Các vụ xâm hại tình dục trẻ em: Hãy cung cấp chứng cứ cho cơ quan điều tra hoặc bạn phải cay đắng nhìn thủ phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật

Hoàng Xuân, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 17/05/2018

Chứng cứ và chứng cứ! Gia đình các nạn nhân (nếu có) trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em hãy mạnh dạn cung cấp chứng cứ xác thực và hợp tác với cơ quan điều tra. Đừng e ngại hay sợ hãi, vì đó là quyền lợi hợp pháp của bạn.

Cách đây gần hai năm, khi thực hiện loạt bài về nạn xâm hại tình dục trẻ em, luật sư Đinh Quỳnh Như (Văn phòng luật sư An Luật, TP HCM) kể tôi nghe một trường hợp chị vừa gặp. Nạn nhân là một bé gái 8 tuổi. Bé đi học thêm buổi chiều ở nhà cô giáo chủ nhiệm và bị chồng của cô giáo xâm hại. Mẹ bé nhận ra sự bất thường khi bé không muốn đi học và trời rất nóng mà tự nhiên bé đòi mẹ mặc thêm cho ba bốn lớp quần.

"Để cái ông đó ổng không cởi quần con ra được" - bé giải thích với mẹ.

Hãy giữ dấu vết và tố cáo

Người mẹ chết đứng. Chị biết cần phải đưa bé đi bác sĩ giám định.

Chị cho con nghỉ học thêm và dành tiền để đưa bé đi bác sĩ mà không ngờ điểm cốt lõi khiến vụ án bị đình trệ lại chính là ở thời gian "để dành tiền" này.

Vì nghĩ nếu đi khám ở một BV ở Sài Gòn sẽ nhiều người biết, sau này con khó lấy chồng, chị muốn đưa con về khám kín đáo ở một bác sĩ là bạn học hồi nhỏ, ở quê.

Một mẹ một con, xa quê làm công nhân ở Sài Gòn, đời sống không dư dả. Chị phải để dành và lựa lúc nhà máy ít việc cho nghỉ thì mới dắt con về quê.

Nhưng về được quê đi khám thì đã hơn một tháng trôi qua.

Cô bác sĩ bạn học lắc đầu. Màng trinh bé đã bị rách. Nhưng vì quá lâu nên kết quả giám định này không đủ cơ sở để dẫn đến việc tố cáo thủ phạm (không kết luận được rách trong trường hợp nào, do nguyên nhân gì…).

Không đầy đủ chứng cứ thì rất khó để điều tra, bắt giữ kẻ phạm tội.

Các vụ xâm hại tình dục trẻ em: Hãy cung cấp chứng cứ cho cơ quan điều tra hoặc bạn phải cay đắng nhìn thủ phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật - Ảnh 1.

Cách đây vài tháng, một người bạn tôi có con trai bị kẻ lạ mặt dâm ô, để lại vết cào cấu trên người. Cô thừa nhận: dù biết và dạy con rất kỹ về chống xâm hại tình dục nhưng phản xạ đầu tiên của cô vẫn sẽ là đem con đi tắm rửa sạch sẽ ngay lập tức.

Nhưng những cán bộ điều tra đều khuyên: hãy giữ bình tĩnh, đem cháu đến công an gần nhất để trình báo và xin giám định y khoa ngay lập tức. Ví dụ nếu cháu bị dâm ô (không bị cưỡng hiếp) thường sẽ có trầy xước, sưng đỏ ở bộ phận sinh dục. Nếu cháu bị cưỡng hiếp thì dấu vết để lại rất nhiều; việc đi giám định ngay sau khi sự việc xảy ra sẽ giúp rất đắc lực để có thể bắt giữ khẩn cấp kẻ phạm tội.

Chớ nghe một chiều

Tuần trước, một người bạn tôi làm việc trong lĩnh vực chống xâm hại tình dục trẻ em kể một vụ việc rất đáng suy nghĩ.

Khi đi tư vấn ở một trường học tại tỉnh Đồng Nai, có hai bé gái lớp 3 tố cáo bị thầy giáo xâm hại tình dục.

Cả hai đứa bé đều dùng cụm từ "xâm hại tình dục" rất quả quyết, chứ không mô tả như hầu hết đứa trẻ khác là "bị sờ", "bị hôn", hay "bị nằm đè lên người".

Chúng tường thuật "bị thầy sờ vô mông, đụng tới chỗ đó" rất rõ ràng.

Nhưng tới câu hỏi sau thì chuyên viên tràn đầy băn khoăn.

- Thầy có cởi quần con ra không?

- Dạ không.

- Thầy làm việc đó với tụi con ở đâu?

