Màn hình smartphone luôn tắt khi bạn nghe điện thoại, 96% người dùng không biết lý do tại sao

Thùy Minh, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 24/07/2017

Bạn sẽ phải cảm ơn những nhà sản xuất smartphone vì tính năng cực kì tinh tế, nhỏ nhưng có võ này.

Đối với không ít người smartphone đã trở thành một vật bất li thân trong cuộc sống nhờ sự hữu dụng và tiện ích đến khó tin. Thực tế, smartphone có thể được xem là một sản phẩm đa năng, thay thế rất nhiều sản phẩm rời rạc trước đó của con người. Đó là chưa kể việc sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất đang khiến smartphone ngày nay có chất lượng cao hơn trong khi giá thành thì giảm xuống. Tiện ích là thế, tuy nhiên về bản chất, tính năng cốt lõi nhất của smartphone vẫn là nghe và gọi. Và chắc chắn bạn cũng đã nhận ra một điểm kì lạ là mỗi khi bắt máy, đưa điện thoại lên gần tai để nghe thì màn hình smartphone chợt tắt. Màn hình sẽ mở lại khi bạn đưa máy ra xa khu vực đầu.

Màn hình smartphone luôn tắt khi bạn nghe điện thoại, 96% người dùng không biết lý do tại sao - Ảnh 1.

Gần như tất cả smartphone hiện đại đều có cảm biến tiệm cận.

Vậy bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao lại thế chưa? Thực tế, có thể bạn cũng đã đoán ra, việc tạo ra cách để màn hình tắt khi người dùng đưa máy lại gần khu vực đầu khi nghe điện thoại là để tránh các bộ phận của cơ thể tương tác với màn hình khi nghe, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc gọi. Thử tưởng tượng mà xem, khi đưa máy lên tai và phần tai bạn lại chạm đúng vào nút cúp máy thì sao? Ngoài ra, việc màn hình tắt khi bạn nghe điện thoại cũng góp phần giúp tiết kiệm thời lượng sử dụng điện thoại.

Màn hình smartphone luôn tắt khi bạn nghe điện thoại, 96% người dùng không biết lý do tại sao - Ảnh 2.

Khu vực đặt cảm biến tiệm cận trên iPhone và hầu hết smartphone khác.

Tính năng trên của điện thoại khả dụng là nhờ một loại cảm biến mang tên cảm biến tiệm cận. Nó thường được bố trí ở khu vực đỉnh máy, bên cạnh loa thoại hoặc cụm camera trước. Cảm biến tiệm cận có cơ chế hoạt động phát ra một loại trường điện từ hoặc một chùm bức xạ hoặc một loại ánh sáng (ví dụ như ánh sáng hồng ngoại). Sau đó, cảm biến này sẽ theo dõi sự thay đổi của những tín hiệu nói trên để xem điện thoại có đang được để gần khu vực cơ thể người dùng không. Thông thường, cảm biến tiệm cận có thể phát hiện vật thể trong khoảng cách từ 2 cm đến 5 cm. Tuy nhiên, cũng có khi nó có thể phát hiện vật thể ở khoảng cách xa hơn với các mục đích đặc thù khác nhau.

Bạn đã thấy sự kì diệu của công nghệ chưa?

(Tổng hợp)