Nhạc Pop Việt hiện nay – có đáng phải la làng?

Minh Cao- Theo Afamily.vn, Theo 01:53 11/10/2010

Chình ình trên các mặt báo là những vụ scandal. Các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc nhan nhản trên truyền hình. Nhạc Việt bây giờ, liệu là gừng càng già càng cay – hay đang hấp hối?


Nhạc Pop Việt đang ốm đau vì nhiễm bệnh?

Âm nhạc Việt Nam có đang hưởng một bầu không khí trong lành? Ở trên các tuần san văn hóa, hoặc nhật báo văn hóa, ở các trang báo mạng cho mọi lứa tuổi đều có các Tab Music. Liệu đó có phải là bằng chứng cho văn hóa trù phú, giàu có, đầy ắp thông tin chất lượng về music? Nhưng người ta có thực viết về âm nhạc.

Người ta viết về cuộc sống của những người hát.
Người ta viết về những vụ lùm xùm bới móc từ dưới gầm giường của người hát.
Người ta viết về những vụ hát phiêu quá mà lộ hàng.
Người ta viết về ca sĩ lột bao nhiêu bộ đồ trên sân khấu.
Người ta xáo, xào, bóp, nặn thông tin về đời sống của họ.

Người ta hiếm thấy viết về những giọng hát đặc biệt, những nỗ lực âm nhạc, để người đọc yêu nhạc có thể đọc được, hào hứng và mãn nguyện.
 
Hồ Ngọc Hà: cô ca sĩ bị báo chí "chăm sóc" nhiều nhất năm 2010

Có bao nhiêu nghệ sĩ lên báo nói chuyện ồn ào và chợ búa?
So với bao nhiêu nghệ sĩ lớn im lặng và kiệm lời...

Suy cho cùng, có chăng là đa phần giới truyền thông đang háo hức chuyện ngồi lê đôi mách những ồn ào của giới âm nhạc. Nếu truyền thông sinh ra để tương trợ giới nghệ sĩ, thì hãy làm đúng vai trò của nó, phục vụ những công chúng muốn hiểu sâu hơn về âm nhạc. Bởi trong môi trường thông tin âm nhạc như vậy, thật khó để nghệ sĩ sống thảnh thơi và cống hiến nhiều hơn, đi từ những bài phê và tự phê chất lượng.

Nhạc Pop Việt đang ốm đau vì nội thương?

Thiếu lửa”, “hời hợt”, “đáng chán” - tất cả đều chưa đủ? Đó là câu nhận xét của Quốc Bảo. Nguyên nhân đầu tiên có lẽ là bề dày năm tuổi. Có người nói rằng cái gọi là nhạc đại chúng Việt chưa đầy trăm tuổi, mà xem ra đã ốm đau quặt quẹo cả chục năm nay.

Có phải là vì xuất phát từ những bộ môn âm nhạc dân dã, nên âm nhạc Việt Nam thường nhỏ bé và rất khó đạt đẳng cấp cao so với thế giới?
 
Hiếm ca sĩ trẻ ở hiện tại có tiềm năng vươn tới vị trí của Mỹ Tâm
 
Không, âm nhạc gọi là đẳng cấp đều lớn lên từ cái nôi dân gian. Từ dân gian mới phát triển thành các quy tắc học thuật. Nền âm nhạc lớn hay nhỏ, có lẽ do có nhiều cá nhân tài năng hay không. Mới đây thôi, việc Mỹ Tâm lọt vào Top 11 hiện tượng Pop trên thế giới góp phần khẳng định vị thế của nhạc Pop Việt, xét từ góc nhìn về sự nổi tiếng.
 
Nhưng cũng chẳng thể phủ nhận sự “ốm đau quặt quẹo cả chục năm nay”. Thử hỏi, những ca khúc “Da nâu 1”, “Da nâu 2”, "Da nâu 3"- gọi là thử nghiệm âm nhạc, hay là những ví dụ mới cho “âm nhạc kiểu Chí Phèo” - Da nâu 1 ra đời, bị công kích, và ăn vạ. Với Da nâu 2, nhạt nhẽo và ương dở... Tùng Dương hát trong đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam vẫn với những bài cũ kĩ cuộn đi cuộn lại trong 5 năm, vẫn phong cách cũ. Có chăng, chính giọng hát đỉnh cao của anh mới làm nhẹ nhõm phần nào những thất vọng của người hâm mộ. Nhan nhản các ca khúc thị trường đang tràn ngập trong ổ đĩa của các bạn trẻ. Đầy rẫy những lời hát phô và rỗng tuếch.
 

