Cô gái ung thư trên sân khấu Memento Mori với vai diễn về cuộc đời của chính mình: "Chưa bao giờ cảm giác cơn đau kinh khủng như thế"

Minh Nhân - Ảnh: Kiên Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 30/09/2018

Memento Mori là món quà dành tặng những bệnh nhân ung thư và người thân của họ. Là bức tranh nhiều gam màu cùng hướng tới đích đến là sự hạnh phúc. Tuy cùng chung một điểm đến là cái chết, nhưng những con đường thì khác nhau. Đây là một hành trình mang tính biểu tượng, đi qua cái chết để nghĩ về sự sống.

"Tặng Huế, một cánh hạc màu đỏ nhé!"

Tôi quen một bệnh nhân ung thư. Cô ấy tên Huế, bằng tuổi tôi, mới chớm 22. Huế phát hiện ung thư gan vào năm 2012, một tháng nữa là tròn 6 năm. Thường thì khi đau người ta không muốn chia sẻ. Bởi đau quá rồi, tâm trí đâu nữa để nghĩ tới những thứ khác. Riêng Huế, cô không giấu diếm bất cứ điều gì về bản thân, cũng như về thứ bệnh chết người ấy.

Trong lý lịch bệnh tình của mình, rõ ràng Huế ghi: "Hai khối u ở gan 4cm, không đau. Một khối u ở ngoài gan 13cm, có đau. Ung thư di căn nhiều vị trí. Ngủ thì không nghĩ đến nó nữa sẽ không đau. Đến khi tỉnh, nhớ đến thì vẫn đau. Đau dữ dội kinh khủng cũng có, mà bình yên dịu nhẹ cũng có".

Huế nghe tới cái chết gần như quá vô thường. Trong bệnh viện, hôm nay người ta thông báo người này mất, hôm sau thông báo người khác mất, mà cảm giác như, Huế không thể khóc được nữa. Cái chết, dường như đã hằn sâu trong tiềm thức cô. Trước, nghe tin ai điều trị cùng mình đột ngột ra đi, thì có mà Huế khóc cả ngày chẳng dứt. Cô nghĩ nhiều về họ, nghĩ tới kỷ niệm chung, những gì họ đã cùng mình trải qua, tất tần tật về một người từng-là-bệnh-nhân-ung-thư, còn bây giờ đã thuộc về một thế giới khác. Hiện tại, Huế nhoẻn miệng cười một cái, rồi đánh tiếng: "Ai cũng phải mất, cũng là một phần giải thoát".

Với những bệnh nhân ung thư như Huế, chết là một cách giải thoát!

Cô gái ung thư trên sân khấu Memento Mori với vai diễn về cuộc đời của chính mình: Chưa bao giờ cảm giác cơn đau kinh khủng như thế - Ảnh 1.

Những cánh hạc giấy màu đỏ đong đầy ước mơ của bệnh nhân ung thư.

Hành trình truyền cảm hứng của dự án cộng đồng Memento Mori | WeChoice Awards 2018. Nguồn: wechoice.vn

---

Một hành trình lắng đọng cảm xúc chuyển thể từ "Điểm đến cuộc đời" của TS Đặng Hoàng Giang

Được chuyển thể từ cuốn sách "Điểm đến của cuộc đời" của tác giả Đặng Hoàng Giang, Memento Mori - "Hãy nhớ, mi sẽ chết" là tiểu phẩm nghệ thuật kể về những bệnh nhân ung thư. Huế tham gia casting cho vở diễn trong vai Liên - một cô sinh viên 23 tuổi vừa mới tốt nghiệp Đại học.

Liên là một bông hồng đỏ, nhưng cô sợ màu đỏ. Đó là màu của máu, của cái chết. Liên không may bị ung thư vú và mất sau 5 năm chữa chạy, 17 năm đi học, 5 năm học Bách Khoa, 3 năm đi làm. Cuộc chiến cam go nhất của cô, có lẽ không phải với những liệu trình trị xạ, mà với chính bản thân cô.

