Những fan thích... rước anti-fan về cho thần tượng

, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 05/08/2015

Cùng nghe 4 câu chuyện về những fandom "nổi tiếng" nhất Kpop trong thời gian gần đây.

Thời gian gần đây, mỗi khi có một sự vụ gì chướng tai gai mắt được cho là do fan gây ra, lập tức những fan còn lại sẽ quy kết: bọn đó chắc chắn là anti-fan, vì fan thì không đời nào lại đối xử với thần tượng như vậy. Có thật là fan không đời nào có những hành động quá trớn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thần tượng của mình? Khi câu hỏi này được đưa ra, có lẽ Kpop fan nào cũng đã có ngay câu trả lời. Không thể đếm xuể những lần các fan làm thần tượng của họ khổ sở đủ đường, tất cả cũng chỉ vì họ muốn được thần tượng chú ý, được gần thần tượng, được chạm vào thần tượng và trong những vụ việc gần đây là muốn "bảo vệ" thần tượng.

Câu chuyện thứ nhất

Tháng trước, fan của nhóm nhạc nữ hàng đầu Kpop - T đã "đào mộ" nghi vấn MV của thần tượng mình bị một nữ nghệ sỹ nổi tiếng thế giới đạo nhái. Ngay từ khi cáo buộc này được đưa ra từ cách đó 2 tháng, nhiều người đã chỉ còn biết lắc đầu. Không phải vì những lý do coi khinh, rẻ rúng Kpop trước âm nhạc Âu Mỹ, sao Kpop trước sao Âu Mỹ như nhiều người vẫn đưa ra. Mà là vì không thể hiểu nổi tại sao những cảnh quay nhan nhản trong các bộ phim hành động, viễn tưởng bất ngờ trở thành "độc quyền" của nhóm nhạc nữ T. Nhóm nhạc nữ T rõ ràng không phải người đưa ra cáo buộc, họ hoàn toàn vô can, nhưng nhìn vào sự việc, nhiều người "ném đá" fan không biết "thế nào là đạo nhái" thì ít mà lên án nhóm nhạc nữ T thì nhiều. Ai dám khẳng định 100% rằng đây là hành động của một anti-fan? Fan muốn lên tiếng vì quyền lợi của thần tượng nhưng thật đáng tiếc, họ lại thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức. Và ai cũng biết nhiệt tình khi đi đôi với không có kiến thức thì sẽ như thế nào rồi đấy.

150805musicFAN3-31c15
"Đạo à? Vâng, chắc cũng đạo..."

Lại kể chuyện của nhóm nhạc nữ "xấu số" này. Như thể  nghi vấn đạo nhái kể trên chưa làm nhóm bị ghét đủ, mới đây lại có fan lên tiếng tố một nữ nghệ sỹ nổi tiếng thế giới khác đạo một MV tung ra từ "ngày xửa ngày xưa" của nhóm. Khỏi phải nói, liên tiếp trong một thời gian ngắn được đọc những cáo buộc "đạo nhái" các chi tiết nhan nhản, phổ biến trong bao nhiêu sản phẩm phim ảnh từ xưa đến nay, nhiều người  không phát sốt lên mới lạ. Ai biết nhóm nhạc nữ T thì họ sẽ chỉ thấy phiền lòng vì những fan thiếu kiến thức mà hay thích lên tiếng "bảo vệ" thần tượng kia. Còn ai không biết thì phản ứng bình thường đầu tiên sẽ là sinh ác cảm với chính nhóm nhạc nữ này.

Câu chuyện thứ 2 

Cũng trong tháng trước, fan của một nhóm nhạc nam hàng đầu Kpop - B đã khiến nhiều người cảm thấy khó chịu với những phát ngôn vừa đấm vừa xoa của mình. Chẳng là CEO công ty quản lý cũng như chính nhóm nhạc nam B từ lâu đã thể hiện rõ quan điểm coi chất lượng âm nhạc là ưu tiên hàng đầu và hướng đến mục tiêu mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở quốc tế. Thần tượng của họ không còn quan tâm mấy đến những chiếc cúp trên các show âm nhạc trong nước, nhưng bản thân họ thì sao? Họ rất quan tâm.

