Trong khi phụ nữ Nhật Bản ngày càng được tôn trọng thì túi tiền của các ông chồng lại ngày càng hao hụt

Minh Phương Spiderum, Theo Thời Đại 09:59 04/07/2017

Trong những năm gần đây tại Nhật Bản, suy nghĩ đàn ông là trụ cột gia đình vì họ là người kiếm được nhiều tiền đang dần không còn phù hợp. Nguyên nhân là do tình trạng chậm tăng lương và số lượng phụ nữ đi làm ngày càng đông.


Trẻ em Nhật Bản ngày càng tôn trọng mẹ hơn là bố.

Những thay đổi đó đã ảnh hưởng đến cách trẻ con nhìn nhận về cha mẹ mình. Theo nghiên cứu gần đây, lần đầu tiên ở Nhật Bản, trẻ em kính trọng mẹ hơn cha. Không những vậy, một nghiên cứu do Ngân hàng Shinsei cho thấy, nhiều bà vợ luôn nắm quyền kiểm soát các chi tiêu trong gia đình và không ngừng cắt giảm "tiền tiêu vặt" của chồng.

Trong hai thập kỷ qua, lương cơ bản bình quân của lao động nam đã giảm 0,5%. Và mặc dù giá cả vẫn giữ nguyên hoặc giảm đi chút ít thì điều này cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đến sức mua. Tình trạng chậm tăng lương cũng đồng nghĩa với việc tiền tiêu vặt của các ông chồng sẽ chẳng có lý do nào để được tăng thêm.

Trong khi phụ nữ Nhật Bản ngày càng được tôn trọng thì túi tiền của các ông chồng lại ngày càng hao hụt - Ảnh 2.

Thu nhập và phụ cấp của lao động nam giảm đáng kể (Đường màu xanh chỉ mức lương trung bình, đường màu hồng chỉ mức phụ cấp của lao động nam, đường màu đen chỉ phụ cấp của lao động nữ)

Ngược lại, theo báo cáo của Bộ Lao động, số phụ nữ tham gia lực lượng lao động ngày càng đông. Mức lương của họ đã tăng lên 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Số tiền tăng thêm đó đã cải thiện thu nhập cho gia đình họ và bù đắp cho mức lương trì trệ của các ông chồng. Thực tế này đang tạo ra một thay đổi đáng kể trong cách nhìn nhận về phụ nữ khi họ ở nhà. Đây là kết quả nghiên cứu của Học viện Hakuhodo.

Cũng theo nghiên cứu từ năm 1997 của Học viện danh tiếng này, số lượng trẻ em nói, chúng tôn trọng mẹ hơn, tăng cao kỷ lục, đạt 68,1%, lần đầu tiên vượt qua tỷ lệ tôn trọng của trẻ nhỏ dành cho các ông bố. Tỷ lệ trẻ em trả lời rằng, chúng tôn trọng bố giảm đáng kể so với năm ngoái, chỉ còn 62%.


Trong giai đoạn 1980 - 2016, tỷ lệ phụ nữ chấp nhận ở nhà chăm sóc gia đình giảm 40%. Đường màu xanh chỉ số hộ gia đình có vợ ở nhà nội trợ, đường màu hồng chỉ số hộ gia đình có cả vợ và chồng đều đi làm.

Học viện Hakuhodo trả lời qua email với tờ Bloomberg rằng, "Chúng tôi nghi ngờ rằng, mối quan hệ giữa cha và mẹ trong gia đình đang thay đổi bởi số hộ có cả vợ chồng đều đi làm đang tăng lên rõ rệt. Ngày càng nhiều bà mẹ đến công sở. Họ đang làm việc và gặt hái nhiều thành công ở ngoài xã hội và họ vẫn hoàn thành tốt việc nhà.

Mặc dù ngày càng nhiều ông bố tích cực tham gia việc nội trợ nhưng họ vẫn còn một chặng đường dài để vượt qua. Ngay cả khi người đàn ông có quyền nghỉ phép khi con họ chào đời giống như phụ nữ thì vẫn chỉ có 3% đàn ông sử dụng quyền này vào năm 2016, 57% nghỉ chưa đến 5 ngày vào năm 2015. Theo thống kê của Bộ Lao động, tỷ lệ nghỉ phép khi sinh ở phụ nữ lên tới 82%.

Trong khi phụ nữ Nhật Bản ngày càng được tôn trọng thì túi tiền của các ông chồng lại ngày càng hao hụt - Ảnh 4.

Người phụ nữ ngày càng được tôn trọng hơn trong gia đình của họ. Đường màu xanh chỉ sự tôn trọng của con cái đối với cha; đường màu hồng chỉ sự kính trọng của con trẻ với mẹ của chúng.

Nhà kinh tế học tại Công ty An ninh Nikko SMBC, người chưa được tăng một đồng lương nào trong nhiều năm gần đây cho hay, "Đàn ông Nhật Bản vẫn phải đối mặt với môi trường đầy khắc nghiệt. Việc chậm trễ chi trả các khoản phụ cấp xuất phát từ mối lo ngại về tiến trình tăng lương, tăng thuế và tình trạng già hoá dân số."