Phận đời những nữ cửu vạn "bán sức" trong đêm tại chợ Đông Ba: "Không giành nhau từng bao hàng thì con cái chúng tôi lấy gì ăn?"

Lê Ngọc, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 09/12/2019

Dòng đời đưa đẩy, khi mọi người đang say giấc nồng, hàng trăm người phụ nữ ở mảnh đất Cố đô Huế tranh thủ thời gian mò mẫm trong đêm tối để hành nghề. Họ chính là những người làm nghề bốc vác (cửu vạn) ở ngôi chợ nổi tiếng nhất đất Huế.

Nằm sát bên bờ sông Hương thơ mộng, khu chợ Đông Ba (thuộc phường Phú Hòa, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) tấp nập đón khách thập phương về đây tham quan, mua sắm…Một lực lượng không thể thiếu ở khu chợ này chính là những người hành nghề bốc vác.

Họ có thể là những phụ nữ thất nghiệp, đông con, gia đình có hoàn cảnh khó khăn không đủ vốn làm ăn... hay thậm chí là những phụ nữ từ nhiều vùng quê lên phố kiếm sống. Dù thế này đi nữa, giữa họ có điểm chung là những phận người "bán sức" lao động để bốc vác mưu sinh, lo toan cho cuộc sống…

Kiếm từng đồng bạc giữa sự cạnh tranh

Trong tiết trời se se lạnh của mùa Đông xứ Huế, chúng tôi tạt vào khu chợ nổi tiếng này khi đồng hồ đã điểm 0h29’ sáng. Nhiều người phụ nữ gồng mình bốc vác những kiện hàng to gấp đôi, gấp ba cơ thể họ. Đó là công việc thường nhật của những người phụ nữ vốn chân yếu tay mềm nhưng phải làm công việc nặng nhọc này.

Cứ thế, họ như con kiến chăm chỉ, lam lũ mưu sinh từ ngày này qua tháng nọ… Trong đêm tối, những chiếc bóng của người phụ nữ di chuyển, in hằn dưới nền đất trong ánh sáng nhập nhòe…

Phận đời những nữ cửu vạn bán sức trong đêm tại chợ Đông Ba: Không giành nhau từng bao hàng thì con cái chúng tôi lấy gì ăn? - Ảnh 1.

Những người phụ nữ chờ đợi những chuyến xe đầu tiên trong đêm

Trong lúc chờ xe hàng đến, một nhóm phụ nữ tầm 30 đến 40 tuổi ngồi chuyện trò, một nhóm khác tranh thủ ngủ vội vàng trên tấm thảm ni lông chưa đến 1m2 trải phía trên chiếc xe kéo gồ ghề, đầy bụi bẩn.

Ánh mắt nhìn mọi người, chị Cúc (40 tuổi, ở phường Hương Chữ, tp Huế) tâm sự: "Thức trắng đêm làm nghề bốc vác, đối với ai cũng đã cực muôn phần, huống chi những người phụ nữ chân yếu tay mềm như chúng tôi. Đã vậy, công việc này cũng không mấy suôn sẻ với chị em. Bởi cánh nam giới có sức khỏe thường giành giật hết.Vả lại, những người phụ nữ ở các xóm vạn đò tìm đến chợ Đông Ba làm nghề này ngày càng nhiều, thành ra, chính các chị lại phải giành nhau từng lô hàng".

Chị Cúc tiếp lời, một chuyến hàng như vậy, chị phải bốc vác hơn 100 kg và số tiền chị nhận được là 5 – 30 nghìn đồng tùy theo số lượng hàng hóa phải vận chuyển. "Đồng tiền kiếm được ngày càng khó, không giành nhau từng bao hàng thì con cái chúng tôi lấy chi ăn…", chị Cúc nói chậm rãi.

Vo những đồng tiền vừa nhận được sau khi bỏ sức bốc vác, chị Cúc cho hay: "Lúc đầu, khi nhìn số hàng hóa mà tôi phải bốc, thực sự tôi nghĩ, số tiền đó quá ít ỏi so với công sức của tôi bỏ ra. Lúc đó, tôi đã định nghỉ, nhưng rồi nhớ lại các con, nhớ lại cuộc sống cần những đồng tiền ít ỏi này để trang trải, nên tôi cắn răng chịu đựng, làm cái công việc mà tôi nghĩ là không ai muốn làm…".

Thời gian cứ trôi, từng chuyến hàng lần lượt đến rồi đi, vơi dần trên mỗi đôi vai của họ. Đêm của những người phụ nữ đó chỉ bắt đầu khi dòng người ngược xuôi, tấp nập trên phố phường…

Phận đời những nữ cửu vạn bán sức trong đêm tại chợ Đông Ba: Không giành nhau từng bao hàng thì con cái chúng tôi lấy gì ăn? - Ảnh 2.

Bán sức 5 nghìn đồng với mỗi chuyến xe

Cơm, áo, gạo, tiền và tuổi già

Trong những phận đời bốc vác mà tôi gặp trong đêm ấy, dường như, chẳng có ai nhớ nổi mình đã trở thành bốc vác lúc nào, điều duy nhất họ nhớ là bắt đầu vào nghề khi trong túi không còn đồng bạc và trước mắt là những đêm dài không nghề nghiệp. Họ cứ bước vào cái nghề này một cách vô định, không được quyền chọn lựa.

Những người phụ nữ hành nghề bốc vác ở chợ Đông Ba, có rất nhiều người đã đến cái tuổi xế chiều, cái tuổi mà đáng lẽ ra bây giờ họ đã được nghỉ ngơi, sống cuộc sống êm đềm quây quần bên con cháu.

Có lẽ, gắn bó với nghề bốc vác lâu năm nhất ở chợ Đông Ba là bà Đỗ Thị Lai (60 tuổi, phường An Hòa, tp Huế). Hơn 30 năm thức đêm làm nghề bốc vác, chừng ấy thời gian đã quá đủ để cho bà thấm thía hết những cực nhọc, khó khăn của nghề bốc vác.

Phận đời những nữ cửu vạn bán sức trong đêm tại chợ Đông Ba: Không giành nhau từng bao hàng thì con cái chúng tôi lấy gì ăn? - Ảnh 3.

Bà Đỗ Thị Lai mưu sinh hơn 30 năm với nghề bốc vác

Tâm sự với chúng tôi, bà Lai giãi bày, chồng mất sớm vì một cơn bão bệnh, bà một mình nuôi 4 đứa con ăn học. Đến nay, con bà đã thành gia lập thất hết nhưng ai cũng thuộc dạng nghèo, nên bà vẫn phải theo nghề bốc vác để kiếm sống qua ngày. "Tết nhất đến nơi rồi, gắng kiếm ít đồng mà lo việc nhà việc bếp, khổ thì cũng phải làm chơ biết làm răng bây chừ", bà Lai nghẹn ngào.

Trong những người phụ nữ "bán sức" về đêm, dưới ánh đèn lờ mờ, tôi để ý một người phụ nữ tóc đã ngả màu bạc trắng, chân đi đôi dép đã mòn, mặc chiếc áo hoa mỏng dưới trời sương lạnh. Người phụ nữ này đang ngồi trên chiếc xe đẩy của mình để chờ người gọi mình tới bốc vác. Ánh mắt của bà dường như mang theo rất nhiều tâm sự, ở cái tuổi này cũng ít người thuê bà bốc vác, vì bà đã già, sức khỏe lại yếu.

Lại gần trò chuyện, chúng tôi mới biết đó là bà Lê Thị Yên (63 tuổi). Lúc trước, chồng bà làm nghề đạp xích lô nhưng đang bị bệnh nên phải nằm ở nhà, một mình bà phải đi làm kiếm tiền để lo tiền thuốc thang cho người chồng thiếu may mắn.

"Khi có sức khỏe, ai cũng lao vào làm quần quật, miễn kiếm được rau cháo, có ai ngờ đến khi bị trầy vai, trật khớp, trượt đốt cột sống… nằm xuống, túi vẫn không có một đồng nào. Làm ngày nào ăn ngày đó thôi, nghĩ mà ứa nước mắt. Cực chẳng đã, cánh phụ nữ chúng tôi mới theo cái nghề lấy đêm làm ngày này", bà Yên trải đời...

Vừa dứt lời, có người gọi bà Yên đi bốc hàng. Từng bao hàng nặng trĩu nằm gọn trên đôi tay nhỏ bé và nhanh nhẹn của bà. Tuy vất vả, nhưng chính cái nghề này lại khiến bà bớt đi những lo toan về gánh nặng tiền bạc, kiếm thêm đồng tiền lo cho gia đình.

Phận đời những nữ cửu vạn bán sức trong đêm tại chợ Đông Ba: Không giành nhau từng bao hàng thì con cái chúng tôi lấy gì ăn? - Ảnh 4.

Đôi tay nhanh nhẹn cho chuyến hàng kịp trời sáng

Mong con không nối nghiệp…

Hầu hết những phận đời khi bước chân vào làm nghề bốc vác về đêm đều oằn mình làm việc hết sức với mong muốn con cái mình được ăn học đến nơi đến chốn, để sau này không phải "nối nghiệp" của mình.

Nhưng đời không là màu hồng, vòng tròn luẩn quẩn cứ xoay... Cha mẹ làm bốc vác không đủ tiền chu cấp, con cái không được học hành, rồi lớn lên lại phải ra chợ tìm đến cái nghề bốc vác để kiếm sống. Chu kì đó cứ lặp lại, để rồi, những đứa con ấy lại tiếp tục nghèo, bệnh tật, đông con… Vòng xoáy của cuộc sống mưu sinh khiến họ phải đâm đầu làm cái nghề mà người ta gọi là "bán sức" về đêm.

Bà Nga (53 tuổi, phường An Tây, tp Huế) tâm sự, trước đây, chồng bà làm nghề bốc vác thuê, rồi bị bệnh mất sớm. Một tay bà phải nuôi 5 đứa con. Con đông để ở nhà không ai chăm, mỗi đêm đi làm bà phải dẫn theo, nghèo khổ không được học hành tử tế nên lớn lên con bà cũng theo nghiệp của mẹ làm nghề bốc vác.

"Con đông, chồng mất sớm nên tôi lo cho chúng ăn đã kiệt sức rồi. Không được học hành tử tế nên lớn lên phải làm thuê kiếm sống thôi. Chỉ hi vọng là đời cháu của mình không phải làm cái nghề này nữa", bà Nga chia sẻ.

Trông đêm tối mù mờ, màn sương lạnh phủ khắp, những phận nữ làm nghề bốc vác vẫn phải gồng hết sức mình để đổi mồ hôi, nước mắt lấy chén cơm, manh áo. Những đồng tiền, áp lực mưu sinh đang đè nặng lên đôi vai gầy gò của các chị, các bà trong suốt những đêm dài…

Phận người bốc vác là vậy, họ biết rằng cuộc mưu sinh hôm nay đang bị đánh đổi bằng tương lai của chính họ và con cái họ. Dù có mù lòa hay bệnh tật thì đó là chuyện của mai sau. Còn hiện tại, những lo toan hằng ngày đang đè nặng lên cái bóng gầy nhỏ của đời người phụ nữ bốc vác ấy trong những đêm dài bạc mắt.