Đi tìm "Đệ nhất mỹ nhân" trong phim kiếm hiệp Kim Dung (P.2)

Ngọc Minh, Theo 00:01 27/09/2011
Chia sẻ

Cùng tiếp tục "xem mặt" những mỹ nhân tài sắc vẹn toàn, nhân cách cao đẹp nào.

Qua phần một của bài tổng hợp này, ắt hẳn bạn đã chọn ra cho riêng mình "Mỹ nhân của các mỹ nhân" rồi  nhỉ? Nhưng quyết định ấy sẽ là quá vội vàng, vì vẫn còn rất nhiều người đẹp trong phim kiếm hiệp Kim Dung mà chúng mình chưa "xem mặt" đấy!

Nhậm Doanh Doanh (Tiếu ngạo giang hồ)
Thể hiện ấn tượng: Hứa Tịnh



Những nữ diễn viên từng vào vai Nhậm Doanh Doanh:
Trần Tú Châu (TVB - 1984), Lưu Tuyết Hoa (TTV - 1984), Trương Mẫn (điện ảnh - 1990),
Quan Chi Lâm (điện ảnh - 1992), Lương Bội Linh (TVB - 1996), Viên Vịnh Nghi (CTV - 1999),
Phạm Văn Phương (Media Corp - 2000), Hứa Tịnh (CTV - 2001)

Nhậm Doanh Doanh - Thánh Cô của Tiếu ngạo giang hồ là một nhân vật cực kỳ đặc biệt với cách yêu cũng đặc biệt không kém: rất vị tha (khuyên Lệnh Hồ Xung đến thăm Nhạc Linh San trước khi cô mất) nhưng cũng rất... quái (ra lệnh cho thuộc hạ cứ thấy Lệnh Hồ Xung là "xử" để anh chàng luôn ở bên cho mình chữa thương). Đứng đầu một giáo phái với rất nhiều kỳ nhân dị sĩ nhưng ước mơ của Nhậm Doanh Doanh chỉ đơn giản là cùng Lệnh Hồ Xung sống phiêu diêu tự tại, song tấu khúc nhạc Tiếu ngạo giang hồ. Bên trong cô gái trẻ ấy là một tâm hồn nhạy bén, kiên định, công bằng nhưng cũng rất mực nhạy cảm, lãng mạn và giàu tình thương.




Hứa Tịnh với vẻ đẹp mặn mà, cuốn hút

Kim Dung lão gia đã vẽ nên một Nhậm Doanh Doanh quá hoàn mỹ. Vì vậy, rất nhiều người đẹp từng thể hiện vai diễn này đều "ngang sức ngang tài" - cả về diễn xuất lẫn dung mạo. Các "ứng cử viên" đều vô cùng sáng giá, không có ai nổi bật hẳn lên khiến cho các "đối thủ" khác phải tâm phục khẩu phục. Trong số đó, có chăng thì chỉ mỹ nhân Hứa Tịnh là "tiệm cận" nhất với vẻ đẹp của Thánh Cô.






Kim Dung cũng phải khen ngợi Nhậm Doanh Doanh của Hứa Tịnh

Khi vào vai Nhậm Doanh Doanh, tuổi đời của Hứa Tịnh đã... gấp đôi nhân vật của mình. Vì thế, dù Hứa Tịnh trẻ hơn rất nhiều so với tuổi thật nhưng không tránh khỏi bị chê già, không có vẻ đẹp của tuổi trăng rằm như Thánh Cô trong truyện. Tuy nhiên, diễn xuất chắc tay cộng với vẻ đẹp đằm thắm, mặn mà, nét duyên dáng và cuốn hút của Hứa Tịnh lại là điều "không bàn cãi". Đích thân Kim Dung từng có lời khen ngợi vai diễn Nhậm Doanh Doanh của Hứa Tịnh và khẳng định rằng: cô chính là hình ảnh của Thánh Cô mà ông muốn xây dựng.


Lương Bội Linh được khen ngợi rất nhiều về diễn xuất


Thánh Cô đầu tiên - Trần Tú Châu


Phạm Văn Phương


Viên Vịnh Nghi


Triệu Mẫn (Ỷ Thiên Đồ Long Ký)
Thể hiện ấn tượng: Lê Tư


Các nàng Triệu Mẫn trên màn ảnh:
Uông Minh Thuyên (TVB - 1979), Lưu Ngọc Phác (TTV - 1984), Lê Mỹ Nhàn (TVB -1986),
Trương Mẫn (điện ảnh - 1993), Diệp Đồng (TTV - 1994), Lê Tư (TVB - 2000),
Giả Tịnh Văn (phiên bản hợp tác - 2002), An Dĩ Hiên (tập đoàn Hoa Nghị - 2009)

Có thể nhiều người không ưa Triệu Mẫn, cho rằng cô quá ranh mãnh và quỷ quyệt. Nhưng chính sự mưu trí và giàu tham vọng ấy đã biến cô trở thành một nhân vật nữ nổi bật trong tiểu thuyết Kim Dung. Thử hỏi, có nữ nhân nào mang trong mình tham vọng và mục tiêu lớn lao như Triệu Mẫn: Thống nhất Trung Nguyên và giới giang hồ, khuất phục Lục đại môn phái đang chống phá người Mông Cổ. Chẳng phải vô cớ mà Nhữ Dương Vương uy quyền lại vừa cưng chiều, vừa coi trọng cô con gái túc trí đa mưu của mình đến vậy.






