3 nữ nhân đáng thương của "Như Ý Truyện" vì tranh quyền đoạt sủng mà đánh mất chính mình

Phanh, Theo Trí Thức Trẻ 13:29 12/09/2018

Phía sau cánh cổng Tử Cấm Thành là cung điện nguy nga lộng lẫy. Nhưng hào quang, địa vị ấy cũng chẳng đổi lấy được bình yên của 3 nữ nhân này trong Như Ý Truyện.

Xưa nay, các bộ phim về cung đấu ít nhiều cho khán giả hiểu rõ những trò tranh đoạt khốc liệt nơi Hoàng cung. Đã có không ít người bất chấp mọi thủ đoạn để được đắc sủng, cũng có người từ trên cao ngã xuống và mãi chẳng thể đứng dậy.

Có thể thấy trong Hậu Cung Như Ý Truyện, dàn thê thiếp của vua bổng lộc vô biên, người hầu kẻ hạ tấp nập nhưng có mấy ai cảm thấy hạnh phúc thật sự. Nếu như Như Ý (Châu Tấn) may mắn có được tình yêu của Càn Long (Hoắc Kiến Hoa), được vua yêu thương, hết mực tin tưởng thì Phú Sát Lang Hoa (Đổng Khiết), Cao Hi Nguyệt (Đồng Dao), Kim Ngọc Nghiên (Tân Chỉ Lôi) lại không được như thế. Những nữ nhân này làm ra bao nhiêu chuyện xấu rồi tự mình chuốc về đau đớn, ngẫm cho thật kỹ càng, lại cảm thấy những con người này vô cùng đáng thương.

3 nữ nhân đáng thương của Như Ý Truyện vì tranh quyền đoạt sủng mà đánh mất chính mình - Ảnh 1.

Phú Sát Lang Hoa – người gánh trên vai cả gia tộc

Lang Hoa (Đổng Khiết) vốn là nữ nhi của Sa Tế Phú Sát thị, Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ đại thế tộc danh giá. Xưa nay bao đời phò tá dưới triều Thanh chiến công hiển hách, uy nghiêm đầy mình. Được chọn làm Đích phúc tấn của Càn Long Đế khi còn là Bảo Thân Vương. Với địa vị tôn quý, nàng xuất giá mang theo trên mình sự kỳ vọng của gia tộc, hy vọng cơ đồ thịnh an.

3 nữ nhân đáng thương của Như Ý Truyện vì tranh quyền đoạt sủng mà đánh mất chính mình - Ảnh 2.

Lang Hoa sinh ra là để trở thành mẫu nghi thiên hạ như Hoàng thượng vẫn tin tưởng. Một vẻ ngoài hiền từ, nhu thục của nàng cũng không che nổi tâm địa sâu bên trong. Đằng sau những âm mưu thâm độc khiến Như Ý nhiều lần suýt bỏ mạng là nỗi ám ảnh khôn nguôi của Lang Hoa về Như Ý. Con đường đến với ngôi vị Hoàng hậu chẳng dễ dàng gì khi vị trí của mình cũng suýt bị cướp mất. Nỗi uất hận đêm tân hôn không được sủng ái khiến nàng hận, dần nghi ngờ vị trí đứng đầu của mình ra tay thâm độc với Như Ý và Hi Nguyệt. Ngôi vị càng cao người ta càng sợ, càng đa nghi, toan tính với mọi thứ xung quanh.

3 nữ nhân đáng thương của Như Ý Truyện vì tranh quyền đoạt sủng mà đánh mất chính mình - Ảnh 3.

Để bảo toàn hậu vị, bảo vệ cả gia tộc Phú Sát, người thiếu nữ khuê các trong sáng năm nào đã trở thành một hoàng hậu thâm độc. Dùng mạng sống của người khác làm bàn đạp cho mình. Đến khi những đứa con của mình lần lượt không từ mà biệt, Lang Hoa mới đau lòng oán trách. Cuối cùng lại chính nàng cũng lại bị Càn Long chất vấn, uất ức mà chết. Cả một đời nàng sống không vì bản thân mình, sống để gồng mình gánh vác sức nặng của thế tộc, của uy quyền. Xét cho cùng ông trời cũng thích đáng lấy đi của Lang Hoa những gì nàng đã cướp đi của người khác. Cứ coi như ở đời này Hoa đã nhẹ nhõm trút hết gánh nặng mà ra đi.

3 nữ nhân đáng thương của Như Ý Truyện vì tranh quyền đoạt sủng mà đánh mất chính mình - Ảnh 4.

Cao Hi Nguyệt – Trung thành một cách ngây ngốc

Cuộc tuyển tú năm ấy Hi Nguyệt (Đồng Dao) không được đích thân Càn Long lựa chọn nhưng sau lại là phi tần được sủng ái nhiều nhất. Xuất thân là con gái của đại học sĩ Cao Bân, người được vua hết lòng trọng dụng, nên Hi Nguyệt trở thành kẻ hống hách nhất hậu cung.

3 nữ nhân đáng thương của Như Ý Truyện vì tranh quyền đoạt sủng mà đánh mất chính mình - Ảnh 5.

Buổi tuyển tú năm đó Hi Nguyệt như bông hoa chớm nở.

Tính cách cao ngạo, tâm cơ nông cạn, ác nhưng không tới. Hi Nguyệt vốn chẳng sân si tranh hậu, một lòng muốn cùng tỷ tỷ sống đời mặn ngọt nhưng nàng chẳng ngờ, người tỷ tỷ nàng luôn gọi lại chính là kẻ khiến mình chẳng thể nào có con. Cao Hi Nguyệt giống như người "ruột để ngoài da", mọi điều nàng nghĩ đều thể hiện hết ra ngoài mà khi mới nhìn vào khán giả biết ngay "chị này đóng vai ác" nhưng thực chất Nguyệt chỉ là con bò bị dắt mũi.

Hết lần này đến lần khác, Qúy phi cùng Hoàng hậu bày mưu ám hại những phi tần khác, Như Ý, Mai tần rồi Nghi quý nhân. Đến lúc biết Gia phi có hỉ, Hi Huyệt theo thói quen muốn hãm hại con của Gia phi nhưng rồi bất giác nhận ra con người nàng đã thay đổi từ bao giờ? Tại sao bây giờ nàng lại trở thành một độc phụ nhẫn tâm đến thế?

3 nữ nhân đáng thương của Như Ý Truyện vì tranh quyền đoạt sủng mà đánh mất chính mình - Ảnh 6.

Cao Hi Nguyệt có tài chơi đàn tì bà xuất chúng.

Cả một quãng thời gian dài chưa lúc nào Hi Nguyệt có một chút tâm cơ với Hoàng hậu. Một lòng cúc cung tận tụy, không ngờ lại đổi lấy trái đắng. Thứ nàng cần duy nhất chỉ là một đứa con nhưng cũng chẳng thể nào có. Trận tuyết mùa đông năm ấy, bầu trời Hàm Phúc Cung một màu u ám. Cao Hi Nguyệt một mình bước đi trời mưa tuyết ngước mắt nhìn trời cao lần cuối trước khi ngã gục trên tuyết trắng.

3 nữ nhân đáng thương của Như Ý Truyện vì tranh quyền đoạt sủng mà đánh mất chính mình - Ảnh 7.
3 nữ nhân đáng thương của Như Ý Truyện vì tranh quyền đoạt sủng mà đánh mất chính mình - Ảnh 8.

Kim Ngọc Nghiên – Kẻ lữ thứ độc hành

Kim Ngọc Nghiên (Tân Chỉ Lôi) vốn xuất thân danh gia Ngọc thị Bắc Quốc vì lợi ích đất nước mà phải gả tới Đại Thanh. Nàng đành nhắm mắt gác lại mối tình khắc cốt ghi tâm với Thế tử Bắc Quốc đi làm dâu xứ người.

3 nữ nhân đáng thương của Như Ý Truyện vì tranh quyền đoạt sủng mà đánh mất chính mình - Ảnh 9.

Một mình trên đất khách, kẻ độc hành lại phải càng mạnh mẽ để chống chọi lại mọi thứ. Với nhan sắc mỹ miều, tâm cơ thâm hiểm được lòng Hoàng đế nàng dần trở thành Gia quý nhân, Gia Tần, Gia phi chẳng còn là Kim Ngọc Nghiên hiểu điều biết chuyện của Bắc Quốc ngày nào.

Cuộc sống trong cung vốn khắc nghiệt, nàng hiểu rằng nếu mình không phải là kẻ mạnh thì sẽ bị người khác chà đạp. Một mặt, lại chính vì bảo vệ các con của mình, nàng tìm mọi cơ hội để đưa con trai Vĩnh Thành lên ngôi. Cuối cùng bị Càn Long nghi ngờ tâm cơ, bị sỉ nhục đến mức đau lòng sinh bệnh mà chết.

3 nữ nhân đáng thương của Như Ý Truyện vì tranh quyền đoạt sủng mà đánh mất chính mình - Ảnh 10.

Tạm kết

Thân làm nữ nhân của vua, sống trong hoàng cung tranh quyền đoạt sủng, mấy ai giữ được tâm tính hiền lành thục đức. Nếu không đủ mạnh mẽ sẽ bị những kẻ tàn độc nuốt chửng, hơn nữa, những nữ nhân ấy còn vì trăm vạn lý do mà buộc lòng phải kiên cường, tàn nhẫn. Tử Cấm Thành là một nơi giống như cánh cửa phép thuật của những ảo thuật gia, bước vào là một người nhưng khi bước ra lại thành một người khác.

Cuối cùng xin mượn lời của Tuệ Hiền Hoàng Qúy Phi để thay cho câu kết: "Chỉ mong kiếp sau, được vào nhà của một người bình thường, nhờ chồng dạy con, được làm một người hiền lương thục đức."