Thủ tướng: Công bố ngay phương án kỳ thi quốc gia

Đất Việt, Theo 08:41 07/09/2014

Thủ tướng yêu cầu công bố phương án một kỳ thi quốc gia trong bối cảnh năm học mới đã bắt đầu, học sinh vẫn chưa nắm bắt được thông tin.<br/>

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, tại cuộc họp của Uỷ ban này vừa qua.

Về phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ GD&ĐT tiếp tục đổi mới các kỳ thi theo hướng tổ chức một kỳ thi quốc gia, đáp ứng hai yêu cầu sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời làm cơ sở tin cậy để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong quá trình thực hiện việc tự chủ tuyển sinh của trường theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

Tổ chức kỳ thi quốc gia công khai ngay đầu năm học

Về phương án đổi mới thi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT công bố công khai ngay trong đầu năm học 2014-2015 phương án đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu, phân tích, tiếp thu ý kiến nhân dân, dư luận xã hội góp ý về 3 phương án mà Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến và các phương án khác trong đó lưu ý phương án của Đại học Quốc gia Hà Nội để lựa chọn một phương án phù hợp.

Phương án được lựa chọn chính thức phải bảo đảm việc đánh giá có tính khách quan nhất, đáp ứng hai mục tiêu trên; tạo điều kiện thuận lợi, giảm tối đa việc gây phiền hà cho người học và nhân dân, được xã hội đồng thuận cao.

Liên quan đến phương án kỳ thi quốc gia chung, trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT phải công bố phương án tuyển sinh trước khi bắt đầu năm học mới.

Tuy nhiên, ngày 5/9 đã là ngày khai trường nhưng đến nay Bộ vẫn chưa chốt được có đổi mới thi hay không, đổi mới như thế nào.

Các phương án đổi mới đưa ra nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của các nhà giáo dục. Còn giáo viên, học sinh thì sốt ruột chờ đợi vì đến thời điểm này vẫn mù mờ thông tin về hai kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm đèn sách: thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học.

Châu Anh, học sinh trường Trung học phổ thông Gia Lai (Gia Lai) cho biết, suốt từ mấy tháng qua, em cũng như các bạn trong trường như “ngồi trên đống lửa.”

“Đầu năm 2014, Bộ công bố sẽ tổ chức kỳ thi "ba chung" đến hết năm 2016, nhưng chỉ vài tháng sau lại chủ trương bỏ 'ba chung'. Liệu như thế có công bằng với chúng em?” Châu Anh bức xúc nói.

Đây cũng là nỗi niềm của tất cả các học sinh trung học phổ thông, nhất là học sinh khối 12 trên cả nước.

Em Trần Hương Ly, học sinh trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ: “Nếu được chọn, chúng em không chọn phương án nào. Bộ nên đề ra lộ trình thay đổi trước một vài năm để học sinh chuẩn bị.”

Bộ GD&ĐT đưa ra ba phương án thực hiện chủ trương một kỳ thi hợp nhất ngay năm 2015, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, kết quả vừa để xét tốt nghiệp, vừa có thể dùng làm cơ sở xét tuyển đại học, cao đẳng.

Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này.

Giáo sư Đào Trọng Thi cho rằng Bộ GD&ĐT không nên thực hiện đổi mới trong năm 2015. “Năm nay, chúng ta đã bước đầu cải tiến về thi cử và theo tôi, đến thời điểm này như thế là đủ. Chúng ta cứ thực hiện như vậy một vài năm tới. Khi nào thay đổi về chương trình, sách giáo khoa thì mới thay đổi về thi cử. Bây giờ cứ thay đổi về phương thức nhưng nội dung, chương trình, sách giáo khoa vẫn thế thì chắc chắn không có thay đổi gì thật căn bản. Tôi nghĩ không nên vội vã, cứ từng bước sẽ vững chắc hơn,” ông Thi nói.

Cùng quan điểm này, ông Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đề nghị Bộ cần có lộ trình chuyển đổi để học sinh, các trường phổ thông kịp thích nghi, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa.

Về ba phương án thi mà Bộ đưa ra, nhiều nhà giáo dục như giáo sư Đào Trọng Thi, giáo sư Nguyễn Lân Dũng, phó giáo sư Văn Như Cương, tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm… đều cho biết họ không đồng tình với phương án nào. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng ở phương án 1 với 8 môn thi sẽ dẫn đến tình trạng học lệch, hình thành hai loại giáo viên trong nhà trường là giáo viên dạy môn thi và giáo viên dạy môn không thi. “Đó là một bi kịch cho cả thầy lẫn trò,” ông Dũng nói. Phương án 2 và 3 thì quá nặng và rối, ghép môn thi một cách cơ học là không khoa học.

Nếu phải chọn một trong các phương án Bộ đưa ra, các trường phổ thông, các sở giáo dục và đào tạo chọn phương án 1 vì đây là phương án gần nhất với kỳ thi tốt nghiệp hiện hành, còn các trường đại học lại chọn phương án 2 vì thuận lợi cho tuyển sinh.