Giọng nói khàn đặc "chỉ điểm" nhiều bệnh nguy hiểm

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 12:00 24/12/2012

Trong đó có cả chứng lao phổi nữa đấy!

Giọng nói khàn đặc "chỉ điểm" nhiều bệnh nguy hiểm 1

Khoảng gần 1 tháng nay, dù là chẳng bị ho hay ốm đau gì hết mà sao giọng nói của em cứ càng ngày càng bị khàn đặc. Thậm chí, có một khoảng thời gian cách đây tầm 2 tuần em còn bị ngứa họng và mất tiếng nữa. Không những thế, vài ngày trở lại đây, em thấy xuất hiện thêm tình trạng khó thở kèm theo tức ngực, nhất là lúc nằm ngủ. Mong bác sĩ giải đáp liệu em đang mắc phải bệnh gì và chữa trị có khó không ạ? Em xin cảm ơn! (macy.ba...@gmail.com)
Giọng nói khàn đặc "chỉ điểm" nhiều bệnh nguy hiểm 2

Chào em,
Khàn tiếng là triệu chứng rất hay gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, khàn tiếng có kèm theo khó thở và tức ngực như trường hợp của em thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng nó có liên quan đến một trong những chứng bệnh nguy hiểm sau:
 
1. Viêm thanh quản cấp: Thường  gặp ở những người nghiện thuốc lá, bị viêm thực quản trào ngược nặng hoặc những người nhất thời phải kêu khóc, gào thét to.

Lúc đầu ngạt mũi, ngứa họng, sau bị khàn hoặc mất tiếng hoàn toàn, kèm theo có thể bị ho, họng và các dây thanh quản viêm đỏ. Tuy vậy chỉ sau một thời gian dùng thuốc sẽ khỏi hoàn toàn.

2. Lao thanh quản: Hay gặp sau một lao phổi (55%) hoặc lao hạch. Bệnh chia ra ba giai đoạn:

- Nói khàn, giọng đôi, dần dần mất tiếng,  ho khan. Khám thấy thanh quản bạc màu, sụn phễu màu đỏ.

- Giọng trầm, thấp, run run, khó thở, tiếng nói rè, có thể thấy tổn thương lao và các hạt lao trên dây thanh.

- Loét sụn phễu và các dây thanh: Bệnh nhân mất giọng, nuốt rất đau đớn, không ăn uống được.

3. Viêm dây thần kinh quặt ngược: Khản tiếng lúc đầu, sau phát âm bé, phát âm khó khăn rồi không phát âm được, không khó nuốt. Khám thấy một bên thanh đới không cử động. Khi liệt lâu, thanh đới teo lại, sụn phễu vẹo sang bên.

4. Bạch hầu thanh quản: Là một thể của bệnh bạch hầu. Bệnh nhân thường sốt 38 độ C, da xanh. Bệnh có 3 giai đoạn:

- Giai đoạn khàn giọng, mất tiếng, ho ông ổng, sau nói không ra tiếng.

- Giai đoạn khó thở, mới đầu khó thở từng cơn, sau khó thở liên tục, thở chậm, co rút hõm trên ức.

- Giai đoạn ngạt thở: người bệnh xỉu dần, nằm yên, môi, da tím ngắt.

5. Các u lành thanh quản: Khàn tiếng dần dần, khó thở ngày càng tăng. Cơ thể không suy sụp. Soi thanh quản thấy u nằm trên dây thanh. Nếu được mổ cắt khối u bệnh nhân có thể khỏi hẳn.

6. Liệt dây thanh đơn độc: thường thấy liệt các cơ riêng lẻ. Khám sẽ thấy dây thanh bị chùng, giảm cử động, nhưng không tìm thấy nguyên nhân chèn ép dây thần kinh quặt ngược hoặc viêm nhiễm. Người bệnh chỉ nói khàn, trong thời gian rất dài vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường.

7. Một số bệnh lý khác cũng gây khàn tiếng như u thực quản, hạch ở quanh khí phế quản, phình tách động mạch chủ, u tuyến giáp trạng, u trung thất... Thường bệnh phát triển âm thầm hay rầm rộ, nhưng đều là giai đoạn cuối, bệnh tiến triển rất nặng, tiên lượng hết sức xấu.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để tìm ra nguyên nhân chính xác, từ đó nhận được chỉ định điều trị kịp thời, tránh những biến chứng xấu gây ảnh hưởng đến tương lai sau này.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!
 
 Giọng nói khàn đặc "chỉ điểm" nhiều bệnh nguy hiểm 3