Giải quyết với việc nợ môn quá nhiều

Duyên Lê, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 17/06/2013

Khi bạn bị nợ môn, đồng nghĩa với việc chương trình học của bạn sẽ bị chậm và làm gián đoạn nhiều so với các bạn cùng khóa.

Giữ vững tinh thần học tập

Điều trước tiên bạn cần phải có là một tinh thần vững vàng, không được để chúng làm lung lay ý chí của bạn. Đừng thấy mình bị nợ quá nhiều tín chỉ mà phát hoảng. Hãy cố gắng tự trấn an bản thân bằng những suy nghĩ tích cực nhất có thể. Khi vượt qua được giai đoạn này thì bạn mới có thể có tinh thần để mà giải quyết bài vở và “trả nợ” cho thầy cô.

Cân nhắc khi “trả nợ”

Giải quyết với việc nợ môn quá nhiều 1

Thường thì khi học tín chỉ, sẽ có một khóa học để “trả nợ” thì bạn chỉ được học tối đa theo số chỉ quy định đó mà thôi, không được phép hơn. Vì thế, việc cân nhắc xem môn nào nên chọn lựa để ưu tiên giải quyết trước là điều rất cần thiết. Ví dụ trong kì hè, bạn nên chọn những môn có số tín chỉ nhiều, lượng kiến thức nặng hơn một tí để học thì sẽ có lợi cho bạn rất nhiều, còn những môn nhẹ hơn sẽ giải quyết trong học kì tiếp theo. Vì hè là lúc bạn có thời gian thư thả hơn nhiều so với năm học. Nó sẽ giúp bạn cân bằng được thời gian biểu cũng như lường được kết quả của học kì đó. Chọn lựa môn học, lịch học hợp lí và giáo viên phụ trách giảng dạy cũng một phần giúp bạn cải thiện được tối đa số điểm đấy.

“Làm sao để ra trường đúng hạn?”

Hãy thoát khỏi câu hỏi này ngay. Bởi vì nợ môn là việc học sẽ bị chậm và bạn phải chấp nhận việc ra trường không đúng hạn rồi. Vì thế đừng hỏi “làm sao để ra trường đúng hạn?”. Chẳng ai có thể giúp bạn trả lời được đâu, mà hãy tập trung vào việc tìm hướng đi cho câu hỏi “làm thế nào để cải thiện bảng điểm có hiệu quả?” thì tốt hơn đấy.

Giải quyết với việc nợ môn quá nhiều 2

Chưa kể, việc suy nghĩ bản thân bị ra trường trễ so với người ta sẽ khiến bạn cảm thấy tự ti và chán nản vô cùng. Và bạn cũng nên biết, ra trường không đúng hạn là một việc không quá khinh khủng như bạn tưởng đâu. Nhưng với điều kiện là phải trong một thời gian/giới hạn cho phép. Chứ nếu bạn học bốn năm, mà đến những bảy năm mới được tốt nghiệp thì là một điều cực kì kinh khủng đấy. Tóm lại, hãy cố gắng giải quyết “nợ nần” một lần thôi nhé, đừng để dây dưa một món nợ mà trả đến đôi ba lần nhé.

Nợ môn là cũng như nợ tiền

Học tín chỉ là bạn phải trả học phí tính theo tín chỉ của từng kì. Tùy theo trường/ngành học, một chỉ có thể từ 100 nghìn đến hơn 200 nghìn đồng. Nợ môn cũng thế, cứ theo số tín chỉ mà nhân lên số tiền phải đóng. Vậy nên nói nợ môn cũng như nợ tiền là hoàn toàn đúng. Và chỉ nghĩ đến vấn đề tài chính, chắc chắn ai cũng xót cả. Nhất là khi bạn đang còn là sinh viên. Nếu bạn đi làm thêm và có thể tự chi trả khoản nợ này thì không nên có suy nghĩ “tiền của mình chứ bố mẹ cũng chẳng mất”. Tiền của mình hay của bố mẹ thì cũng là do công sức lao động mà ra cả, không phải không dưng mà có. Vì thế, hãy nhìn vào vấn đề học phí và nghĩ đến bố mẹ, chắc chắn đó sẽ là động lực giúp bạn học tốt hơn đấy.