Làm thế nào để có một bộ nhớ tự động

Cá Mập, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 04/10/2012

Hãy luyện tập từ 7 "bí kíp" dưới đây.

Ở nhà, ở trường, ở lớp học thêm,... bạn có rất nhiều thứ cần phải nhớ nhưng bộ não bạn lại thường xuyên đình công, đẩy bạn vào tình trạng “biết là đã học nhưng chẳng nhớ chút gì”? Nhưng thật sự là có vài phương án hay ho để chia sẻ cho các bạn học sinh.

1. Ôn tập bài vở mỗi ngày
 
Chớ đợi tới khi kì thi còn cách bạn vài ngày mới bắt đầu lao vào học. Có thể, sức ép, áp lực sẽ khiến bạn hấp thụ nhanh hơn. Nhưng cũng vì thế mà dễ quên hơn. Hoàn thành bài thi, tất cả những gì còn đọng lại trong đầu bạn chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Bởi thế, hãy duy trì thói quen ôn tập mỗi ngày. Đơn giản là xem lại những gì đã học thêm một lần nữa. Trí nhớ bạn sẽ có thể lưu giữ thông tin lâu hơn!

lam-the-nao-de-co-mot-bo-nho-tu-dong

2. Vận dụng tối đa kiến thức đã được học

Bằng cách nào ư, tranh luận với bạn bè, đặt câu hỏi với thầy cô, giảng bài cho bạn cùng lớp... Hoặc “hâm hâm” một chút như hò hét, hát hò hay nhảy nhót dựa trên những từ ngữ trong bài giảng cũng là một cách không tệ mà, đúng không?

3. Đổ màu cho sách vở

Sử dụng những chiếc bút đánh dấu, những mẩu sticker màu sắc hay các kí hiệu mũi tên, dấu sao,... để ghi chú những điểm cần chú ý của bài học. Đừng nghĩ rằng điều đó không cần thiết vì bạn... bắt buộc phải nhớ toàn bộ bài học. Không hề nhé. Bạn chỉ cần gạch chân vài ý chính, những ý mà từ đó bạn có thể tự mình triển khai thêm ra. Đâu cần phải nhớ quá nhiều!

4. Hãy viết, thay vì đọc

Viết tưởng chừng như là một hoạt động tốn thời gian hơn so với đọc. Nhưng hãy chú ý tới hiệu quả mà nó mang lại. Bạn sẽ nhớ sâu và lâu hơn rất nhiều bằng việc viết đi viết lại nhiều lần một từ mới nào đó, thay vì chỉ lẩm nhẩm nó trong đầu!

lam-the-nao-de-co-mot-bo-nho-tu-dong

5. Hoạt hình hóa kiến thức

Bạn có thể dùng khả năng vẽ vời, thiết kế của mình để biến bài giảng trở thành một công trình nào đó, dạng kim tự tháp, dạng cây, thậm chí dạng méo tròn không rõ hình cũng được. Miễn là nó giúp bạn mường tượng được những gì phải học và cần đọc. Mỗi khi bước ra phố và bắt gặp hình ảnh đó, hãy cố nhớ lại những gì mình đã ghi trong mẩu giấy ở nhà. Cứ như vậy, não bạn sẽ được hấp thu kiến thức một cách chủ động không hề gượng ép!

6. Tập Flash card hữu ích

Những thông tin bạn cần học, hãy ghi tóm tắt và ngắn gọn chúng vào trong một cuốn sổ hay những tấm card nhỏ, tiện mang theo bên mình, có thể mở ra và học ở bất kì đâu, vào bất cứ lúc nào!

7. Rủ bạn học thi

Theo khuyến cáo, nếu không thể xóa bỏ thói quen tám chuyện khi gặp bạn bè, hãy tránh xa phương án học nhóm. Nhưng nếu mỗi người tự học ở nhà và khi gặp nhau thì cùng mở một cuộc thi nho nhỏ và người này kiểm tra giúp người kia cũng là phương án không tệ đâu. Các bạn thử xem nhé!
Chắc chắn, kiến thức của bạn sẽ được hấp thụ từ từ và thấm sâu vô cùng!