- Dạ ở trong lớp, trong giờ học, ở trên bục, lúc tụi con trả bài cũ á. Tụi con không thuộc bài cho nên thầy xâm hại tình dục tụi con.

Các vụ xâm hại tình dục trẻ em: Hãy cung cấp chứng cứ cho cơ quan điều tra hoặc bạn phải cay đắng nhìn thủ phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật - Ảnh 2.

Kẻ nào dám công khai xâm hại tình dục, sờ soạng vào bộ phận sinh dục của học trò ngay trước mấy chục cặp mắt đang nhìn chằm chằm lên bảng? Lại không phải ở nơi kín đáo mà ngay trên bục giảng, trong phòng học mở toang cửa ra hành lang và thường xuyên có giám thị đi đi lại lại?

Thêm nữa, vẻ mặt và tâm lý của hai đứa trẻ hoàn toàn không giống với phản xạ thường gặp của những đứa trẻ bị xâm hại, như buồn bã, sợ hãi, thu mình... Chúng vẫn rất vô tư hồn nhiên, méc thầy xong lại chạy chơi như giặc.

Bạn tôi một mặt báo ngay hiệu trưởng, một mặt mời thầy cô và bọn trẻ đi đến phòng học xem hiện trường.

Sau khi "điều tra" và "thực nghiệm hiện trường", hóa ra sự việc hoàn toàn khác.

Ông thầy bị tố cáo là giáo viên già đã về hưu, mới được trường mời dạy thay một tháng cho một cô giáo nghỉ sinh nở. Giống một số thầy cô già ở thời mà "xâm hại tình dục trẻ em" chưa được tuyên truyền rộng rãi như bây giờ, thầy vẫn có thói quen đét đít học trò khi chúng không thuộc bài.

Vóc người khá thấp nhỏ nên khi ngồi trên ghế giơ tay ra đét đít học trò, bàn tay thầy không với ngang tầm trên cái mông bọn chúng mà rơi xuống dưới một chút.

Khổ cái là bọn nhỏ chưa hề được dạy cẩn thận về nhận biết hành vi xâm hại mà mới chỉ được nghe loáng thoáng trong những buổi sinh hoạt toàn trường. Đại khái chúng hiểu "trên người con có vùng ngực và vùng mặc quần lót là vùng riêng tư, không cho ai được đụng đến nếu con không đồng ý", bọn trẻ nghĩ ngay thầy đụng vô mông con khi con không đồng ý, rồi xong- rõ ràng thầy xâm hại tình dục con rồi.

May là những người có trách nhiệm trong vụ này đều khá điềm tĩnh để xâu chuỗi các tình tiết và nảy sinh nghi ngờ. Nếu không, trong cơn lo lắng và tức giận của những người vừa làm giáo dục vừa làm cha mẹ, có thể tin tức sai trái kia đã được phát tán nhanh chóng. Và trời mới biết được ở vùng nông thôn nho nhỏ đó, tin tức về một "ông thầy già dâm ô hai đứa con nít ngay tại lớp học" sẽ đốt lên những đám lửa nào. Thậm chí sự an toàn của gia đình ông cũng không chắc mà giữ được.

Thế đó! Trong pháp luật, chứng cứ là tối thượng. Không đủ chứng cứ thì không thể kết tội.

Các vụ xâm hại tình dục trẻ em: Hãy cung cấp chứng cứ cho cơ quan điều tra hoặc bạn phải cay đắng nhìn thủ phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật - Ảnh 3.

Pháp luật không thể chiều theo cảm xúc số đông

Tôi nhớ cách đây gần 20 năm, có vụ án ở một tỉnh miền Trung làm xôn xao dư luận và giới nghiên cứu pháp luật. Đó là một vụ hành hung dẫn đến chết người, hiện trường là vùng rẫy xa khu dân cư.

Thủ phạm bị bắt giam và kêu oan suốt nhiều năm. Vụ án được xử sơ thẩm, lên phúc thẩm lại bị hủy, yêu cầu điều tra xét xử lại vì chứng cứ quá yếu, sơ thẩm lần 2 giữ nguyên kết quả lần thứ nhất- tiếp tục bị hủy… Cứ thế đến mấy vòng, kéo dài rất nhiều năm, lên đến giám đốc thẩm. Cuối cùng, nó đi vào lịch sử ngành tư pháp như một trong những vụ án oan đầu tiên mà Hội đồng xét xử phải tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường.

Tôi đã phỏng vấn gần như tất cả các thành viên Hội đồng xét xử các phiên sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án đó. Phỏng vấn cán bộ điều tra. Phỏng vấn người được cho là thủ phạm, gia đình anh ta, hàng xóm. Và đọc vài ký tài liệu của vụ án. Không chỉ trong trách nhiệm của người làm báo mà còn với thái độ nghiên cứu của một người học luật.

