Lý giải nguyên nhân đợt mưa lũ kinh hoàng ở các tỉnh phía Bắc làm 96 người chết và mất tích

Nhật Tân, Theo Gia đình và Xã hội 19:00 14/10/2017

Giới chức trách cho rằng, nguyên nhân khách quan dẫn đến mưa lũ do biến đổi khí hậu còn nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phong tục, tập quán của người dân các tỉnh miền núi thường sinh sống ở các triền đồi hay gần các dòng sông, khi có lũ lớn rất dễ xảy ra thiệt hại về người.

Thông tin mới nhất từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến chiều tối 13/10 đã có 58 người chết, 38 người mất tích, 31 người bị thương, 189 nhà bị sập, 30.827 nhà bị ngập, 1.948 nhà phải di dời khẩn cấp do ảnh hưởng của mưa lũ từ ngày 10-12/10.

Lũ lớn đã gây ra 60 sự cố trên các tuyến đê tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định. Nhiều tuyến đường giao thông vẫn chưa thông tuyến. Một số xã của huyện Phù Yên, Vân Hồ (tỉnh Sơn La) cùng các xã vùng cao thuộc huyện Lạc Thủy (tỉnh Hoà Bình) hiện vẫn bị cô lập do chưa khắc phục được giao thông.

Sự cố sạt lở đất vùi lấp 4 hộ dân với 18 người tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình tỉnh đã huy động trên 300 người cùng phương tiện, thiết bị để tìm kiếm cứu nạn. Đến thời điểm hiện tại đã tìm được 10 thi thể nạn nhân bị vùi lấp, số nạn nhân còn lại đang tiếp tục tìm kiếm.

Lý giải nguyên nhân đợt mưa lũ kinh hoàng ở các tỉnh phía Bắc làm 96 người chết và mất tích - Ảnh 1.

Hiện trường vụ sạt lở chôn vùi 18 người dân ở đồi thác Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: PV

Thông tin về công tác ứng phó với đợt mưa lũ từ 10 đến 12-10 tại cuộc họp chiều 13/3, ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Trận lũ, sạt lở đất vừa qua là đợt thiên tai lớn, có khu vực đã mưa trên 500mm. Phạm vi trải dài từ Hà Tĩnh tới Sơn La, Yên Bái”.

Cũng theo ông Trần Quang Hoài, lượng nước về các hồ chứa rất lớn. Tại hồ Hòa Bình có lúc lượng nước về hơn 16.000m3/s, trong khi quy trình vận hành liên hồ cho phép tích nước lên tới 117m và trên sông có nơi lũ vượt báo động 3, đạt mức lịch sử.

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua tại khu vực miền núi phía Bắc, ông Hoài cho biết, ngoài nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu gây ra những đợt mưa lũ bất thường còn có cả nguyên nhân chủ quan do phong tục, tập quán của người dân các tỉnh miền núi thường sinh sống ở các triền đồi, dưới chân núi hay gần các dòng sông, khi có lũ lớn rất dễ xảy ra thiệt hại về người.

Thực tế, khu vực ở miền núi người dân đã phạt thẳng những quả đồi và làm nhà ngay dưới chân, khi xảy ra sạt lở đất đá sẽ vùi lấp các ngôi nhà dẫn đến thiệt hại về người. Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 100.000 ngôi nhà trong tình trạng phải sơ tán.

Lý giải nguyên nhân đợt mưa lũ kinh hoàng ở các tỉnh phía Bắc làm 96 người chết và mất tích - Ảnh 2.

Những đám tang vội vã được tổ chức trong mưa bão.

Trước câu hỏi “Có hay không nguyên nhân từ việc mất rừng đầu nguồn khiến tình trạng lũ ống, lũ quét liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi với mức độ khốc liệt?”, ông Trần Quang Hoài cho rằng: “Đi lên khu vực Sơn La có thể thấy rất rõ những khu rừng ngút ngàn trước đây đã bị cạo trọc. Việc mất rừng đầu nguồn dẫn tới khó khăn rất lớn trong phòng lũ và chúng ta đang phải trả giá vì để trồng lại những khu nguyên sinh như vậy, để rừng đúng là tấm giáp chắn giúp điều tiết nước phải mất hàng chục năm”.

Còn theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, lượng mưa năm nay ở hầu hết tỉnh, thành phố cao hơn so với trung bình nhiều năm rất nhiều. Tại vùng núi phía Bắc, mưa đặc biệt lớn và kéo dài.

Đợt mưa đầu tháng 8 gây lũ quét và sạt lở đất ở Yên Bái, theo đánh giá ở khu vực suối Nậm Păm (Mường La) có khoảng 1 triệu m3 đất đá dịch chuyển và sạt lở. Để dịch chuyển số đất đá đó cần khoảng 5 triệu m3 nước. Số nước này không thể được tạo ra từ mấy ngày mưa mà phải được tích tụ cả tháng trước đó rồi.

Lý giải nguyên nhân đợt mưa lũ kinh hoàng ở các tỉnh phía Bắc làm 96 người chết và mất tích - Ảnh 3.

Cầu Thia ở Yên Bái đổ sập khiến nhiều người bị lũ cuốn trôi.

Cường độ mưa lớn ở các tỉnh Bắc Trung Bộ tập trung vào ngày 9 và 10-10, trong khi ở Bắc Bộ xảy ra tập trung từ đêm 10-10 đến đêm 11-10. Đặc biệt, lượng mưa lớn nhất cực đoan tập trung ở khu vực Hòa Bình với tổng lượng mưa ở khu vực này đạt 300-400mm, có nơi xấp xỉ 500mm. Cá biệt có điểm ở Thanh Hóa gần 600mm hay Hòa Bình 550mm trong khi ở các khu vực khác phổ biến 100-200mm, có nơi hơn 300mm.

“Nước về hồ thủy điện Hòa Bình trưa 11-10 lên gần 16.000 m3/s, buộc phải mở 8 cửa xả đáy. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhà máy mở 8 trong số 12 cửa xả đáy. Trước đó, tháng 8/1996, một áp thấp nhiệt đới đã gây lũ kỷ lục cho hồ Hòa Bình với lưu lượng 22.500 m3/s. Nhưng đó là vào tháng 8, còn lần này là tháng 10, khi mưa mùa hè đã giảm. Vì vậy, đây được coi là trường hợp đặc biệt, hiếm gặp”, ông Hải chia sẻ.

Hiện nay các cơ quan, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đang tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày