“Bom nhân khẩu học” chờ phát nổ tại Nhật

Hoàng Vũ Spiderum, Theo Thời Đại 19:14 02/04/2017

Những dấu hiệu rõ ràng nhất trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật cho thấy Nhật Bản đang trở thành một "quả bom hẹn giờ" nhân khẩu học. Nước Nhật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do dân số ngày càng già. Liệu họ còn bao nhiêu thời gian nữa để thay đổi "ngày tận thế"?

Tỉ lệ sinh giảm đang là một vấn đề nan giải của các nước phát triển và hiện tại, Nhật Bản là nước có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới. 

Những đứa trẻ được sinh ra ít hơn, trong khi dân số lớn tuổi ngày càng tăng. Điều này khiến chi phí an sinh xã hội đang trở thành gánh nặng cho thế hệ trẻ Nhật. Một số nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tohoku ở Sendai đã ước tính thời gian "đếm ngược tuyệt chủng" của Nhật Bản là năm 3776 - năm mà chỉ còn duy nhất 1 đứa trẻ dưới 15 tuổi ở Nhật sống sót.

Những dấu hiệu dưới đây là minh chứng rõ ràng nhất cho "ngày tận thế" của Nhật Bản.

Bỉm của người lớn bán chạy hơn của trẻ em

“Bom nhân khẩu học” chờ phát nổ tại Nhật - Ảnh 1.

Từ năm 2011, doanh số bán tã dành cho người lớn tại Nhật trở nên vượt trội so với số lượng tã trẻ em. Xu hướng này phản ánh số lượng người cao tuổi lớn đến mức báo động, khi mà nhóm người trên 65 tuổi nhiều hơn bất cứ nhóm nào khác trong xã hội Nhật. Trong tổng số 127.11 triệu người dân Nhật, có đến 26.7% là người cao niên, tăng 3.7% so với 6 năm trước.

Năm 2016 - tỉ lệ sinh tại Nhật Bản thấp nhất trong vòng 117 năm

“Bom nhân khẩu học” chờ phát nổ tại Nhật - Ảnh 2.

Kể từ năm 1899, số trẻ được sinh ra hàng năm tại Nhật là trên 1 triệu. Tuy nhiên, con số này đã tụt xuống mức 980.000 vào năm ngoái, sụt giảm khoảng 20.000 so với trước kia. Trong khi đó, số lượng người chết là khoảng 1,3 triệu người.

Bạn bè kết hôn với nhau

Một trong những đặc điểm chính của quả bom nhân khẩu học đó là người trẻ tuổi dành quá nhiều thời gian cho công việc thay vì hoạt động xã hội. Họ lo lắng cho sự nghiệp hơn là chuyện lập gia đình. Thậm chí, đôi khi họ bằng lòng trở thành bạn đời với chính những người bạn của mình.

Thống kê năm 2015 ở Nhật được thực hiện bởi Cabinet Office chỉ ra rằng, gần 40% người độc thân ở độ tuổi 20 - 30 cho biết họ không cần một người yêu lãng mạn ở đời thực do không có thời gian hẹn hò. Nhật báo Japantimes trích khảo sát của công ty tư vấn hôn nhân O-net, có tới 74,3% thanh niên trong độ tuổi 20 ở Nhật không chịu yêu ai - tăng gần gấp rưỡi so với tỉ lệ 50% vào năm 1996.

“Bom nhân khẩu học” chờ phát nổ tại Nhật - Ảnh 3.

Giới trẻ Nhật ngày càng không thích đời sống gia đình gò bó, thay vào đó, họ thích những mối quan hệ ảo không ràng buộc. Và nếu có kết hôn thì những cuộc hôn nhân đó thường không mang lại hạnh phúc.

Chuyên gia hôn nhân Aizawa nhận định, một cơ thể nam tính không phải là điều người trẻ ở Nhật cần. Với họ, yêu đương chỉ phí thời gian và chuốc lấy cảm xúc tiêu cực khi mối quan hệ đổ vỡ. Họ cần một mối liên kết không ràng buộc. Đây quả thực là một điều đáng lo ngại đối với tình trạng "dân số già" ở Nhật.

Người già bị bỏ rơi

“Bom nhân khẩu học” chờ phát nổ tại Nhật - Ảnh 4.