"Em sẽ sống để nhắc nhở người khác biết là họ may mắn và qua đó cho họ có động lực để họ sống tốt hơn" - đó là tâm nguyện cuối đời của Liên sau những tháng ngày chìm sâu trong ý nghĩ mình là gánh nặng của xã hội, gánh nặng của gia đình.

Cô gái ung thư trên sân khấu Memento Mori với vai diễn về cuộc đời của chính mình: Chưa bao giờ cảm giác cơn đau kinh khủng như thế - Ảnh 3.

Memento Mori - vở diễn tái hiện hành trình cận tử của bệnh nhân ung thư được lấy cảm hứng từ cuốn sách "Điểm đến của cuộc đời" (tác giả: Đặng Hoàng Giang).

Memento Mori là một lớp suy nghĩ, một hành trình mang tính biểu tượng, đi qua cái chết để nghĩ về sự sống, là thông điệp đầy ý nghĩa để chúng ta trở về là chính mình. Ngoài nhân vật Liên do Huế thủ vai, trên sân khấu của đêm diễn còn có những "nhân vật ung thư" khác. Họ cùng nhau suy tư về cái chết, nhưng lại là cái cớ để trở về là chính mình, để gần lại với nhau hơn và để tự nhận ra mình đang còn sống.

Memento Mori là một món quà dành tặng những bệnh nhân ung thư và người thân của họ. Là bức tranh nhiều gam màu cùng hướng tới đích đến là sự hạnh phúc. Sau tất cả, hạnh phúc chẳng ở đâu xa, hạnh phúc ngay cạnh chúng ta khi được hít chung một bầu không khí, tận hưởng hạnh phúc từ những việc đơn giản nhất, trong từng hơi thở.

Đó là bà mẹ trẻ Hoàng Vân, người đã dành phần sức lực cuối cùng của mình để ghi âm vào điện thoại những lời dặn dò dành cho 2 cô con gái 8 tuổi và 3 tuổi. Tất cả tình yêu của người mẹ được dồn cả vào đoạn ghi âm 30 phút ấy. Chị cũng đã đấu tranh và thuyết phục gia đình để có thể được hiến giác mạc sau khi mình qua đời.

Cô gái ung thư trên sân khấu Memento Mori với vai diễn về cuộc đời của chính mình: Chưa bao giờ cảm giác cơn đau kinh khủng như thế - Ảnh 4.

Từng khung hình khắc hoạ từng hành trình mà tác giả Đặng Hoàng Giang từng tiếp xúc.

Đó là Hà - cũng là một người mẹ, buộc phải đối mặt với việc căn bệnh ung thư xương của bé Nam - đứa con trai 10 tuổi của chị. Chị Hà không giấu diếm bé Nam về căn bệnh nặng của con trai. Sự hồn nhiên, vô tư và cách sử dụng ngôn từ khác biệt của Nam càng xoáy sâu vào lòng người xem sự thương xót và day dứt khôn nguôi. Nam ra đi khi còn quá nhỏ, để lại chặng đường dài mình mẹ em bước tiếp. Người ta tò mò, làm thế nào người mẹ có thể vượt qua nỗi đau, mất mát và tiếp tục sống khi người thân yêu nhất của mình mãi mãi ra đi.

Và đó là Liên, là Huế, là những cô gái đôi mươi không may mắc ung thư.

Họ biết cái chết sẽ "ập" đến với mình bất cứ lúc nào. Nhưng cách họ đối đầu và vượt lên chính mình, mới chính là bài học thấm thía nhất trên cuộc đời này.

---

Chuyện của Liên và Huế: Bộ tóc của em

Như đã kể ở đầu câu chuyện, Huế là bạn tôi. Còn Liên là nhân vật có thật trong cuốn "Điểm đến của cuộc đời" do tác giả Đặng Hoàng Giang chủ biên. Liên mắc ung thư vú. Trong sách, anh Giang kể lại giây phút Liên nhận hung tin vừa buồn mà vừa trớ trêu, chua xót.

- "Khối u đã to bằng quả cam rồi, cần nhập viện để mổ xét nghiệm" - bác sĩ thông báo.

- "Cam sành hay cam Nam Quốc hả bác?", Liên choáng.