Không thể phê phán những xu hướng âm nhạc thị trường hiện nay, bởi có cầu thì mới có cung. Phản biện về sự “khỏe mạnh” của nhạc Việt bây giờ chẳng khác gì chê trách rằng khán giả thời nay rặt toàn những “đôi tai lừa”. Nhưng có một sự thật chẳng thể chối bỏ, đó là nhạc Việt bây giờ chưa tìm thấy những cái tên mới có đẳng cấp về chất giọng và sự hiểu biết. Song hành với đó, là những “ngôi sao” được giới truyền thông tung hê hoặc “tổng xỉ vả”. Trong khi những con người cũ của thế hệ nhạc Việt khỏe mạnh cũ với Dương Thụ, Thanh Tùng, Lê Minh Sơn, Mỹ Linh, Thanh Lam, Hà Trần … có tầm vóc xa dần với hiện trạng âm nhạc bây giờ.

Thấy gì từ công nghệ sao âm nhạc bây giờ?

“Ảo vọng” từ những “cỗ máy đào tạo sao oặt oẹo”?  Nói vậy bởi những ngôi sao mới mọc đã mờ. Vietnam Idol và những cuộc thi truyền hình khác được sinh ra để tìm kiếm tài năng Việt. Tuy nhiên, 3 năm Idol mới thấy được một Phương Vy thành “sao” sau khi nỗ lực vượt qua hàng nghìn gương mặt khác. Những “Idol dự bị” khác tắt ngúm và xin thành thật rằng chẳng mấy người có thể nhớ đến họ.  

“Sao mờ” không chỉ dành riêng cho những người biến mất. “Sao mờ” còn thể hiện ở chỗ những thí sinh sau khi chiến thắng ở các cuộc thi âm nhạc bỗng “vụt tắt”. Lại thành thật mà nói, những người vinh danh ở cuộc thi Tiếng hát truyền hình 2 năm nay chẳng mấy khán giả nào nhớ tên. Việc họ thành sao hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, và nó nằm ngoài phạm vi của các chương trình tìm kiếm tài năng. Hơn nữa, việc tự thân vận động là tất yếu.
 
Những chương trình như Vietnam Idol hoặc Tiếng hát truyền hình … về cơ bản được xây dựng để thu hút thí sinh và PR cho các nhà sản xuất để kiếm lợi nhuận dựa vào quảng cáo. Còn mục đích lọc tuyển lấy người tài và sử dụng ra sao thì chưa thể làm được. Lý do cơ bản bởi việc tổ chức chương trình chưa tới nơi tới chốn, mọi thứ đều vay mượn của nước ngoài, chưa thấy độ sâu sắc và chín muồi để có thể nói là một nơi tìm người tài thực thụ. Làm sao có thể xây dựng một cỗ máy lăng xê sao thành công khi chúng ta đang sử dụng tư duy vay mượn?  
 
Thế hệ nhạc Việt "khỏe mạnh" đang dần xa với công chúng?
 
Giới truyền thông cũng đổ thêm dầu vào lửa!

Chỉ có những thông tin ồn ào về giới nghệ sĩ. Không nhiều những tác phẩm tốt và sâu sắc. Chẳng có người phê bình. Hiếm có người phê bình và dám phê bình. Chẳng có gì cho nhau! Nên nhạc Pop Việt có phần gục ngã. Thế thì đúng là nội thương thật rồi. Đừng đổ lỗi cho sự khủng hoảng bởi những tai nghe nhạc đại chúng bây giờ. Thời đại ồn ào, nhưng cũng cần lắm việc dừng lại và chắt lọc để phát triển âm nhạc theo chiều sâu.

Và nếu mọi thứ của nhạc Pop Việt cứ như thế, thì có đáng phải la làng?