Từ "ubasute" trong tiếng Nhật để chỉ một tập tục xa xưa ở Nhật Bản, khi mà người ta bỏ rơi người già ở một nơi hẻo lánh cho đến chết. Theo truyền thông Nhật Bản, xu hướng "ubasute" đang trở lại.

Xu hướng này mô tả hành động những người trẻ giao người già trong gia đình cho các bệnh viện hay tổ chức từ thiện, điều này về cơ bản là bỏ rơi họ. Nguyên nhân chính của vấn đề là do những người trẻ không còn chăm sóc được cho thế hệ già.

Mặc dù đã quay trở lại, thế nhưng trên thực tế, xu hướng này vẫn chưa phổ biến. Bởi theo một nhân viên làm công tác xã hội, những trường hợp như trên rơi vào khoảng vài trăm mỗi năm.

Nhà tù trở thành viện dưỡng lão

“Bom nhân khẩu học” chờ phát nổ tại Nhật - Ảnh 5.

Khoảng 1/5 tội phạm ở Nhật là người cao tuổi, hầu hết là ăn cắp vặt. Trong bối cảnh tỉ lệ tội phạm cao tuổi tăng, nhà tù lại phù hợp để trở thành những viện dưỡng lão. Các quản giáo ở đây có thể tắm cho tù nhân, giúp họ mặc quần áo.

Thông thường, người thân sẽ chăm sóc các tù nhân sau khi ra tù. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chi phí sinh hoạt hay sự cô đơn trở nên qua lớn khiến người già xem nhà tù là một sự lựa chọn tốt hơn.

Làm việc cho đến chết

Những ngày làm việc kéo dài đang dẫn đến nhiều trường hợp tử vong do làm việc quá sức, hay còn gọi là "karoshi" trong tiếng Nhật.

Vào đêm Giáng sinh 25/12/2015, cô Matsuri Takahashi đã nhảy lầu tự tử từ tầng trên cùng của ký túc xá Dentsu - Công ty quảng cáo uy tín nhất Nhật Bản. Theo báo cáo kết quả điều tra của cơ quan điều tra tiêu chuẩn người lao động Mita, cô Takahashi tự vẫn do làm việc quá sức. Và điều đáng lo ngại là đây không phải lần đầu tiên người Nhật chọn cách kết thúc cuộc đời vì công việc quá áp lực.

“Bom nhân khẩu học” chờ phát nổ tại Nhật - Ảnh 6.

Theo một báo cáo về "karoshi", hơn 20% trong số 10.000 người được hỏi cho biết họ làm việc ít nhất 80 tiếng ngoài giờ trong một tháng, đây cũng là dấu hiệu của người trẻ đang chiến đấu cho những khoản thu nhập thêm.

Nhật báo Japantimes của chính phủ Nhật Bản đã cung cấp số liệu có tới 93 người tự sát vì làm việc quá sức trong năm 2015.

Luật lao động của Nhật Bản yêu cầu mỗi người chỉ được phép làm việc tối đa 8 tiếng/ngày và 100 tiếng/tháng.

Đây có lẽ là những nỗ lực của Chính phủ Nhật để khuyến khích người dân rời công sở đúng giờ hay có những ngày nghỉ ngơi giải tỏa tâm lý căng thẳng cho người lao động.

Đồng hồ đếm ngày tận thế

“Bom nhân khẩu học” chờ phát nổ tại Nhật - Ảnh 7.

Theo thời gian, tỷ lệ sinh thấp nếu không có dân nhập cư đồng nghĩa với việc "tuyệt chủng" cả một quốc gia. Trong ngắn hạn, điều này có nghĩa nước Nhật sẽ mất đi 34% dân số vào năm 2100. Còn về lâu dài, các nhà nghiên cứu tại đại học Tohoku ở Sendai đã chỉ ra ngày tuyệt chủng của nước Nhật là ngày 16/8/3776.

Có thể thấy, tình trạng già hóa dân số ở các nước phát triển đem lại những hệ lụy không nhỏ cho con người và xã hội. Đây cũng sẽ là xu hướng chung của nhiều nước đang trên đà phát triển. Hi vọng những nước tiên phong như Nhật Bản sẽ sớm đưa ra được cách giải quyết những quả bom nổ chậm này.