Triệu Mẫn quyết đoán và cơ trí như nam nhi...

Thế nhưng, nàng Triệu Mẫn giàu tham vọng ấy lại có thể rời bỏ tất cả, tình nguyện dấn thân vào nguy hiểm để được đồng hành bên người mình yêu. Cách cô bày tỏ tình yêu của mình với Trương Vô Kỵ rất mạnh mẽ, mộc mạc và giản dị - đúng chất một người con chốn thảo nguyên - nhưng cũng không mất đi sự chân thành và đáng yêu của một cô gái. Mạnh mẽ, tham vọng cơ trí như nam nhi; duyên dáng, tình cảm, đáng yêu rất con gái - ấy mới là Triệu Mẫn mà Trương Vô Kỵ và đông đảo khán giả hằng yêu mến.




...nhưng cũng duyên dáng, đáng yêu đầy nữ tính

Việc lựa chọn cô quận chúa Mông Cổ hoàn hảo nhất có lẽ không quá khó khăn. Bởi nhắc đến Triệu Mẫn là người ta đã có ngay 2 ứng viên "sáng chói": Lê Mỹ Nhàn và Lê Tư. Tuy nhiên, bầu cho ai là "hoa hậu" trong số 2 thí sinh này quả là một điều nan giải. Cả 2 đều diễn rất tròn vai, làm toát lên nét cơ trí, chất "tà" của Triệu Mẫn và sự lém lỉnh, đáng yêu. Tuy nhiên, với sự trợ giúp đắc lực của kỹ thuật tạo hình mà Lê Tư đã chiến thắng "sát nút" trước đàn chị Lê Mỹ NhànTriệu Mẫn cũng chính là vai diễn xuất sắc và được yêu thích nhất nhì trong sự nghiệp của Lê Tư.




Lê Mỹ Nhàn cũng là một Triệu Mẫn kinh điển




Triệu Mẫn - Giả Tịnh Văn được nhận xét là "Thần tượng cổ trang" điển hình




Triệu Mẫn - An Dĩ Hiên cũng không tạo được nhiều dấu ấn

Hoàng Dung (Anh hùng xạ điêu)
Thể hiện ấn tượng: Châu Tấn


Những nữ diễn viên từng vào vai Hoàng Dung:
Mễ Tuyết (GLTVS - 1976), Ông Mỹ Linh (TVB -1983), Trần Ngọc Liên (CTV - 1988),
Chu Ân (TVB - 1994), Châu Tấn (CCTV - 2003), Lâm Y Thần (Đường Nhân - 2008)

Khác với nhiều mỹ nhân, nét đẹp nổi bật ở Hoàng Dung chính là trí tuệ siêu phàm, thông minh nhanh trí, lắm mưu nhiều kế không thua bất cứ bậc nam tử nào. Cô luôn ở bên cạnh hỗ trợ cho Quách Tĩnh, từ khi 2 người còn phiêu bạt giang hồ cho đến khi cùng trấn thủ thành Tương Dương. Sự anh dũng, quả cảm đã đưa Hoàng Dung vượt qua giới hạn nữ hiệp để trở thành một nữ anh hùng thực thụ. Một "điểm cộng" đáng yêu cho nhân vật Hoàng Dung chính là... tài nghệ nấu ăn rất "đỉnh" của nữ anh hùng này.


Khuôn mặt buồn và giọng nói trầm khàn của Châu Tấn từng là trở ngại

Khi bảng phân vai Anh hùng xạ điêu 2003 mới được công bố với nữ chính Châu Tấn, không ít người đã tỏ ra hồ nghi về nàng Hoàng Dung này. Khả năng diễn xuất và nhập vai của Châu Tấn là điều không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, điều khiến khán giả băn khoăn chính là ngoại hình và chất giọng trầm khàn của nữ diễn viên này. Có thể khẳng định ngay rằng: Châu Tấn đẹp, nhưng nét đẹp của cô lại mang chút gì đó man mác buồn. Điều này hoàn toàn không giống với những gì người ta tưởng tượng về một Hoàng Dung lém lỉnh, thông minh và hơi... ranh mãnh.






Châu Tấn đã dùng diễn xuất để đánh tan mọi nghi kỵ

Song, thành công rực rỡ của Anh hùng xạ điêu 2003 đã "thổi bay" mọi hồ nghi. Hoàng Dung qua sự thể hiện của Châu Tấn là một cô nương trẻ tuổi, vóc dáng nhỏ nhắn dễ thương. Khuôn mặt phảng phất buồn ấy lại ánh lên nét tinh nghịch, thông minh thật đáng yêu. Một Hoàng Dung - Châu Tấn túc trí đa mưu đã bổ khuyết hoàn hảo cho một Quách Tĩnh - Lý Á Bằng thật thà, hơi... ngố. Thành công của Anh hùng xạ điêu 2003 không chỉ đem đến cho Châu Tấn sự nổi tiếng mà còn mang về cho cô một tình yêu - dù cho nó không thể đơm hoa kết trái.




