Nghệ thuật “bóp méo hình ảnh” ma quái và diệu kỳ

Oksein, Theo 00:01 09/01/2012

Mỗi bức tranh giống như một câu đố về góc nhìn, thể hiện sự "méo mó có khoa học" của tác giả.

Đã bao giờ bạn bắt gặp một bức vẽ kỳ lạ với những hình ảnh bị kéo giãn, biến dạng đến mức không sao hiểu nổi ý đồ của người vẽ là gì? Đừng vội bỏ qua, vì rất có thể đó là một tác phẩm thuộc môn hội họa “ma quái và diệu kỳ” - Anamorphosis.

Nếu nhìn trực diện, bạn có nhận ra đây là hình gì không?

Nhưng khi “đọc” nó theo cách này, bạn thấy gì nào?



Anamorphosis hay “nghệ thuật phối cảnh biến dạng” là kỹ thuật vẽ tranh dưới dạng bóp méo hình ảnh, đòi hỏi người xem phải sử dụng các thiết bị đặc biệt hay đứng ở một góc nhìn nhất định mới thấy được tác phẩm hoàn chỉnh. Người Trung Quốc đã sáng tạo ra Anamorphosis vào thế kỷ 16, nhưng phải sau khi du nhập đến Ý thì nghệ thuật này mới phát triển đến đỉnh cao với những kiệt tác của các nghệ sĩ thời Phục hưng.

Chân dung Einstein hiện lên mờ ảo trên chiếc ống phản chiếu đặt giữa bức tranh.


Mỗi bức tranh theo nghệ thuật Anamorphic giống như một câu đố mà lời giải xuất hiện khi bạn chọn đúng góc nhìn và tìm đúng vật phản chiếu mà thôi.

Những hình ảnh mà bạn đang xem là tác phẩm của họa sĩ người Hungary István Orosz. Ông được coi là một trong những “phù thủy hội họa” từ những năm cuối của thế kỷ trước với kỹ thuật phối cảnh biến dạng vô cùng điêu luyện. Ông thường sử dụng vật phản chiếu là các ống hình trụ hoặc hình nón đặt ngay giữa bức tranh.

Mặt chiếu hình nón.

Từ những hình vẽ đơn giản như ngón tay...


Bàn chân.

Đến những bức vẽ kỳ công và chi tiết.


Để có được một bức tranh Anamorphic, đầu tiên, họa sĩ phải vẽ hình ảnh thật trên một tờ giấy đã chia thành nhiều ô vuông nhỏ. Sau đó họ sẽ căn cứ vào góc nhìn đã chọn để chia tỉ lệ tương ứng trên một tờ giấy khác rồi thực hiện công đoạn “kéo giãn hình ảnh” trên tờ giấy này. Ảo ảnh hiện lên trên vật phản chiếu có hoàn hảo hay không phụ thuộc nhiều vào việc tính toán chính xác tỉ lệ và vận dụng các nguyên lý quang học, vì vậy những nghệ sĩ Anamorphic thường am hiểu cả 3 lĩnh vực: hội họa, hình học và vật lý.

Hình vẽ mô tả quá trình “phù phép” của họa sĩ. Nếu dùng vật chiếu hình trụ, thì hình ảnh thật phải được kéo giãn theo hình vòng cung bao quanh ống, giống như khi ta vẽ quả địa cầu vậy.



Nhiều tác phẩm còn là bức tranh hoàn chỉnh ngay cả khi không sử dụng vật chiếu.



Quả là một sự “méo mó có khoa học” phải không nào?

Video dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm về những tác phẩm độc đáo này!