Con gái bị bịa chuyện, bắt nạt, bà mẹ Hà Nội xử lý "không giống ai": Sau 5 tháng con thay đổi ngoạn mục, nói 1 câu "mát lòng"

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ mới 10:41 26/04/2024
Chia sẻ

Đôi khi chúng ta không thể thay đổi những gì đã diễn ra, nhưng hoàn toàn có thể thay đổi hành động, suy nghĩ để không bị tổn thương quá nhiều.

Năm cuối cấp 3, con chị Diệu Quỳnh - một kỹ sư làm việc trong ngành hàng không ở Hà Nội bị bạo lực học đường (BLHĐ). Dù học ở trường chọn, lớp tinh hoa, cô giỏi trò giỏi, tuy nhiên vì làm phật ý một nhóm người nên con chị bị bịa đặt nhiều thông tin xấu qua mạng internet, dạng nặc danh trên confession trường.

Ban đầu con chịu đựng và nói với các bạn con chơi cùng. Các bạn khuyên con nên nói với bố mẹ. Chị Quỳnh đã liên hệ với giáo viên chủ nhiệm nhưng câu trả lời của cô là: "Lớp có những bạn ném đá giấu tay. Tất cả những sự việc có chút gì không hài lòng, các bạn ấy đều đưa lên mạng một cách nặc danh. Và vì đưa lên dưới dạng nặc danh, nên giáo viên cũng không có hình thức hỗ trợ hiệu quả cho con. Gia đình cố gắng động viên con ít lên mạng để tập trung học tập".

Con gái bị bịa chuyện, bắt nạt, bà mẹ Hà Nội xử lý không giống ai: Sau 5 tháng con thay đổi ngoạn mục, nói 1 câu mát lòng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, con không thể "ít lên mạng" và "để ngoài tai" những lời nói "bâng quơ" của các bạn được. Quá trình khuyên con "nên làm thế này", "không nên làm thế kia", chị Quỳnh càng làm cho con xa mình hơn. Con nói rằng "Con bị mất lòng tin ở mẹ! Mỗi lần con cố gắng gần mẹ hơn thì con lại thấy mình bị tổn thương và cũng làm mẹ mệt mỏi." Con ngắt kết nối với gia đình.

5 tháng trị liệu tâm lý, mẹ cũng bất ngờ được soi xét lại chính mình

Chị Quỳnh kể: "Con xin đi trị liệu tâm lý, tôi cho con đi điều trị. Tuy nhiên, điều trị cũng chỉ hỗ trợ con hiểu hơn về bản thân con, chưa hỗ trợ con vượt qua được chướng ngại tâm lý khi mà con vẫn mịt mù không biết nên tin vào ai, nên tin vào cái gì. Con đã tự cô lập bản thân con khỏi gia đình, khỏi bạn học (cả tốt và xấu) một thời gian dài khoảng 6 tháng. Khi không có biện pháp hiệu quả để vượt qua BLHĐ, con nghỉ sau gần 10 buổi điều trị.

Tôi đã rất đau khổ. Ban đầu tôi trách con, rồi tôi trách bản thân mình đã không bảo vệ được con, trách bản thân mình đã làm con tổn thương nhiều. Khi con nghỉ trị liệu tâm lý, tôi đã đi trị liệu với hy vọng tôi sẽ đủ bình an để hỗ trợ con".

Không ngờ, quá trình trị liệu cũng đã hỗ trợ chị Quỳnh hiểu bản thân mình hơn, chị nhìn ra những tổn thương mà vô tình mình đã gây ra cho các con, đặc biệt với con gái đầu lòng. Ví dụ khi sinh bé thứ hai, thấy bé lớn tự lập tốt (lúc đó con 4 tuổi), chị đã ít quan tâm đến tâm tư tình cảm của con, con bị thiếu tình cảm.

Khi con đi học cấp 1, chị đã không quan tâm đến việc con kết bạn, đến việc cần khích lệ con mà chỉ quan tâm đến kết quả học tập của con; kết quả con chạy theo điểm số, không quan tâm đến quá trình học tập, con kết bạn kém và dễ chiều theo ý bạn để được bạn chơi cùng.

Khi con học cấp 2, chị đã cấm con dùng thiết bị điện tử, sau này cho chơi nhưng hạn chế giờ cũng gây ức chế cho con, dẫn đến việc con bỏ không làm bài, không học bài 1 tháng trước kỳ thi vào 10 vì muốn "làm ngược lại ý của mẹ". Tất cả những tổn thương chị đã gây ra cho con, tạo nên một cô bé nhạy cảm, rất muốn có bạn chơi cùng nhưng cũng sợ bị tổn thương từ bạn; có thời điểm, con còn nói: "Con còn không yêu được mình, thì làm gì có ai yêu được con!".

Sau 5 tháng trị liệu tâm lý, mẹ con chị đã kết nối với nhau nhiều hơn. Đến bây giờ, sau khoảng 9 tháng kể từ khi bị BLHĐ, với sự động viên không ngừng của mẹ, con đã nói: "Bây giờ con không quan tâm đến những lời chúng nó nói rồi mẹ ạ, có mẹ và các bạn khác hiểu con là được rồi!". Như vậy, con đã vượt qua được BLHĐ – một chặng đường thật gian nan vất vả với cả con và gia đình.

Nếu không thể thay đổi, hãy tạo "nội lực" cho con

Chị Quỳnh cho rằng, lý thuyết của Porges đưa ra một lời giải thích: Hệ thần kinh tự chủ điều chỉnh ba trạng thái sinh lý cơ bản. Mức độ an toàn xác định trạng thái sinh lý nào cần được kích hoạt trong một thời điểm nhất định. Bất cứ khi nào cảm thấy bị đe dọa, theo bản năng, chúng ta chuyển sang mức độ đầu tiên: Tương trợ xã hội (social engagement). Chúng ta kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ và an ủi từ những người xung quanh.

Nhưng nếu không có ai giúp đỡ, hoặc chúng ta đang gặp nguy hiểm trước mắt, cơ thể sẽ quay lại một cách nguyên thủy để sống sót: Chiến đấu hoặc chạy trốn. Chúng ta chiến đấu chống kẻ tấn công, hoặc chạy đến một nơi an toàn.

Tuy nhiên, nếu điều này không thành công – nghĩa là không thể thoát khỏi, chúng ta sẽ bị giữ lại hoặc bị mắc kẹt – cơ thể cố gắng tự bảo vệ mình bằng cách "tắt máy" và tiêu hao càng ít năng lượng càng tốt. Sau đó, chúng ta rơi vào trạng thái đóng băng hoặc suy sụp.

Như vậy, khi bị bắt nạt, chúng ta sẽ tìm đến những người mà mình nghĩ là sẽ giúp đỡ để kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ và an ủi. Với vai trò của những người mẹ muốn giúp đỡ con mình khi con bị bắt nạt, theo chị Quỳnh, chúng ta có thể:

1. Tăng tương tác với con thông qua các cuộc nói chuyện thân mật, kèm những động tác âu yếm như những cái ôm thật chặt. Nếu là con gái, bạn có thể ngủ cùng con, thủ thỉ với con. Con sẽ thấy ít nhất mình có một nơi an toàn, ấm áp. Trong các cuộc nói chuyện, hãy luôn luôn tin con, tin vào mọi hành động của con, hãy khích lệ con; tuyệt đối không phê phán hay chỉ trích.

Sau đó nếu con tự đưa ra giải pháp cho những vấn đề đang tâm sự thì tốt, còn nếu không, hai mẹ con hãy cùng đi tìm giải pháp trên sách hoặc trên mạng Internet. Với mỗi giải pháp, hãy áp dụng vào thực tế rồi quay lại tổng kết, rút kinh nghiệm.

2. Khi con kể về việc bị bắt nạt, hoặc khi mẹ gợi ý cho con kể về việc bị bắt nạt, con đang nhớ về một việc tồi tệ mà con chưa giải quyết được. Hãy khuyến khích con nói về cảm xúc của con (con thấy buồn, tức giận,…), về biến đổi của cơ thể con (tim đập nhanh, chân nhũn ra, người bủn rủn,…) khi sự việc xảy ra. Con sẽ cảm thấy: "Tại sao con tốt, mà người ta lại đối xử tệ với con? Lỗi có phải là của con không?". Và với một đứa trẻ chưa có biện pháp giải quyết vấn đề, con sẽ muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính người bắt nạt bằng cách van nài, hoặc chạy trốn.

Con gái bị bịa chuyện, bắt nạt, bà mẹ Hà Nội xử lý không giống ai: Sau 5 tháng con thay đổi ngoạn mục, nói 1 câu mát lòng - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

3. Hãy khẳng định với con là con hoàn toàn không có lỗi. Người bắt nạt con là người chưa tốt, và họ sẽ tìm mọi cách làm con buồn, làm con đau đớn. Người bắt nạt sẽ không giúp đỡ cho dù con có làm gì đi nữa. Vì thế, hãy tránh xa người bắt nạt con, tìm đến đứng cạnh những người có thể bảo vệ và cho con an toàn như cha mẹ, giáo viên chủ nhiệm, thầy cô giám thị hoặc các giáo viên khác.

Tùy theo cách nói của mỗi người mà bạn nên giải thích cho con biết bằng con không thể kiểm soát hết được tất cả những gì bạn bè nói về mình. Điều con nên làm là hãy bỏ ngoài tai và tập trung học tốt, làm tốt việc của mình để các bạn không thể có cớ tiếp tục nói xấu con. Chính nhờ những lời nói xấu này mà con sẽ hiểu nhiều hơn về bản thân, biết mình mạnh ở đâu, yếu thứ gì, và có thêm động lực để khẳng định bản thân, khiến mọi người đều phải nể phục. Bạn nên khuyên con tạm tránh xa các mạng xã hội để không phải tốn thời gian đọc và đối phó những bình luận không đáng có mang tính đả kích, coi thường mình.

Vì có người bắt nạt con ở trường, con sẽ khó có thể chơi thoải mái như các bạn khác. Con hãy tìm các trò chơi có thể chơi một mình như đọc truyện, làm thủ công, gấp giấy,… Và hãy tập trung vào việc học tập. Nói cho cùng, đến trường trước tiên là để học. Khi con học giỏi, rất nhiều người sẽ tôn trọng con, để ý đến con, muốn quan tâm và chia sẻ với con hơn. Để học hiệu quả, cả mẹ và con hãy cùng tìm cách học phù hợp, đừng để con học thuộc như một con vẹt. Đây cũng là cơ hội cho con và mẹ làm việc nhóm.

"Bạo lực học đường là việc không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Nạn nhân luôn là những người chịu đau khổ, bị tự ti, sợ hãi, cô độc đè nặng. Về phía kẻ bắt nạt, dưới góc nhìn của nhà trị liệu tâm lý, đó là những người bị tổn thương tâm lý, dẫn đến việc họ muốn tìm nạn nhân yếu hơn mình để trút giận, lấy lại cân bằng cho bản thân họ.

Đôi khi chúng ta không thể thay đổi những gì đã diễn ra, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi cách hành động, suy nghĩ để sau cùng mình không bị tổn thương quá nhiều.

Do đó, trong trường hợp những lời đồn đại, nói xấu, bắt nạt đi quá giới hạn cho phép, hãy động viên con tìm đến sự giúp đỡ của thầy cô, nhà trường, gia đình để vấn đề được giải quyết, thay vì im lặng chịu đựng một mình. Nhưng quan trọng nhất, cần khích lệ những người bị bắt nạt thật nhiều để họ tăng tự tin, thêm mạnh mẽ", chị Quỳnh chia sẻ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày