Thực hư về "thần giao cách cảm" giữa người với vật nuôi

A, Theo Mask Online 11:30 29/04/2012

Cùng các cập nhật: Dùng máu đỉa tìm “kỳ lân châu Á” ở Việt Nam, quái vật giống khủng long ăn thịt cả voi...

Thực hư về "thần giao cách cảm" giữa người với vật nuôi 


Rất nhiều người cho rằng họ có thể trò chuyện với vật nuôi của mình do bên trong một số loài vật có sức mạnh tâm linh hoặc khả năng "thần giao cách cảm" với chủ của chúng.

Theo lời kể mới đây của cô Lauren Bobe (Canada) - một huấn luyện viên ngựa, cô cho biết mình có thể nói chuyện “thì thầm” với con ngựa của mình. Con ngựa nói với cô, nó rất buồn bã về việc sắp phải chuyển đến một trang trại khác và lo lắng không biết có thích hợp với nơi mới hay không. Tuy nhiên, Bobe cũng như hàng ngàn người tuyên bố có thể nói chuyện với loài vật mà chưa hề được xác minh bởi một thử nghiệm khoa học nào.


Động vật có thể hiểu được con người do có "sức mạnh tâm linh"?

Một cuộc thăm dò năm 2008 cho thấy, 67% chủ sở hữu vật nuôi nói họ hiểu con vật của họ từ tiếng sủa hay những âm thanh khác, 62% cho là khi họ nói, con vật cưng của họ cũng hiểu được. Cứ 5 tuyên bố thì có 1 tuyên bố rằng, giữa chủ và vật nuôi hiểu nhau hoàn toàn. 1/4 số người hiểu âm thanh của mèo và 16% số người hiểu tiếng sủa của chó.

Theo các nhà nghiên cứu, đây không nhất thiết phải có cái gì đó là "sức mạnh tâm linh", mà chỉ đơn giản là trực giác và phán đoán. Hầu hết động vật (kể cả con người) có thể tiếp nhận nhiều tín hiệu phi ngôn ngữ một cách chính xác để hiểu được ý đồ của nhau. Vì thế rất nhiều chủ sở hữu vật nuôi nghĩ rằng họ có thể giao tiếp rất tốt với vật nuôi của mình mà không biết được liệu phía vật nuôi có thể giao tiếp lại giống như con người hay không.

Tuy nhiên, lợi dụng những tin đồn về tâm linh vật nuôi, nhiều người đã hành nghề ngoại cảm giải mã những thông điệp từ vật nuôi không chỉ khi nó còn sống mà cả khi nó chết. Tại Hội nghị Tâm linh Vật nuôi năm 2012 sắp tới, vấn đề này sẽ được giải quyết rõ ràng hơn.

(Nguồn tham khảo: Datviet/DiscoveryNews)

Phát hiện thêm loài bò sát không chân mới


Một nhóm nhà khoa học Anh và Ấn Độ vừa công bố họ tình cờ phát hiện loài bò sát không chân mới ở bang Kerala, miền Nam Ấn Độ. Loài bò sát được đặt tên là Gegeneophis primus và được tìm thấy trong khu vực đất ẩm ướt khi các nhà khoa học đào bới bờ một con suối chảy từ núi trong một chuyến khảo sát thực địa vào năm 2010 và 2011. Mỗi con vật dài khoảng 168mm và có màu hồng. Chúng thuộc nhóm bò sát không chân lưỡng cư trông giống giun đất. 


Loài bò sát mới được phát hiện.

Ramachandran Kotharambath, trưởng nhóm khảo sát, cho biết động vật này được xác định là loài mới sau khi các nhà khoa học so sánh với các động vật tương tự cùng nhóm lưỡng cư. Phát hiện này là kết quả của sự hợp tác lâu dài giữa Khoa động vật học của ĐH Kerala và Bảo tàng lịch sử tự nhiên London, cùng đóng góp của ĐH Kasargod ở Kerala. Kết quả nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí chuyên ngành Zootaxa. 

Theo các nhà nghiên cứu, khám phá về loài mới cho thấy sự đa dạng của các loài lưỡng cư ở khu vực Tây Ghats của Ấn Độ mà có lẽ giới khoa học chưa khám phá hết, cũng như chúng rất dễ bị tổn thương bởi các hoạt động của con người nên lâu nay chúng sống rất lặng lẽ ngay dưới chân người dân.

Hiện nay, những con vật trông khá kỳ dị chưa có mối đe dọa nào trước mắt vì môi trường sống của chúng vẫn được giữ nguyên. Các nhà nghiên cứu nói rằng họ cần tìm hiểu thêm để biết loài này phân bố rộng và xa đến đâu, cũng như đòi hỏi môi trường sống như thế nào.  

(Nguồn tham khảo: BBC)

Dùng máu đỉa tìm “kỳ lân châu Á” ở Việt Nam


Con sao la – một loài thú móng guốc quý hiếm - được ví là con “kỳ lân châu Á”, đã được các nhà khoa học tìm thấy một cách “ly kỳ” từ việc phân tích các ADN lấy từ máu trong ruột đỉa.




Các nhà khoa học đã biết rằng ADN của một loài động vật có vú mà đỉa từng hút máu được lưu trữ trong ruột đỉa trong thời gian đủ dài để từ đấy truy nguyên ra loài vật đó. Để khẳng định xem phương pháp này có thể áp dụng được không, họ đã bắt 26 con đỉa nuôi bằng máu dê trong 4 tháng liền. Từng thời gian một, họ lấy máu đỉa ra, nhân bản bằng phương pháp PCR và phân tích. Kết quả là đã phát hiện ra ADN trong ty lạp thể  tương tự với ADN của dê. Chứng tỏ đây là phương pháp có hiệu quả để truy tìm con vật huyền thoại.

Các đồng nghiệp người Việt đã giúp họ thu thập những con đỉa nhỏ có tên khoa học là Haemadipsa sống trong vùng nghi ngờ là vẫn còn sót lại những con sao la sinh sống, trên dãy Trường Sơn (Trung Bộ) và gửi ra nước ngoài phân tích ADN. 21 trong số 25 con đỉa đã tìm được ADN của nhiều loài động vật có vú có nguồn gốc khác nhau. Trong mỗi con đỉa chỉ có ADN của một loài động vật cụ thể của một lần hút máu cuối cùng. Một mẫu lạ được coi là của sao la.

Tuy chưa tìm được nơi ở chính xác của sao la, nhưng các nhà khoa học tin rằng những kết quả của thí nghiệm là tích cực. Họ hy vọng tìm thấy ADN của loài động vật móng guốc ngón lẻ loại hiếm này nếu như mở rộng diện tích vùng nghiên cứu. Các nhà khoa học cho rằng sao la, bò rừng, linh dương không thể vượt qua biên giới Việt Lào.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Quái vật giống khủng long ăn thịt cả voi


Lại một lần nữa, thế giới xôn xao về lời kể của những tay thợ săn châu Phi về con quái vật được người địa phương gọi là Mokele-mbémbé. Họ khẳng định không ít lần trông thấy trong rừng rậm những con vật giống như con khủng long mà chúng ta hình dung trong sách vở. Không phải một mà cả một bầy.



Моkele-mbémbé có thân hình dài ngoẵng màu nâu xám, cổ rất dài và từ đầu đến đuôi ước chừng 11m. Chúng sống trong rừng rậm bên cạnh những chiếc hang trên bờ sông Congo. Đoán nhận theo những bộ xương và vật chứng nằm rải rác, chúng rất giống loài khủng long và ăn thịt voi, cá sấu, hà mã... hãng thông tấn Foxnews cho hay.

Các nhà nghiên cứu Mỹ khi nghe tin đã lên đường thám hiểm rừng rậm châu Phi để kiểm tra những lời đồn thổi của thổ dân về sự tồn tại của những con Mokele-mbémbé này. Bước đầu tiên họ đã phát hiện những dấu vết của “người anh em” giả định là gần gũi với khủng long tìm thấy từ tháng 7 năm ngoái.

Một trong những người tổ chức cuộc thám hiểm là Steven Macculla, nhấn mạnh rằng mục đích của chuyến thám hiểm sâu vào rừng rậm châu Phi theo những lời đồn chính là thu thập các sự kiện, tư liệu về cả một thế giới động thực vật chưa biết đến. "Chúng tôi đã thu được nhiều thông tin kỳ lạ về những con nhện khổng lồ và những con khủng long to lớn. Tuy bản thân chưa thấy con Mokele mbémbé nhưng tin rằng ba tháng nữa sẽ phát hiện được dấu vết quan trọng về sự có mặt của chúng trong vùng”, Steven cho biết.

Ông nói thêm: "Hiện nay chúng tôi chưa biết rằng có thể dùng thiết bị nào để bắt giữ được những con vật to lớn này trong chuyến thám hiểm của mình. Chúng tôi đã mang theo súng bắn thuốc mê nhưng vẫn đang tranh luận với nhau liệu chúng có tác dụng gì đối với một con vật to lớn như Mokeke-mbémbé không”.

(Nguồn tham khảo: National Geographic)