Phát hiện bệnh kinh khủng trên xác ướp Ai Cập cổ đại

Lê Giang, Theo Mask Online 10:41 01/05/2012

Cùng các cập nhật: Khủng long cũng bị viêm xương khớp, ong "liếm mồ hôi người để sống", phát hiện 17 kim tự tháp ẩn mình dưới cát...

Căn bệnh kinh khủng trên xác ướp Ai Cập cổ đại


Khoảng 2.900 năm trước, một người đàn ông Ai Cập đã qua đời ở độ tuổi 20 sau khi mắc phải căn bệnh khá hiếm gặp gần giống như ung thư và cũng chính là nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường. Người ta đã tìm thấy xác ướp người đàn ông này trong chiếc quan tài 2.300 năm tuổi, đang được đặt tại Bảo tàng Khảo cổ học ở Zagreb, Croatia.

Tiến hành phân tích, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp chụp X-quang, quét CT và kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI). Họ nhận thấy những dấu hiệu của bệnh Hand-Schuller-Christian (còn gọi là u vàng xương toàn thân hay bệnh tổ chức bào) - căn bệnh bí ẩn liên quan đến tế bào Langerhans (một loại tế bào miễn dịch có trong da), gây nhiều đau đớn, đặc biệt là vào giai đoạn cuối.


(Ảnh minh họa)

Tiến sĩ y khoa Mislav Cavka đến từ đại học Zagreb cho biết, “Chúng có xu hướng thay thế cấu trúc bình thường của xương và tất cả các mô mềm khác. Chúng tôi tin rằng, nó là một loại ung thư”. Căn bệnh đã phá hủy nhiều phần xương trong cơ thể anh ta, để lại tổn thương nghiêm trọng, làm thủng màng tế bào ở khu vực xương sống và hộp sọ. Những hình ảnh quét còn cho thấy cái gì trông giống như lỗ thủng lớn trong xương đỉnh trán, khiến một phần hốc mắt bị hủy hoại. Ngoài ra, đây nhiều khả năng cũng là lý do tại sao lại có cả dấu hiệu của bệnh tiểu đường trên xác ướp đó.

Tuy vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh, nhưng các nhà khoa học chắc chắn rằng. nó rất hiếm gặp với tỷ lệ mắc là 1/560.000 người trưởng thành, dễ xảy ra hơn ở nam giới trẻ tuổi. Cavka nói thêm: “Vào thời cổ đại, đó luôn là căn bệnh chết người nhưng ngày nay, việc điều trị không có gì khó khăn”. Phát hiện mới này góp phần giải quyết những tranh luận từ lâu của giới khoa học về việc có hay không mức độ phổ biến của ung thư vào thời kỳ cổ đại. Một số học giả tin rằng, tuổi thọ trung bình khá thấp cộng với việc môi trường ít ô nhiễm khiến tỷ lệ ung thư giai đoạn này là không đáng kể. Tuy nhiên, nhiều người khác lại không nghĩ như vậy, chỉ là vì thời ấy nó rất khó phát hiện mà thôi.

(Nguồn tham khảo: Livescience)

Phát hiện 17 kim tự tháp ẩn mình dưới cát


Một nhóm các nhà khảo cổ học tại Đại học Alabama ở Birmingham do Giáo sư Sarah Parcak - một chuyên gia Ai Cập dẫn đầu, đã sử dụng công nghệ chụp ảnh vệ tinh để xác định các khu vực khảo cổ từ năm 2003.

Máy quét hồng ngoại từ vệ tinh đã giúp các nhà khoa học phát hiện 17 kim tự tháp mất tích.

Kết quả là, họ đã phát hiện 17 kim tự tháp biến mất và hơn 1.000 bãi chôn lấp cùng các khu định cư nhờ máy quét hồng ngoại phát hiện sự thay đổi mật độ vật liệu bên dưới các lớp cát gây ra bởi các kiến trúc nhân tạo nổi bật cho dù chúng bị bụi, trầm tích và cát bao phủ.

(Nguồn tham khảo: Datviet/Tecca)

Phát hiện hành tinh giống Trái đất


Một nhóm các nhà thiên văn quốc tế vừa xác nhận sự tồn tại của một hành tinh ngoài hệ Mặt trời của chúng ta, có thể đáp ứng những điều kiện hoàn hảo cho sự sống tồn tại. Việc phát hiện ra hành tinh ở khu vực có thể có sự sống làm tăng thêm hy vọng các nhà thiên văn sẽ sớm trả lời được câu hỏi liệu con người có cô đơn trong vũ trụ hay không. 

Guillem Anglada-Escudé ở Đại học Göttingen (Đức) là một trong các nhà thiên văn học đã xác nhận sự tồn tại của hành tinh mới. Hành tinh được đặt tên là Gliese 667Cc đang quay quanh một ngôi sao lùn màu đỏ, cách Trái đất 22 năm ánh sáng. Những ngôi sao lùn màu đỏ rất phổ biến trên khu vực lân cận của Mặt trời. Thông thường, các sao lùn màu đỏ đi kèm với thiên thể khí khổng lồ mà cấu tạo ban đầu không phải là đá. Anglada-Escudé và các đồng nghiệp đã phân tích lại dữ liệu từ Đài quan sát phía Nam châu Âu và thấy rằng, Gliese 667Cc là hành tinh lớn hơn Trái đất khoảng 4,5 lần. Các nhà thiên văn học giờ đây tin rằng, số lượng những hành tinh có thể sinh sống trong vũ trụ nhiều hơn trước đây họ tưởng. 


Các nhà khoa học tính toán rằng, Gliese 667Cc nhận được ánh sáng từ ngôi sao lùn màu đỏ ít hơn 10% so với ánh sáng từ Mặt trời chiếu xuống Trái đất của chúng ta. Tuy nhiên, hầu hết ánh sáng đều ở vùng hồng ngoại. Do đó, hành tinh này nhận được nguồn năng lượng tương đương Trái đất, nghĩa là nước trên đó có thể ở dạng lỏng và nhiệt độ bề mặt được cho là tương đương với nhiệt độ trên Trái đất. 

Steven Vogt - nhà thiên văn học ở Đại học California cũng tham gia vào quá trình phát hiện ra Gliese 667Cc nói rằng, điều quan trọng nhất trong tìm kiếm hành tinh ngoài hệ Mặt trời là tìm ra hành tinh quay quanh một ngôi sao với khoảng cách hợp lý, không quá gần để nước bị bốc hơi hết và không quá xa để nhiệt độ đóng băng. Gliese 667Cc đáp ứng được các tiêu chuẩn đó. 

(Nguồn tham khảo: Eurasia) 

Loài ong "liếm mồ hôi người để sống"


Các chuyên gia Mỹ vừa phát hiện một loài ong mới kiếm ăn theo cách hết sức bất thường tại thành phố New York: liếm mồ hôi người để sống. Đây là một loài ong mới, đang vi vu tại thành phố có biệt danh “quả táo lớn” của Mỹ. Loại côn trùng này nhỏ xíu, cỡ bằng hạt vừng, chủ yếu kiếm ăn trên mồ hôi người (theo nghĩa đen).

Ong mồ hôi tại NewYork. 

Tờ The Wall Street Journal dẫn lời nhà côn trùng học John Ascher của Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ cho biết, những con ong này cứ đậu lên tay và nhấm nháp vị mặn của mồ hôi người. Bắc Mỹ là quê nhà của hàng ngàn loài ong bản địa, nhưng từ lâu chúng đã bị lãng quên trước đồng loại ong mật nhập cư, vốn cho mật và sáp ngon ngọt hơn.

Do vậy, khi bắt được những chú ong kỳ lạ này tại công viên Prospect ở Brooklyn vào năm 2010, nhà khoa học Ascher phải mất nhiều thời gian mới xác định được danh tính của nó, nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia Jason Gibbs tại đại học Cornell. Theo chuyên gia Ascher, khác với đồng loại châu Âu, ong mồ hôi không làm ra nhiều mật nhưng hiếm khi đốt người. Chúng rất ưa thích các con mồi là những người hay đổ mồ hôi nhiều.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Khủng long cũng bị viêm xương khớp


Nghiên cứu mới cho thấy khủng long có thể là "nạn nhân" cổ xưa nhất của bệnh viêm xương khớp mãn tính. Ông Bruce Rothschild thuộc đại học Kansas (Mỹ) và các cộng sự đã tiết lộ rằng, Caudipteryx - một loài khủng long có lông vũ từng tồn tại cách nay 130 triệu năm, có thể đã bị viêm xương khớp.

Khủng long Caudipteryx.

Với mong muốn tìm hiểu thời điểm bệnh viêm xương khớp xuất hiện lần đầu tiên, các nhà khoa học đã nghiên cứu xương mắt cá của các loài chim cổ và khủng long có lông vũ được lưu giữ tại các bảo tàng ở Trung Quốc. Ba trong số 10 bộ hóa thạch của khủng long Caudipteryx cho thấy sự tồn tại những dấu hiệu của bệnh viêm xương khớp. Lý do tại sao Caudipteryx vốn có kích cỡ bằng một con chim công dễ bị viêm xương khớp vẫn là một bí ẩn đối với giới nghiên cứu. Theo ông Rothschild, viêm xương khớp là bệnh phổ biến nhất ở các loài chim "cỡ nhỏ" ngày nay.

(Nguồn tham khảo: Newscientist)

Google kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5



Hôm nay, kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5, Google đã để Doodle hình một công nhân mặc trang phục bảo hộ lao động trên trang chủ của mình. Theo lược sử thời gian, theo nghị quyết của Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ, từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của công nhân là 8h. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị khước từ và công nhân tại Mỹ đã gây ra hàng loạt cuộc bãi công với hàng trăm nghìn người tham gia.


Tại một số thành phố lớn của Mỹ như Washinton, New York, Boston... một số công nhân giành được quyền ngày chỉ làm 8h, thay vì từ 10 - 12h như trước đây. Mặc dù vậy, tại nhiều nơi, công nhân bị đàn ám đẫm máu, đặc biệt là thảm kịch xảy ra tại Haymarket - Chicago khiến hàng trăm công nhân bị chết.

3 năm sau, Quốc tế Cộng sản lần II họp tại Paris, quyết định lấy ngày 1/5 thành ngày biểu dương lực lược và đấu tranh chung của vô sản các nước và ngày 1/5 trở thành ngày kỉ niệm của phong trào công nhân quốc tế. Tại nhiều nước, ngày 1/5 được coi là ngày nghỉ lễ trong đó có Việt Nam.

(Nguồn tham khảo: Google)