Xóm nghèo chân cầu Long Biên gồng mình qua giá lạnh của mùa đông Hà Nội

Bá Cường - Ngọc Thắng, Theo Trí Thức Trẻ 07:10 09/01/2019

Những căn nhà, tấm bè trống trên hổng dưới không ngăn được cái lạnh thấu da thấu thịt mùa đông Hà Nội, những số phận mỏng manh trong khu xóm nghèo phải cố gồng mình tìm đủ mọi cách che chắn để vượt qua nghịch cảnh.

Nằm dưới chân cầu Long Biên, bên cạnh phố phường phồn hoa náo nhiệt tồn tại hai quần cư nhỏ im lìm, lặng lẽ. Trên bờ sông, phía ngoài chân đê có một "khu ổ chuột" với những mái fibro xi măng lụp xụp, xám xịt. Nơi này có chừng 50, 70 con người cùng sinh sống.

Khu xóm nghèo lụp xụp.

Cách đó không xa, phía ngoài bãi bồi cũng lại có một quần cư lặng lẽ khác gồm gần 30 nóc nhà nằm khuất sau bãi chuối. Những ngôi nhà này thực chất là những cái bè, được thưng cất bằng đủ thứ vật liệu như nilon, bạt dứa, ván ép, bất cứ cái gì chủ nhân căn nhà tìm được.

Điểm chung ở những ngôi nhà của cả hai khu quần cư là không hề bền kín, ngày nắng thì ngột ngạt, ngày mưa thì ẩm thấp, dột nát. Khốn khổ hơn là những ngày đông giá này, khi nhiệt độ Hà Nội xuống dưới 10 độ C, gió rít vèo vèo qua vách, qua mái, qua sàn, qua tất cả mọi nơi vì những căn nhà vốn không có chỗ nào kín đáo.

Những căn nhà không kín trên bền dưới.

Công việc của những người ở dưới bè cũng tương tự như những người sống ở xóm ổ chuột trên bờ, họ làm đủ thứ nghề từ lao công, cửu vạn, ve chai, hàng rong, bán nước… Khoản thu nhập vừa đủ ăn trong ngày, đối với họ, những dự định tương lai đơn giản là ngày mai có mối nào lau dọn chưa hay đêm nay nên đến khu nào bới rác.

Xóm nghèo chân cầu Long Biên gồng mình qua giá lạnh của mùa đông Hà Nội - Ảnh 3.

Nhiều người khác trong khu nghèo làm nghề bốc xếp, thồ hàng, cửu vạn vào ban đêm, ban ngày những xe thồ xếp hàng la liệt.

Những mảnh đời lặng lẽ

Trong khu ổ chuột, không ai không biết bà Sinh, lý do là vì bà khổ hơn những người cùng khổ khác trong xóm. Người phụ nữ hay nói đúng hơn là bà lão này có lẽ đã thành người không tuổi. Không ai nhớ bà đến đây từ bao giờ, nhưng có lẽ là lâu lắm. Hồi bà đến có ôm theo một đứa bé gái đang đỏ hỏn, nay thì con gái bà tóc cũng đã nhuộm màu sương.

"Tôi lấy chồng từ khi 13 tuổi, nhà chồng mong một đứa con trai, tôi lại sinh ra đứa con gái, thế là hai mẹ con bị đuổi khỏi nhà, dạt từ Thái Nguyên xuống đây cư ngụ", bà Sinh kể.

Bà sinh làm nghề nhặt ve chai từ hồi đó đến giờ, ngày ở nhà, đêm xuống thì đi làm, sáng ra lại về, con gái bà làm cửu vạn. Sống cùng trong căn phòng lụp xụp, tối tăm chừng 10m2 với hai mẹ con bà là 4 người phụ nữ khác, họ có chung hoàn cảnh và nghề nghiệp, cũng đến từ khắp mọi nơi.

Xóm nghèo chân cầu Long Biên gồng mình qua giá lạnh của mùa đông Hà Nội - Ảnh 4.

Bên trong những căn phòng tạm bợ là lỉnh kỉnh vô số thứ.

Những lỗ hổng trên vách được nhét kín bao nilon, những khung cửa sổ được vá chằng vá đụp bởi bìa carton. Nhưng tất cả những sự cố gắng đó cũng vẫn không ngăn nổi những trận gió lạnh căm căm lùa vào nhà, những người phụ nữ vẫn phải trùm chăn kín đầu để giữ ấm.

Thế mà so với phòng trọ bà Thành thì phòng của bà Sinh còn "sang" chán. Phòng bà Thành rộng chừng 7m2, nằm cạnh con mương rác bốc mùi hôi thối. Hơn nữa, căn phòng còn nằm mép ngoài khu ổ chuột, hứng trọn luồng gió lạnh từ ngoài sông thổi vào. Những trận mưa rả rích làm nền nhà luôn ẩm thấp, bà cũng phải thường xuyên kiểm tra những vết nứt trên mái fibro xem có chỗ nào dột hay không.