150805musicFAN2-31c15
Họ "không quan tâm" đến nỗi phải chạy đi khắp nơi rêu rao rằng họ "không thèm quan tâm". Vậy là đủ biết!

Chính vì vậy nên khi thần tượng của họ đạt điểm số không cao, không giành được cúp trên các show âm nhạc, họ sẽ chạy đôn đáo khắp nơi đi kể lể, thanh minh cho việc vì sao thần tượng của mình lại không có cúp. Nào là vì thần tượng của họ bận đi tour, không quảng bá nên điểm mới thấp, nào là thần tượng của họ không thèm những chiến thắng ao làng, mấy chiếc cúp vớ vẩn, nào là họ cũng chẳng thèm những chiến thắng trong nước nên còn bận đi vote ở những "chiến trường" khác, nào là họ toàn "người lớn" nên chẳng bao giờ đi tham gia vote như những fandom "toàn trẻ con" khác, v.v... Bản thân những câu thanh minh cũng đã tự đốp nhau chan chát. “Lịch sự” hơn thì họ thanh minh một tràng sau đó chốt lại bằng câu “Dù sao cũng chúc mừng nhóm ABC đã giành chiến thắng”. Chắc các fan của nhóm ABC nghe câu đó cũng thấy mát lòng mát dạ? 

Một giải thưởng mà bạn đã không quan tâm thì nó có được trao cho bạn hay không cũng chẳng còn phải là mối bận tâm của bạn. Nhưng nếu khi không nhận được mà bạn cứ phải chạy đôn chạy đáo đi chứng minh rằng “tôi chẳng thèm”, “tôi chẳng quan tâm” thì hành động đó chỉ cho thấy điều ngược lại. Khi bạn đã không quan tâm thì bạn sẽ chẳng buồn nhắc đến, còn cứ phải đi nhắc mọi người “tôi đây chẳng quan tâm đâu” thì hãy yên tâm rằng ai cũng hiểu nỗi lòng của bạn rồi.

Quay lại nhóm nhạc nam hàng đầu Kpop B. Trong lúc họ bận đi tour và theo đuổi những mục tiêu mà họ thực sự quan tâm thì không ít fan của họ lại đang đi kể lể về chuyện thần tượng của họ hào nhoáng ra sao, không thèm các chiến thắng “ao làng” ra sao, chúc mừng theo phong cách “vừa đấm vừa xoa” những nghệ sỹ khác. Thần tượng bận đi tour, ở nhà các fan với niềm tự hào vô bờ bến cộng thêm sự so đo, thích ăn thua từng chiếc cúp trong nước, chỉ trong một thời gian ngắn nhưng đã tạo một ấn tượng vô cùng xấu cho thần tượng. Những ai vốn có cảm tình với B thì không sao, nhưng hầu hết những người khác nhìn vào thái độ của các fan sẽ chỉ sinh ra ác cảm với nhóm nhạc này.

Câu chuyện thứ 3

Vẫn là chuyện xoay quanh những chiếc cúp "ao làng", như một số Kpop fan vẫn gọi. Và (những) nhân vật chính trong câu chuyện này cũng là fan của một nhóm nhạc hàng đầu Kpop - S. Sau khi nhóm nhạc nữ S tạm khép lại chiến dịch quảng bá với kha khá cúp để chuẩn bị cho màn trở lại tiếp theo, fan của họ vẫn hoạt động rất tích cực trong việc nâng thần tượng mình, hạ thấp thần tượng người khác. Mỗi khi có một nhóm nhạc vừa giành cúp, y như rằng những fan của nhóm nữ S xuất hiện. Và công việc của họ là để lại những bình luận nhằm "vạch mặt sự bất tài" của những nhóm nhạc vừa đăng quang kia: "S mà vẫn quảng bá xem có giành cúp được không", "Khéo chọn thời điểm vườn không nhà trống, thảo nào mà đạt cúp", "Chẳng qua là S kết thúc quảng bá rồi, nếu không thì không có cửa đâu", "Chẳng qua là chúng tôi tưởng S hết quảng bá rồi, không được đề cử nữa nên mới không vote", v.v...

