Bí quyết để trở thành học sinh giỏi Văn nhất nước

GDVN, Theo 10:34 19/03/2012

Trần Anh Đức lớp 12 Văn trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, giành giải Nhất môn Văn trong kỳ thi HSG Quốc gia năm 2012. Anh Đức đã có buổi chia sẻ những bí quyết gối đầu giường để học tốt và thi tốt môn Văn với chúng tớ.

Lớp Văn ít nam nhưng xã hội nhiều “ông nhà văn”

Chào Anh Đức. Trước tiên xin chúc mừng Anh Đức với giải thưởng vừa nhận được! 

Chào các bạn. Mình xin cám ơn về lời chúc này!

Bạn có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi nhận được giải nhất HSG Quốc gia năm nay?

Mình thấy rất bất ngờ, quả là quá sức tưởng tượng. Lúc làm bài thi xong mình không được tự tin vào bài lắm. Mình chỉ nghĩ rằng có thể đạt giải chứ không nghĩ rằng lại được điểm cao như vậy. Mình đạt 17/20 điểm, số điểm cao nhất trong các bài thi học sinh giỏi quốc gia môn Văn năm nay. 

 
Trần Anh Đức học sinh giỏi Văn toàn quốc

Đức nghĩ sao khi mình là một trong số rất ít các bạn nam theo học khối C?

Dù Văn rất ít bạn nam theo học nhưng hầu hết các nhà văn lớn đều là những “ông” nhà văn đó chứ đâu phải các “bà” nhà văn. Nhưng quả thực khi học trong một môi trường mà nữ giới áp đảo hơn hẳn thì quả là cũng có nhiều khó khăn.

Lớp mình chỉ có ba bạn nam thôi, nên đôi khi bản thân cũng thấy tự ti khi phải nhờ đến sự giúp đỡ của các bạn nữ. Chẳng hạn trong ngày 8/3 mấy đứa con trai không thể làm hết việc được nên đã phải nhờ đến các bạn nữ góp sức.

Theo Đức phẩm chất gì là cần thiết nhất cho một người học Văn?

Trước tiên theo mình, muốn học được Văn cần có niềm yêu thích, đam mê. Nhưng Văn là một môn rất đặc thù, đó là phải có năng khiếu, trong khi ở các môn khác, đó lại là điều thứ yếu, như Toán, Lý cần nhất thông minh và tư duy logic, Sử, Địa cần chăm chỉ và tư duy khoa học. Văn còn cần cái duyên và sự sâu sắc trong tâm hồn. 

Theo Đức hạn chế của các bạn học sinh hiện nay khi học Văn là gì?

Hiện nay các bạn học Văn hầu hết là học với tâm lý “học để thi”, học thuộc lòng, dạy đọc chép. Điều đó dẫn đến sự lười nhác tư duy Văn học và nếu có tìm tòi khám phá thì lại e ngại không dám nêu ra, không dám bộc lộ thực cảm xúc của mình.

Học Văn phải học tính chân thực

Là một học sinh giỏi Văn nhất nước, vậy Đức có thể chia sẻ bí quyết nào để có thể học Văn tốt?

Thực ra thì mình cũng không có bí quyết gì cao siêu cả. Nhưng kinh nghiệm của mình là đọc nhiều, viết nhiều và sẵn sàng sáng tạo.

Không ai là người giỏi ngay từ đầu cả. Tất cả đều do quá trình rèn luyện mà thành. Quan điểm của mình là luôn luôn phải học hỏi những người giỏi hơn mình.

Mình thường hay đọc các tác phẩm kinh điển của những nhà văn lớn cả trong và ngoài nước. Trước tiên là bắt chước mạch tư duy, cách cảm thụ và cách viết của họ. Rồi sau đó mình sẽ áp dụng cách tư duy, cảm thụ của các bậc tiền bối ấy vào bài văn của mình. 

Các bạn học sinh cần hiểu rằng học Văn không thể chỉ học trong nhà trường mà còn phải học từ thầy cô, từ bạn bè và từ các tác phẩm văn chương kinh điển để có được nhiều cách tư duy, cách cảm thụ khác nhau.

Học sinh thì cần phải có được cách học chủ động, phải biết đối thoại với thầy cô. Đôi khi cách cảm nhận của thầy cô về câu thơ, bài văn nào đó không hợp với cảm nhận của mình thì mình có thể trình bày những suy nghĩ của mình một cách thẳng thắn chân thực

 
Đội tuyển Văn trường Amsterdam trong ngày xuất quân

Cách làm một bài Văn hay cần chú trọng đến điều gì nhất?

Theo mình đó chính là viết chân thực, những gì mình nghĩ. Ngay từ khi còn bé tất cả chúng ta đều được dạy cần phải chân thực, thành thật. Nhưng hình như khi lớn lên tính chân thực lại bị chìm lấp dần đi. Không mấy ai dũng cảm nói lên những tình cảm, suy nghĩ thật của mình.

Trong Văn học cũng thế. Ít người viết thật thà tình cảm suy nghĩ của mình ra mà thường gắng gượng những gì không phải thuộc về tình cảm thật của mình. Những gì chân thực từ trái tim thì sẽ đi đến trái tim mà. Vậy nên muốn làm văn hay theo mình các bạn hãy cứ viết những gì mà mình suy nghĩ.

Mọi tác phẩm Văn học kinh điển đều phải xuất phát từ tình cảm thật, suy nghĩ thật mới có thể tồn tại được qua thời gian, năm tháng. Tình cảm thật mới tạo nên tác phẩm có chất lượng.

Khi phân tích tác phẩm thơ của Tố Hữu, Huy Cận mình cảm được những câu này hay, câu này chưa hay thì mình đều viết thẳng ra chứ không phải cứ phải áp đặt theo suy nghĩ hay cách cảm của thầy cô. 

Đức có thể chọn bất cứ trường ĐH nào, vậy đâu sẽ là đích của bạn?

Mình thích luật và mình nghĩ rằng luật có thể giúp mình phát triển khả năng văn chương. Mình nghĩ làm nghề gì cũng đều không ảnh hưởng đến tình yêu Văn học. 

Mình không dám mơ thành một nhà văn nhưng cũng sẽ cố gắng trong thời gian tới sẽ cho ra đời một vài tác phẩm thể hiện suy nghĩ của mình về cuộc sống.

Cám ơn Đức đã dành thời gian cho chúng tớ. Chúc bạn sớm có những tác phẩm văn chương của riêng mình.