9 câu chuyện chinh phục "giấc mơ Mỹ" đầy cảm hứng của làng công nghệ

, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 19/04/2015

Những câu chuyện này đều cho thấy hành trình đi đến thành công luôn không dành cho những người chùn bước trước khó khăn.

Thống kê cho thấy hơn 1/3 các công ty công nghệ lớn ở nước này không được thành lập bởi những người không sinh ra tại Mỹ. Dưới đây là 9 câu chuyện chinh phục "giấc mơ Mỹ" của một số nhân vật có tiếng trong làng công nghệ, sau rất nhiều khó khăn.

1. Sergey Brin - Đồng sáng lập Google Inc.


Sergey Brin cùng gia đình nhập cư vào Mỹ năm anh 6 tuổi từ Liên bang Xô Viết. Chia sẻ về cảm nhận đầu tiên của anh về đất Mỹ, mẹ Sergey, bà Eugenia Brin nhớ lại mình "Sergey ngồi ở ghế sau xe hơi, ngạc nhiên về những chiếc xe khổng lồ đang đi trên đường cao tốc."

Bà chia sẻ thêm rằng Sergey Brin đã gặp rất nhiều khó khăn để hoàn nhập với môi trường mới trong thời gian đầu. Anh nói Tiếng Anh với một giọng rất nặng. "Trẻ em thường được ví những miếng bọt biển, chúng "hấp thụ" ngôn ngữ rất nhanh và thường không gặp phải vấn đề gì to lớn, tuy nhiên trong trường hợp này thì không phải vậy."

Cuối cùng Sergey Brin vẫn hoàn thành được chương trình Tiến sỹ khoa học máy tính tại trường Đại học Stanford. Đây cũng là nơi anh gặp người đồng sáng lập còn lại của Google, Larry Page. Google giờ đây là một công ty được định giá 366 tỷ USD và Sergey được cho là có khối tài sản ròng lên tới 30 tỷ USD.

2. Max Levchin - Đồng sáng lập Paypal


Max Levchin sinh ra ở Ukraine nhưng chuyển đến Mỹ năm anh 16 tuổi. Anh từng chia sẻ rằng gia đình mình khá nghèo khi đến Mỹ vào năm 1991 và cách phát âm tiếng Anh khá nặng của anh cũng để lại nhiều khó khăn trong giao tiếp. Để khắc phục điều này, Max đã chăm chỉ luyện tập bằng cách xem các chương trình TV của Mỹ. Anh nói thêm mình tìm thấy một chiếc TV ở bãi rác và sửa nó thành công để xem.

Max Levchin thành lập Paypal năm 1998 cùng Peter Thiel và Elon Musk, 7 năm sau khi đặt chân đến Mỹ. Công ty này bị thâu tóm bởi eBay vào năm 2002 với giá khoảng 1,5 tỷ USD.

3. Jan Koum - Đồng sáng lập WhatsApp


Jan Koum cũng sinh ra ở Ukraine trong một gia đình không có nước nóng để dùng. Gia đình anh chuyển đến Mỹ năm anh 16 tuổi và mọi thứ tiếp tục khó khăn khi họ phải sống dựa vào chương trình Food Stamps (trợ cấp lương thực cho các gia đình có mức thu nhập thấp). Mẹ anh khi ấy làm nghề trông trẻ trong khi anh phụ giúp việc lau chùi tại một cửa hàng thực phẩm địa phương. Bố Jan qua đời năm 1997 nên không thể đến Moutain View cùng gia đình. Mẹ của Jan Koum cũng qua đời ba năm sau đó.

Mặc cho những khó khăn chất chồng, Jan Koum đã tự mày mò các kiến thức về mạng máy tính thông qua một cuốn sách cũ mua lại được. Anh nhập học Đại học San Jose và sau đó có một vị trí tại Yahoo. Năm 2009, Jan Koum tạo ra WhatsApp, một ứng dụng nhắn tin về sau được Facebook mua lại với số tiền lên tới 19 tỷ USD. Đến nay, Jan Koum có khối tài sản ròng 7,2 tỷ USD.

4. Jerry Yang - Đồng sáng lập, cựu CEO Yahoo!


Sinh ra ở Đài Loan, Jerry Yang cùng gia đình đến Mỹ năm 1976 khi ông 8 tuổi. Lúc đó, ông chỉ biết đúng một từ tiếng Anh duy nhất là "shoe" (giày) và thực tế Jerry Yang mất 3 năm sau đó để có thể sử dụng Tiếng Anh thành thạo. Dù vậy, khó khăn về ngôn ngữ không ngăn ông có được những tấm bằng, học vị danh giá. Jerry nhận bằng cử nhân và thạc sỹ kỹ sư điện tử tại Đại học Stanford. Cũng tại đây, ông gặp David Filo và cùng nhau lập ra Yahoo!, cổng thông tin Internet lớn nhất vào những năm 90 của thế kỉ trước.

