Bão mặt trời tiếp tục hoành hành

A, Theo Mask Online 11:07 09/03/2012

Cùng các cập nhật: Đám tảo khổng lồ bao vây Nam Cực, phát hiện mộ hoàng đế Inca cuối cùng, Hà Nội đối mặt nguy cơ ngập lụt do biến đổi khí hậu.

Bão mặt trời vẫn sẽ "hoành hành" trong năm 2012

Ngày 8/3, PGS.TS Hà Duyên Châu, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Vật lý Địa cầu cho biết, mặc dù trận bão mặt trời (bão từ) đã kết thúc vào ngày 7/3, tuy nhiên, trong năm 2012, Trái Đất vẫn đang bị đe dọa bởi rất nhiều trận bão sắp xảy ra.



Theo PGS.TS Hà Duyên Châu, trận bão từ được dự báo là rất lớn xuất hiện từ ngày 6/3 đã ảnh hưởng tới Trái đất trong suốt ngày 7/3. Các máy đo của Viện Vật lý Địa cầu đã ghi nhận được từ trường của Trái đất đã tăng cao hơn bình thường suốt ngày 7/3. Sang ngày 8/3, từ trường của Trái đất đã giảm và gần trở lại bình thường.

Trận bão từ ngày 6/3 không phải là trận bão từ lớn như dự báo ban đầu, cường độ chỉ cấp 3 (cường độ của bão từ chia làm 5 cấp trong đó cấp 1 nhỏ nhất tương ứng với 50 - 100 nT (nano Tesla – đơn vị đo cường độ bão từ), cấp 3 khoảng từ 200-300 nT, cấp 5 mạnh nhất tương ứng từ khoảng 400-500 nT). Với cường độ khoảng 200 nT, Trái đất đã hoàn toàn bình an trước trận bão từ này.


Theo thống kê, từ đầu năm đến nay đã có vài trận bão từ xảy ra. Tuy nhiên, cường độ đều rất nhỏ, dưới 200 nT. Trận bão từ xảy ra ngày 7/3 được cho là trận bão từ lớn nhất từ đầu năm đến nay.

Vẫn theo PGS. TS Hà Duyên Châu, mặc dù trận bão từ này đã kết thúc, song Trái đất vẫn nằm trong “vòng vây” của bão mặt trời. Theo tính toán, theo chu trình 11 năm, năm 2012 này, bão mặt trời sẽ nhiều và cường độ mạnh. Dự báo năm nay sẽ có khoảng 40-45 trận bão từ xảy ra.

Video về trận bão mặt trời diễn ra ngày 7/3 - 8/3.

Cơn bão từ kết thúc ngày hôm qua đã khiến các camera của Venus Express - tàu vũ trụ đang bay quanh sao Kim, ngừng hoạt động. Các chuyên gia nhận định cặp camera trên tàu Venus Express sẽ không bị tê liệt trong thời gian dài bởi hoạt động của mặt trời tăng và giảm theo chu kỳ.



Một số nhà nghiên cứu dự đoán, các camera của Venus Express sẽ chỉ hoạt động trở lại sau vài ngày nữa do bão mặt trời vẫn tiếp tục bùng phát.

(Nguồn tham khảo: Bee/ Telegraph)

Đám tảo khổng lồ bao vây Nam Cực

Với chiều dài lên tới 200km, một đám tảo dọc theo bờ biển Nam Cực lớn đến nỗi vệ tinh nhân tạo có thể phát hiện nó từ trên vũ trụ.


Đám tảo khổng lồ trong Nam Đại Dương tách thành hai đám nhỏ hơn trong bức ảnh do vệ tinh Terra chụp hồi tháng 2. Đám tảo trải trên một khu vực có chiều dài 200km theo hướng Đông-Tây và 100km theo hướng Bắc-Nam.


Livescience đưa tin, đám tảo trong Nam Đại Dương (vùng nước bao quanh Nam Cực) được vệ tinh nhân tạo Terra của Mỹ phát hiện lần đầu tiên từ giữa tháng 2 và hiện nay nó đang bao bọc bờ biển phía đông của Nam Cực.

Tảo sinh sôi mạnh mẽ khi ánh sáng và dưỡng chất trở nên dồi dào. Ở Nam Đại Dương, cứ mỗi khi nồng độ sắt trong nước tăng thì số lượng tảo bùng phát. Sắt là một trong những dưỡng vi chất quan trọng của tảo biển. Khi tuyết rơi xuống Nam Đại Dương vào mùa hè, chúng mang theo các phân tử sắt. Vì thế nồng độ sắt trong nước biển tăng vọt.

