Biện pháp tránh thai nào an toàn nhất?

Dân trí, Gia đình, Theo 00:01 04/01/2010

Khi bắt đầu tìm hiểu về những kiến thức giới tính, đây là một trong những câu hỏi mà nhiều bạn không khỏi tò mò.<img src='/Images/EmoticonOng/34.png'>

1. Em đọc báo thấy có nói về biện pháp dùng phim tránh thai. Đấy là biện pháp tránh thai gì ạ? – A.Ngọc (Ngoc….@yahoo.com).

Trả lời:

Chào bạn,

Phim tránh thai (VCF) là một màng phim có kích thước 5x5 cm, rất mềm và mỏng. Nó chứa 28% chất nonoxynol - 9 là một hoạt chất không phải hormone, có tác dụng diệt tinh trùng. Ngoài ra nó còn chứa một số chất vô hoạt như: Polyvinyl alcohol, glycerine.

Phim tránh thai được sử dụng bằng cách đặt vào âm đạo.  Đây là một phương pháp tránh thai có tác dụng tương đương với các phương pháp tránh thai thông thường khác.

Theo đánh giá thì phim tránh thai rất đơn giản, dễ sử dụng. Ngoài ra, phim tránh thai cũng không chứa hormone, không để lại tác dụng phụ.

Tuy nhiên, màng phim tránh thai không phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, không được sử dụng phim tránh thai khi đang mắc bệnh, viêm, nhiễm trùng vùng kín.



2. Bọn bạn em bảo nếu uống thuốc tránh thai có thể hết mụn trứng cá nhưng sẽ bị vô sinh. Có thật thế không? – Phượng (Hn308…@yahoo.com).

Trả lời:

Phượng thân mến,

Điều đầu tiên phải khằng định là những điều bạn của bạn nói không chính xác. Các loại thuốc tránh thai thông thường ngoài chức năng giúp tránh thai còn có tác dụng cân bằng nội tiết tố. Vì vậy, trong nhiều trường hợp khi nguyên nhân gây mụn trứng cá là do rối loạn nội tiết tố thì các bác sĩ có thể cho sử dụng thêm thuốc tránh thai để cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Điều đó không có nghĩa là ai bị mụn trứng cá uống thuốc tránh thai cũng có thể hết mụn. Vì thế các bạn cần lưu ý không nên tự tiện mua thuốc tránh thai uống để chữa mụn trứng cá khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Để chữa mụn trứng cá đúng cách và dứt điểm, bạn cần đến khám tại các chuyên khoa da liễu. Các bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra cách điều trị thích hợp nhất với bạn.

Ngoài ra, chưa có một nghiên cứu nào khẳng định việc uống thuốc tránh thai dẫn đến tình trạng vô sinh. Vì vậy, bạn có thể hoàn toàn yên tâm.



3. Có bao nhiêu biện pháp tránh thai tất cả? Biện pháp nào là an toàn nhất và biện pháp nào kém an toàn nhất ạ? Em muốn tìm hiểu về vấn đề này nhưng mọi người thì ai cũng bảo không cần thiết. – T.K (kitty…@yahoo.com).

Trả lời:

Bạn thân mến,

Việc tìm hiểu về các biện pháp phòng tránh thai là một điều cần thiết khi các bạn bước vào lứa tuổi dậy thì. Nó không chỉ cung cấp thêm các thông tin về sức khỏe sinh sản, giới tính mà còn giúp các bạn có cái nhìn đúng đắn và tự bảo vệ cho chính bản thân mình.

Có nhiều biện pháp tránh thai khác nhau như: sử dụng bcs, thuốc tránh thai, miếng dán tránh thai, thuốc tiêm ngừa thai, que cấy dưới da, phim tránh thai, thuốc diệt tinh trùng.

Ngoài ra còn có một số biện pháp nữa như: tính chu kì kinh nguyệt, xuất tinh ngoài âm đạo, triệt sản ở nam, nữ. Trong đó mỗi cách đều có những ưu nhược điểm riêng. Để tìm hiểu kĩ hơn về các phương pháp tránh thai này bạn nên tham khảo thêm trên sách báo, các chương trình giáo dục giới tính.

Trong các biện pháp tránh thai nêu trên thì không có biện pháp nào có thể coi là đảm bảo an toàn 100%. Tuy nhiên, việc sử dụng bcs vẫn được đánh giá là có kết quả cao, an toàn nhất vì bcs đơn giản, dễ sử dụng, giúp phòng tránh được các bệnh lây qua đường tình dục. Các phương pháp như tính chu kì kinh nguyệt, xuất tinh ngoài âm đạo thường có hiệu quả phòng tránh thai khá thấp. Vì vậy, theo các bác sĩ đây không phải là một biện pháp tránh thai an toàn.



4. Em thắc mắc là hình như ngoài biện pháp dùng bcs thì  không có biện pháp nào khác để tránh thai cho nam giới có phải không?- Phúc (black…@yahoo.com).

Trả lời:

Chào bạn,

Câu hỏi của bạn cũng là thắc mắc của khá nhiều bạn nam. Sử dụng bcs và triệt sản là hai biện pháp thông dụng dành cho XY. Triệt sản là một biện pháp tránh thai vĩnh viễn, không hồi phục được vì vậy chỉ thực hiện cho những người  trưởng thành có gia đình. Bác sĩ làm tiểu phẫu đơn giản thắt và cắt hai ống dẫn tinh để ngăn không cho tinh trùng từ tinh hoàn đi lên túi tinh. Do đó khi bạn xuất tinh, trong tinh dịch không còn tinh trùng, nên không thể thụ thai được.

Ngoài ra, hiện nay các bác sĩ đang thử nghiệm loại thuốc tiêm tránh thai dành cho phe XY. Một lượng hormone testosterone sẽ được tiêm vào cơ thể tương đương với lượng testosteron mà tinh hoàn vẫn sản xuất theo cách bình thường. Khi muốn có thể sản xuất tinh trùng như bình thường thì chỉ cần ngừng tiêm và chờ trong khoảng từ 3-5 tháng.

Các bác sĩ, chuyên gia cũng đang cố gắng nghiên cứu một loại thuốc tránh thai dành cho XY có tác dụng tương đương như cho XX.