Jerry Yang thôi làm CEO của Yahoo vào năm 2009 và ba năm sau ông cũng rời công ty mà mình tạo ra với khối tài sản ròng 1,15 tỷ USD. Jerry Yang hiện nay vẫn là một nhà đầu tư tích cực tại Thung lũng công nghệ Silicon.

5. Sanjay Mehrotra - Đồng sáng lập, CEO SanDisk


Có quốc tịch Ấn Độ, Sanjay được nhận vào trường UC Berkeley năm 18 tuổi. Hành trình xin visa của ông đầy khó khăn khi bị từ chối ba lần liên tiếp cho đến khi cuối cùng cũng được chấp nhận sau cuộc nói chuyện của ông và lãnh sự Mỹ.

Ông hoàn thành khóa học thạc sỹ khoa học máy tính và kỹ sư điện tử tại Berkeley sau đó. Khi ra trường, Sanjay làm việc cho Intel và tại đây ông gặp người đồng sáng lập còn lại của SanDisk Eli Harari. Năm 1988, SanDisk được thành lập và 26 năm sau công ty này có giá trị vốn hóa lên tới 18 tỷ USD đồng thời có 8.700 nhân sự trên toàn cầu.

6. Tien Tzuo - Người sáng lập Zuora


Tien Tzuo chuyển đến Mỹ sống trong những năm 70 thế kỉ trước khi mọi thứ rất khó khăn. Anh từng chia sẻ rằng mình đã bị tấn công một vài lần khi tới đây bởi khu vực anh sống có an ninh không tốt. Về sau, Tien Tzuo có được bằng kỹ sư điện tử đại Đại học Cornell và tìm được việc tại Oracle và Saleforce trước khi thành lập công ty riêng có tên Zuora vào năm 2007. Tháng trước, Zuora đã kêu gọi đầu tư thành công 115 triệu USD và đến nay nó có giá trị khoảng 1 tỷ USD.

7. Andy Grove - Cựu CEO Intel


Andy Grove sinh ra ở Hungary và chuyển đến Mỹ năm 1957. Không có nhiều tiền và cũng không có khả năng Tiếng Anh tốt, Andy đã gặp vô vàn khó khăn trên đất Mỹ. Ông từng làm bồi bàn trong những năm tháng học đại học ở New York.

Cuối cùng, Andy đã được nhận bằng Tiến sỹ kỹ sư điện tử ở UC Berkeley và vào làm việc tại Fairchild Semiconductor. Công việc này giúp ông có được vị trí cao cấp tại Intel vào những năm đầu thành lập. Andy Grove cũng có một thời gian nắm giữ chức vụ CEO tại Intel.

8. Mike Krieger - Đồng sáng lập Instagram


Mike Krieger thiếu chút nữa đã từ bỏ Instagram bởi những khó khăn anh gặp phải trong việc xin visa Mỹ. Chia sẻ với Bloomberg, anh nói: "Lúc đó có lẽ tôi nên nói với Kevin (người đồng sáng lập Instagram) rằng tôi nên quên mọi thứ và anh ấy nên tìm một người khác." Cuối cùng mọi thứ cũng được giải quyết và Mike bắt đầu tập trung vào Instagram.

Hiện nay, Instagram là mạng xã hội hình ảnh rất được yêu thích. Nó có khoảng 150 triệu người dùng hoạt động.

9. Vinod Dham - "Cha đẻ dòng chip Pentium"


Vinod Dham được biết đến rộng rãi với biệt danh "Cha đẻ dòng chip Pentium" tại Intel. Tuy nhiên, trước khi những danh tiếng và thành công đến, ông chỉ là một chàng sinh viên nghèo trên đất Mỹ.

Theo VentureBeat, Vinod đến Mỹ vào những năm 1970 và khi ấy ông chỉ nhận được khoản trợ cấp 8 USD từ chính phủ Ấn Độ. May mắn là ông đã được ghi danh vào một khoản vay tại trường Đại học Cincinnati đồng thời nhanh chóng kiếm được công việc là trợ lý nghiên cứu với mức lương 325 USD.

(Tham khảo: BusinessInsider)