Vấn đề
Thiên mệnh anh hùng bị quy kết làm sai sử vốn chẳng phải là chuyện mới mẻ. Nhưng không dừng ở tranh luận, một số khán giả còn dựng cả clip để chứng minh một điều:
Thiên mệnh anh hùng là sản phẩm nhái Trung Quốc. Vừa qua,
Youtube đã xuất hiện hai đoạn clip so sánh
Thiên mệnh anh hùng với nhiều ấn phẩm điện ảnh Hoa ngữ. Tác giả của chúng đã cắt ghép hình ảnh trong trailer
Thiên mệnh anh hùng và những phim Trung Quốc khá nổi tiếng để so sánh.
Các phân đoạn được đem ra so sánh để quy kết Thiên mệnh anh hùng “nhái Tàu” đó là: cảnh Hoàng hậu tiến vào chính cung, quan quân hai bên quỳ rạp cúi chào; vai ác có tạo hình đầu trọc, giáp đen, choàng đen; thích khách bay từ dưới nước lên; các chiêu võ thuật (thực ra là chỉ một cảnh đánh nhau); cảnh Hoa Xuân tập võ; cảnh hai người cưỡi ngựa chạy; cảnh quân lính chạy vào cung…
Thậm chí, từng chi tiết cực nhỏ nhặt như: vai ác hỏng mắt trái, vũ khí của vai ác là kiếm giấu trong ống tay áo (so sánh với nhân vật trong phim Truyền thuyết Thiếu lâm tự), theo sau nhân vật chính là quân lính cầm giáo, mác... cũng được đem ra so sánh tuốt.
Nhân vật ác khoác áo đen, đầu trọc. Khương Ngọc nhà mình cũng đầu trọc, áo khoác đen. Đây là những phân đoạn rất ngắn, có những cảnh chỉ đúng hai giây (cảnh quân lính chạy vào cung cầm lửa đốt) và nếu đem ra để so sánh thì e rằng hơi phiến diện. Nên nhớ rằng những cảnh quân lính chạy ầm ầm, cầm vũ khí, đuốc thường xuyên xuất hiện trong rất nhiều phim cổ trang của Trung Quốc, Hàn Quốc - những quốc gia Á Đông có nền văn hóa gần giống nước ta. Có thể nói, những hình ảnh này chẳng khác nào cảnh ăn cơm chung trong mọi gia đình Việt. Nếu so sánh như ví dụ trên, hầu hết phim Việt Nam hiện tại, không lai Hàn, Nhật thì cũng lai Trung Quốc. Bởi phim dành cho giới trẻ thì đồng phục học sinh na ná người Hàn, Nhật; phim kinh dị cũng rặt những cảnh treo cổ, hồn ma xuất hiện lởn vởn… Tất cả cũng chỉ có thế!
Cảnh phim được cho là "nhái Tàu". Có những đoạn so sánh rất vô lý và… hơi tủn mủn, chẳng hạn như cảnh hai nhân vật chính phi ngựa. Đây là phân đoạn xuất hiện khá phổ biến trong phim Trung Quốc, lập luận như vậy có nghĩa là "đồ Tàu" cũng toàn "nhái" nhau. Thậm chí ngó sang điện ảnh xứ Hàn, chúng ta cũng thấy không thiếu cảnh nhân vật nam nữ rong ruổi cưỡi ngựa (Huyền thoại lữ khách). Nếu cắt nguyên phân đoạn bị so sánh giữa "hàng nội" và "hàng ngoại" để phân tích thì rõ ràng, bối cảnh Thiên mệnh anh hùng có phần đẹp hơn với núi non hùng vĩ như một bức tranh thủy mạc.
Trung Quốc. Việt Nam. Một phân đoạn so sánh... buồn cười khác chính là cảnh Hoàng hậu đi vào chính cung. Chưa cần nói đến việc văn hóa Trung Hoa ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam thời kì Lê Sơ – Mạc như thế nào, nhưng rõ ràng, đã là Hoàng hậu thì khi Người đến đâu, dân chúng, quan lại chỗ đó đều phải cung kính đón chào. Dẫu Việt Nam có kém phát triển hơn Trung Quốc đến mấy thì thân là bậc mẫu nghi thiên hạ, đi đâu cũng phải có tùy tùng, việc cúi rạp người chào là nghi lễ hiển nhiên mà ai cũng phải tuân theo.
Phim Trung Quốc: Khi Hoàng hậu đi vào, tất cả cúi rạp. "Thiên mệnh anh hùng" cũng vậy.
Hơn nữa, đoạn clip còn có màn... so sánh nhầm khi cảnh nhân vật ác bị hỏng mắt trái ghép nhầm với nhân vật hỏng mắt trái trong phim… Hàn Quốc.
Nhầm sang phim Hàn Quốc mất rồi...
Trên đây chỉ là những cảnh quay ngắn có thể tìm thấy ở bất cứ bộ phim nào thuộc thể loại cổ trang. Tất cả giống như cái "form" chung cho một dạng phim mà thôi. Ví dụ, trong nhóm phim hành động, bạn có thể tìm thấy rất nhiều tác phẩm có cảnh hàng loạt kẻ xấu bắn vào cùng một người (nhân vật chính), đi giữa mưa đạn nhưng không hề hấn gì (!). Phim cổ trang, kiếm hiệp đảm bảo không thiếu những cảnh cưỡi ngựa đuổi nhau trong rừng, mưa tên rải rác nhưng chắc chắn không... trúng nhân vật chính. Phim lãng mạn tình cảm nếu không phải mô-típ hoàng tử - Lọ Lem thì sẽ là hai bên ban đầu như nước với lửa xong kết phim là dắt díu lên... xe hoa. Thế nên, chúng ta không thể lấy những cái nhỏ nhặt để so sánh toàn bộ. Điều làm nên mỗi bộ phim chính là cách khai thác nội dung khác nhau.
Không thể lấy vài phân đoạn nhỏ để đánh giá một bộ phim là "nhái". Rất may mắn là hai video nói trên không nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Ngược lại, trên khắp các diễn đàn phim ảnh, facebook Phim Việt Nam... số lượng khán giả bất bình với 2 đoạn clip kể trên, mong chờ Thiên mệnh anh hùng ra mắt chiếm thế áp đảo. Điều này cho thấy khán giả trẻ đang mở lòng hơn với điện ảnh nước nhà.
Nói gì thì nói, Thiên mệnh anh hùng vẫn chưa đến ngày công chiếu. Giống hay khác, sáng tạo hay bắt chước, thuần Việt hay nhái Trung Quốc, chúng mình hãy kiên nhẫn chờ ngày phim ra rạp rồi cùng mổ xẻ nhé.