Phương án thi đại học 2015: Nhiều tình huống bất ngờ, khó xử lý?

Infonet, Theo 10:46 13/09/2014

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia xung quanh nội dung phân loại đối tượng thi cho 2 hình thức cụm thi phục vụ kỳ thi THPT quốc gia vừa được Bộ GDĐT công bố mới đây.<br/>

Thông tin từ Bộ GDĐT cho biết, tại các địa phương không có cụm thi do trường ĐH chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GDĐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GDĐT chủ trì.

Cụ thể, các thí sinh không tham gia xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ mà dự thi chỉ để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, sẽ dự thi tại các cụm thi tại địa phương do các Sở GDĐT chủ trì.

Còn với các thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả vào tuyển sinh ĐH, CĐ thì sẽ dự thi tại các cụm thi ở các trường ĐH (tương tự các cụm thi ĐH năm 2014) do các trường ĐH chủ trì.

Đánh giá về nội dung này, thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: Nếu đã là thi quốc gia mà vẫn phân chia thành 2 loại thí sinh tự dưng sẽ trở thành phân biệt đối xử với các em. Sẽ có thí sinh loại 1 và thí sinh loại 2, dư luận sẽ đặt câu hỏi về việc cụm thi Sở tổ chức thì không nghiêm bằng cụm thi trường ĐH, CĐ tổ chức. Như thế nhiều thí sinh sẽ phải chịu thiệt về mặt tâm lý”.

Ngoài ra, thầy Lâm phân tích một tình huống: “Trong trường hợp ban đầu thí sinh không muốn thi ĐH chọn thi ở cụm địa phương nhưng sau đó kết quả thi ở cụm địa phương lại rất tốt, các em lại muốn được xét tuyển ĐH thì phải làm thế nào. Không thể tước quyền vào ĐH, CĐ của các em được. Bộ GDĐT đã nghĩ đến các trường hợp này chưa?”

Ông Lâm cho rằng, nếu đã là kỳ thi quốc gia thì phải thực hiện việc đồng bộ đối với tất cả các đối tượng dự thi, không được phân loại theo kiểu phân biệt đối xử như vậy.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cũng cho rằng không nên có một cụm thi nào mà học sinh chỉ thi tốt nghiệp, không thi lên ĐH.

“Tôi nghĩ việc tổ chức như thế là không đúng bởi liệu có bao nhiêu em cho rằng mình chỉ thi tốt nghiệp THPT, vì biết đâu kết quả thi cao thì làm sao. Dù ở trên miền núi thì giờ các em cũng muốn được thi ĐH chứ. Phân ra như thế còn gây mất bình đẳng. Mà kỳ thi THPT quốc gia là chung quốc gia thì phải bình đẳng với tất cả các em học sinh. Theo tôi, sẽ không nhiều học sinh lựa chọn cụm thi chỉ thi tốt nghiệp đó”, ông Nhĩ nói.