Cuộc sống của những "người rừng" có thật trong lịch sử

Việt Anh, Theo Pháp luật xã hội 00:00 17/02/2014

Ít ai biết rằng, những "người rừng" trong thực tế khác rất nhiều với điều mà chúng ta thường nghĩ…

Nhắc tới cụm từ “người rừng”, phần lớn chúng ta sẽ nghĩ ngay tới Tarzan - một nhân vật hư cấu xuất hiện trong rất nhiều sách báo, phim ảnh. Theo đó, Tarzan là một cậu bé lớn lên trong rừng dưới sự nuôi dạy của đàn tinh tinh. Cậu sở hữu rất nhiều khả năng của loài linh trưởng, nhanh nhẹn, khỏe mạnh nhưng vẫn có thể nói chuyện với con người, thậm chí đem lòng yêu một cô gái. 

Nói đơn giản, Tarzan là người rừng nhưng vẫn có thể dung hòa cuộc sống của hai thế giới: động vật và con người. Thế nhưng, trong thực tế thì không hề như vậy. Điển hình là trường hợp của bé gái "người rừng" Mấu Thị Ni, đang vật lộn trong cuộc "tái sinh" ở xã hội loài người. 

Hãy cùng khám phá cuộc đời của những “Tarzan có thật” xuyên suốt chiều dài lịch sử thế giới để hiểu rõ hơn về điều ấy…

1. Amala và Kamala

Câu chuyện về hai cô bé Amala và Kamala có lẽ là trường hợp “Tarzan có thật” nổi tiếng nhất trong lịch sử hiện đại. Sống ở phía Tây ngôi làng hẻo lánh Calcutta, Ấn Độ, hai cô bé được dân làng tìm thấy vào một ngày tháng 10 năm 1920. Khi đó, Amala và Kamala đang được một con sói mẹ cho ăn cùng đàn sói con. 

Cuộc sống của những "người rừng" có thật trong lịch sử 1
Tranh vẽ tả cảnh Amala và Kamala được sói mẹ nuôi dưỡng.

Không ai biết rõ được nguyên nhân của hiện tượng này song khi đó, họ đã giết chết sói mẹ và đưa hai em bé về nuôi tại nhà thờ truyền giáo Anglican. Cái tên Kamala và Amala của hai em cũng do chính người dân đặt.

Trong nhật ký của ông Joseph Amrito Lal Singh - vị mục sư đã chăm sóc hai cô bé tại trại trẻ mồ côi, Kamala và Amala có những hành động biểu hiện rất lạ giống hệt loài sói. 

Hai em không mặc quần áo, không ăn thức ăn chín và luôn đi bằng bốn chân đến mức cơ thể hình thành những vết chai sạn dày ở lòng bàn tay và đầu gối. Kamala và Amala thích ăn thịt sống và thường xuyên có hành động tru như chó sói. 

Hàm răng của hai cô bé cũng biến dạng, có răng nanh dài kỳ lạ. Đặc biệt, cả hai thích sống về đêm, có khứu giác và thính giác cực nhạy cùng đôi mắt phát sáng và nhìn rõ trong bóng tối.

Cuộc sống của những "người rừng" có thật trong lịch sử 2
Hai em ăn uống...

Cuộc sống của những "người rừng" có thật trong lịch sử 3
... sinh hoạt như những con sói thực thụ.

Cho tới tận cuối đời, cả hai em vẫn gần như không thể thích nghi với cuộc sống của con người. Amala đã mất sau một năm được con người nuôi dưỡng vì căn bệnh nhiễm trùng thận. 

Kamala sau đó trở nên thân thiện hơn, dần học được cách đứng thẳng, từ bỏ thói quen ăn bẩn thỉu và sử dụng được khoảng 50 từ. Song, cuối cùng tới năm 1929, cô bé này cũng qua đời vì chứng bệnh suy thận.

2. John Ssebunya

Năm 1991, bà Milly Sebba, người Uganda, khi vào rừng kiếm củi đã phát hiện ra một cậu bé sống cùng với bầy khỉ hoang dã. Trở về làng, bà đã kêu gọi sự giúp đỡ của người khác, sau đó đã “cứu thoát” cậu bé khỏi cuộc sống khổ cực nơi rừng xanh.

Cuộc sống của những "người rừng" có thật trong lịch sử 4

Cậu bé được đưa về làng. Các tài liệu lịch sử mô tả rằng, cậu bé người khỉ khi đó có đầu gối trắng, trơn nhẵn vì di chuyển bằng cách bò giống như động vật, trong khi các móng tay rất dài và cuộn thành vòng tròn. 


Cuộc sống của những "người rừng" có thật trong lịch sử 5
Hình ảnh cậu bé người khỉ khi mới quay về với cuộc sống văn minh.

Sau khi được tắm rửa sạch sẽ, một số người khi ấy đã nhận ra thân thế của “Tarzan”. Thì ra, cậu bé này đã từng có một tuổi thơ bất hạnh. Tên thật của em là John Ssebunya. 

Năm 1988, cha cậu bé đã nhẫn tâm giết chết vợ, sau đó vứt đứa con John Ssebunya khi ấy 2 tuổi vào rừng sâu rồi bỏ trốn. John được bầy khỉ nuôi dưỡng, chăm sóc và tất yếu trở thành một “người khỉ” thực thụ.

Cuộc sống của những "người rừng" có thật trong lịch sử 6
Còn đây là chân dung cậu khi trưởng thành.

Thật may mắn, số phận đã mỉm cười với John Ssebunya. Không mắc phải tình trạng nặng như của hai chị em Kamala và Amala, cậu bé “người khỉ” có thể học nói tiếng người khá tốt. 

Cậu thậm chí còn kể lại được phần đời mình sống trong rừng, được lũ khỉ nuôi nấng, dạy cách leo trèo, tìm kiếm thức ăn. Cuối cùng, John được một gia đình người Anh nhận nuôi và chuyển tới Anh năm 21 tuổi.

3. Tippi Degré

Không giống các trường hợp “người rừng” trên bị lạc khỏi nền văn minh, Tippi Degré là một cô bé được chính cha mẹ đưa vào cuộc sống hoang dã, tự nhiên. Là con của Sylvie Robert và Alain Degré - hai nhiếp ảnh gia thiên nhiên người Pháp, Tippi được sinh ra năm 1990 tại Namibia khi cha mẹ cô đang trải nghiệm cuộc sống hoang dã cùng thổ dân Himba.

Cuộc sống của những "người rừng" có thật trong lịch sử 7
Chân dung cô bé rừng xanh Tippi.

Sinh ra ở một môi trường như vậy, Tippi được cha mẹ và những người thổ dân châu Phi tốt bụng dạy cách sinh tồn, làm bạn với thiên nhiên. Họ đặt tên cho cô là Okantin - nghĩa là “con của đất” trong ngôn ngữ địa phương. Theo lời kể của người trong cuộc, Tippi thậm chí đã biết bơi trước khi biết bò. 

Cuộc sống của những "người rừng" có thật trong lịch sử 8
Em được thổ dân Himba dạy cho những kỹ năng sinh tồn trong thiên nhiên.

Không trường học, không internet, suốt khoảng thời gian 10 năm sống cùng tự nhiên, Tippi đã trở thành “cô gái rừng xanh” thực thụ. Tippi chơi cùng các loài động vật, thậm chí trong đó có cả thú dữ, kết bạn và nô đùa với chúng. 

Cô có khả năng giao tiếp với báo, voi, cá sấu, đà điểu, hươu cao cổ, ngựa vằn, rắn, tắc kè… Hai người bạn thân nhất của Tippi chính là một con voi khổng lồ tên Abu và một chú báo hoang tên J&B.

Cuộc sống của những "người rừng" có thật trong lịch sử 9
Cô bé cưỡi đà điểu phi nước đại từ khi mới chập chững biết đi.

Cuộc sống của những "người rừng" có thật trong lịch sử 10
trò chuyện với báo...
 
Cuộc sống của những "người rừng" có thật trong lịch sử 11
... thậm chí có thể giao tiếp với cả rắn.

Năm 2000, cha mẹ đưa Tippi về Pháp, hòa nhập với cuộc sống xã hội thông thường. Giống như những “người rừng thật” khác, Tippi rơi vào khủng hoảng. Dù được thuê gia sư riêng, cô không thể hoàn thành được năm học nào trọn vẹn ở trường. 

Cuộc sống của những "người rừng" có thật trong lịch sử 12
Chú voi Abu - một trong hai bạn thân của Tippi.

Chính mẹ Tippi, bà Sylvie từng tâm sự: “Tôi cảm nhận trong con bé luôn có một nỗi đau lớn và nỗi buồn sâu lắng. Con bé không hề nói ra, nhưng có cái gì đó đã vỡ òa trong tim nó”.

Cuộc sống của những "người rừng" có thật trong lịch sử 13
Hình ảnh của Tippi ngày nay trong cuộc sống văn minh.

Rất may, Tippi vẫn có thể trụ lại với cuộc sống hiện tại. Năm nay 24 tuổi, cô bé đã hoàn thành xong việc học ngành điện ảnh tại Đại học Sorbonne (Pháp). Tuy nhiên, “cô bé rừng xanh” vẫn còn cảm thấy không thoải mái và chưa dung hòa được hai thế giới mà cô đã từng sống.

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: The Guardian, The Independent...