- "Mày mổ đi chứ còn cam gì mà cam", ông bác sĩ lắc đầu.

Liên vẫn đi học, hoàn thành đồ án tốt nghiệp, kết thúc 5 năm tại Bách Khoa một cách đáng tự hào nhất. Những tháng ngày nằm viện, Liên chọn cho mình là một kẻ đơn độc nhưng đầy bản lĩnh. Cô không phải một kẻ ăn bám, cô biết tự chăm sóc bản thân, tự lết qua từng phòng để vào nhà vệ sinh. Ở Liên, có thể nói "cái lì" nằm trong máu của cô.

Khi Liên mất đi, cô trở thành một con người tự do như hằng mong ước. Cô nhìn thẳng vào cái chết, với tất cả sự bình thản và không chút do dự...

Cô gái ung thư trên sân khấu Memento Mori với vai diễn về cuộc đời của chính mình: Chưa bao giờ cảm giác cơn đau kinh khủng như thế - Ảnh 5.

Huế vào vai cô sinh viên tên Liên bị ung thư. Ngoài đời, Huế cũng là bệnh nhân ung thư.

"Một chiếc lá rụng xuống
Một mầm cây vươn lên...".

Huế gần như tương đồng với Liên tới 80%. Huế cũng không biết bây giờ mình là còn bao nhiêu thời gian.

Trước chỉ một khối u ở gan, phẫu thuật 3 lần. Trong thời gian đó, năm đầu tiên Huế không truyền hóa chất, chỉ về nhà uống thuốc. Sau 2 tháng truyền hoá chất, Huế xin viện về nhà thi Đại học. Thi xong, bệnh lại tái phát, lại tiếp tục đi mổ. Tổng truyền hóa chất là 30 lần. Các phác đồ hiện rõ, "Thôi hết võ rồi", tức là cơ thể Huế không đáp ứng thuốc nữa.

Huế kể với tôi: "Lúc truyền hoá chất mình rất là mệt mỏi. Xong rồi kéo nhau cả một đoàn quân, có nhiều bệnh nhân cùng xếp hàng chống nạng".

- "Cả một đội quân?" - tôi thắc mắc.

- "Đúng! Mọi người rất kiên cường, mạnh mẽ. Đi cùng đội đấy, mình mới có sức mạnh. Cảm thấy mọi người nhìn nhưng mình không sợ hãi, vẫn vui vẻ, lạc quan. Như kiểu đội quân đang chiến đấu kiên cường, mình cũng đang đi theo họ. Mà rất nhiều thanh niên trẻ, xếp một hàng đi từ trong ra cổng bệnh viện mà đầu thì trọc lóc hết. Thế là ai cũng để ý, nhiều người mới phát hiện mình bị ung thư, người ta nhìn thấy thế rất là sợ, nhưng thương nữa. Trong điều trị thì mệt nhưng ra ngồi quán anh em nói chuyện, chém gió lại vui".

Khi hoá thân vào Liên, Huế mặc một bộ áo dài màu trắng, có chú gấu bông to làm bạn. Sự mạnh mẽ trong ngôn từ là khi Huế đang cố gắng diễn tả đủ và chắc sắc thái kiên cường của Liên. Nhưng bản thân Huế, thỉnh thoảng trong suy nghĩ lại có cảm giác yếu đuối. Huế đoán viển vông xem mình sống được bao lâu nữa. Cô không sợ cái chết nhưng lại sợ đau.

"Mình chứng kiến bệnh nhân ung thư trải qua cái giai đoạn đau rồi. Sợ đau thôi chứ, nghĩ mình chết có giải pháp nào giải thoát nào tốt hơn. Nếu mình sống mà đau đớn, không giải thoát thì khổ lắm. Mình nghĩ cần thay đổi để lạc quan hơn. Cứ ủ rũ mãi mình cảm thấy mệt ý. Cố gắng thoải mái, bệnh thì cũng thế rồi, cũng chẳng nghĩ làm gì nhiều".

