Là một trong số những món ăn phổ biến nhất trên thế giới và rất được giới trẻ ưa chuộng, có lẽ vì thế nên cho tới bây giờ, nguồn gốc của món khoai tây chiên vẫn là vấn đề mà nhiều người thắc mắc và tranh cãi với nhau. Như một loại thức ăn toàn cầu, khoai tây được con người tiêu thụ nhiều thứ hai chỉ sau gạo thôi đấy. Là một món “snack” được yêu thích, nhưng những miếng khoai tây chiên đầu tiên lại không có hình dạng như loại khoai tây mỏng, mặn, chiên giòn được đóng gói như chúng ta vẫn thường ăn bây giờ đâu.
Đã có nhiều sự tranh cãi giữa người Pháp và người Bỉ về nguồn gốc ban đầu của khoai tây chiên các bạn ạ.
Jo Gerrard, một nhà sử học người Bỉ cho rằng khoai tây đã được chiên từ những năm 1680 ở vùng thung lũng Meuse nằm ở giữa Dinant và Liège. Vùng này có truyền thống ăn thức ăn cùng với một đĩa cá rán nhỏ, tuy nhiên, vào mùa đông, sông đóng băng và họ không thể bắt được cá, vì vậy họ đã cắt những miếng khoai tây thành mảnh dài giống hình cá và chiên để ăn kèm với thức ăn. Người Bỉ cho rằng thuật ngữ “French Fries” là do những người Anh, người Mỹ trong thế chiến thứ nhất khi ăn khoai tây chiên tại Bỉ đã gọi như vậy. Bởi vào thời đó, ngôn ngữ chính của người Bỉ là tiếng Pháp. Thế nhưng, trên thực tế, thuật ngữ “French Fries” đã được sử dụng để gọi món khoai tây chiên từ trước thế chiến thứ nhất. Thuật ngữ này cũng được sử dụng với vòng hành tây chiên và gà chiên của Pháp.
Người Pháp thì chứng minh nguồn gốc của khoai tây chiên từ nước mình bằng cách đưa ra bằng chứng rằng món khoai tây chiên giòn được Thomas Jefferson (tổng thống thứ 3 của Hợp chủng quốc Hoa KỲ) nhắc tới vào đầu thế kỉ XIX, và đầu bếp của ông ta là một đầu bếp người Pháp tên là Honoré Julien. Chính đầu bếp này đã làm cho ông món khoai tây chiên. Và món khoai đó đã được tạo ra bởi đầu bếp Parisien dưới các cây cầu bắc qua sông Seine.
Ra đời muộn hơn món khoai tây chiên kiểu Pháp, khoai tây chiên giòn xuất phát từ vùng New England, nước Mỹ. Món khoai tây chiên giòn này có một lịch sử rất thú vị. Như đã nói ở trên, Thomas Jefferson rất yêu thích món khoai tây chiên kiểu Pháp, ông đã đem công thức của món khoai tây chiên này về Mỹ và chiêu đãi khách tại Monticello, món này trở nên được yêu thích và trở thành món ăn tối quan trọng.
Cho tới một ngày nọ, tại nhà hàng Moon Lake Logde, một thực khách cho rằng món khoai tây chiên của bếp trưởng Crum quá dày so với sở thích của ông ta nên đã từ chối suất ăn đã gọi. Crum làm một mẻ mới với khoai cắt mỏng hơn nhưng một lần nữa lại bị từ chối. Nổi cáu, Crum quyết định chọc tức người khách khó tính bằng cách chuẩn bị món khoai tây chiên thật mỏng và thật giòn để không thể ăn được bằng dĩa. Kế hoạch của ông đã mang lại kết quả ngược với sự mong đợi. Người khách khó tính hoàn toàn bị chinh phục bởi món khoai tây mỏng như giấy chiên vàng ruộm và những thực khách khác cũng yêu cầu món khoai tây chiên giòn của Crum. Món này sau đó đã có mặt trên thực đơn với tên khoai tây chiên giòn Saratoga (Saratoga chips) như là món đặc sản của nhà hàng.
Chẳng bao lâu sau đó món khoai tây chiên giòn được đóng gói và bán rộng rãi, đầu tiên, trong khu vực, sau đó khắp vùng New England . Cuối cùng, Crum đã mở nhà hàng riêng với món chủ chốt là khoai tây chiên giòn. Vào thời đó, khoai tây được gọt vỏ và xắt lát bằng tay. Chính sự ra đời của máy gọt vỏ khoai tây đã mở đường cho món khoai tây chiên giòn trở thành món snack đắt khách nhất trên thế giới.