Có lẽ vì họ luôn để lại những bình luận chúc mừng chiến thắng "ngọt ngào" như vậy cho các nhóm nhạc khác nên mỗi khi có chiến tranh xảy ra, họ sẽ "quên thân mình" mà đổ lỗi ngay cho bao nhiêu người khác: "Đừng có so sánh S với A như vậy, muốn gây chiến hả?", "Đừng có bảo là A đánh bại S, muốn fan hai bên chiến nhau phải không?", v.v... 

Câu chuyện thứ 4

Người ta hay so sánh fan Kpop với fan bóng đá, chủ yếu là để chỉ trích, nâng nhóm này, hạ thấp nhóm kia. Thực tế thì nhóm nào cũng đều có những mặt tích cực và tiêu cực riêng với mức độ từ nhẹ đến nặng đủ cả. Thay vì so đo xem ai tốt hơn ai, sao không chỉ ra những điểm tốt rồi cả hai bên cùng học tập lẫn nhau? Và có một điểm tốt mà fan Kpop nên học tập fan bóng đá.

Sau một trận đấu, giả sử kết quả là đội A thắng đội B, bạn đã bao giờ thấy các fan bóng đá nhao nhao lên chỉ trích: “Sao lại bảo đội A đánh bại đội B?”, “Sao lại dùng từ đánh bại?”, “Sao lại dùng từ vượt mặt?”, “Cầu thủ của đội A bị thẻ đỏ nên đội B mới thắng, thế mà lại bảo đội B đánh bại đội A được à?”, “Bảo là đội A thắng thôi không được à? Có cần phải lôi tên đội B vào không?”, “Nói thế để fan hai đội gây chiến với nhau phải không?”, v.v… Những từ ngữ vốn được sử dụng phổ biến để nói về chuyện thắng thua trong các cuộc thi, các trận đấu bỗng dưng trở thành “nguyên nhân gây chiến” đối với nhiều Kpop fan.

150805musicFAN1-04925
Một trong hai lực lượng chủ chốt khơi mào các cuộc chiến là những fan không biết tôn trọng ý kiến của người khác, sẵn sàng nhảy xổ vào tấn công bất cứ ai không có cùng quan điểm, sở thích với mình

Có lẽ đây là suy nghĩ của những Kpop fan còn non nớt, họ không hiểu nguyên nhân vì sao fan của các nghệ sỹ lại ghét nhau, cãi nhau nên đổ lỗi cho mọi thứ mà quên đi đối tượng quan trọng nhất: fan. Vì sao các fan lại cãi nhau? Vì có những fan đã vượt qua ranh giới giữa “bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ” với “chê bai, hạ thấp người khác”. Cùng lúc đó lại có những fan không phân biệt được giữa hai vấn đề trên để mà xông vào tấn công tất cả những ai dám bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, ai dám “không thích” ca khúc hoặc thần tượng mình yêu thích. Giới  hạn về nhận thức, dù vì độ tuổi hay những lý do khác, khiến cho những fan này thường xuyên có những bình luận vượt giới hạn, từ đó “lôi thêm” bao người mà họ gây khó chịu vào cuộc tranh cãi. 

Nếu bạn không phải cả 2 dạng fan kể trên và bạn cũng không muốn những cuộc tranh cãi không đi đến đâu nổ ra thì việc tốt nhất bạn có thể làm là “ngó lơ” họ. Bạn cãi nhau với họ cũng chính là bạn đang xác nhận: họ đã thành công trong việc chọc tức bạn – fan của nghệ sỹ mà họ vừa cố tình chê bai, xúc phạm. Bạn cãi nhau với họ cũng chính là bạn đang hùa theo họ, giúp họ gây thù hằn giữa các cộng đồng fan.

Bài học rút ra đó là đừng đổ lỗi cho người khác về cuộc chiến giữa các fan chừng nào bạn còn tham gia vào, và cũng đừng cố thay đổi người khác (mà cụ thể ở đây là khiến anti-fan ngậm miệng), thay vào đó bạn hãy thay đổi phản ứng của bạn trước những bình luận gây chiến trước tiên.