Cô gái ung thư trên sân khấu Memento Mori với vai diễn về cuộc đời của chính mình: Chưa bao giờ cảm giác cơn đau kinh khủng như thế - Ảnh 6.

Những kỷ vật của Liên.

Huế sợ đau. Đến khi không chữa được nữa và bước vào giai đoạn cuối, thứ Huế không đón chờ cũng sẽ đến. Cô thủ thỉ, "Chắc chắn mình sẽ phải dùng giảm đau, không thể can thiệp bằng sự chịu đựng của mình được, can thiệp bằng Tây y, thuốc giảm đau hoặc morphine". Huế phân biệt, đau bình thường uống thuốc giảm đau sẽ đỡ. Nhưng một khi đã đau dữ dội thì không còn loại thuốc nào trị nổi.

"Có những đợt, từ cuối 2017 mình có đau một trận. 5 ngày mình chỉ nằm một chỗ, nghiêng người bên trái không được, nghiêng người bên phải không được. Nằm thẳng nằm co cũng không được. Đứng dậy hay ngồi cũng không. Đi vệ sinh thì cố gắng dậy, không thì chỉ có nằm thôi. Mình đau nhiều. Chưa bao giờ cảm giác cơn đau nó kinh khủng như thế".

Huế ám ảnh tiếng khóc của trẻ con, vì cô nghĩ mình không kiên cường bằng lũ nhỏ. Các em rất bé, cũng ống kim chuyền cắm phập vào tay, có em cắm vào đầu. Chúng đau, khóc, gào thét mỗi buổi sáng. Khi "đoàn quân" bệnh nhân xếp hàng, trong số đấy ngoài mấy anh ung thư xương bị chặt mất một bên chân, còn có lũ trẻ đánh vần còn chưa sõi.

"Tiếng khóc của trẻ rất thương, mới nhỏ mà đã phải chịu đau đớn. Ngay như mình thanh niên đang khỏe mạnh còn không thể chịu được, truyền hóa chất mệt lắm. Đôi khi mình cảm thấy không bằng mấy em" - Huế kể.

Cô gái ung thư trên sân khấu Memento Mori với vai diễn về cuộc đời của chính mình: Chưa bao giờ cảm giác cơn đau kinh khủng như thế - Ảnh 7.

Trang nhật ký những ngày cuối đời của Liên.

Cô biết đến một ngày nào đó, bản thân cũng sẽ như Liên. Nhưng cái chết đối với Huế lúc này trở nên vô thường quá. "Chết! Chết! Chết!", dù có nhắc tới nhắc lui bao lần nữa, thì với dáng vẻ tuy nhỏ nhắn nhưng tiềm tàng sức mạnh, Huế đủ can đảm vượt qua tất cả.

Chuyện của mẹ Vân: Những lời ghi âm gửi 2 cô gái

"Mẹ chào hai con gái của mẹ, thời gian đúng là không chờ đợi ai bao giờ cả. Đã nhiều lần mẹ muốn tâm sự với các con lần cuối cùng...". Vân có 2 người con gái đang vào tuổi lớn. Hồi tay còn khoẻ, mỗi ngày cô ghi chép một chút. Sau đợt nhập viện vì đi tiểu ra máu và sốt cao, không còn khả năng cầm bút, cô gõ vào trong điện thoại.

"Hai con yêu quý của mẹ, mỗi người chúng ta sinh ra điều mang trong mình một số phận. Có người mới sinh ra đã được đầy đủ không phải suy nghĩ về tiền bạc. Nhưng có người lại phải chịu cảnh bần hàn, nghèo khó, lại có những hoàn cảnh mới sinh ra chưa kịp làm gì cho đời đã phải ra đi mãi mãi. Và tất nhiên cho dù chúng ta ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào (thì) cũng phải chấp nhận sống thật vui vẻ".

Một tháng trước khi qua đời vì ung thư xương, Vân dồn hết sức lực cho lần cuối cùng. Cô ghi âm lời nhắn nhủ cho 2 cô con gái.

Cô gái ung thư trên sân khấu Memento Mori với vai diễn về cuộc đời của chính mình: Chưa bao giờ cảm giác cơn đau kinh khủng như thế - Ảnh 8.

Nghệ sĩ Hoàng Hường trong vai mẹ Hồng Vân.

"Con gái à... Mẹ không viết được nữa rồi. Hôm bữa mẹ đang ghi dở cho con đấy. Nhưng mà mẹ run quá rồi. Tay của mẹ yếu lắm. Bố thương các con nên bố mới bảo các con học bài. Nga của mẹ ngoan lắm. Cố gắng... Đặc biệt, Nga để ý nhá. Nga đừng đánh chị Nguyệt. Mẹ thấy con cứ bắt nạt chị Nguyệt suốt à...

Mẹ mệt quá...".

Một tiếng rên kéo dài.

Nghệ sĩ kì cựu Hoàng Hường và chị Phạm Diệu Hương quá nhập tâm với vai diễn mẹ Hoàng Vân, đến nỗi khắc khoải cả trong từng tiếng thở, tiếng rên của nhân vật. Như bao bà mẹ có con gái, Hoàng Vân thương 2 đứa con nhỏ dại của mình. Nhưng trớ trêu, ung thư lại chọn chị đầy nghiệt ngã. Trước khi qua đời, chị để lại đôi giác mạc cho cuộc đời, dù trước đó, người nhà hoàn toàn phản đối. Giống như Liên, chị Vân cũng "lì" lắm!

"Chính các bệnh nhân ung thư, thông qua vở diễn Memento Mori, đánh động tâm trí của chúng ta, những người đang nương náu trong sự yên ổn, buộc chúng ta phải đối diện và chìm vào suy tư về nỗi đau và cái chết của kẻ khác" - diễn viên Diệu Hương bộc bạch về nhân vật Hoàng Vân nói riêng, và những bệnh nhân ung thư nói chung.

Là một người mẹ, nghệ sĩ Hoàng Hường cảm tưởng như chẳng thể dứt mình khỏi Vân. Đã lâu lắm rồi, chị Hường mới nhận lời đảm nhận một vai diễn. Lần này, nhân vật Vân khiến chị suy ngẫm. Dẫu rằng cái chết chẳng chừa một ai, nhưng có mấy ai mạnh mẽ và cho đến phút giây cuối cùng vẫn trọn vẹn tình thương, không chút vị kỷ riêng mình.

Cô gái ung thư trên sân khấu Memento Mori với vai diễn về cuộc đời của chính mình: Chưa bao giờ cảm giác cơn đau kinh khủng như thế - Ảnh 9.

Chị Vân để lại cho 2 cô con gái một đoạn băng ghi âm 30 phút, để lại cho đời đôi giác mạc.

"Cho đến cùng, Vân không nghĩ mình sẽ chết như nào. Cô ấy lo lắng, trước tiên là 2 đứa con gái bé bỏng, sau đến đôi giác mạc đấu tranh mãi mới có thể trao tặng lại cho cuộc đời. Bình yên và nhẹ nhàng, bệnh nhân ung thư dẫu đau đớn, nhưng khi đến với cái chết, họ thanh thản lắm", cầm trên tay bông sen trắng, nghệ sĩ Hoàng Hường tưởng nhớ về chị Vân.

"Memento Mori - Hãy nhớ, mi sẽ chết!" - những người mẹ biết rõ điều này. Nhưng liệu cái chết có vượt qua nổi sức mạnh của tình yêu. Như Hoàng Vân, bất cứ bà mẹ nào đến một thời điểm nhất định, cũng sẽ phải nói lời từ biệt với những đứa con của mình. Vậy hãy cố gắng để lại cho chúng một lời nhắn nhủ...

... Ít nhất là: Mẹ yêu các con!

Chuyện của Nam - Lâm: 99% là ung thư rồi!

Trong câu chuyện của tác giả Đặng Hoàng Giang, Nam, 8 tuổi, là một đứa bé mắc bệnh ung thư xương.

"99% là ung thư rồi!" - câu kết luận của bác sĩ khoa nhi, viện K Trung ương, đưa chị Hà - mẹ Nam bước vào một hành trình cận tử cùng con trai. Trước đấy, vợ chồng chị đã gặp vấn đề trục trặc trong hôn nhân. Lần này, chị quyết định đương đầu cùng con, cho dù đó là ung thư hay bất cứ loại bệnh nào đi chăng nữa.

