Vì sao các em bé được cò mang đến thay vì được mẹ sinh ra trong "Storks"?

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 00:06 28/09/2016

"Cò mang em bé" là một câu nói đùa của người phương Tây nhưng thực chất đằng sau nó có rất nhiều câu chuyện. Đó chính là nguồn cảm hứng của phim hoạt hình "Storks".

Trong bộ phim hoạt hình Storks vừa trình chiếu, em bé được ra đời không phải bởi người mẹ mà được những chú cò mang đến các gia đình. Đây là một cách nói của người Tây phương, do đó nhiều khán giả châu Á có thể sẽ cảm thấy khó hiểu về vấn đề này vì bộ phim không giải thích nguyên do. 

Bản thân người Việt Nam chúng ta cũng có một kiểu nói đùa na ná như vậy. Khi những đứa trẻ hỏi cha mẹ chúng rằng "con sinh ra từ đâu" thì câu trả lời vui hay được dùng nhiều nhất chính là "nhặt từ bãi rác về nhà", thậm chí có người còn bảo "nhặt từ cầu tiêu". Nguồn gốc của câu nói đùa này vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, "cò mang em bé" lại có hàng đống câu chuyện và thần thoại từ nhiều thế kỉ trước.

Vì sao các em bé được cò mang đến thay vì được mẹ sinh ra trong Storks? - Ảnh 1.

Con Cò, tranh của Carl Spitzweg

"Cò" và "em bé" trở nên mật thiết từ rất lâu đời, trong rất nhiều thần thoại và truyền thuyết khắp thế giới. Trong Thần thoại Hy Lạp, cò hay bị ví với việc đánh cắp trẻ sơ sinh. Vì sau khi nữ thần Hera biến đối thủ của mình thành cò, con cò ấy đã cố gắng trả thù bằng cách ăn cắp con trai của Hera. Thần thoại Ai Cập thì lại cho rằng cò chính là đại diện cho linh hồn của người Theba. Khi có một con cò bay về, tức là người ấy đang hồi sinh. Cò cũng chính là biểu tượng cho các giá trị và sự đoàn kết trong gia đình ở thần thoại Bắc Âu.

Vì sao các em bé được cò mang đến thay vì được mẹ sinh ra trong Storks? - Ảnh 2.

Cò mang em bé trong phim hoạt hình "Storks"

Trong thần thoại và tôn giáo Slavic, cò được cho là mang những linh hồn chưa ra đời từ Iriy đến Trái Đất vào mùa xuân và mùa hạ. Niềm tin này vẫn còn tồn tại trong văn hóa dân gian đương đại của một số nước Slavic, bằng một câu chuyện trẻ con đơn giản "cò mang trẻ em đến với thế giới". Đối với người Slav, cò như một biểu tượng đem lại may mắn, và giết cò sẽ gặp xui xẻo. 

Một nghiên cứu dài hạn đã chỉ ra sự tương quan giữa số tổ cò và lượng sinh nở của loài người, trở thành một ví dụ được sử dụng rộng rãi trong bộ môn thống kê. Cũng có huyền thoại bảo rằng những đứa trẻ nô lệ người Mỹ gốc Phi nếu da trắng là do cò mang đến, nếu da đen tức là sinh ra từ trứng chim ó.

Vì sao các em bé được cò mang đến thay vì được mẹ sinh ra trong Storks? - Ảnh 3.

"Bociany (Cò), tranh của Józef Chelmonski"

Nói chung trong hầu hết các thần thoại, cò chính là biểu tượng cho sự chung thủy và hôn nhân một vợ một chồng. Vì trong thực tế, cò không giao phối bừa bãi mà chúng có xu hướng trở về tổ cũ và chỉ giao phối với một bạn đời.

Hầu hết những câu chuyện dân gian của châu Âu cũng luôn nói rằng trách nhiệm của cò chính là mang những em bé mới ra đời đến giao cho ba mẹ chúng. Điển hình như truyện ngụ ngôn "Cò" của Hans Christian Andersen vào thế kỉ 19. Truyện kể rằng khi những chú cò đang bay trên một ngôi làng thì bị một câu bé chọc ghẹo, vì thế chúng trả thù bằng cách mang một cái xác em bé đến cho gia đình nọ. Cũng có một phiên bản khác nói rằng cò đã "nhổ" những đứa trẻ ở một cái ao, nơi chúng đang mơ mộng, để đem chúng đến cho những gia đình mong con. Cũng có cả phiên bản cho rằng trẻ sơ sinh được tìm thấy trong những hang động gọi là Adeborsteine, tiếng Đức có nghĩa là "đá cò".

Vì sao các em bé được cò mang đến thay vì được mẹ sinh ra trong Storks? - Ảnh 4.

Những câu chuyện dân gian của Đức thì lại cho rằng cò tìm thấy những đứa trẻ sơ sinh trong những hang động hoặc đầm lầy rồi mang chúng đến các hộ gia đình trong chiếc giỏ trên lưng hoặc ngậm trong chiếc túi trước miệng. Chúng sẽ "giao" em bé cho các bà mẹ hoặc thả xuống bằng đường ống khói (vì thế trong phim Storks mới có chi tiết cậu bé Nate nằng nặc đòi cha mình tân trang lại ống khói và ngôi nhà thật đẹp để chào đón em trai). Những gia đình muốn có em bé sẽ ra dấu hiệu bằng cách đặt những viên kẹo cho cò trên bệ cửa sổ. Những câu chuyện này cũng rất phổ biến ở Philippines và Nam Mỹ. Vết bớt sau đầu trẻ sơ sinh hay được gọi là "nevus flammeus nuchae", thỉnh thoảng cũng có người kêu là "vết cò cắn".

Ở Việt Nam, khái niệm "cò mang cái gì đó" cũng xuất hiện rất nhiều trong kinh doanh như: cò nhà, cò đất. Thay vì "kẹo" thì những "chú cò này" sẽ ăn tiền huê hồng.

Vì sao các em bé được cò mang đến thay vì được mẹ sinh ra trong Storks? - Ảnh 5.

Hình vẽ cò thả em bé vào ống khói trên một tấm bưu thiếp

Bên cạnh những truyền thuyết và các câu chuyện dân gian, vẫn có những nghiên cứu thực tế về vấn đề này, chỉ ra sự liên quan giữa việc em bé ra đời và tập quán di trú của loài cò. Ở châu Âu, cò thường di trú về phía nam vào mùa thu và quay trở lại phía bắc sau 9 tháng (tương ứng với một thai kì của loài người). Chúng thường bay về tổ vào tháng 3, tháng 4. Và những em bé sinh vào tháng 3, tháng 4 thì thường được thụ thai vào khoảng tháng 6 năm trước. Vì sao lại liên quan? Vì vào ngày 21 tháng 6 hàng năm, ngày Hạ Chí, hay có những lễ hội ngoại giáo về hôn nhân và sinh nở được tổ chức. Rất nhiều những cuộc hôn nhân đã được tác hợp trong những dịp này, và lúc người ta nhìn thấy cò bay từ phương nam về phương bắc cũng là lúc con của họ chào đời, tạo ra sự gắn kết trong hình ảnh "cò mang em bé" và thực tế. Ngày nay, tháng 3 vẫn được cho là một thời điểm phù hợp để sinh đẻ.

Vì sao các em bé được cò mang đến thay vì được mẹ sinh ra trong Storks? - Ảnh 6.

Tuy nhiên, vẫn có những câu chuyện ngụ ngôn khác tiêu cực hơn về loài cò. Ví dụ như một câu chuyện dân gian của Ba Lan cho rằng bộ lông trắng của cò được Chúa ban cho, còn phần màu đen là của ác quỷ, tức là cò đại diện cho cả điềm lành lẫn điềm dữ.

Thời trung cổ ở Anh, cò hay bị gắn với hình ảnh "ngoại tình". Vì tư thế rỉa lông của chúng được cho rằng khá "tự kiêu", giống như một kẻ đang tán tỉnh người khác.

Người Đức cũng từng bảo rằng những đứa trẻ khuyết tật là do cò bỏ lại giữa đường để trừng phạt những bậc cha mẹ đã từng làm điều xấu xa. Một bà mẹ nằm liệt giường sau khi sinh hay bị nói rằng là do "cò cắn".

Một lứa sinh đẻ trong năm của cò khoảng 4 trứng, có khi lên đến bảy. Và có một câu chuyện khá lạ lùng kể rằng, cò cũng có lúc giống loài thú, ăn thịt con mình để sống qua nạn đói. Ở Đan Mạch cũng từng có những câu chuyện kể về loài cò hất văng cò con mới đẻ ra khỏi tổ, những năm sau đó còn hất cả trứng đi. Điều này chứng tỏ không phải nơi nào trên thế giới hình ảnh "cò" luôn gắn với điều lành.  

Vì sao các em bé được cò mang đến thay vì được mẹ sinh ra trong Storks? - Ảnh 7.

Tất cả những truyền thuyết, chuyện kể và nghiên cứu trên đều chỉ mang tính tương đối, không xác thực. Hình ảnh "cò mang em bé" chung quy cũng chỉ như một sự biểu tượng lãng mạn của thiên nhiên và một câu nói đùa để lãng tránh sự thắc mắc của trẻ em mà thôi. Và hình ảnh này được đưa vào Storks rất thú vị và nhân văn. Nếu bạn thắc mắc không biết tại sao "cò mang em bé" thì hy vọng bài viết này sẽ giải quyết được phần nào gút mắc và an lòng ra rạp xem phim.

Nhân dịp Storks được chiếu tại Việt Nam, hãng phát hành dành tặng khán giả 5 bộ xếp hình, 5 vòng đeo tay và một chú chim đồ chơi. Bạn hãy bình chọn xem tác phẩm hoạt hình nào từ đầu năm đến giờ là ấn tượng nhất từ trước đến nay và gửi vào hòm thư cinegame@kenh14.vn kèm thông tin cá nhân chi tiết. Chúc bạn may mắn!