Chuyển nhượng Hè 2015: Khi Premier League không còn là “đất lành”

NCT, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 10/07/2015

Giải đấu cao nhất xứ sở sương mù đang thất thế trên Thị trường chuyển nhượng mùa Hè này khi nhiều ngôi sao bóng đá đã từ chối đến chơi ở Premier League.


Arda Turan đã từ chối các CLB ở Anh để đến chơi cho Barcelona.

Arda Turan là ví dụ mới nhất cho xu hướng các ngôi sao bóng đá ngày càng xa lánh Premier League. Tuyển thủ Thổ Nhĩ Kỳ nhận được rất nhiều lời đề nghị hấp dẫn và sự quan tâm sát sao của các CLB hàng đầu Premier League nhưng cuối cùng, anh lại quyết định gia nhập Barcelona, một gã khổng lồ tại La Liga.

Tiền bạc không phải là vấn đề của các CLB ở Premier League khi trong danh sách 10 CLB giàu nhất thế giới tính đến tháng 5/2015, có đến 5 đại diện đến từ Anh (MU, Arsenal, Chelsea, Man City, Liverpool). Các đội bóng hàng đầu ở đảo quốc sương mù cũng sẵn sàng chịu chi những số tiền khủng để đem về cầu thủ chất lượng, đơn cử là bản hợp đồng trị giá 81 triệu euro giữa MU và Di Maria vào năm ngoái. Vấn đề lương bổng cũng không phải là mối bận tâm khi những đội bóng trong Top 4 sẵn sàng chi trả cho một cầu thủ 200.000 – 300.000 bảng/ 1 tuần.


MU từng làm choáng váng làng túc cầu khi vung bom tấn để mua Di Maria.

Như vậy, xét về mặt tài chính, các CLB ở Premier League rõ ràng không hề kém cạnh so với Barca, Real hay Bayern Munich, vậy thì tại sao nhiều ngôi sao bóng đá liên tục từ chối đến chơi bóng ở Anh?

Điều đầu tiên có thể kể đến là lối chơi bóng thiên về phần thể lực của Premier League. Từ xưa đến nay, người Anh luôn tự hào với thứ đặc sản bóng đá “Kick and Rush” của mình. Và với triết lý “sút và chạy” của mình, các đội bóng ở đảo quốc sương mù dần dần xây dựng lối chơi dựa vào thể lực, sức mạnh và tốc độ với những pha tấn công chủ yếu nhắm vào hai cánh. 

Chính vì lối chơi tiêu tốn quá nhiều thể lực mà một số cầu thủ nổi tiếng từ các giải đấu như La Liga hay Serie A không thể trụ lại lâu. Cũng chính thứ bóng đá ưa thích sức mạnh cơ bắp đã khiến cho các cầu thủ ở Premier League dễ gặp chấn thương hơn và đối với một cầu thủ, việc phục hồi phong độ sau chấn thương là một nỗi ám ảnh không lời tả xiết.


Lối chơi máu lửa có phần bạo lực là thứ không thể thiếu ở Premier League.

Yếu tố thứ hai chi phối đến quyết định của các ngôi sao bóng đá đó là lịch thi đấu dày đặc ở Premier League. Giải đấu cao nhất của xứ sở sương mù đã nổi tiếng xưa nay về độ khắc nghiệt trong việc sắp xếp lịch thi đấu. Trong những giai đoạn cao điểm như chặng tourmalet vào kỳ nghỉ Đông, các cầu thủ có lúc phải thi đấu trung bình 3-4 trận/tuần và hiếm khi có đủ thời gian để phục hồi 100% thể lực của mình. 

Trái với Premier League, những giải đấu hàng đầu ở châu Âu như La Liga, Serie A hay Bundesliga đều dành một khoảng thời gian ngắn để các cầu thủ nghỉ đông và dành thời gian cho gia đình, bởi tháng 12 ở châu Âu có một dịp lễ rất đặc biệt, đó là lễ Giáng sinh. Trong khi các đồng nghiệp ở TBN, Đức hay Italy đang quây quần ở quê nhà cùng gia đình thì những cầu thủ ở Anh lại phải căng sức đá trong cái lạnh cắt da, cắt thịt của mùa đông khắc nghiệt.


Những trận đấu khắc nghiệt vào tháng 12 là ám ảnh của các cầu thủ ở Anh.

Một chi tiết thứ ba đáng được lưu tâm đó là sự lọc lõi của các CLB Premier League trên thị trường chuyển nhượng. Theo nhận định của Gary Neville, một cựu cầu thủ MU, thì những CLB Anh đang dành quá nhiều sự tin tưởng cho các tay cò, các tay môi giới cầu thủ. Có một thực tế đáng buồn là những tay trùm trong lĩnh vực môi giới cầu thủ đang làm ăn chủ yếu với Barcelona, Real Madrid và Bayern Munich chứ không phải là MU hay Chelsea. 

Mặc dù nhìn từ bên ngoài, thị trượng chuyển nhượng ở Anh có vẻ sôi động nhưng nó chỉ diễn ra tấp nập ở phân khúc của các cầu thủ tầm trung, giá rẻ còn ở phân khúc ngôi sao, chỉ mới có 2 bản hợp đồng trị giá 40 triêu euro (Roberto Firmino) và 30 triệu euro (Memphis Depay) được kích hoạt. Trong khi dù khá kín tiếng nhưng Barcelona đã vung tới 41 triệu euro để có được chữ ký của Turan. 


Firmino (trái) và Depay (phải) là 2 cái tên đáng chú ý nhất ở TTCN của Premier League. 

Khi chưa thu hút được những tài năng lớn về với Premier League thì các CLB tại đây lại đứng trước nguy cơ chảy máu nhân tài ra các giải đấu nước ngoài. Các thương vụ của Ronaldo, Gareth Bale hay Suarez đã chứng minh các CLB nước Anh đang kém sức hút hơn hẳn so với Barcelona hay Real Madrid. Những cầu thủ đang gây nhiều xôn xao ở Anh như Morgan Schneiderlin, Raheem Sterling hay Christian Benteke chưa đủ tầm để vươn lên hàng ngôi sao thế giới, họ chỉ dang dừng lại ở mức tiềm năng và rõ ràng kém sức hút hơn rất nhiều nếu đặt lên bàn so sánh với Arda Turan.


Ronaldo (trái), Bale (giữa) hay Suarez (phải) là những ngôi sao lớn đã rời bỏ Premier League để đến chơi bóng tại La Liga trong những năm gần đây.

Điều mà những CLB Premier League cần làm bây giờ là phải trở nên khôn ngoan và cáo già hơn trên thị trường chuyển nhượng, tránh bị dắt mũi bởi những tay cò mồi lọc lõi. Nước Anh đang thiếu hụt những ngôi sao lớn, những cái tên hạng A của bóng đá thế giới và họ không cần quá nhiều cầu thủ hạng B nhưng lại được định giá quá cao.