Oscar 2016: Đề tài chiến tranh áp đảo ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất

Harleyy, Theo Trí Thức Trẻ 18:18 25/02/2016

Với Oscar năm nay, bốn trong năm tác phẩm được vinh danh đều trực tiếp nói về chiến tranh và những hậu quả đau lòng của nó.

Bên cạnh việc vinh danh những tác phẩm xuất sắc từ Hollywood, mỗi năm Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh luôn dành ra một hạng mục cho những phim nói tiếng nước ngoài để điểm qua xu hướng vận động của các nền điện ảnh khác nhau trên thế giới. Năm nay, phần lớn những tác phẩm lọt vào vòng đề cử Oscar 88 đều là phim lấy đề tài chiến tranh.

Embrace Of The Serpent - Colombia

Oscar 2016: Đề tài chiến tranh áp đảo ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất - Ảnh 1.

Embrace Of The Serpent là phim duy nhất sử dụng màu phim đen trắng tại vòng sơ tuyển Oscar năm nay. Tác phẩm đến từ Colombia là hai câu chuyện đan xen, một xảy ra ở năm 1909 và một xảy ra ở năm 1940. Karamakate là một pháp sư, cũng là người cuối cùng của một bộ lạc vùng Amazon. Ông đã giúp hai nhà khoa học người Anh và người Đức tìm kiếm loài thực vật quý. Bộ phim được lấy cảm hứng từ những đoạn hồi kí có thật về hai nhà khoa học này.

Oscar 2016: Đề tài chiến tranh áp đảo ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất - Ảnh 2.

Embrace Of The Serpent được đánh giá khá tốt bởi giới phê bình. Trang Indiwire gọi tác phẩm là một phát hiện "có hồn, kì lạ và tuyệt đẹp". Hình ảnh vị pháp sư hiện lên như kẻ đang ngấu nghiến tội lỗi khi là người duy nhất còn sống sót, vừa là bức tranh tĩnh mịch cô đơn. Embrace Of The Serpent cũng là một lát cắt chân thực về sự tàn phá của những kẻ xâm lược da trắng với tài nguyên của những nước bản địa.

 Trailer của "Embrace of the Serpent"

A War - Đan Mạch

Oscar 2016: Đề tài chiến tranh áp đảo ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất - Ảnh 4.

Vấn đề không phải bạn đã làm gì, mà là bạn đã làm nó như thế nào. A War là một câu chuyện quen thuộc: một chỉ huy trong đội tuần tra tại Afghanistan phải đối mặt với những tình huống đe dọa tiểu đội của anh cũng như gia đình của mình tại quê nhà Đan Mạch.

Với camera cầm tay, rất ít nhạc nền, diễn xuất của các diễn viên trở thành trung tâm. Bộ phim mang không khí căng thẳng và chân thực về cuộc sống lẫn cái chết trong chiến tranh. Đây cũng là cuộc giải trình của tội lỗi, đau buồn, trách nhiệm và lòng dũng cảm trong phòng xử án.

Oscar 2016: Đề tài chiến tranh áp đảo ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất - Ảnh 5.

A War không chỉ là câu chuyện của một gia đình, một tiểu đoàn mà còn là tâm sự đầy hoang mang của những người lính Đan Mạch. Trong cuộc chiến tranh tại Afghanistan, giữa các âm mưu của các "ông lớn", họ không hề biết mình bị gửi đến đây làm gì. Chỉ huy bảo họ phải bảo vệ những người dân nhưng nhiều lúc họ phải thi hành những mệnh lệnh không hợp lý, thậm chí tước đoạt mạng sống của những người vô tội.

 Trailer của "A War"

Mustang - Pháp

Oscar 2016: Đề tài chiến tranh áp đảo ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất - Ảnh 7.

Một tác phẩm đậm đặc hơi thở nữ quyền của điện ảnh Pháp đã được xướng tên vào năm nay. Mustang là câu chuyện đượm buồn của năm chị em gái mồ côi sống tại một quốc gia đạo Hồi. Vì những hành động đùa giỡn vô tư với bạn khác giới mà họ phải chịu ánh nhìn dò xét từ hàng xóm, bị ông bác và người bà xem như mầm mống của sự lăng loàn. Nhịp phim chậm dần và gây cảm giác ngộp thở. Các cô gái bị nhốt kín trong nhà và bị giáo dục lại để phù hợp với việc làm vợ, làm mẹ. Những cuộc nổi loạn ngầm đã diễn ra trong gia đình. Giáo lý và hủ tục một lần nữa được chỉ ra để che đậy những mục đích xấu xa của con người, ví dụ như gã bác hay cao giọng dạy dỗ lại là một kẻ có những tham vọng thú tính.

Oscar 2016: Đề tài chiến tranh áp đảo ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất - Ảnh 8.

Phim là sự đối chọi giữa sự tươi trẻ hồn nhiên của các chị em với ông bác hà khắc, giữa tinh thần "nổi loạn" và người bà cam chịu, giữa màu sắc tươi sáng, những đoạn cười đùa của các chị em với vấn đề càng lúc càng nặng nề và nghiêm trọng. Khi được hỏi về cái tên độc đáo Mustang, nữ đạo diễn Deniz Gamze Ergüven cho biết bà muốn tìm kiếm một từ đại diện cho sự tự do, hoang dã. Khi những cô gái nô đùa, bà thấy mái tóc họ bay bay như những chiếc bờm của loài ngựa hoang Mustang ở phía Tây Bắc Mỹ.

 Trailer của "Mustang"

Son of Saul - Hungary

Oscar 2016: Đề tài chiến tranh áp đảo ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất - Ảnh 10.

Mất 5 năm từ lúc lên ý tưởng tới lúc thực hiện xong, "Son of Saul" được xem là tác phẩm gây bàng hoàng cả nước Mỹ về nạn diệt chủng Do Thái

Phim là câu chuyện một ngày rưỡi trong trại diệt chủng của Saul, một tù nhân người Do Thái sống tại đây. Để tránh né cái chết, Saul làm công việc kinh tởm là hướng dẫn đồng bào mình, những tù nhân khác vào phòng hơi ngạt, sau đó đem thiêu xác và tống vào chiếc hồ cạnh khu trại. Lặp lại công việc kinh khủng đó hàng ngày và tưởng như đã mất nhân tính, nhưng một ngày, Saul nhìn thấy xác của con trai mình bị vứt lăn lóc trên sàn. Bàng hoàng và muộn màng, Saul đã thử làm một việc bất khả là cứu thi thể con trai khỏi bị thiêu cháy. Cố gắng liên lạc với những người khác trong đội dọn dẹp, anh đã tìm cách chôn con trai tử tế nhất có thể và đọc kinh cầu (Kaddish) trước mộ con theo đúng truyền thống dân tộc.

Oscar 2016: Đề tài chiến tranh áp đảo ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất - Ảnh 11.

Không chỉ được đề cử Oscar, Son Of Saul cũng thắng giải Phim Nói Tiếng Nước Ngoài hay nhất tại Quả Cầu Vàng 2016. Có một điều thú vị là Son Of Saul dự kiến sẽ là một phim Pháp với diễn viên chính là người nước này, tuy nhiên dự án nhanh chóng bị từ chối. Nhóm làm phim kiên trì xin tài trợ ở những nước như Isarel, Úc, Đức nhưng cũng không nhận được sự đồng ý. Chỉ có Hungary mạo hiểm đầu tư 1,1 triệu USD (tổng kinh phí sản xuất chỉ vẻn vẹn 1,5 triệu USD). Cú mạo hiểm đã mang về cho Hungary đề cử Oscar đầu tiên trong lịch sử.

Trailer của "Son of Saul"

Theeb - Ả Rập

Oscar 2016: Đề tài chiến tranh áp đảo ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất - Ảnh 13.

Theeb xoay quanh hai anh em mồ côi Hussein và Theeb sống ở một quốc gia Trung Đông liền kề dải Hejaz vào đầu thế kỉ 19. Vào năm 1916, một sĩ quan người Anh muốn vượt qua sa mạc cháy nắng. Ông tìm đến hai anh em của Theeb. Trong hành trình đó, người anh trai của Theeb, Hussein đã bị phục kích và bắn chết. May mắn sống sót, Theeb tiếp tục hành trình để hoàn thành nhiệm vụ và tìm ra kẻ giết anh trai để trả thù. Không chỉ đề cập đến hậu quả chiến tranh, phim còn là câu chuyện trưởng thành vội vàng và dữ dội của một cậu bé nhỏ tuổi.

Oscar 2016: Đề tài chiến tranh áp đảo ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất - Ảnh 14.

Trước khi nhận đề cử Oscar danh giá, tác phẩm nói tiếng Ả Rập này đã nhận được đề cử Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc từ Hiệp Hội Điện Ảnh Và Truyền Hình Nước Anh, BAFTA. Theeb cũng được đánh giá cao tại Liên hoan phim Venice và mang về cho nhà làm phim Abu Nowar giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Một điều khá ấn tượng là đây là tác phẩm đầu tiên từ nhà biên kịch và đạo diễn trẻ người Anh gốc Ả Rập Abu Nowar.

 Trailer của "Theeb"