Sài Gòn vốn là một mảnh đất giao thoa của nhiều nền văn hoá, vì thế cũng chứa đựng những tập tục rất thú vị. Trong đó có thể kể đến tập tục "đánh kẻ tiểu nhân" của cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn.
Tập tục "đánh kẻ tiểu nhân" vô cùng độc đáo của người Hoa ở Sài Gòn.
Theo quan niệm của người Hoa, tiết Kinh Trập (ngày 5 hoặc 6/3 Dương lịch) là thời gian mà các thế lực xấu bắt đầu hoành hành, chính vì thế cần phải đánh kẻ tiểu nhân đề phòng kẻ tiểu nhân gây họa. Những kẻ tiểu nhân ở đây không ám chỉ một ai cụ thể mà đại diện cho những điều xấu tồn tại trong xã hội.
Tập tục này còn được gọi là "cúng ông Hổ" vì tiết Kinh Trập là lúc Bạch hổ thức giấc và đi tìm thức ăn.
Ở Chợ Lớn, cộng đồng người Hoa thường đến Hội quán Ôn Lăng (quận 5) để thực hiện nghi thức này. Vào dịp tiết Kinh Trập, người dân đến "đánh kẻ tiêu nhân" rất đông. Thông thường sẽ có các thành viên trong hội quán đứng ra giúp người dân thực hiện nghi thức này với giá 10.000 đồng/1 lần "đánh". Thông thường, mọi người sẽ đánh 8 cái, tuy nhiên, ở mỗi nơi, người dân sẽ đánh số lần khác nhau tùy ý.
Theo đó "người uỷ thác" sẽ nhờ các "thầy" dùng giấy cắt thành hình người, trên giấy này sẽ viết thông tin về người làm nghi thức hoặc có thể không viết gì. Sau đó thắp nhang cầu khấn, dùng giày hoặc đồ vật khác đánh tấm giấy hình nhân "thâm tím mình mẩy", để chắc rằng kẻ tiểu nhân đã bị bịt kín miệng sau này không nói năng bừa bãi, không thể hại người được nữa.
Người dân dùng giày hoặc đồ vật khác đánh tấm giấy hình nhân "thâm tím mình mẩy", để chắc rằng kẻ tiểu nhân đã bị bịt kín miệng sau này không nói năng bừa bãi, không thể hại người được nữa.
Đầu tiên mọi người khấn thần linh.
Bài bản hơn sẽ có một bài khấn được in trên giấy.
Sau đó dùng dép, guốc... đánh vào hình nhân.
Đôi khi đánh xong còn chà thêm mấy phát.
Những tờ cầu phúc sẽ được dán lên một chỗ chung trên gian thờ.
Mọi người cầu mong những xui xẻo sẽ tránh xa trong năm mới.
Cuối cùng mọi người đem giấy cúng đi đốt.
"Đánh kẻ tiểu nhân" là một tập tục khá phổ biến ở Hong Kong. Ở Hong Kong, chính quyền không chỉ thừa nhận sự tồn tại của nghi thức "đánh kẻ tiểu nhân", mà còn coi đây là di sản văn hóa phi vật thể cần được giữ gìn và phát huy. Do đó, tập tục truyền thống này đã được lưu truyền lại cho rất nhiều thế hệ người Hong Kong.
Ở Hong Kong, "đánh kẻ tiểu nhân" được công nhận là di sản phi vật thể cần được gìn giữ.
Ở Chợ Lớn, tập tục này cũng được người Hoa gìn giữ đầy trân trọng, như một nét văn hoá đặc trưng. Tuy nhiên cũng như ở Hong Kong, hiện nay người dân sống trong thành phố chịu khá nhiều áp lực từ đời sống. Chính vì thế tập tục "đánh kẻ tiểu nhân" giờ đây không chỉ mang ý nghĩa cầu may mắn, mà còn trở thành một phương thức để giải toả những bực dọc.
Người trẻ cũng rất thích thú với tập tục này. Đây là một phương pháp tốt để giải quyết những phiền muộn.
Nhiều người không cần đợi đến tiết Kinh Trập để được "đánh kẻ tiểu nhân". Chỉ cần mỗi khi trong người cảm thấy muộn phiền họ có thể tìm đến hội quán để "đánh kẻ tiểu nhân" xả stress.
Nếu có cơ hội bạn hãy thử một lần "đánh kẻ tiểu nhân" biết đâu những muộn phiền sẽ được tan biến.