Hoàng Dung - Chu Ân cũng được rất nhiều khán giả yêu mến


Trần Ngọc Liên có duyên làm nữ hiệp




Khán giả trẻ lại rất yêu thích Hoàng Dung - Lâm Y Thần

Tiểu Chiêu (Ỷ Thiên Đồ Long Ký)
Thể hiện ấn tượng: Hà Trác Ngôn


Những nàng Tiểu Chiêu đáng thương trên màn ảnh:
Trần Ngọc Liên (TVB - 1979), Điền Lệ (TTV - 1984), Thiệu Mỹ Kỳ (TVB - 1986),
Khâu Thục Trinh (điện ảnh - 1993), Trần Hiếu Huyên (TTV - 1994), Giang Hy Văn (TVB - 2000),
Trần Tú Lệ (bản hợp tác - 2002), Hà Trác Ngôn (tập đoàn Hoa Nghị - 2009)

Trong Ỷ Thiên Đồ Long KýTiểu Chiêu là cô gái xinh đẹp nhất và cũng là người có số phận đau khổ nhất. Là con gái của Hàn Thiên Diệp và Thánh nữ Minh giáo Ba Tư, Tiểu Chiêu mang trong mình nét đẹp và tinh túy của cả 2 dân tộc. Cô gái nhỏ này đến Trung Nguyên qua Con đường tơ lụa để hoàn thành sứ mệnh mà mẹ cô còn dang dở - đánh cắp bộ Càn Khôn đại nã di tâm pháp. Mang ơn Trương Vô KỵTiểu Chiêu chăm sóc, phục vụ anh tận tình với tư cách "con hầu". Nhưng "con hầu" ấy chính là người đã có công bảo vệ Minh giáo trước cuộc tấn công của quân Nguyên.




Tiểu Chiêu là người con gái hiếu thảo, giàu đức hy sinh

Tiểu Chiêu rất đẹp, cái đẹp được kết tinh từ 2 dòng máu Hán tộc và Ba Tư. Cô cũng là người con gái thông minh, kiến thức võ học uyên thâm và rất có bản lĩnh. Nhưng quan trọng hơn tất cả, Tiểu Chiêu có một tấm lòng nhân hậu thật đáng quý. Để cứu mẹ - Kim Hoa bà bà - và đám người Trương Vô Kỵ, Tiểu Chiêu đã buộc phải tiết lộ thân phận thực sự của mình. Cô đã cắn răng hy sinh tình yêu đầu đời với Trương Vô Kỵ, tình yêu mà cô chôn chặt trong lòng bấy lâu, để trở về Ba Tư làm Thánh nữ.


Tiểu Chiêu - Hà Trác Ngôn rất "được lòng" khán giả

Có thể nói, Hà Trác Ngôn hiện là nữ diễn viên được Trương Kỷ Trung "cưng" nhất khi cô liên tục xuất hiện trong các tác phẩm của giám chế này, từ Lộc Đỉnh Ký cho đến gần đây là Tân Tây Du Ký. Và Hà Trác Ngôn đã khiến cả giám chế họ Trương cũng như khán giả hết sức hài lòng. Khuôn mặt đáng yêu bầu bĩnh với đôi mắt tròn ngây thơ, Hà Trác Ngôn đã thể hiện một Tiểu Chiêu đầy ấn tượng. 


Ngoài ra, nhân vật Tiểu Chiêu của cô còn được coi là một điểm sáng trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký 2009. Nếu như bộ 3 diễn viên chính Đặng Siêu - An Dĩ Hiên - Lưu Cạnh bị "bàn ra tán vào" thì Hà Trác Ngôn lại hoàn toàn thuyết phục và rất được yêu mến với vai diễn Tiểu Chiêu.


Trần Tú Lệ cũng không kém phần đáng yêu




Trần Ngọc Liên là người đẹp góp mặt trong nhiều phim kiếm hiệp Kim Dung nhất


Kết:

"Thế nào mới là đẹp?" - Câu hỏi này từ xưa đến nay chưa có ai dám trả lời chính xác hay dám nhận là mình nói chính xác. Tiêu chuẩn của cái đẹp cũng chỉ mang tính tương đối và ước lệ phần nào. Vì vậy, danh hiệu Đệ nhất mỹ nhân trong tiểu thuyết Kim Dung ắt hẳn sẽ có nhiều sự lựa chọn khác nhau. 

Nhưng dù cô gái ấy là ai, dung mạo có "hoa nhường nguyệt thẹn" đến mức nào mà không mang một tâm hồn đáng quý, một nhân cách đáng trân trọng thì chắc hẳn cũng khó được coi là mỹ nhân. Bởi lẽ, cái đẹp chỉ có thể hoàn hảo khi nó là sự tổng hòa của Chân - Thiện - Mỹ.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày