Người trong cuộc nghĩ gì về oan án "đạo chích" của điện ảnh Việt?

Việt Nữ, Theo Trí Thức Trẻ 00:10 10/02/2012

Ăn cắp ý tưởng - hay còn gọi là "đạo" - dường như đang trở thành vấn đề nhức nhối của phim Việt. Thế nhưng không phải "nghi án" nào cũng đều chính xác, không ít tác phẩm, nghệ sĩ đã phải chịu án oan.

Trong những năm gần đây, khi phim ảnh nước ngoài phát triển như vũ bão trên "sân nhà" thì khán giả trẻ Việt Nam lại có cái nhìn khá khắt khe với phim ảnh nội địa. Điều này không phải xấu khi nó trở thành lực đẩy, buộc các nhà làm phim trong nước phải nỗ lực nhiều hơn. Thế nhưng bên cạnh đó, nhiều khán giả lại nhầm lẫn giữa "khắt khe" và "tiêu cực". Họ đánh mất niềm tin, nhẫn tâm bác bỏ nhiệt huyết, nỗ lực của các nhà làm phim Việt trong tình trạng thị trường phim ảnh nội địa còn nhiều khó khăn. Nhiều biên kịch, đạo diễn, diễn viên bị quy tội đạo ý tưởng, nhiều sản phẩm bị dính nghi án trộm cắp...

Điển hình gần đây là nghi án đạo poster của Cưới ngay kẻo lỡ. Hay xa hơn một chút là Thiên mệnh anh hùng từng lao đao vì bị tình nghi đạo phong cách, võ thuật, trang phục... của phim cổ trang Trung Quốc. Thế nhưng khi nhìn nhận một cách bình tĩnh, sáng suốt, đại đa số dư luận đều đồng tình với nhà làm phim, giải oan cho tác phẩm và lên án những khán giả "độc mồm độc miệng".

Những "án oan" liệu có khiến những người tâm huyết với phim ảnh chán nản? Họ cảm thấy thế nào trước sự quay lưng của một bộ phận khán giả nước nhà? Cùng gặp gỡ một số diễn viên, đạo diễn trẻ nhà mình để nghe họ chia sẻ tâm tư, cảm nghĩ về chuyện này nhé!

Ngô Thanh Vân


Theo Vân thì đây là "vụ án" 2 chiều. Trước hết, không thể đổ tất cả cho sự nhạy cảm của khán giả. Rõ ràng, mặt bằng điện ảnh Việt Nam vẫn chưa thể so với quốc tế ở một số mặt. Khi mà môi trường nghệ thuật ngày càng đa dạng hơn thì khán giả có quyền lựa chọn sản phẩm tốt nhất. Vân không nghĩ khán giả quay lưng với điện ảnh nước nhà, có chăng chỉ là một số nhỏ "cố tình nhìn tiêu cực" và một số khác có lẽ hơi vội vàng. Bằng chứng là có những bộ phim vẫn khiến đa số khán giả xem xong thấy "đã" và phim ảnh Việt ngày càng được nhắc nhiều hơn. 

Thực tế, khán giả có thể bị ảnh hưởng bởi truyền thông hay truyền miệng, nhưng khi bước đến rạp rồi thì ai cũng có cảm nhận của riêng mình. Đến lúc đó, chất lượng của bộ phim mới là thứ quyết định thắng bại. 

Midu


Không thể phủ nhận rằng, có một số ý tưởng Việt Nam mình còn nghiên cứu nhiều từ nước ngoài. Nhưng nền điện ảnh của mình còn mới và chưa phát triển hết, việc có học hỏi, tham khảo cũng dễ được thông cảm. Theo Midu, điện ảnh Việt Nam cần nhiều lắm cái nhìn khách quan, rộng lượng của khán giả, sự đóng góp thẳng thắn nhưng không định kiến để các bộ phim ngày càng khá hơn và vươn ra tầm quốc tế. Điện ảnh nước nhà hiện giờ như một đứa trẻ đang ở tuổi thích học hỏi và bắt chước thế giới rộng lớn xung quanh vậy. Thay vì chỉ trích, quay lưng với nó thì ta hãy cùng đồng sức đồng lòng uốn nắn, chắc chắn, đứa trẻ ấy sẽ ngày càng phát triển và vươn xa.

Còn những người có tâm huyết thật sự với nghề thì Midu tin rằng họ sẽ không bao giờ chán nản hay bỏ cuộc. Nhưng việc gì cũng có hai mặt, sự đóng góp chân thành và thiện ý thì dù khen hay chê cũng chính là động lực để các nhà làm phim tiếp tục cố gắng.

Diễm My 9x


Là 1 diễn viên, tôi hết sức tự hào về những bước tiến vượt bậc của nền điện ảnh Việt Nam trong thời gian qua. Bên cạnh những ý tưởng được xem là bị ảnh hưởng sâu sắc đó, vẫn có sự sáng tạo và đầu tư bằng cả con tim cũng như lòng nhiệt huyết của 1 thế hệ các nhà làm phim trẻ tài ba. Phim ngày càng được sản xuất nhiều vì thế sự cạnh tranh tất yếu sẽ làm nên đột phá. Sản phẩm nào ăn cắp ý tưởng sẽ bị loại trừ để nhường chỗ cho những tác phẩm chất lượng của 1 nền điện ảnh phát triển trong tương lai gần.

Tăng Nhật Tuệ


Khán giả "dìm" điện ảnh nước nhà xuống nhiều năm rồi, tôi cũng không phủ nhận điện ảnh nước nhà (tất nhiên) còn nhiều thiếu sót. Nhưng cái gì cũng vậy, người ta sẽ chỉ làm và muốn làm tốt nhất khi được ủng hộ.
 
Tôi chắc chẳng thể tự đặt mình làm... khán giả được rồi. Nhiều lần tôi cũng định khó tính với phim này, chê bai phim kia nhưng sau rồi, bản thân lại thấy thương yêu và dễ dàng bỏ qua. Khán giả thì không thể như vậy. Họ có những phép so sánh riêng, dù bất hợp lý hay không thì nó vẫn luôn đúng bởi họ là Thượng đế của chúng ta - những người làm nghệ thuật nói chung. 

Đây sẽ là cuộc tranh cãi không có lối thoát nên tôi chỉ dám nói lên suy nghĩ cá nhân của bản thân một chút vậy thôi. Điện ảnh Việt Nam trong tôi là hình tượng của một người Việt trẻ đầy nghị lực.

Đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Phượng


Một sự thật đau lòng là trong phim ảnh Việt gần đây, có những trường hợp "mượn ý tưởng" quá phô, gây bức xúc trong công chúng. Nhưng đó chỉ là thiểu số. Có điều, "con sâu làm rầu nồi canh". Khán giả có quyền nói, có quyền nhận xét nên việc họ đưa ra ý kiến về những điểm tương đồng của các tác phẩm là chuyện bình thường. Điều khiến cho những nhà làm phim đau nhất chính là bởi cách mà nhiều khán giả đưa ra những nhận xét đó. Góp ý khác với chửi bới và thực sự, nhiều khán giả bây giờ lại rất thích chửi bới, quy chụp. 

Có một điều đặc biệt là khi xem xét cách đánh giá, đưa ra vấn đề của những "góp ý" này, chúng tôi đều nhận thấy: chúng chủ yếu đến từ những bạn trẻ có vốn hiểu biết chưa rộng và tự tin thái quá vào những gì mình biết. Tôi nghĩ, nỗi buồn về những khán giả tiêu cực đó cũng đi đôi với niềm vui bởi bên cạnh đó, vẫn có rất nhiều khán giả đánh giá công tâm. Chính do vậy, tôi nghĩ những người làm nghệ thuật hãy cứ tập trung sáng tác hết sức. Khi dư luận có lên tiếng, nếu khen sai chê sai thì tự khắc sẽ có những khán giả khác giúp mình lấy lại công bằng. 

Kết: 

Muốn ngành giải trí nói chung và phim ảnh Việt Nam nói riêng có thể vươn cao hơn, xa hơn, những người tâm huyết với nghệ thuật chính là thành phần cốt cán. Nhưng bên cạnh đó, khán giả cũng là thành phần quan trọng không kém, thúc đẩy sự phát triển này. Vậy nên, nếu bạn là người xem có kiến thức và suy nghĩ, hãy quan tâm hơn đến phim ảnh nước nhà để giúp đỡ, góp phần phát triển nó. Đừng để sự vô tâm, ích kỷ, hùa theo của chính mình phá hỏng nhiệt tình của những người tâm huyết!