Chúng ta đều biết rằng ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và những vấn đề sức khỏe liên quan đến tim và phổi. Ước tính, ô nhiễm không khí mỗi năm gây ra 4.2 triệu cái chết trẻ trên toàn thế giới (số liệu của WHO). Nó cũng là nguyên nhân của các căn bệnh như trầm cảm hoặc vô sinh.
Chưa dừng lại ở đó, một nghiên cứu mới đây được công bố tại Hội nghị học thuật Châu Âu lần thứ 28 về Da liễu và Hoa liễu lần đầu tiên chỉ ra mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và chứng rụng tóc, hói đầu.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến các loại protein thúc đẩy sự phát triển và mọc tóc
Nghiên cứu đã phân tích mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm không khí từ khí thải xe cộ và hoạt động công nghiệp trong 24 tiếng đối với lượng protein trong các tế bào ở nang tóc (chân tóc). Bằng phương pháp kỹ thuật Western Blot, các nhà khoa học phát hiện hàm lượng Beta-catenin, loại protein thúc đẩy, duy trì sự mọc tóc và điều tiết nang tóc giảm mạnh do ảnh hưởng của bụi mịn PM10 gây ra.
Bên cạnh đó, 3 protein cũng đóng vai trò hỗ trợ sự mọc tóc là Cyclin D1, Cyclin E và CDK2 cũng bị ảnh hưởng rõ rệt khi các tế bào ở nang tóc tiếp xúc với chất ô nhiễm.
"Protein giúp mọc tóc bị ảnh hưởng mạnh nhất khi các tế bào trên da đầu con người tiếp xúc với ô nhiễm không khí được tạo ra từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch. Mức độ ô nhiễm càng cao thì khả năng rụng tóc càng lớn", trưởng nhóm nghiên cứu, ông Hyuk Chul Kwok, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học tương lai Hàn Quốc cho biết.
Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với tóc của mọi độ tuổi, giới tính là như nhau
Ngoài ra, một nghiên cứu độc lập được thực hiện bởi bác sĩ phẫu thuật cấy tóc Rajendrasingh Rajput cũng cho thấy ô nhiễm không khí sẽ làm tăng sự nhạy cảm của da đầu, gây ngứa, gầu, dầu thừa và đau ở chân tóc.
Ở bất kể, độ tuổi hoặc giới tính nào, ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với tóc đều ở mức độ nghiêm trọng như nhau.
Để giữ cho mái tóc khỏi những ảnh hưởng của ô nhiễm, Rajput khuyến cáo mọi người nên thường xuyên gội đầu, giữ ẩm tóc, đội mũ bảo vệ da đầu để tránh tiếp xúc trực tiếp với ô nhiễm; hạn chế tạo kiểu với những phương pháp tiếp xúc nhiệt.
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2019 vừa qua (Ảnh: Baochinhphu)
Các hạt ô nhiễm không khí (bụi mịn) được chia thành 2 loại là PM2.5 là loại hạt rắn có đường kính siêu nhỏ, nhỏ hơn hoặc bằng 2.5 micromet và PM10 là hạt vật chất có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 micromet (nhưng vẫn lớn hơn đường kính của PM2.5).
Cả 2 được coi là chất gây ô nhiễm không khí nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như đau tim, các bệnh liên quan đến chức năng phổi, ung thư và nhiều vấn đề hô hấp.
Nguồn sinh ra các loại hạt ô nhiễm này là từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch gồm xăng, dầu diesel, các ngành công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, gốm sứ, gạch…
Nguồn (Source): Independent, Eure Alert, Metro.co.uk và News-Medical.Net