Là mắt xích nằm ở vị trí đầu tiên trong chuỗi thức ăn trong đại dương, tảo hấp thu khí carbon dioxide (CO2) để tạo dưỡng chất thông qua quá trình quang hợp. Tuy nhiên, những đám tảo lớn có thể gây hại cho đại dương. Một số loài tảo sản xuất những chất độc đối với thần kinh của động vật. Nếu ốc, sò, hến, trai ăn Alexandrium catanella –loài tảo gây hiện tượng thủy triều đỏ - chúng sẽ trở thành thức ăn nguy hiểm đối với con người. Những người ăn chúng sẽ bị ngộ độc.

Nhiều nhà nghiên cứu nghi ngờ tảo từng gây nên ít nhất 4 thảm họa tuyệt chủng hàng loạt trong lịch sử trái đất. Trong những thảm họa ấy, từ 50 tới 90% loài động vật trên địa cầu biến mất vĩnh viễn do ăn những thứ chứa tảo độc.

(Nguồn tham khảo: Live science)

Phát hiện mộ hoàng đế Inca cuối cùng

Các nhà khoa học đã phát hiện được khu lăng mộ của vị hoàng đế cuối cùng của người Inca ở Ecuador.



Từ năm 2010, nhóm những nhà nghiên cứu do nhà sử học Tamara Estupinan đứng đầu đã khảo sát vùng Sigchos, nằm cách Quito, thủ đô của Ecuador 80km. Họ thông báo đã tìm thấy một địa điểm có thể nhận ra đó là lăng mộ của Atahualpa - vị hoàng đế cuối cùng của người Inca đã bị những kẻ xâm lược Tây Ban Nha cầm tù và giết hại năm 1533.

Trang km.ru đưa tin, năm 2010, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một cụm di tích khảo cổ của người Inca trên dãy núi Andes, sau đó tìm thấy những đường kênh rạch, tường thành, cũng như nhiều công trình xây dựng bằng đá tại một vùng có tên là Machai (theo ngôn ngữ người Kechoa có nghĩa là “Nghĩa địa”).

Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, những công trình này hình thành trong giai đoạn cuối của Vương quốc, có thể dẫn tới một số gian phòng, ghép bằng đá, đánh bóng nhẵn nhụi, là nơi chôn cất Atahualpa. Nhà sử học Tamara Estupinan cho rằng thi hài của ông được những người thân thích đưa tới đây để làm một căn cứ địa chống lại các lực lượng xâm lược đến từ châu Âu.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Hà Nội đối mặt với nguy cơ ngập lụt do biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) khiến cho mưa, lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn. Vì vậy Hà Nội cần phải lường trước và có kế hoạch kiểm soát các mối nguy hại trong quá trình hoạt động của hệ thống cấp nước. Đây là kiến nghị được thảo luận tại hội thảo do Trường Đại học Tokyo, Nhật Bản và Trường Đại học Xây dựng Việt Nam tổ chức hôm 6/3 tại Hà Nội.


Trận lũ năm 2008 khiến Hà Nội ngập lụt trong nhiều ngày đã khiến các cơ quan chức năng cũng phải lúng túng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng vừa công bố kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng mới nhất. Các kịch bản này cho Việt Nam được xây dựng dựa trên ước tính các số liệu về hiệu ứng nhà kính toàn cầu ở các mức thấp, trung bình và cao.


Theo kịch bản thì cuối thế kỷ 21, toàn dải ven biển Việt Nam có nước biển dâng trong khoảng từ 57-73cm, khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang là nơi có mực nước biển tăng nhiều nhất, đến 105cm.

Tiến sĩ Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường cho biết, theo tính toán, nếu mực nước biển dâng như trên, sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long bị ngập; 35% dân số bị ảnh hưởng. Riêng thành phố HCM, có 20% diện tích sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nước biển dâng. Về nhiệt độ, đến năm 2100, Việt Nam có nhiệt độ trung bình tăng từ 1,6 đến 3,7 độ C.

Theo đánh giá của LHQ, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu. Trái đất nóng lên sẽ gây nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như bão tố hoặc nắng nóng dẫn đến ngập lụt, hạn hán. Nước biển dâng cao sẽ xâm nhập mặn vào các vùng đồng bằng ven biển, ảnh hưởng đến nông ngư nghiệp - sinh kế của nhiều triệu người.

(Nguồn tham khảo: Đất Việt)