Noel 2014, Nam bắt đầu đợt truyền hoá chất đầu tiên. Bé hỏi mẹ:
- "Bệnh gì nặng nhất hả mẹ?"
- "Bệnh con đang mắc là bệnh nặng nhất".
- "Mẹ ơi, có phải sau này ngày nào mẹ cũng cho con ăn hoa quả không?"
- "Con nói thế nghĩa là thế nào?"
- "Tức là sau này, ngày nào mẹ cũng thắp hương cho con ấy, cúng hoa quả trên bàn thờ ấy".

Cô gái ung thư trên sân khấu Memento Mori với vai diễn về cuộc đời của chính mình: Chưa bao giờ cảm giác cơn đau kinh khủng như thế - Ảnh 10.

Chiếc xe lăn của Nam.

Cô gái ung thư trên sân khấu Memento Mori với vai diễn về cuộc đời của chính mình: Chưa bao giờ cảm giác cơn đau kinh khủng như thế - Ảnh 11.

Bé Lâm trong vai Nam.

Chị Hà không giấu Nam về căn bệnh chết người đeo bám em từ khi mới lên 8 tuổi. Nam nhìn thấy thiên đường, thấy mây trắng đang đợi mình phía trước. Một liều thuốc an thần đưa Nam từ viện về nhà trên chiếc xe lăn, như một giấc ngủ dài, Nam từ từ nhắm mắt. Phút chốc sau, em bay về thiên đường của riêng mình.

Từ khi phát bệnh cho tới lúc ra đi, Nam biết mình mắc căn bệnh sẽ phải chết. Chị Hà nói thẳng với con trai về ung thư cũng như cái chết.

Trong vở kịch, bé Lâm (11 tuổi) hoá thân vào nhân vật Nam. Mẹ em - chị Lưu, là một bệnh nhân ung thư ngoài đời thực. Có một nghịch cảnh trớ trêu ở tuyến nhân vật lần này, một sự hoán đổi thân phận giữa mẹ và con.

"Tôi cũng là một bệnh nhân ung thư, nên tôi rất thấu hiểu với những hoàn cảnh giống như mình. Chính vì vậy, tôi quyết định đưa con cùng tới casting cho vai diễn trong vở kịch Memento Mori để góp phần truyền tải thông điệp sống" - chị Lưu chia sẻ.

Cô gái ung thư trên sân khấu Memento Mori với vai diễn về cuộc đời của chính mình: Chưa bao giờ cảm giác cơn đau kinh khủng như thế - Ảnh 12.

Diễn viên trong vai Hà gặp nhân vật ngoài đời thực của mình, là người mẹ có con trai mất vì ung thư xương.

Chị Lưu phát hiện ung thư hạch vào năm 2015. Cuối năm đó, chị phẫu thuật cắt khối u. Cuối năm 2016, chị bắt đầu điều trị bằng hoá chất. Thời điểm phát hiện bệnh, chị nhiều lo lắng. Người không bệnh có thể hiểu được, huống gì chị là người bệnh. Sau một thời gian, chị lấy lại tinh thần và sẵn sàng chiến đấu với ung thư.

"Khi vào chữa trị trong bệnh viện, toàn là người bệnh với nhau, mọi người thương yêu, giúp đỡ nhau. Chia sẻ về tình cảm và vật chất, có gì ăn nấy. Khi truyền thuốc, mà người bệnh không có người nhà ở bên, mọi người tìm cách hỗ trợ. Tình người hiện hữu rất gần. Mọi người đồng cảm, cùng sẻ chia".

"Nếu một ngày phải xa người thân, chị cảm giác thế nào khi đối diện?". Mới đầu, chị nghĩ nhiều về cái chết. Còn bây giờ, cũng như Liên hay Huế, chị thấy cái chết rất bình thường. Đến đâu tới đấy, việc quan trọng là cố gắng sống tốt nhất có thể, làm những gì mình chưa thực hiện được.

"Cho đến tận cùng, mình cũng chẳng phải nuối tiếc so với những gì người ta thường nói".

Cô gái ung thư trên sân khấu Memento Mori với vai diễn về cuộc đời của chính mình: Chưa bao giờ cảm giác cơn đau kinh khủng như thế - Ảnh 13.

Trong suốt vở diễn, chị Hà bật khóc khi nhớ lại hình ảnh con trai của mình.

Chắc chắn sẽ có một ngày chị phải nói lời từ biệt với bé Lâm, như khi Nam gắng gượng phút cuối bên cạnh mẹ Hà và gia đình. Bên cạnh Lâm, chị vẫn luôn rực rỡ, hạnh phúc, ấm áp và thật nhiều hi vọng vào những điều tươi sáng ở phía trước.

Nếu mai này có ai hỏi chị cái chết là gì?, chị sẽ tự tin đáp lại: Đừng sợ, bên cạnh bạo lực của cái chết là sức mạnh khổng lồ của tình yêu, là động lực giúp chúng ta đi tiếp, là ý nghĩa thực sự của việc tồn tại này.

---

Mỗi số phận, cuộc đời trong tiểu phẩm chung quy lại đều dẫn tới cái chết, nhưng con đường thì khác nhau. Memento Mori là một hành trình mang tính biểu tượng, đi qua cái chết để nghĩ về sự sống. Hành trình biểu tượng ấy là những trải nghiệm chân thật và tự nhiên về từng lát cắt hơi thở thông qua dòng chảy cuộc đời những con người đang sống chung với ung thư.

Memento Mori - "Hãy nhớ, mi sẽ chết!". Câu nói ngắn gọn nhắc nhở chúng ta không được quên rằng, tất cả đều phải chết, không ai có thể sống mãi. Và đối với những bệnh nhân ung thư, hành trình cận tử của họ lạc quan và nghị lực vô cùng.

Với sự đầu tư và luyện tập kỹ lưỡng, dàn diễn viên của Memento Mori đã lấy đi nước mắt của không ít khán giả. Dù chỉ là hóa thân vào Vân, Hà, Nam hay Liên, nhưng mỗi diễn viên đã đưa đến sự cảm nhận gần gũi và chân thật nhất về hành trình chiến đấu với ung thư của các bệnh nhân.

Cô gái ung thư trên sân khấu Memento Mori với vai diễn về cuộc đời của chính mình: Chưa bao giờ cảm giác cơn đau kinh khủng như thế - Ảnh 14.

Tác giả Đặng Hoàng Giang.

Tác giả Đặng Hoàng Giang chia sẻ về điều quan trọng mà những bệnh nhân ung thư và người nhà họ thực sự cần. "Rất nhiều khi, cái mà người bệnh và người nhà của họ cần không phải là những lời khuyên, thậm chí không phải hỗ trợ tài chính, mà là sự thấu cảm và cảm giác được chia sẻ nỗi đau và sự nhọc nhằn, vất vả.

Tôi cũng học được nhiều từ cách những người cận tử họ sống thời gian còn lại trong cuộc đời của họ, cách họ hoà giải với chính bản thân, cách họ tìm đến sự yêu thương. Tất cả đều là những bài học vô giá".

Các khán giả bật khóc xuyên suốt buổi diễn.

Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards do Công ty cổ phần truyền thông VCCorp hợp tác cùng Trung tâm Tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam) và đơn vị đồng hành triển khai là Công ty cổ phần PSC, sẽ tìm kiếm những nhân vật, những câu chuyện đem đến cho người xem những cảm xúc đầy tích cực. Chương trình được phát sóng lúc 17h35 ngày thứ 4 và Chủ Nhật hằng tuần; phát lại vào thứ 2 và thứ 6 hằng tuần trên kênh VTV1.

Hãy chia sẻ với BTC WeChoice Awards những câu chuyện, những nhân vật truyền cảm hứng cho bạn qua email: truyencamhung@wechoice.vn . Xem thêm thông tin về giải thưởng tại: http://wechoice.vn/ .