Bà Thành làm nghề ve chai, những ngày này, căn phòng trống hổng trổng hoảng của bà không thể ngăn nổi gió rét.

Ở đây, nhiều phòng trọ chung nhau một cái nhà vệ sinh, một cái nhà tắm. Nói là nhà tắm chứ thực chất nó chỉ là mấy tấm phên nứa gá víu vào nhau, rộng chừng 1m2, bên trong có 1 vòi nước và 1 thùng xốp đựng nước.

Những nhà tắm gió rít vèo vèo.

"Tất nhiên mùa này không thể tắm được, lạnh lắm. Ở đây làm gì có nước nóng, ai bạo thì cứ thế ra dội nước lạnh, không thì chịu thôi", bà Sinh cười.

Bên ngoài xóm nhà bè, ông Thắng (65 tuổi) đang trải những tấm bạt vừa lượm được ra sàn để ngăn gió thổi dưới mặt nước lên, bên trên tấm bạt ông sẽ trải một chiếc chiếu để ngả lưng, tất nhiên những thứ này đều là đồ nhặt được. Vợ ông là bà Hạnh lúc này đang đi bán rong trong phố.

Xóm nghèo chân cầu Long Biên gồng mình qua giá lạnh của mùa đông Hà Nội - Ảnh 7.

Trông căn nhà bè, ông Thắng trải những chiếc chiếu và một tấm bạt dứa lên để ngăn gió thổi từ mặt sông lên sàn.

Ông Thắng quê Hải Dương, bị cụt 1 tay, ông lên đây đã 15 năm cùng với 1 đứa con, khi gặp nhau thì bà Hạnh cũng có 1 đứa con, thế là cả hai dọn về 1 nhà có đủ nếp lẫn tẻ.

"Các con đi làm ăn, chúng tôi ở đây quen rồi, cũng không dự định đi đâu cả. Lạnh thì lạnh thật, nhưng có những năm thời tiết xuống còn 6, 7 độ C cũng sống được, rồi cũng qua cả, quen rồi", ông Thắng nói.

Quây quần, nương tựa nhau vượt qua nghịch cảnh.

Bên ngoài sông gió vẫn rít từng hồi, căn nhà được neo bằng một sợi dây thừng, nối với bãi bồi bởi 1 tấm gỗ vừa đủ 1 người qua lại. Gần 30 căn nhà ở đây đều thế, mỏng manh và chòng chành.

Cạnh nhà ông Thắng, một người phụ nữ đang phủ những tấm nilon lên mái và xung quanh căn nhà để ngăn gió. "Phủ thế thôi chứ lạnh lắm, cũng phải chịu chứ biết làm sao được", người phụ nữ giải thích khi thấy chúng tôi nhìn với vẻ tò mò.

Xóm nhà bè.

Ông Hùng (88 tuổi, quê Bắc Ninh) là người lập nên xóm nhà bè giữa bãi sông này. Ông Hùng kể: "Ngày xưa do đói kém, dân dạt từ các tỉnh lên Hà Nội kiếm ăn, vì không có điều kiện nên mọi người đành phải sống gầm cầu hoặc ra bãi bồi lập lều ở tạm. Ở lâu thành quen, ban đầu ở trên bờ nhưng do không thuận lợi nên một vài người nghĩ đến chuyện làm nhà bè, rồi những người khác cũng làm theo.

Lâu dần, lớp người này đi, lớp người khác lại đến, bây giờ ở đây có nghĩa trang, có đền thờ, bãi bồi đã thành quê hương đích thực của những người ở đây".

Cô Hồng được bầu làm trưởng thôn ở đây, điều hành những hoạt động sinh hoạt chung của quần cư. "Xóm nhà bè này cũng phải tồn tại được hơn 30 năm rồi đấy. Mọi người không họ hàng thân thích nhưng sống với nhau còn hơn cả họ hàng. Những lúc có người ốm đau, có nhà gặp chuyện thì cả làng cùng lo lắng. Sống lâu rồi cũng quen, nói đủ thì không biết thế nào là đủ, chỉ biết vui vẻ, chấp nhận sự an bài của số phận", cô Hồng nói.

Có lẽ cái khó khăn ở đây đã kéo họ lại, buộc họ vào nhau, bắt buộc họ phải như thế để vượt qua những cái thiếu thốn, khó khăn của cuộc sống. Lại một mùa đông giá nữa đang đến, họ chia nhau những tấm nilon, những thùng phuy để không ai trong làng bị rét, phải khổ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày