời. Âm nhạc giúp A Lự tự tin xung phong làm lớp trưởng, đứng lên bắt nhịp cho cả lớp tập hát, cho em thêm động lực học ngoại ngữ để hát trơn tru những bài hát tiếng Anh. "Con rất tự tin hát trước đám đông, mọi người ở dưới vỗ tay to làm con vui lắm" - ánh mắt A Lự lấp lánh niềm vui.

Cuộc sống hiện tại của cậu bé "người rừng" từng 4 năm sống trong hang đá 5
A Lự nhí nhảnh tạo dáng cùng các bạn trong Dàn Hợp Xướng Kỳ Diệu trước giờ biểu diễn.

Được sống trong sự đùm bọc, chở che của những tấm lòng nhân ái, A Lự giờ là người con của phố nhưng nỗi nhớ rừng, nhớ những người thân ruột thịt khiến cậu bé không thôi ước ao được trở về nhà, sà vào vòng tay bố, vui đùa cùng em trai. Bố A Lự đã đưa bé A Đại về lại Cao Bằng sau 2 năm làm thợ cắt tỉa, chăm sóc cây ở Quảng Ninh vì ông không thể vượt qua nỗi nhớ mảnh đất nơi ông sinh ra.

Uớc mơ của A Lự vô cùng trong trẻo: “Con muốn sau này sẽ trở thành cầu thủ bóng đá để được chạy trên sân cỏ, được nhiều người trên khán đài cổ vũ, như thế con sẽ thành một ngôi sao. À, con còn một ước mơ nữa, đó là được trở thành tài xế lái xe cừ khôi. Con sẽ lái xe chở bố, thầy Hải, em A Đại và các anh chị trong trung tâm đi khắp nơi…”.

(Nhiếp ảnh: Doãn Tuấn)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày