Đội tranh hạng 3 World Cup từng có đế chế lớn nhất lịch sử nhân loại, to ngang ngửa Mặt trăng

J.D, Theo Helino 19:05 14/07/2018

Một đế chế rộng ngang ngửa Mặt trăng, bạn nghe thấy bao giờ chưa? Thậm chí, đế chế này còn lớn hơn những gì người Pháp đã làm được là chiếm tới 8% diện tích thế giới.

Vào thời kỳ thực dân, các nước đế quốc hùng mạnh đã luôn tìm cách mang quân đội đi xâm lược, thâu tóm sao cho lãnh thổ càng nhiều càng tốt. Như nước Pháp xưa kia là một ví dụ, họ đã từng chiếm được 8,7% tổng diện tích toàn thế giới. Nghe thì tưởng bé, nhưng đó là hơn 13 triệu km2 đấy. 

Tuy nhiên, đế chế của Pháp chưa phải là lớn nhất trong lịch sử. Danh hiệu ấy hóa ra thuộc về Anh Quốc (chính xác hơn là Đế quốc Anh) - một trong hai quốc gia chuẩn bị tranh hạng 3-4 với tuyển Bỉ trong trận đấu tối nay.

Theo các tài liệu lịch sử thì ở thời kỳ hưng thịnh nhất, Đế quốc Anh là đế chế chiếm được nhiều đất bậc nhất, với diện tích gần như ngang ngửa Mặt trăng. Và thậm chí tại các vùng đất bị chiếm ấy vẫn còn một số di sản do người Anh để lại, cả tích cực lẫn tiêu cực.

Đội tranh hạng 3 World Cup từng có đế chế lớn nhất lịch sử nhân loại, to ngang ngửa Mặt trăng - Ảnh 1.

Đế quốc Anh từng chiếm được số đất với tổng diện tích ngang ngửa Mặt trăng.

Một đế chế to ngang ngửa diện tích Mặt trăng

Người Anh bắt đầu hành trình xâm lược vào thế kỷ 16 tại châu Mỹ. Tuy nhiên phải đến thế kỷ 18, đế chế của họ mới bắt đầu "nở" với tốc độ chóng mặt. Trong đó chủ yếu hướng về châu Á, bằng việc thành lập các trung tâm giao thương thông qua công ty Đông Ấn Độ có trụ sở chính tại London. 

Tính đến năm 1913, Anh Quốc đã chính thức đi vào lịch sử với tư cách là đế chế rộng lớn nhất. Đất của đế chế chiếm tới 25% tổng diện tích đất trên thế giới, trải rộng từ Bắc Mỹ, Úc, châu Phi, châu Á. Một số khu vực tại Nam Mỹ cũng có mối liên hệ rất lớn với người Anh thông qua giao thương buôn bán. 

Số đất ấy lớn đến nỗi Đế quốc Anh từng được mệnh danh là "đế chế nơi Mặt trời không bao giờ lặn." Thậm chí nếu so với Mặt trăng thì quả là một chín một mười, khi diện tích của Đế quốc ở thời kỳ thịnh nhất là 35 triệu km2, chiếm khoảng 94% so với diện tích Mặt trăng là 38 triệu. 

Nếu coi người dân trong thuộc địa là của Anh, thì dân số Anh lúc đó cũng rơi vào khoảng 23% tổng dân số thế giới. Và dù bị chỉ trích, thì quá trình này cũng góp phần đưa tiếng Anh lan tỏa ra nhiều nơi trên thế giới, cùng một số môn thể thao truyền thống của Anh quốc nữa - trong đó có môn bóng đá ngày nay. 

Đội tranh hạng 3 World Cup từng có đế chế lớn nhất lịch sử nhân loại, to ngang ngửa Mặt trăng - Ảnh 2.

Tại sao đế chế lại sụp đổ?

Thực chất thì không có câu trả lời trực tiếp nào cho vấn đề này. Tuy nhiên, phần lớn các nhà sử học tin rằng sự sụp đổ của Đế quốc Anh là do ảnh hưởng của Thế chiến II.

Các trận chiến trên phạm vi châu Âu, châu Á và châu Phi đã khiến ngân khố người Anh kiệt quệ. Các khoản nợ ngày một lớn lên, khiến nhiều khu vực bắt đầu nổi dậy đòi tự trị. Hơn nữa, đế chế ấy là quá rộng lớn để một chính phủ có thể điều hành. Rất nhiều thuộc địa nổi lên - trong đó có cả những khu vực mang lại nguồn thu quan trọng cho hoàng gia.

Năm 1947, Ấn Độ nổi dậy giành độc lập nhờ chiến dịch chống chính phủ phi bạo lực của Mahatma Gandhi. Đó là giọt nước làm tràn ly, và bắt đầu hiệu ứng domino trên toàn lãnh thổ của đế chế.

Ở thời điểm hiện tại, Anh Quốc đã không còn là một đế quốc nữa. Dù vậy, nữ hoàng Elizabeth vẫn là nữ vương trên danh nghĩa tại một số quốc gia như Canada, Úc, New Zealand, Jamaica... như một di sản còn sót lại của một đế chế khổng lồ. 

Tham khảo: The Week