Th.S Đào Lê Hòa An nói về tình dục học đường: Cái quan trọng không phải "còn hay mất", mà các bạn có giải quyết ổn thỏa những vấn đề sau đó không?

Th.S Tâm lý Đào Lê Hòa An, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 22/06/2018

Cái quan trọng không nằm ở việc "còn hay mất", mà nếu như có hậu quả để lại, như có thai ngoài ý muốn, hay một trong hai "quất ngựa truy phong", thì liệu các bạn có giải quyết ổn thỏa? Tất cả những vấn đề này cần được nói rất rõ cho người trẻ hiểu và có trách nhiệm với điều mình làm.

Theo kết quả nghiên cứu, có tới 10% học sinh lớp 9 từng quan hệ tình dục, và trong số này có 30% các em không sử dụng các biện pháp phòng tránh thai. Trong khi đó, có 39% học sinh lớp 12 từng ít nhất một lần quan hệ tình dục và 10% học sinh THPT báo cáo đã từng quan hệ với từ 3 người trở lên.

Đáng chú ý, các em không chỉ quan hệ tình dục một cách đơn thuần nhất mà đi kèm với đó là có tới 15% học sinh sử dụng các chất kích thích như rượu, các dạng ma túy tổng hợp... trong khi quan hệ.

Là một trong những chuyên gia tâm lý rất gần gũi với các em học sinh và đã có hơn 100 buổi báo cáo chủ đề Tình yêu - giới tính, đồng thời cũng là đồng tác giả sách Doctor Huơu  -  Vẽ đường cho hươu chạy đúng, Th.S tâm lý Đào Lê Hòa An (Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam) đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Th.S Đào Lê Hòa An nói về tình dục học đường: Cái quan trọng không phải còn hay mất, mà các bạn có giải quyết ổn thỏa những vấn đề sau đó không? - Ảnh 1.

Ths tâm lý Đào Lê Hòa An (Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam).

Là người gần gũi và tiếp xúc nhiều với các bạn học sinh, Th.S Hòa An có bất ngờ với những con số kết quả từ nghiên cứu tình dục học đường này không?

Những người làm công tác tư vấn tâm lý học đường như chúng tôi hoàn toàn không xa lạ gì với khái niệm quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên, là bởi:

1/ Phát triển về thể chất, tâm lý tuổi dậy thì dẫn đến sự tò mò tất yếu.

2/ Phụ huynh, giáo viên hay người lớn nói chung vẫn cho rằng vấn đề giáo dục sức khỏe sinh sản cho các em là điều không cần thiết. (Hoặc nếu có cũng chỉ áp dụng cho các em cấp 3, tiếp cận chưa đi vào bản chất vấn đề, còn hời hợt).

3/ Các bạn vẫn có thể tự tìm những thông tin ấy trên mạng. Nhưng đáng tiếc những thông tin không được xác thực, không chính quy, đôi khi chỉ là kinh nghiệm người này truyền cho người kia,…

Các yếu tố trên kết hợp lại với nhau tạo thành một hỗn hợp rất dễ gây "cháy nổ". 3 yếu tố ấy đã tạo một điều kiện không thể nào thuận lợi hơn để những vấn đề gần gũi, quan hệ tình dục trong học đường dễ dàng diễn ra.

Th.S Đào Lê Hòa An nói về tình dục học đường: Cái quan trọng không phải còn hay mất, mà các bạn có giải quyết ổn thỏa những vấn đề sau đó không? - Ảnh 2.

Th.S Hòa An đã có hơn 100 buổi báo cáo chủ đề Tình yêu - giới tính và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ các em học sinh

Theo anh, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản hiện nay ở nước ta có được quan tâm đúng mức chưa? Nên chăng chúng ta cần đưa giáo dục giới tính thành một môn học chính thức trong học đường?

Nếu vấn đề giáo dục giới tính được quan tâm đúng mức thì có lẽ những con số trên sẽ không xuất hiện, hoặc nó sẽ nhỏ hơn rất nhiều. Do quan điểm "thuần phong mỹ tục" kết hợp với việc người lớn cũng thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng truyền đạt cho các em, nên nhiều người cứ nghĩ "thà không nói luôn cho lành".

Giáo dục giới tính vốn là một trong những điều cơ bản nhất giúp các em hiểu rõ về bản thân mình, cũng như hiểu rõ về những bạn khác giới một cách khoa học, để thông cảm, tôn trọng nhau hơn. Giáo dục giới tính không hẳn chỉ nói về những chuyện tế nhị, mà còn có thể lồng ghép vào đó để nói các vấn đề về bình đẳng giới. Chính vì những lợi ích đó, tôi cho rằng hoàn toàn có cơ sở để nghiên cứu, đưa vào chính thức chương trình đào tạo. Tuy nhiên, không nóng vội để "hư bột hư đường". Vì đưa vào chương trình đòi hỏi có một đội ngũ giáo viên có chuyên môn về vấn đề này để giáo dục các em bài bản nhất.

Th.S Đào Lê Hòa An nói về tình dục học đường: Cái quan trọng không phải còn hay mất, mà các bạn có giải quyết ổn thỏa những vấn đề sau đó không? - Ảnh 3.

Th.S Hòa An luôn gần gũi và thấu hiểu tâm lý những bạn trẻ ở độ tuổi vị thành niên

Có rất nhiều quan niệm từ thầy cô, người lớn áp xuống với người trẻ rằng: tò mò về quan hệ tình dục là xấu, và học sinh quan hệ tình dục ở độ tuổi đi học chắc chắn là học sinh hư. Anh nghĩ sao về quan niệm này?

Chắc hẳn trong chúng ta, ai cũng đã từng một lần lớn lên, một lần trải qua những cảm xúc khó hiểu, lần đầu gặp phải trong đời. Cớ sao người lớn lại không thông cảm, dùng quyền lực để áp chế, cấm đoán mà không nêu lí do cho những người nhỏ hơn? 

Cũng chính quan niệm sợ "vẽ đường cho hươu chạy", chả trách sao bây giờ hươu chạy…tán loạn cả lên. Nghe một con sói dụ, hươu cũng vui vẻ tin lời đi theo để nhận cái kết đắng. Chính là người lớn (thầy cô, gia đình,…) phải vẽ một con đường thật an toàn, vừa cho các em tự khám phá, hiểu thêm về bản thân mình, vừa có thể giữ được an toàn, biết nói "không" trước những tình huống nhạy cảm.

Tình dục hay tình yêu đều không xấu, nhưng sẽ thật đáng tiếc nếu chúng ta chưa sẵn sàng, chưa hiểu biết cụ thể mà vẫn "nhắm mắt làm càn".

Th.S Đào Lê Hòa An nói về tình dục học đường: Cái quan trọng không phải còn hay mất, mà các bạn có giải quyết ổn thỏa những vấn đề sau đó không? - Ảnh 4.

Anh có gợi ý gì về các mô hình giao lưu, giáo dục, đối thoại thẳng thắn chuyện giới tính với các học sinh trong trường? Nhà trường và gia đình đã quan tâm đúng mực đến vấn đề này chưa hay họ chỉ lảng tránh khi học sinh có thắc mắc?

Tôi nghĩ, chuyện người lớn lảng tránh không hẳn là có ý xấu, có ý áp đặt, mà đến cả người lớn cũng không biết cách giải thích như thế nào cho hợp lý, hay trả lời như thế nào để đừng "ngượng" cho cả thầy và trò. Vì bản thân họ cũng chưa từng được học một lớp giáo dục giới tính bài bản, chưa từng được đào tạo để dạy về giáo dục giới tính kia mà.

Trước mắt, giải pháp căng cơ nhất chính là tổ chức những buổi đối thoại với các chuyên gia tâm lý, sinh lý,… về các vấn đề sinh sản, giới tính, tình yêu tình dục,… Cung cấp một kiến thức nền tảng cho các em, giải đáp các thắc mắc và những suy nghĩ sai lệch về vấn đề tình dục an toàn, không an toàn,…

Xa hơn, các trường Đại học cần mở những khóa đào tạo cho giáo viên về vấn đề giáo dục giới tính học đường. Để mỗi thầy cô giáo đều là một chiến sĩ, góp phần đẩy lùi vấn nạn ngày một gia tăng này.

Th.S Đào Lê Hòa An nói về tình dục học đường: Cái quan trọng không phải còn hay mất, mà các bạn có giải quyết ổn thỏa những vấn đề sau đó không? - Ảnh 5.

Th.S Hòa An cho rằng không chỉ những bạn trẻ mà người lớn (thầy cô, bố mẹ,...) cũng nên tham gia những chương trình giáo dục giới tính bài bản

Người trẻ nói rằng, yêu thì quan hệ là bình thường. Người lớn cho rằng, tình cảm ở lứa tuổi dưới 18 không thể gọi là tình yêu, nên chuyện quan hệ chỉ là một phút bồng bột có thể khiến người trẻ hối hận cả đời. Làm thế nào để người trẻ và người lớn tìm được một mẫu số chung để thẳng thắn trao đổi về vấn đề này, ai sai, ai đúng, và làm thế nào để không ai bị tổn thương?

Để một cuộc thương lượng được giải quyết ổn thỏa, cả hai đều phải "lùi một bước" để thấu hiểu cho đối phương. Đồng ý rằng tình yêu cần phải có tình dục, nhưng ở giai đoạn nào, tình yêu đã chín mùi hay chưa, hai "nhân vật chính" đã ý thức rất rõ trách nhiệm, hậu quả của mình trong mối quan hệ này? Cái quan trọng không nằm ở việc "còn hay mất", mà nếu như có hậu quả để lại, như có thai ngoài ý muốn, hay một trong hai "quất ngựa truy phong", thì liệu các bạn có giải quyết ổn thỏa? Tất cả những vấn đề này cần được nói rất rõ cho người trẻ hiểu và có trách nhiệm với điều mình làm.

Đối với người lớn, nếu chúng ta dùng cách "phủ nhận sạch trơn" những gì các em đang cho là quan trọng nhất cuộc đời mình, thì coi chừng phản tác dụng. Có thể, các em chưa có quyết định tiến xa hơn, nhưng do người lớn cứ bảo "Đấy mà là yêu cái gì", thế là các em "nóng mặt", nhất quyết "đè" "gấu" của mình ra chứng minh "tình yêu đích thực". Nếu ai đã từng trải qua tình yêu tuổi học trò, đều phải công nhận đó là quãng thời gian đẹp nhất, hồn nhiên, không tính toán,… 

Vì vậy, không thể áp đặt tình cảm của con mình rất "con nít, không đáng quan tâm". Cần thừa nhận, chia sẻ, đồng hành cùng con trên con đường tình yêu mới mẻ này. Hãy cho con thấy: "Yêu thì cần tình dục, nhưng để làm được điều đó, con phải chuẩn bị rất nhiều thứ, từ tiền bạc, điều kiện, đến việc sẵn sàng chấp nhận hậu quả không mong muốn. Vì vậy, hãy chăm sóc tình yêu giống như một cái cây, khi đủ lớn, tình dục sẽ tự nhiên đến với con giống như "cây lớn tất yếu ra bông thơm, trái ngọt"."