Cuối cùng, chỉ có thể đồng ý với kết luận quyết định vụ án đã oan sai. Chứng cứ thu thập được quá mỏng và yếu, ngay cả vật chứng là con dao hung khí cũng bị mất trong quá trình lưu giữ. Các vết máu, mảnh vải áo quần bị xé rách trong lúc vật lộn v.v đều không được thu thập và giám định cẩn trọng ngay từ đầu. Thành thử khi được yêu cầu điều tra lại thì mưa nắng đã xóa sạch mọi dấu vết hiện trường, không còn cách nào phục hồi. Kho tang vật thì không được bảo quản đúng cách, qua nhiều năm cái mất cái hỏng.

Tôi nhớ những cán bộ điều tra xét xử vụ án đó đã nói rất chân thành: "Niềm tin nội tâm mình nói hắn là thủ phạm đó, không sai mô. Nhưng chứng cứ không đủ kết tội thì phải chịu. Là do mình. Phải xin lỗi bồi thường hắn, thấy tức lắm nhưng làm răng chừ".

Các vụ xâm hại tình dục trẻ em: Hãy cung cấp chứng cứ cho cơ quan điều tra hoặc bạn phải cay đắng nhìn thủ phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật - Ảnh 4.

Dù có phát triển đến mức độ nào đi nữa, pháp luật cũng không phải chiếc gậy thần hoàn hảo. Những con người thực hiện pháp luật cũng không phải thánh, họ vẫn có thể sai lầm. Tuy nhiên trong lĩnh vực đặc biệt liên quan trực tiếp cùng lúc đến cả sinh mệnh và danh dự này, những cái sai đều có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Vì vậy mới có những quy định về bồi thường, xin lỗi, xử phạt, mới có sửa đổi và xây dựng luật mới liên tục để phù hợp với thực tiễn.

Nhưng, pháp luật là để bảo vệ tự do và an toàn của tất cả cá nhân trong khuôn khổ cộng đồng. Để đảm bảo điều đó, tự do hay lợi ích của cá nhân này không thể xâm phạm tự do và lợi ích của cá nhân khác. Chính vì thế, chỉ có phán quyết dựa trên bằng chứng khách quan mới đảm bảo cho sự vững chắc và tính cưỡng chế của pháp luật. Chính vì thế, mới có những cơ quan chuyên biệt và độc lập được lập ra để điều tra, truy tố, xét xử, chứ không thể chỉ vừa nghe tố cáo đã vội vã bắt người.

Các vụ xâm hại tình dục trẻ em: Hãy cung cấp chứng cứ cho cơ quan điều tra hoặc bạn phải cay đắng nhìn thủ phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật - Ảnh 5.

Pháp luật không thể uốn éo chiều theo cảm xúc, cho dù là cảm xúc của số đông, hay số rất đông. Nếu hành xử như vậy, ở thời điểm này pháp luật có thể được dậy tiếng tung hô, nhưng ngay sau đó nó sẽ bị giẫm đạp đến chết.

Chứng cứ và chứng cứ! Gia đình các nạn nhân (nếu có) trong các vụ án xâm hại tình dục trẻ em hãy mạnh dạn cung cấp chứng cứ xác thực và hợp tác với cơ quan điều tra. Đừng e ngại hay sợ hãi, vì đó là quyền lợi hợp pháp của bạn. Nếu không, hoặc bạn phải cay đắng chịu cảnh kẻ thủ phạm nhơn nhơn ngoài vòng pháp lý, hoặc ngược lại, bạn đã đổ oan cho một con người.

Năm ngoái, khi vụ án bé Nhật Linh bị xâm hại và giết chết ở Nhật gây bàng hoàng dư luận, ông Hirota Fushihara, tiến sĩ luật thực hành (J.D) tại Đại học Sophia, Tokyo, Nhật Bản, chuyên gia pháp lý người Nhật Bản đang sống và làm việc tại Việt Nam có trả lời trên báo chí như sau:

"Thẩm phán được đào tạo để xét xử chỉ theo pháp luật và lương tâm. Và pháp luật Nhật Bản quy định tòa án chỉ xét xử dựa theo pháp luật và lương tâm. Bất cứ yếu tố bên ngoài nào ngoài pháp luật và lương tâm ra cũng không thể can thiệp. Đó là một niềm tin quan trọng của thẩm phán. Thẩm phán vẫn có thể biết phản ứng của xã hội, ý kiến của báo chí, nhưng không ai xử theo những yếu tố đó."

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày