Thanh Hóa: Sau khi được vinh danh, cây Di sản "đột tử"

Người đưa tin, Theo 14:10 19/05/2015

Thời gian gần đây, 2 cây gạo hàng trăm năm tuổi ở Thanh Hóa sau khi được vinh danh là cây Di sản bỗng dưng chết không rõ nguyên nhân.

Cây Di sản ở làng Cẩm Bào, xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa) - một cây gạo có gần 400 năm tuổi đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản vào năm 2013. Trải qua mấy trăm năm, cây vẫn tỏa bóng mát, là niềm tự hào của dân làng Cẩm Bào. Nhưng thời gian gần đây, sau khi vừa được công nhận là cây Di sản, cây cổ thụ này bắt đầu có hiện tượng vàng lá, bong vỏ rồi chết dần. Dân làng Cẩm Bào và chính quyền địa phương đã tìm mọi cách cứu cây nhưng đều không có kết quả.


Cây gạo gần 400 năm tuổi ở làng Cẩm Bào bỗng nhiên "đột tử". Ảnh: Người Lao Động

Cây Di sản khác ở Thanh Hóa cũng chịu chung số phận, đó là cây gạo ở làng Hổ Đàm, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa. Cây Di sản hơn 200 năm tuổi này có chiều cao khoảng 40 đến 45m, chu vi thân cây tại độ cao cách mặt đất 1,3m là 7m, tính ra đường kính 2,1m. Cây đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao bằng chứng nhận “Cây Di sản Việt Nam” vào năm 2012.

Tuy nhiên, đầu năm nay, cây cũng có biểu hiện héo lá, bong vỏ ở thân, gốc cây rồi chết.


Cây gạo hơn 200 năm tuổi ở làng Hổ Đàm cũng chịu chung số phận. Ảnh: Dân trí

Nguyên nhân khiến 2 cây Di sản này chết bất ngờ được cho là do sự can thiệp của con người. Đối với "cụ cây" hơn 200 năm tuổi ở làng Hổ Đàm, nhiều người dân nơi đây đánh giá là do khi mọi người đào xung quanh để xây thành bao rồi chăm bón không đúng khoa học khiến "cụ cây" đột tử.

Lý do tương tự cũng được các cụ cao niên làng Cẩm Bào đưa ra để lý giải cho cái chết của "cụ cây" gần 400 năm tuổi của làng. Hàng trăm năm thời tiết khắc nghiệt, mưa bom bão đạn cây vẫn hiên ngang cùng xóm làng, nhưng khi cây được công nhận là cây Di sản, người ta đào đất làm tường rào bào quanh, có thể trong lúc đó có người đã chặt vào rễ cây, làm rễ bị xót. Khi chuẩn bị đón bằng công nhận cây Di sản, chính quyền địa phương cũng cho bón khoảng 4 tạ phân lân xuống gốc, số phân như vậy là quá nhiều khiến cây bị "bội thực". Lý do này cũng được đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nông Cống dự đoán. Tuy chưa khẳng định được về lý do cây cổ thụ 400 năm chết bất ngờ, nhưng vị này cũng đề cập đến việc cây Di sản ở cạnh con sông Yên có nguồn nước ô nhiễm....

Thực tế, cây Di sản bị chết bất ngờ không chỉ xảy ra tại Thanh Hóa mà còn xảy ra với nhiều cây Di sản ở các địa phương khác. Lý do do thiên nhiên có, con người có. Từ đó đã đặt ra thách thức về vấn đề bảo tồn những loại cây Di sản đối với Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam, đơn vị công nhận cây Di sản Việt Nam.

Tại Việt Nam có hơn 600 cây Di sản đã được công nhận, những cây này đều có tuổi thọ hàng trăm năm. Theo đánh giá, hầu hết các cây được công nhận bị nhiều sâu bệnh, già cỗi, mục thân, gãy cành, nhiều nấm ký sinh. Phần lớn cây Di sản đã bị những công trình kiến trúc, nhà ở bao vây; bị ảnh hưởng hóa chất độc hại và sự tàn phá của thiên nhiên làm cho héo úa, chết khô… Nhiều cây sống ở môi trường độc hại, thuốc trừ sâu làm hệ rễ chết khiến cây chết khô...

Hiện Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường Việt Nam đang rà soát lại tất cả cổ thụ và cây Di sản có giá trị trên cả nước để có kế hoạch chăm sóc, bảo vệ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày